Pages

Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

Công trình bỏ hoang, dân thiếu đất sản xuất

Công trình bỏ hoang vì dân không đến ở

Dự án định cư thôn Nam Tiến được triển khai từ năm 2006, để định cư cho số hộ dân bị thu hồi đất phục vụ Chương trình trồng mới cao su của tỉnh Đắc Nông và giải phóng mặt bằng thi công Thủy điện Sê-rê-pốk 3 (Tập đoàn Điện lực Việt Nam). Kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng “điện, đường, trường, trạm, công trình cấp nước, nhà văn hóa cộng đồng và nhà ở” tại khu tái định cư do các chủ dự án là Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú - Đắc Nông, Công ty Vĩnh An và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bảo đảm. Tuy nhiên, do những bất cập và chồng chéo ngay từ khâu quy hoạch của địa phương, nên một số công trình xây dựng bị dư thừa, bỏ hoang. Cụ thể, tại cụm dân cư đầu thôn (nơi định cư cho số hộ dân bị thu hồi đất thuộc các dự án trồng cao su của Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú - Đắc Nông và Công ty Vĩnh An) đã được đầu tư xây dựng trường mẫu giáo, trường tiểu học và công trình cấp nước với quy mô bảo đảm cho khoảng 200 - 300 hộ dân. Sau đó, tại cụm dân cư ở cuối thôn (nơi định cư cho số hộ bị thu hồi đất, giải phóng mặt bằng xây dựng công trình Thủy điện Sê-rê-pốk 3) tiếp tục đầu tư xây dựng “trường, trạm, công trình cấp nước và nhà văn hóa cộng đồng”. Từ khi được đầu tư xây dựng đưa vào khai thác đến nay, nhiều hạng mục đã không được sử dụng, bỏ hoang, lãng phí hàng tỷ đồng.

Giải thích về thực trạng này, anh Phạm Ngọc Chương, Phó trưởng phòng Bồi thường giải phóng mặt bằng, Ban quản lý dự án Thủy điện 5 cho rằng: Theo quy hoạch ban đầu, khu tái định canh, tái định cư có tổng diện tích 300ha, trong đó có 3,91ha dành cho tái định canh và sẽ giải quyết nhà ở, đất ở cho 77 hộ. Vì vậy các công trình hạ tầng được tính toán, thiết kế, xây dựng có quy mô như sau: Hệ thống đường giao thông trục chính và đường giao thông nội bộ theo tiêu chuẩn đường nhựa bán thâm nhập có tổng chiều dài gần 10km; hơn 7,6km đường điện sinh hoạt; nhà văn hóa cộng đồng có diện tích 120m2; trạm y tế có diện tích 120m2; nhà trẻ và lớp mẫu giáo có diện tích 626m2; phân hiệu trường tiểu học có tổng diện tích 283m2 và công trình cấp nước sinh hoạt tập trung với những hạng mục “giếng khoan, bồn chứa, máy bơm, đường điện, đường ống cấp nước tới từng hộ dân”. Tổng kinh phí đầu tư cho các công trình hạ tầng trên là 17 tỷ 45 triệu đồng. Thế nhưng, sau đó nhu cầu tái định cư của người dân lại không đúng như đăng ký ban đầu, chỉ có 7 hộ (trong tổng số 77 hộ đăng ký) nhận nhà tái định cư, số còn lại nhận đất nhưng không đến ở. Do chỉ có 7 hộ dân định cư, nên các công trình “trường học, trạm y tế, nhà văn hóa cộng đồng” đã không được sử dụng. Ngay cả công trình cấp nước tập trung cũng bỏ hoang phí do không có người quản lý. Theo tính toán, tổng giá trị các công trình xây dựng xong bỏ hoang ở khu tái định cư Thủy điện Sê-rê-pốk 3 là hơn 3 tỷ 124 triệu đồng.

Ngày 9-7, có mặt tại các công trình bỏ hoang ở khu tái định cư Thủy điện Sê-rê-pốk 3, chúng tôi thấy nhiều hạng mục đã xuống cấp, hư hỏng, nhất là hệ thống “cửa, tường rào, mái” của các phòng học, nhà văn hóa cộng đồng đã hư hỏng, mất mát. Tất cả các công trình đều bị rêu phong, cỏ mọc um tùm.

Trường học bỏ hoang ở khu tái định cư Thủy điện Sê-rê-pốk 3.
Dân thiếu đất sản xuất, do đâu ?

Ea Pô có 2.683 hộ với 11.562 nhân khẩu, trong đó hơn 65% là người dân tộc thiểu số phía Bắc di cư tới lập nghiệp trong khoảng thời gian hơn 20 năm trước. Đây cũng là xã diện khó khăn của huyện Cư Dút với tỷ lệ hộ nghèo còn 17,4%, trong đó thôn Nam Tiến có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất. Ông Lò Khăm Chinh, cán bộ mặt trận thôn lý giải: Phần lớn các hộ dân không có đất, hoặc thiếu đất sản xuất nên nghèo đói, hiện cả thôn Nam Tiến có 85 hộ không có đất sản xuất, số hộ còn lại diện tích đất bình quân đầu người thấp.

Trước đây hầu hết các hộ dân ở thôn Nam Tiến đều có cuộc sống khá ổn định tại nơi ở cũ, không hộ nào thiếu đất sản xuất. Chỉ sau khi bị thu hồi đất cho các dự án, bà con mới lâm vào tình cảnh khốn khó như hiện nay. Toàn thôn bị thu hồi hơn 300ha đất sản xuất, 1ha chỉ được hỗ trợ từ 1-5 triệu đồng tiền công khai hoang. Với khoản tiền ít ỏi trên, không hộ dân nào có đủ tiền để nhận chuyển nhượng đất sản xuất tại nơi tái định cư. Nên từ chỗ có đất sản xuất, có thu nhập ổn định, sau khi bị thu hồi đất mà không đền bù, 100% hộ dân ở thôn Nam Tiến đều có cuộc sống khó khăn hơn nhiều so với nơi ở cũ.

Bà Đặng Thị Chính có 7ha đất trồng cây ăn trái, bị thu hồi năm 2008 không được đền bù về đất, mà chỉ được hỗ trợ tiền khai hoang và tiền cây trồng trên đất, vì vậy không thể mua được đất sản xuất tại nơi định cư mới. Khó khăn hơn, vợ chồng anh Hà Văn Bình phải đi làm thuê kiếm sống. Mà làm thuê cũng chỉ có mùa vụ, nên vợ chồng anh phải gửi hai con lớn về quê cũ ở xã Văn Nho, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) nhờ ông bà nội nuôi dạy.

Ông Lò Khăm Chinh, bức xúc: “Trước đây gia đình tôi có cuộc sống ổn định tại thôn Cồn Dầu, xã Ea Pô, nhờ nguồn thu từ 2,1ha đất trồng điều và 3 sào ruộng lúa. Đến năm 2007, bị thu hồi toàn bộ đất giao cho Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú trồng cao su, gia đình tôi cũng như các hộ dân khác không được đền bù về đất, mà chỉ được hỗ trợ tiền khai hoang đất, tiền cây trồng trên đất với tổng cộng 130 triệu đồng/2,1ha. Trong khi đó, để mua được 1ha đất sản xuất phải có từ 300-500 triệu đồng. Không có tiền mua đất sản xuất tại nơi ở mới, vợ và con tôi phải đi khắp nơi làm thuê kiếm sống”.

Mục tiêu chung của “Chương trình trồng mới 100.000ha cao su ở Tây Nguyên” là tạo thêm việc làm, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống cho người dân địa phương. Thế nhưng tại Đắc Nông, với cách làm như ở thôn Nam Tiến, thì lại đẩy người dân đến chỗ mất đất, mất việc làm, làm cho cuộc sống bà con bất ổn, gây nhiều hệ lụy cho xã hội...

Trước cuộc sống khó khăn, thiếu thốn của 240 hộ dân thôn Nam Tiến, chúng tôi đề nghị chính quyền huyện Cư Dút, tỉnh Đắc Nông cùng với chủ các dự án phải có trách nhiệm giải quyết, hỗ trợ về đất sản xuất cho bà con, tạo điều kiện để bà con ổn định cuộc sống tại nơi ở mới, như chủ trương chung của Đảng và Nhà nước là “bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”.

(Thông luận)

Không có nhận xét nào: