Pages

Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2012

TÌNH THẾ TIẾN THOÁI LƯỠNG NAN TẠI VIỂN ĐÔNG

Mai Linh, trích từ TVN

Nazery Khalid, Asia Times
Những cuộc họp gần đây về vấn đề Biển Đông được tiến hành ở rất nhiều nơi đã cho thấy, nếu không có những bước đi mạnh mẽ vào thời điểm hiện tại để thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia tranh chấp và giải quyết tranh chấp với một thái độ thiện chí thì “cơn sốt địa chính trị” trong vùng biển quan trọng này sẽ gia tăng, thậm chí ở mức đáng lo ngại hơn.
Sự thiếu vắng một cơ chế thống nhất để kiềm chế và chi phối hành vi của các bên tranh chấp đã góp phần gia tăng căng thẳng hiện nay tại vùng biển này. Các nước giữ vai trò quan trọng, đáng chú ý nhất là các cường quốc trong khu vực và bên ngoài, lo sợ rằng việc thiếu các hành động có ý nghĩa để làm dịu căng thẳng trên biển, sẽ tiếp tục làm cho căng thẳng trầm trọng hơn. Căng thẳng do đối đầu ở bãi cạn Scarborough giữa Trung Quốc và Philippines cũng may là đã kiểm soát, nhưng trong tình trạng nguy hiểm và có khả năng gây đụng độ quân sự trên biển.

Tại một hội nghị do Viện Hàng hải Malaysia (MIMA) tổ chức ở Kuala Lampur , các đại biểu đã không còn cảm giác lạc quan khi nghĩ rằng lẽ phải cuối cùng sẽ thắng. Tuy  nhiên, họ vẫn tiếp tục cảnh báo việc gia tăng những hành động khiêu khích và thái độ gây hấn giữa các bên tranh chấp có thể đe dọa hòa bình và sự ổn định khu vực. Cũng tại một hội nghị tổ chức tại Đài Bắc do trường Đại học Đài Loan tổ chức, đã kêu gọi các bên tranh chấp hãy giải quyết trên nền tảng của luật pháp và sự tranh chấp phải được giải quyết thông qua nguyên tắc và luật pháp quốc tế, đặc biệt là dựa trên Công ước quốc tế của LHQ về luật biển năm 1982 (UNCLOS), đã gây được tiếng vang lớn. Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vừa diễn ra tại Vladivostok, Nga cũng không là ngoại lệ. Hội nghị cũng thảo luận về những tranh chấp tại Biển Đông, phản ánh mối quan ngại xung quanh căng thẳng nói trên ảnh hưởng đến lợi ích chiến lược và kinh tế cũng như thương mại toàn cầu. Hội nghị APEC khẳng định sự cần thiết phải xác lập một bộ quy tắc quản lý và ứng xử của các bên tranh chấp tại Biển Đông và thực hiện một cơ chế giải quyết tranh chấp trước khi diễn ra hội nghị cấp cao Đông Á được tổ chức tại Campuchia vào tháng 11 tới.
Dậy sóng
Một vài nước phát triển cũng đã bày tỏ quan ngại về mức độ căng thẳng trong thời gian gần đây xung quanh vấn đề Biển Đông. Họ quan tâm đến những hành động của hai cường quốc trước những lợi ích tại vùng biển này, đó là Trung Quốc và Mỹ. Những hành động của Trung Quốc tại vùng biển này đã được nhiều nhà phân tích nhìn nhận như một sự khẳng định chủ quyền. Đó là việc Bắc Kinh điều tàu tuần tra đến vùng biển tranh chấp, xây dựng căn cứ quân sự Trung Quốc tại “thành phố Tam Sa” (bao gồm quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam), sách nhiễu và bắt giữ ngư dân nước ngoài tại khu vực này.
Mỹ kêu gọi Trung Quốc thông qua Hiệp hội tổ chức các quốc gia Đông nam châu Á (ASEAN) để giải quyết tranh chấp tại Biển Đông, nhưng Bắc Kinh đã phủ nhận cách tiếp cận này, thậm chí quốc gia này còn tỏ ra khó chịu và nhìn nhận ý kiến của Mỹ như một sự can thiệp đối với vấn đề khu vực. Trung Quốc cũng đã lên tiếng về sự hậu thuẫn của Mỹ đối với Philippines  về chủ quyền bãi đá cạn Scarborough và bày tỏ sự bất bình đối với sự can thiệp của một nước hoàn toàn không liên quan đến việc tranh chấp tại vùng biển.
Trung Quốc coi lợi ích kinh tế của mình tại khu vực Biển Đông như một “lợi ích hạt nhân”, đã chống lại những nỗ lực quốc tế hóa đối với tranh chấp tại vùng biển này. Khi Mỹ tuyên bố Mỹ cũng có “lợi ích quốc gia” tại Biển Đông trong việc duy trì sự tự do hàng hải trên biển tìm kiếm cách giải quyết hòa bình đối với những tranh chấp thì Bắc Kinh đã nói với Washington rằng Mỹ “đừng nhúng mũi vào vấn đề này.”
Việc Trung quốc tiếp tục từ chối giải quyết tranh chấp thông qua bên thứ ba như việc sử dụng trọng tài phân xử hoặc thông qua vai trò trung gian đã trở thành vấn đề trở ngại chính trong việc tìm ra giải pháp trong việc tranh chấp. Bắc Kinh tiếp tục theo đuổi việc thảo luận thông qua cơ chế song phương và duy trì giới hạn mơ hồ về đường chín đoạn (đường lưỡi bò), một giới hạn gây tranh cãi. Trên thực tế, Bắc Kinh có tham vọng chiếm hữu toàn bộ vùng biển giàu tài nguyên và đã tạo ra rào cản gây khó khăn cho các bên liên quan đạt được tiến bộ trong việc giải quyết tranh chấp.
Mặc dù ASEAN và Trung Quốc cam kết thiết lập hướng dẫn thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), một thập niên sau khi DOC được ký kết, tài liệu chính trị này đã không có khả năng để trở thành một phương tiện hiệu quả giúp giảm căng thẳng và ngăn các tranh chấp tiếp tục xảy ra trên biển. Kêu gọi đưa ra bộ Quy tắc ứng xử (COC) ràng buộc được thỏa thuận giữa ASEAN và Trung Quốc xem ra là một cố gắng dài hơi vào thời điểm này. Trừ khi Trung Quốc thay đổi cách tiếp cận và đồng ý để thảo luận các tranh chấp trên cơ sở đa phương với các nước ASEAN, nếu không thì sẽ khó mà có thể tin rằng COC sẽ được các bên nhất trí trong tương lai gần.
Việc Trung Quốc bị cáo buộc gây ảnh hưởng lên Campuchia, nước hiện đang giữ chức chủ tịch ASEAN, càng làm cho tình hình phức tạp thêm. ASEAN thất bại trong việc ra tuyên bố chung lúc Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ở Phnôm Pênh kết thúc hồi tháng 7 năm 2012, đã bị nhiều nước đổ lỗi do áp lực của Trung Quốc lên Campuchia, nhằm ngăn chặn ASEAN cho ra một tuyên bố về các tranh chấp trên biển.
Điều này đã gây ra nỗi lo sợ xung đột giữa các nước ASEAN, bị chia rẽ bởi một cường quốc hùng mạnh trong khu vực, cũng là nước có tuyên bố chủ quyền trên biển. Những nỗ lực rất lớn sau hội nghị ở Phnôm Pênh của ông Marty Natalegawa, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia cho thấy để đưa ra một tuyên bố chung của ASEAN, có vẻ như nhằm kiểm soát sự thiệt hại hơn là cho thấy sự đoàn kết giữa các nước ASEAN trong khu vực.
Các bên có liên quan trực tiếp và gián tiếp trong các tranh chấp có lẽ đã đi tới ngã ba đường, nơi cần phải ra một quyết định lớn. Tình trạng căng thẳng không thể buông trôi vô thời hạn cho tới khi tình hình bị đẩy tới mức nguy hiểm, không thể chịu đựng được nữa, nơi các xung đột chín mùi xảy ra.
Cân bằng quyền lực
Đối với các nước có tuyên bố chủ quyền khác, đường biên giới giả của Trung Quốc đe dọa và có thể làm suy yếu hòa bình và ổn định trên biển và trong khu vực.
Điều này thu hút sự tham gia của các quốc gia không liên quan đến tranh chấp đối với sự giải quyết các tranh chấp, tạo ra một hình thức cân bằng quyền lực trên biển. Mặc dù không phải là một nước có tuyên bố chủ quyền trên biển, Mỹ đã mô tả vùng biển này là khu vực lợi ích chiến lược.
Về vấn đề này, vai trò và ảnh hưởng của Mỹ nhằm cân bằng, nên được xem như có ý nghĩa xây dựng. Trong khi có thể dễ dàng để chế giễu sự tham gia của một nước bên ngoài tranh chấp, nhưng không thể bác bỏ ảnh hưởng mạnh mẽ của Mỹ trong khu vực và vấn đề tính toán chiến lược trên biển.
Nhấn mạnh ý định tham gia, chính quyền của Tổng thống Barrack Obama đã công bố ý định ‘chuyển hướng sang châu Á’ và gia tăng các mối quan hệ kinh tế và chiến lược với khu vực. Họ cũng đã bày tỏ ý định tái cân bằng sức mạnh hải quân trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, để nhấn mạnh cam kết chiến lược với khu vực.
Dĩ nhiên, những điều này đã làm cho Trung Quốc lo lắng. Mặc dù Mỹ bảo đảm rằng chính sách ‘chuyển hướng sang châu Á’ của họ không phải để kiềm chế Trung Quốc, và mong muốn giữ trung lập trong các tranh chấp, nhưng Trung Quốc không tin. Bắc Kinh xem những hành động của Washington như đưa lính Thủy quân Lục chiến tới đồn trú ở Darwin, Australia, tuyên bố triển khai tàu chiến duyên hải ở Singapore, và chuyến thăm vịnh Cam Ranh – một căn cứ hải quân trước đây của Mỹ – của Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta hồi tháng 6 năm 2012, như là một sự dàn dựng để kiểm tra sự lớn mạnh của Trung Quốc trong khu vực.
Mọi con mắt đổ dồn về hai “gã khổng lồ”
Trong bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC ở Vladivostok, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết cường quốc số một thế giới tin rằng các nước trong khu vực sẽ cùng hợp tác để giải quyết các tranh chấp mà “không bị ép buộc, không đe dọa, không dọa dẫm và chắc chắn không sử dụng vũ lực”.
Trong một nỗ lực hơn nữa để làm dịu bớt căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trên biển, Ngoại trưởng Clinton bày tỏ mong muốn của Washington là được chứng kiến Bắc Kinh đóng “vai trò tích cực trong vấn đề đi lại trên biển và an ninh hàng hải” và góp phần “phát triển bền vững cho người dân Thái Bình Dương, bảo vệ môi trường quý giá, bao gồm cả các đại dương”. Điều này phù hợp với quan điểm của Washington, rằng sự tham gia của Mỹ trong khu vực là hoàn toàn phù hợp với sự trỗi dậy của Trung Quốc, điều mà họ đã nói là hài hòa với lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ.
Dựa trên các tuyên bố chính thức của hai bên, rõ ràng là cả Hoa Kỳ và Trung Quốc cùng chia sẻ một lập trường dứt khoát, không muốn thấy xung đột bùng nổ trên biển. Quan điểm chung này nên được cả hai nước nắm bắt để cùng làm việc trên các lĩnh vực mà hai bên có lợi ích chung trên biển, có thể giúp tạo dựng sự tin cậy, hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau. Đây cũng là mối quan tâm của các nước ven biển ở Biển Đông, những nước không cần gì hơn là hòa bình và an ninh trên biển, tạo điều kiện cho tăng trưởng thương mại và kinh tế.
Hoa Kỳ hoan nghênh sự trỗi dậy của Trung Quốc và hai nước cùng chia sẻ mối quan hệ kinh tế và chiến lược sâu sắc. Cả hai đều trân trọng những nguyên tắc tương tự trên biển Đông, như duy trì tự do hàng hải, giải quyết tranh chấp thông qua các kênh ngoại giao, duy trì hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực. Như vậy, họ cần làm việc trên các lĩnh vực thuộc lợi ích chung, như duy trì an toàn hàng hải, phòng chống tội phạm, bảo vệ tính mạng và tài sản trước hiểm họa thiên tai và quản lý nguồn lợi thủy sản trên biển.
Là một cường quốc đang phát triển về quân sự và kinh tế, Trung Quốc phải làm điều mà họ nói họ làm và thực hiện cam kết công khai của họ để giải quyết tranh chấp trên biển một cách thân thiện và trở thành một “bạn bè tốt, đối tác tốt và láng giềng tốt” cho các nước ASEAN. Phải kiềm chế bất cứ hành động khiêu khích nào có thể gây nghi ngờ cho các nước láng giềng và xem họ như một ‘kẻ bắt nạt trong khu vực’ và ngăn chặn sự đoàn kết trong khu vực. Lập trường cứng của Bắc Kinh về thảo luận các tranh chấp thông qua biện pháp song phương không giúp ích gì trong việc phá vỡ thế bế tắc trên biển, thậm chí còn đi ngược lại xu hướng toàn cầu trong việc giải quyết các vấn đề thông qua các cơ chế và phương tiện đa phương.
Đối với Mỹ, cần tiếp tục trợ giúp các bên tranh chấp trong khu vực tham gia một cách xây dựng và thúc giục họ giải quyết các tranh chấp thông qua các kênh ngoại giao. Phải thể hiện lập trường trung lập và thực hiện sự khẳng định không đứng về phe nào trong các bên tranh chấp trên biển. Cần làm hết sức mình để thuyết phục Trung Quốc và các nước trong khu vực rằng chính sách “chuyển hướng sang châu Á” không phải để chống Trung Quốc, nhằm hình thành hai nhóm xung đột trong khu vực hoặc phá vỡ sự cân bằng quyền lực trong vùng. Mỹ như là một cường quốc đã được thiết lập và Trung Quốc như là một cường quốc mới trỗi dậy, phải hiểu rõ rằng thực tế là ASEAN không muốn phải chọn liên minh với một trong hai nước với cái giá phải trả của nước kia.
Hai cường quốc cần hiểu rằng ASEAN là một tổ chức chưa hoàn chỉnh, nó có quá nhiều lĩnh vực ưu tiên khác và phải đối mặt với những thách thức ghê gớm để theo đuổi mục tiêu trong việc tạo ra một Cộng đồng Kinh tế ASEAN hợp nhất. Là một khu vực phát triển chủ yếu phụ thuộc vào thương mại quốc tế và đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, và xem cả Mỹ lẫn Trung Quốc là đối tác chiến lược và kinh tế quan trọng, ASEAN không thể bị giẫm đạp bằng cuộc chiến giữa hai “chàng khổng lồ”, mà cả hai đều là đồng minh kinh tế và chính trị quan trọng của ASEAN.
Về phía ASEAN, Tổ chức này sẽ gia tăng rủi ro khi đương đầu với cả hai cường quốc. ASEAN nên cùng nhau cất lên tiếng nói chung và thể hiện vai trò lãnh đạo về vấn đề tranh chấp trên biển. Một tổ chức ASEAN yếu đuối không thể hy vọng có được một vị trí quan trọng trong các vấn đề khu vực. Nếu ASEAN không thể đi đến một lập trường chung về các tranh chấp trên biển, thì đó sẽ là một phần của các vấn đề, không phải là một phần của giải pháp. Sự yếu kém của ASEAN sẽ dẫn tới việc các cường quốc trong khu vực và bên ngoài dùng sức mạnh để thống trị trong việc áp chế định hướng chiến lược trên biển. Một tổ chức ASEAN bị chia rẽ sẽ bị đẩy tới giới hạn thay vì ở trung tâm kiến ​​tạo chiến lược trong khu vực, nơi mà lẽ ra ASEAN nên được như thế.
Bất kỳ bên nào tham gia cách tiếp cận trò chơi được mất ngang nhau (zero sum game) trên biển chắc chắn làm gia tăng thêm sự căng thẳng. Thái độ hung hăng và khiêu khích trên biển sẽ không giúp làm giảm nhiệt độ chính trị ở đó. Tuy nhiên, không nước nào được cho phép hưởng quyền bá chủ vì nó có thể dẫn đến sự chia rẽ trong khu vực. Tìm kiếm trạng thái cân bằng là tên của trò chơi, quan điểm không ràng buộc, không can thiệp bởi một cường quốc có thể dẫn đến cường quốc khác trở nên quyết đoán và hung hăng hơn. Một nước khiêu khích có thể tạo ra sự đối kháng và gây ra phản ứng dữ dội từ nước khác.
Tranh chấp liên quan đến nhiều nước trong một khu vực phức tạp và rộng lớn như Biển Đông đòi hỏi tất cả các nước cùng làm việc với nhau để giải quyết. Các nước phải hết sức kiềm chế, kiên nhẫn và kiên định để gỡ rối bất đồng giữa các nước theo cách tán thành. Tuy nhiên, tập trung nhất vào hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc, nước có xung đột lợi ích đan xen trên biển. Mọi con mắt sẽ đổ dồn vào hai nước để xem cách cư xử của họ có xứng đáng là cường quốc thế giới trong việc giải quyết các tranh chấp và kiểm soát tình hình trên biển hay không. Hành động và phản ứng của họ sẽ có tác động không nhỏ đến việc hình thành quá trình giải quyết các tranh chấp ở vùng biển này.
Các nước giữ vai trò chính đang nhích gần tới thời điểm phải đưa ra một số quyết định quan trọng và các lựa chọn trong trò chơi thay đổi này đã được chọn để ngăn chặn không cho căng thẳng tồi tệ hơn và ngăn các cuộc xung đột xảy ra. Đến khi bước vào thời điểm quyết định để thay đổi hiện trạng tốt hơn, nhiều điều sẽ được mong đợi ​​từ Mỹ và Trung Quốc để mong đạt được hòa bình bền vững, ổn định và thịnh vượng trên biển./.
Tác giả Nazery Khalid là chính trị gia, nhà phân tích về chính sách hàng hải ở Malaysia.

Không có nhận xét nào: