Về mặt pháp lý, một tấm bản đồ được coi là có giá trị khi nó hội đủ các yếu tố gắn liền với quá trình thực thi chủ quyền của Nhà nước đối với các vùng lãnh thổ mà Nhà nước đó đã chiếm hữu thật sự,… chứ không phải muốn vẽ gì thì vẽ, nói gì thì nói. Mọi luận điểm đều phải có cơ sở pháp lí, khoa học. Những tranh chấp trên Biển Đông rất phức tạp và nhận thức hiện nay rất khác nhau. Vậy điều tiên quyết của chúng ta là phải giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân đối với vấn đề chủ quyền biển đảo, làm sao để trong dòng máu của mỗi người Việt Nam: Hoàng Sa, Trường Sa, các vùng biển và thềm lục địa hợp pháp của ta mãi là khúc ruột thân yêu !
Cuốn sách “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông” do Tiến sỹ Trần Công Trục chủ biên vừa xuất bản là một nguyên cớ để tôi gặp và trò chuyện với ông.
Tuần tra trên vùng biển đảo Song Tử Tây – Quần đảo Trường Sa
Ảnh: Hoàng long
Bắt đầu cuộc trò chuyện, Tiến sỹ Trần Công Trục đề cập đến những tấm bản đồ Trung Quốc được tuồn qua biên giới vào Việt Nam với những sai lệch hoàn toàn theo hướng bất lợi cho phía chúng ta…
Và sau khi cầm tấm bản đồ đó, có kinh nghiệm của 30 năm gắn bó với công việc liên quan đến biên giới quốc gia, Tiến sỹ đánh giá như thế nào?
Thành thật là tôi không hề ngạc nhiên về điều này. Bởi lẽ trước đây trong quá trình công tác, tôi đã từng nhìn thấy nó rất nhiều lần. Đặc biệt khi tôi qua làm việc với bên Trung Quốc thì thấy nhan nhản ở Bắc Kinh, tất cả các địa phương, thậm chí trên chiếc đồng hồ ở cửa nhà ga xe lửa Bắc Kinh cũng vẽ bản đồ với đường lưỡi bò đó… Quả thực, đó là một chiến lược, một thủ thuật đã có từ lâu rồi. Để khẳng định tính bất hợp pháp, sự vô lí của nó tôi xin dẫn một thông tin do các học giả tiếng tăm của Trung Quốc đã nêu trong các hội thảo khoa học; chẳng hạn, theo Giáo sư Lý Lệnh Hoa thì “đường chín đoạn” chỉ do Trung Quốc đơn phương đưa ra mà không được quốc gia nào thừa nhận. “Khi vẽ đường ranh giới trên biển, chúng ta cần căn cứ theo quy tắc quốc tế, không thể nói căn cứ vào lịch sử, tình trạng giàu nghèo, nhân khẩu của đất nước. Đó không phải là chứng cứ” – Giáo sư Lý phân tích.
Trong khi đó, sách giáo khoa Trung Quốc luôn khẳng định đây là vùng biển của Trung Quốc, vô hình trung cung cấp thông tin sai lệch cho người dân. Trong khi đó, một số tờ báo lớn như Thời Báo Hoàn Cầu lại luôn đưa tin về Biển Đông một cách thiên lệch, kích động, khuynh loát dư luận, cứ động một chút là đòi “động binh đánh người”.
GS Lý Lệnh Hoa từng kiến nghị phải giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), tuyệt đối không sử dụng vũ lực. Trung Quốc cần căn cứ vào UNCLOS để vẽ lại bản đồ biển đảo. “Trung Quốc không thể sử dụng Đường lưỡi bò Biển Đông như hiện nay để tuyên bố chủ quyền” – Giáo sư Lý nhấn mạnh. Các nước ven Biển Đông cần vạch rõ khu vực đặc quyền kinh tế trước rồi mới tính đến chuyện khai thác chung. Cũng đề cập “đường chín đoạn”, giáo sư Thời Đoạn Hoằng thuộc ĐH Nhân dân Trung Quốc cho rằng Trung Quốc đang đánh lận con đen về đường này. “Toàn bộ Biển Đông thuộc về Trung Quốc ư? Gần đây báo chí chúng ta cũng lập lờ về vấn đề này. Nếu nói toàn bộ Biển Đông là của Trung Quốc thì cả thế giới sẽ không chấp nhận đâu” – ông nhấn mạnh. Từ góc độ một triết lý nhân sinh rất phải đạo, Giáo sư Hà Quang Hộ, Viện Triết học thuộc ĐH Nhân dân Trung Quốc, nhập đề: “Là người phải có nhân tính. Chúng ta đều là con người chứ không phải loài dã thú sống trong rừng sâu. Trong quan hệ giữa người với người, chúng ta phải tính đến lợi ích của người khác”. Đề cập vấn đề Biển Đông, ông vạch rõ: “Nhìn vào bản đồ Đường lưỡi bò Biển Đông do chúng ta vẽ, người dân các nước sẽ phản ứng. Bởi nếu theo cái gọi là “đường chín đoạn” thì đường giới tuyến trên biển của Trung Quốc sẽ liếm tới đường bờ biển của Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Tôi không tin các quốc gia khu vực sẽ chấp nhận bản đồ này. Nếu Biển Đông bị vẽ thành một đường biển quốc nội như thế thì các nước có tuyến vận tải đi ngang Biển Đông cũng không thể chấp nhận”…
Cũng theo Giáo sư Lý Lệnh Hoa thì đường biên giới hình lưỡi bò ra đời năm 1946 do một quan chức cấp vụ ở Bộ Địa chất – Khoáng sản của Chính quyền Tưởng Giới Thạch lúc bấy giờ đi theo tàu của Quốc Dân Đảng ra một số đảo trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa tiếp quản tài sản của Nhật vừa bại trận. Cùng sự kiện đó ông ta phóng tay vẽ ra đường biên giới 9 đoạn, sau này gọi là đường biên giới lưỡi bò. Sau đó, Đài Loan, rồi chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sử dụng nó, dần dần từng bước đưa vào tất cả các loại bản đồ kể cả bản đồ do Trung Quốc xuất bản chính thức, thế là ra đời một đường biên giới…
Một sự dễ dàng đến kinh ngạc. “Phóng bút” vẽ ra một đường biên giới! Tôi đang hình dung nó như một tác phẩm mang tính nghệ thuật?
Đúng vậy. Kiểu vẽ đó quả thực có giàu…chất nghệ thuật hơn là cơ sở khoa học. Học giả Trung Hoa cũng khẳng định như vậy, đây là con đường hoang tưởng, hư ảo và vẽ quá mức. Một con đường không có tọa độ, không theo một tiêu chuẩn nào trong thực tiễn luật pháp quốc tế. Thế nhưng, hình vẽ này lại được sử dụng một cách chính thống, không cần biết đúng sai hay những phi lí, mâu thuẫn của nó. Năm 2005, Việt Nam và Malaysia gửi hồ sơ về ranh giới ngoài của thềm lục địa lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên Hợp Quốc. Trung Quốc ngay lập tức có công hàm phản đối chính thức đối với hồ sơ của chúng ta và trong công hàm đó có kèm tấm bản đồ đường biên giới 9 đoạn chiếm 80% Biển Đông này. Trước dư luận, trước các câu hỏi của các học giả thế giới, đây là đường gì? Trung Quốc trả lời rằng xét về mặt danh nghĩa lịch sử họ có quyền vẽ ra đường biên giới này. Đây là “chiêu” hợp thức hóa đường biên giới lưỡi bò.
“Danh nghĩa lịch sử”… có quyền vẽ đường biên giới chiếm 80% Biển Đông, thưa Tiến sỹ?
Đó là lập luận mà khó có thể chấp nhận. Họ dựa vào danh nghĩa lịch sử – một điều rất mông lung, không ai có thể công nhận một đường biên giới chiếm tới 80% Biển Đông như thế. Không có cơ sở khoa học nhưng thành thật, nếu xét vào ý đồ chiến lược của Trung Quốc trong âm mưu độc chiếm Biển Đông thì hoàn toàn phù hợp với âm mưu đó. Rõ ràng trên bản đồ của họ, thậm chí là tấm bản đồ hôm qua tôi nhìn thấy thì đường biên giới họ thể hiện đúng là kí hiệu đường biên giới quốc gia trên biển và như vậy thì trong đó là vùng lãnh hải và nội thủy thuộc chủ quyền tuyệt đối, toàn diện của Trung Quốc. Điều đó tự nó đã bộc lộ tham vọng biến Biển Đông thành “ao nhà” của mình…
Thưa ông, nhưng không phải ai cũng hiểu điều vô lí này. Người dân Trung Quốc và nhiều người khác trên thế giới sẽ nhầm tưởng bởi nhắc đến bản đồ người ta sẽ nghĩ đó là sự chuẩn mực?
Chính xác. Vì thế đây là một chiến lược bài bản mà Trung Quốc đã và đang thực hiện. Để từng bước thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông, họ đã tính toán trên mọi mặt trận. Họ đang tìm cách đánh chiếm không chỉ bằng vũ lực mà còn đánh trên mặt trận tư tưởng, nhận thức. Xuất bản bản đồ với mục đích làm nhiễu loạn thông tin, sai lệch thông tin, nhằm đánh lừa dư luận. Thế nhưng tôi cho rằng đấy chỉ là thủ đoạn tuyên truyền nhằm đánh lừa dư luận mà thôi. Bởi về mặt pháp lý, một tấm bản đồ được coi là có giá trị khi nó hội đủ các yếu tố gắn liền với quá trình thực thi chủ quyền của Nhà nước đối với các vùng lãnh thổ mà Nhà nước đó đã chiếm hữu thật sự,… chứ không phải muốn vẽ gì thì vẽ, nói gì thì nói. Mọi luận điểm đều phải có cơ sở pháp lí, khoa học.
Vậy, một người có nhiều năm gắn bó với công tác ngoại giao biên giới, theo Tiến sỹ chúng ta phải làm gì trước tình thế này?
Câu trả lời chuẩn xác nhất vẫn phải là những nhà lãnh đạo, nhà quản lí. Tôi tin họ đã có những giải pháp thích hợp và hữu hiệu cho vấn đề này. Nhưng tôi còn có rất nhiều trăn trở. Những tranh chấp trên Biển Đông hiện rất phức tạp và nhận thức hiện nay rất khác nhau, thậm chí có người còn hoài nghi bởi những thông tin nhiều chiều. Vậy điều tiên quyết của chúng ta là phải giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân đối với vấn đề chủ quyền biển đảo. Chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục sâu rộng hơn nữa, đặc biệt là tại các trung tâm giáo dục,đào tạo… làm sao để trong dòng máu của mỗi người Việt Nam: Hoàng Sa, Trường Sa, các vùng biển và thềm lục địa hợp pháp của Việt Nam mãi là khúc ruột thân yêu của mình!
Còn góc độ quản lí, ông có kiến nghị gì thêm ?
Thời điểm này, tôi nghĩ cần thiết phải thành lập một Cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách về biển đảo. Cơ quan này có thẩm quyền tổ chức thực hiện công tác quản lý biển trong cả nước, có thẩm quyền điều phối mọi hoạt động bảo vệ, quản lý và phát triển kinh tế biển và xử lý mọi tranh chấp xảy ra trên biển… Như thế chúng ta mới tập trung và thống nhất cũng như xử lí kịp thời mọi tình huống trong vấn đề tranh chấp Biển Đông này.
Vâng, xin cảm ơn Tiến sỹ!
Tiến sỹ Trần Công Trục tốt nghiệp Trường Cán bộ Ngoại giao – Ngoại thương (nay là Học viện Ngoại giao và Trường Đại học Ngoại thương) năm 1968. Năm 1971 ông nhập ngũ và vào bộ đội hải quân. Đến năm 1976, ông được cử công tác biệt phái tại Ban Biên giới của Chính phủ. Năm 1982, ông chính thức chuyển ngành về công tác tại Ban Biên giới; từ năm 1990 đến năm 2004 trước khi nghỉ hưu, ông ở cương vị Phó ban, rồi Trưởng Ban Biên giới của Chính phủ. Cuốn sách “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông” do ông làm chủ biên vừa được xuất bản. “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông” cung cấp thông tin về những vấn đề mà chúng ta đang quan tâm: từ bờ biển đến thềm lục địa, quy chế pháp lý, cách xác định phạm vi, giải quyết tranh chấp các vùng chồng lấn… đồng thời khẳng định: Việt Nam là Nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa, ít nhất là từ thế kỷ 17. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là thực sự liên tục, hoà bình, phù hợp với nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế.
Hà Vân (thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét