Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2012
Khủng hoảng ngân hàng Việt Nam nhìn từ Singapore
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu - ACBReuters
Trọng Thành
Về Việt Nam, báo Singapore « The Straits Times » có bài « Các ngân hàng Việt Nam rõ ràng đang bê bối » chú ý đến thực trạng tồi tệ của khu vực ngân hàng tại Việt Nam.Bài viết mở đầu bằng một câu hỏi : « Các vấn đề trong hệ thống ngân hàng Việt Nam nghiêm trọng đến đâu ? ». «The Straits Times» cho rằng, hiện nay không ai biết rõ được thực trạng này và niềm tin vào lĩnh vực ngân hàng đã bị lay chuyển kể từ khi ông trùm ngân hàng Nguyễn Đức Kiên bị bắt giữ, vì các cáo buộc tham nhũng.
Báo Singapore mô tả, nhiều ngân hàng Việt Nam bị nghi là phải gánh các khoản nợ xấu. Tuy nhiên, khó mà đánh giá được việc này. Theo các dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Việt Nam, các khoản tiền cho vay không có hiệu quả chiếm gần 5% của tổng số tín dụng vào thời điểm cuối tháng 5/2012, tức là tăng gần 2% so với con số 3,07% vào cuối năm ngoái 2011. Con số của Ngân hàng trung ương cho thấy thực tế nghiêm trọng hơn là theo báo cáo của các ngân hàng địa phương.
Về tỷ lệ tín dụng không hiệu quả trên tổng số tiền cho vay, công ty thẩm định tài chính Fitch Ratings còn bi quan hơn, với ước tính khoảng 15% tổng số tín dụng là nợ xấu. Trong khi đó, báo cáo mới đây của ngân hàng Anh Barclays thì đưa ra con số cao hơn là 20%. Một bài viết trên Wall Street Journal cũng đồng ý với ước tính này, với nhận định lĩnh vực ngân hàng Việt Nam hiện nay có tới 16 tỷ đô la tiền nợ xấu, tương đương với 12% GDP. Mà ở mức độ như vậy, thì việc phải nhờ đến bàn tay của Quỹ Tiền tệ Quốc tế là điều khó tránh khỏi.
Thứ sáu tuần trước 28/09, công ty thẩm định tài chính Moody đã hạ điểm tín nhiệm của Việt Nam, vì tình trạng nợ xấu. Tình hình có phần không rõ ràng, khi một công ty thẩm định khác Standard & Poor vẫn giữ nguyên vị trí của các ngân hàng Việt Nam, với lý do tình trạng đã được cải thiện.
« The Straits Times » nhắc đến thực trạng nhiều dự án xây dựng bị đình lại hay bị hủy bỏ tại nhiều vùng đô thị, đặc biệt là tại Sài Gòn và Hà Nội. Nhiều nhà đầu tư địa ốc đã phải chấp nhận hạ giá để bán được hàng. Tình trạng phá sản doanh nghiệp nhìn chung tăng lên, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp luyện kim địa phương và các cửa hàng bán lẻ, trước áp lực cạnh tranh của các dây chuyền nước ngoài.
Sau nhiều năm lạm phát nặng nề và tín dụng cấp tràn lan, Việt Nam hiện nay rơi vào tình trạng mà nhiều ngân hàng từ chối cho vay, khiến các doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư. Kết quả là tăng trưởng chậm lại, và điều này lại khiến cho các doanh nghiệp càng khó có tiền để trả nợ. Trong những tuần gần đây, lãi suất liên ngân hàng tăng lên liên tục hàng ngày tiếp theo làn sóng rút tiền gửi. The Straits Times cũng ghi nhận, cho đến nay chưa hề có trường hợp người rút tiền ồ ạt khiến ngân hàng sụp đổ.
« The Straits Times » đưa thêm một cách giải thích khác về việc ông trùm ngân hàng Nguyễn Đức Kiên bị bắt giữ và một số ông chủ cấp địa phương bị tư pháp sờ đến, với nhận định, đây có thể là do các tranh chấp quyền lực trong nội bộ đảng Cộng sản. Ông Nguyễn Đức Kiên được biết đến như một người gần gũi với thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, mà thủ tướng Dũng lại là người có các bất đồng với chủ tịch Trương Tấn Sang, xung quanh vấn đề chiến lược kinh tế, cụ thể là thái độ của chính quyền đối với nạn tham nhũng và khu vực kinh tế nhà nước trì trệ.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét