Khuyến khích dân làm cách mạng nông nghiệp, nhờ
vậy họ trở nên giàu có nhưng chẳng bao lâu sau lại cưỡng chế hết đất đai tài sản
của họ, biến họ trở thành tay trắng.
Ngày 24 tháng 4, 2012 khoảng 2 tới 3 ngàn công
an, cảnh sát cơ động, cán bộ các ngành đã được huy động tới để đối phó với vài
trăm nông dân ở xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, Hưng Yên. Trước sự chống đối của
người dân, nhà cầm quyền đã bắn lựu đạn cay, cho công an và CSCÐ rượt đánh các
người chống cưỡng chế. Tin cho hay có 20 người đã bị bắt và bị quy cho tội
“chống người thi hành công vụ”.
Bài viết của báo Nông Nghiệp Việt Nam ngày Thứ
Năm 26 tháng 4, 2012 trình bày tuy tóm tắt, nhưng đầy đủ về vụ cưỡng chế đất ở
xã Xuân Quan huyện Văn Giang với nguyên nhân và hậu quả của nó.
Bài viết này cho tới chiều ngày Thứ Năm vẫn thấy
còn trên Internet trong khi một số bản tin và bài phân tích khác về vụ cưỡng chế
của báo Tầm Nhìn và báo Sài Gòn Tiếp Thị, VNExpress đã bị gỡ xuống.
“Cánh đồng của các xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu
Cao rộng gần 500 ha bao đời trước là đất hai lúa, là niêu cơm của gần 4,000 hộ
dân thuộc ba xã thuần nông. Quãng thời gian những năm 2001-2002, theo tiếng gọi
của chính quyền, người dân đồng loạt chuyển đổi ruộng thành vườn cây, ao cá. Và
‘cuộc cách mạng’ ấy đã rất thành công.” Báo Nông Nghiệp Việt Nam kể. “Thời điểm
ở các địa phương đang chật vật làm sao để đạt định mức 50 triệu đồng/ha thì ở
đây nông dân đã thu về tiền tỷ. Nhiều gia đình trở thành tỷ phú nhờ chuyển đổi,
bộ mặt xóm làng trở nên khang trang nhờ biến ruộng lúa thành vườn cây cảnh, ao
nuôi cá.”
Một rừng cảnh sát cơ động đứng trong tư thế đối
phó với người dân Xuân Quan trong khi khói lựu đạn cay được ném mù mịt để trấn
áp. (Hình: VRNs)
Rất nhiều gia đình thay vì trồng lúa, họ đã trồng
cây cảnh, cây hoa. Nhờ tiền bạc dồi dào, ở các xã trên “Nhà tầng san sát mọc
lên, vùng quê này không thua gì thành phố về khoản đầu tư hạ tầng. Những người
tiên phong đầu tư vào chuyển đổi, là nông dân nhưng nhiều gia đình nuôi 2-3 đứa
con ăn học đại học nhẹ như không. Thậm chí người dân sẵn sàng góp tiền túi để
đầu tư xây dựng đường nông thôn đi… cho sướng.”
Nhà cầm quyền địa phương có hãnh diện không? Chắc
chắn có. Nếu không vậy “Bản thân chính quyền các xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu
Cao từng được tặng cờ thi đua là đơn vị chuyển đổi cơ cấu cây trồng xuất sắc”.
Trong nhiều báo cáo tổng kết hàng năm, lãnh đạo các xã thường tự hào rằng: ‘Ở
đây, từ đứa trẻ ẵm ngửa, đến cụ già kề miệng lỗ, thu nhập bình quân đều hơn 1
triệu đồng một tháng’, báo Nông Nghiệp Việt Nam kể.
Phấn khởi là thế, giàu có là thế, đột nhiên, cuộc
đổi đời chẳng kéo dài được lâu. Nguồn tin nói ngành nông nghiệp của 3 xã trên
“trong phút chốc bị xóa sổ hoàn toàn chỉ vì một dự án”.
Năm 2003, dự án đô thị Văn Giang được ông thủ
tướng chính phủ “cho phép thực hiện và giao công ty đầu tư và phát triển đô thị
Việt Hưng làm chủ đầu tư. Ðến năm 2004, việc thu hồi đất, giao đất để thực hiện
dự án đô thị và xây dựng đường bộ từ cầu Thanh Trì đi thị xã Hưng Yên với quy mô
499,07 ha đất thuộc các xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao bắt đầu triển
khai”.
Ðiều đáng nói là tuy dự án đã được ông thủ tướng
“phê duyệt” nhưng người dân hoàn toàn bị bưng bít. Khi tin tức xì ra thì “Họ
hoang mang, tá hỏa. Khoảng 3,900 hộ dân ba xã này rơi vào cảnh mất toàn bộ đất
nông nghiệp cho dự án mà không hề biết là dự án gì, mức đền bù bao nhiêu, mất
đất sẽ sống bằng gì…?” Báo Nông Nghiệp Việt Nam kể. Nguồn tin thuật lời một nông
dân tên Phạm Hoành Sơn của xã Phụng Công nói: “Ban đầu chúng tôi chẳng tin, kéo
nhau lên xã hỏi cho ra nhẽ thì ông chủ tịch xã bảo là chưa biết gì. Ðến khi thấy
cắm biển quy hoạch mới biết là mất đất đến nơi rồi”.
Không phải chỉ người dân không biết mà cả đến
viên chức xã cũng bị bưng bít luôn.
“Về quy hoạch dự án thì ngay cả tôi cũng không
được biết hoặc tham khảo gì đâu. Lên cấp trên mà hỏi”. Ông Nguyễn Văn Tắng, chủ
tịch xã Phụng Công nói với các người đến chất vấn về vụ quy hoạch làm họ mất hết
sản nghiệp.
Trong số những nông dân thiệt hại nặng, có những
người như Phạm Hoành Sơn, vừa đi vay 150 triệu đồng để chuyển đổi từ ruộng lúa
sang ao cá và vườn ương cây cảnh, thì nhận được tin sẽ bị mất hết vì “quy
hoạch”.
Sau nhiều năm vừa dụ dỗ, vừa áp lực và đe dọa cho
tới khi bị cưỡng chế ngày 24 tháng 4 năm 2012, chỉ còn 166 gia đình với hơn 5 ha
sót lại nhất định không chịu giao đất. Những năm qua, họ đã biểu tình, chống
cưỡng chế, khiếu kiện ở địa phương không xong, họ đã kéo về Hà Nội ngồi vạ ngồi
vật trên hè phố trước các cơ quan công quyền trung ương không biết bao nhiêu
ngày, bao nhiêu lần.
“Dân chúng tôi xưa nay hiền lành, không có chuyện
kiện cáo gì đâu. Chỉ từ khi bị mất đất, cảm thấy cuộc sống, tương lai u ám quá
nên phải đi kêu, cũng chỉ mong có cấp nào quan tâm, trả lời cho chúng tôi câu
hỏi: Mất đất nông dân lấy gì để sống? Không có tư liệu sản xuất chắc chắn bị đẩy
vào con đường bần cùng hóa thôi”, bà Ðỗ Thị Dơi, một nông dân mất đất ở xã Phụng
Công nói với nhà báo.
Nhà cầm quyền đã áp lực người dân nhiều cách từ
cho côn đồ tới chém, con gái lấy chồng không được đăng ký kết hôn, giáo viên bị
dọa đổi đi xa, đảng viên bị dọa khai trừ, đủ cả.
Trong cuộc cưỡng chế, viên chức của tỉnh Hưng Yên
tuyên truyền rằng mức đền bù ở Văn Giang là “cao nhất” từ trước tới giờ ở địa
phương.
Nhưng cái giá đền bù 135,000 đồng/m2, mỗi gia
đình nông dân được vài chục triệu đồng đền bù không đủ để mua một mảnh đất khác
ở chỗ khác để cắm dùi, rồi họ làm gì để sống. Trong khi đó, nông dân ba xã Phụng
công, Cửu Cao và Văn Quan có lợi tức “tiền tỉ” thì cái giá đền bù “quá bèo”,
theo lời nông dân tên Dũng nói trên báo Nông Nghiệp Việt Nam.
Anh nói “Thử hỏi với chừng nấy tiền để đẩy chúng
tôi ra đường làm thuê thì chịu sao nổi!”
Hiến pháp Việt Nam ở điều số 2 viết: “Nhà nước
Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì
nhân dân.” Những gì vừa xảy ra cho nhân dân huyện Văn Giang hoàn toàn ngược lại
với cái điều hiến pháp của chế độ long trọng tuyên xưng.
Báo Người Cao Tuổi ngày 20 tháng 4, 2012 cho hay
vụ cưỡng chế là trái luật vì nhà cầm quyền chỉ cưỡng chế khi đó là các dự án
thuộc quân sự quốc phòng hay công ích.
Trên báo Tuổi Trẻ ngày 26 tháng 4 năm 2012, Luật
Sư Lê Ðức Tiết, cố vấn của hội đồng tư vấn pháp luật thuộc MTTQ cho rằng “Không
ít nơi, khung giá đất do nhà nước quy định không theo sát giá thị trường, giá
đền bù không đúng với giá ‘tiền tươi thóc thật’ mà người dân bán đất. Ðây chính
là mấu chốt vấn đề, làm nảy sinh khiếu kiện, tiêu cực và tham nhũng. Một mặt anh
nói là thỏa thuận theo nguyên tắc thị trường, nhưng trên thực tế thì áp giá dựa
trên khung giá được quy định.”
Bài viết của báo Tầm Nhìn (đã bị gỡ bỏ) ngày 26
tháng 4, 2012 cảnh cáo “Với thực trạng tham nhũng đã ăn vào tận ruột từ nhiều
năm qua, có thể không loại trừ những ‘Bạc Hy Lai’ Việt Nam”. Và vụ việc cưỡng
chế ở Văn Giang có “hậu quả xã hội và cả hậu quả chính trị sẽ khủng khiếp như
thế nào trong tương lai không xa nữa?”
Hôm sau ngày bị cưỡng chế, theo blogger Nguyễn
Xuân Diện, một đoàn người ở xã Xuân Quan kéo về khiếu nại ở “Văn Phòng Chính
Phủ” đã không được tiếp.
Theo: nguoi – viet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét