Pages

Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

Một trận chiến Mỹ- Trung mới ở Thái Bình Dương


Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates (trái) và đồng nhiệm Trung Quốc Lương Quang Liệt, Hà Nội, ngày 11/10/2010 Ảnh: Reuters

Liên quan đến châu Á, Le Nouvel Observateur có bài điểm sách với tựa đề « Cuộc chiến tranh mới ở Thái Bình Dương », nói về cuốn sách « Trung Quốc chống lại Hoa Kỳ » của hai tác giả Alain Frachon và Daniel Vernet, giải thích vì sao Biển Trung Hoa sẽ trở thành trung tâm của thế giới.

Tình hình căng thẳng hiện nay tại biển Hoa Đông xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, liệu có phải là khúc dạo đầu cho một cuộc đại loạn ? Chuyện gì sẽ diễn ra sau khi Bộ Chính trị Trung Quốc thay đổi người lãnh đạo ngày 8/11 tới ? Nếu tái đắc cử, Barack Obama có tiếp tục sự thay đổi chiến lược đặt trọng tâm nghiêng về châu Á, sau một thập kỷ lãng phí với cuộc chiến ở Irak và Afghanistan ? Bị đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương bỏ rơi, không có khả năng hội nhập vào việc quản trị trên toàn cầu, trong đó G2 – cặp đôi mới nổi là Trung Quốc - Hoa Kỳ đóng vai trò chủ đạo, châu Âu sẽ ra sao ? Đó là những vấn đề được đặt ra trong cuốn sách của Alain Frachon và Daniel Vernet, hai cựu giám đốc biên tập của tờ Le Monde.


Đương nhiên trong đó đóng vai trò kình địch là Trung Quốc, đất nước trước đây đóng cửa và có thể nói là mắc phải hội chứng tự mê hoặc. Ngày nay, ưu tiên hàng đầu là sự sống còn của mô hình Trung Quốc, một sự kết hợp độc đáo giữa chủ nghĩa tư bản Nhà nước và chuyên chế về chính trị, mà đến giờ vẫn còn hiệu quả. Điều này giúp Bắc Kinh đóng vai trò lãnh đạo trong khu vực thịnh vượng chung, có nghĩa là dọc theo vùng duyên hải và ở cả vùng biển Trung Hoa. Thế mà đối với Bắc Kinh, Hoa Kỳ vừa là một hình mẫu siêu cường kinh tế, vừa là một cơn ác mộng, vì ngăn trở sự thống trị của Trung Quốc trong vùng ảnh hưởng lịch sử của mình.
Đó là do người Mỹ trong công cuộc toàn cầu hóa đã quyết định chứng tỏ rằng Hoa Kỳ vẫn luôn là siêu cường duy nhất của thế kỷ tại châu Á, nơi Mỹ muốn quay lại. Sinh ra ở Hawai, lớn lên tại Indonesia, nên lẽ tự nhiên ông Barack Obama là con người dành cho ý định này. Trong khi Bắc Kinh muốn làm ông chủ của khu vực, thì ông Obama lại quyết chí lãnh đạo liên minh các Nhà nước trong vùng không muốn nhường bước trước những áp bức của Trung Quốc.
Trên nguyên tắc, tình hữu nghị thất thường được nối kết cách đây hai thế kỷ giữa hai Hercule này, gắn bó nhờ việc đối địch với Liên Xô cũ rồi đến sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, cần phải vượt qua được thách thức mang tính chiến lược này. « Sự cất cánh hòa bình » mà không đóng vai trò bá chủ của Trung Quốc không mâu thuẫn với việc Hoa Kỳ tái triển khai trong khu vực. Hơn nữa, cả hai nước đều không muốn công khai xung đột với nhau.
Nhưng khi lao vào trò chơi mèo bắt chuột, mỗi bên đều có nguy cơ : Bên nào cũng nhìn qua lăng kính âu lo về ý định được gán cho bên kia. Đó là một cái vòng lẩn quẩn. Ảo tưởng và thực tế của chủ nghĩa đế quốc kiểu yankee hay ý định của các viên chức bàn giấy Trung Quốc nhằm củng cố quyền lực trong cuộc xung đột với bên ngoài, tất cả đều có thể dẫn đến cực đoan. Và ngay cả nếu điều tệ hại nhất không chắc sẽ xảy ra, cuốn sách thú vị này đã cho thấy tâm chấn của trận động đất mới sẽ ở khu vực Thái Bình Dương./Thụy My(RFI)

Không có nhận xét nào: