Pages

Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

Mỹ, Trung, Nga đang 'chơi bài' gì ở Biển Đông?

Mỹ tiếp tục khẳng định vai trò siêu cường duy nhất và duy trì ảnh hưởng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Trung Quốc sốt ruột vứt bỏ chiến lược giấu mình chờ thời, Nga chẳng chịu khoanh tay đứng ngoài.

Sang thế kỷ 21, trọng tâm dân số và kinh tế đã chuyển sang châu Á và các trung tâm dân cư lớn được ngăn cách bởi lãnh hải hơn là lãnh thổ. Chiến tranh trên đất liền ảnh hưởng tới dân thường trong khi xung đột trên biển có thể chỉ đơn giản là những phép tính toán về cán cân giữa các bên.

'Kẻ mạnh làm những gì đủ sức, kẻ yếu phải chịu'

Robert D. Kaplan, chuyên gia cao cấp của Trung tâm An ninh Mỹ Mới và cũng là thành viên của Ủy ban Chính sách Quốc phòng thuộc Bộ quốc phòng Mỹ nhận định căng thẳng trên Biển Đông không nhất thiết sẽ dẫn tới xung đột. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ theo phương châm: "Kẻ mạnh làm những gì họ đủ sức làm và kẻ yếu phải hứng chịu những gì họ phải hứng chịu”. 

Cuộc đấu tranh giành ưu thế ở Tây Thái Bình Dương không nhất thiết liên quan tới xung đột vũ trang mà gần như sẽ xảy ra một cách thầm lặng trên những vùng biển trống với tình trạng dần chấp nhận sức mạnh kinh tế và quân sự tăng chậm và chắc mà các nhà nước có được trong suốt quá trình lịch sử.
Bản đồ lực lượng Hải quân Trung quốc. Mục tiêu cấp chiến thuật, Biển Đông.
Vùng biển rộng lớn ở Đông Á cũng là rào cản đối với các cuộc chiến khi mà tốc độ nhanh nhất của tàu chiến hiện chỉ đạt 35 hải lý. Đây là điều khiến thế kỷ 21 có nhiều cơ hội tránh được đại chiến so với thế kỷ 20. Tranh chấp trên Biển Đông không hề mang tính triết lý mà chỉ đơn giản là logic tương quan lực lượng và đặc biệt là chủ nghĩa dân tộc. Sự hiện diện của Mỹ tại Châu Á – Thái Bình Dương đang giúp giữ nguyên hiện trạng trên biển.

Mỹ sẽ vẫn giúp đảm bảo hiện trạng "không dễ dàng” tại Biển Đông trong thời gian trước mắt và "giới hạn sự hung hăng của Trung Quốc ở mức chủ yếu trên bản đồ”. Vị trí của Trung Quốc ở vùng Biển Đông hiện nay tương tự như vị trí của Mỹ ở vùng biển Caribe hồi thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Biển Đông là sân sau của Ấn Độ Dương, nơi Trung Quốc cũng muốn có sự hiện diện hải quân để bảo vệ đường vận chuyển nhiên liệu từ Trung Đông.

Sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc và vị thế vai trò của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương có thể là nguồn gây bất ổn khi hai siêu cường này có xung đột về lợi ích. Mỹ nên hướng vai trò của họ ở châu Á tới sự cân bằng, thay vì áp đảo.

'Biển Đông không phải là hồ của Trung Quốc'

Kim Holmes, cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ và là Phó Chủ tịch Heritage Foundation phân tích: Việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ vùng biển và đảo tại Biển Đông không phải là điều mới mẻ. Tuy nhiên, đáng ngại là gần đây Bắc Kinh đã trở nên hung hăng hơn khi nước này nhiều lần xâm phạm vào vùng Philippines, Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

Trung Quốc không chỉ coi Biển Đông đơn giản là vùng đặc quyền mà còn coi đây là vấn đề lãnh thổ. Hải quân Trung Quốc trước đây tập trung vào Đài Loan thì nay có thêm mục đích nữa là đảm bảo an ninh vùng biển gần với các đảo của Nhật Bản, dọc theo chuỗi Ryukus, qua Đài Loan và Philippines tới eo biển Malacca, trong đó bao gồm cả Biển Đông.

Nhằm đạt được mục tiêu trên, Trung Quốc cần hạn chế cánh tay của hải quân Mỹ, không cho tiếp cận với vùng biển quốc tế. Nếu đạt được mục tiêu này, Mỹ và các lực lượng khác sẽ khó trợ giúp Đài Loan, Nhật và Philippines một khi bị tấn công.

Tàu chiến hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Liên bang Nga cập cảng Tiên Sa trong chuyến thăm Việt Nam, tháng 5/2011.
Mặc dù vẫn còn mạnh mẽ, hải quân Mỹ có vẻ đang yếu dần đi và Trung Quốc hiểu điều này. Bên cạnh đó, Biển Đông, Hoa Đông và Hoàng Hải gần với lãnh thổ Trung Quốc hơn. Do vậy, hải quân Trung Quốc có thể tập trung vào việc kiểm soát các vùng biển lận cận.

Mỹ không thể để Trung Quốc gây nguy hiểm tới cam kết của mình với đồng minh hoặc can thiệp vào quyền đi lại tại vùng biển quốc tế. Kim Holmes nói Trung Quốc không có quyền coi Biển Đông là của họ. Vật cản chủ yếu đối với tham vọng của Trung Quốc là hải quân Mỹ.

Cho dù tuyên bố của Trung Quốc về các vùng biển gần sẽ gây ra sự đối đầu với Mỹ hay không vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ. Tuy nhiên, Trung Quốc cần biết rằng bất cứ nỗ lực nào của họ nhằm thay đổi lại luật lệ và biến khu vực này thành vùng đặc quyền của mình sẽ gặp phải sự chống đối của Mỹ.

Nga mới là mối họa lớn của Trung Quốc tại Biển Đông

Dưới đầu đề như trên, mạng Liên hợp tảo báo (Trung Quốc) từng đăng bài của Tiết Lý Thái, nghiên cứu viên Trung Quốc tại Trung tâm an ninh và hợp tác quốc tế Đại học Stanford (Mỹ), cho rằng chính sách của Mỹ có lợi cho việc duy trì bảo vệ lợi ích hiện trạng tại quần đảo Trường Sa của những người nhanh chân đến trước, khiến những kẻ đến sau ở vào thế khó, đành bó tay hết cách, cũng lại phải hướng đến đảm bảo hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông.

Ngoài các nước ASEAN thì kẻ nhanh chân đến trước tại Biển Đông lại là Nga chứ không phải Mỹ. Trong thập kỷ 1980 của thế kỷ trước, Liên Xô cũ kết hợp với Việt Nam thành lập công ty góp vốn, cùng liên thủ khai thác dầu khí ở Biển Đông.

Tờ báo Trung Quốc nhận định Nga hợp tác với Việt Nam vừa có lợi ích an ninh vừa có lợi ích kinh tế, bởi Nga được chia sẻ lợi ích kinh tế to lớn tại Biển Đông. Nga đã trở thành chỗ dựa lớn của cộng đồng kinh tế do Việt Nam liên kết với các cường quốc trên thế giới tạo nên trên vấn đề Biển Đông. Và như vậy dễ thấy rằng tại sao trong những năm gần đây Nga lại đồng ý bán cho Việt Nam những trang bị vũ khí đời mới lợi hại chuyên dùng cho xung đột tại Biển Đông với mức ưu đãi lớn hơn nhiều so với Trung Quốc. Cuối năm 2011, loạt máy bay chiến đấu Su hoàn tất giao hàng. Cuối năm 2013, ngoài các tàu ngầm lớp Kilo, những vũ khí đời mới lợi hại này sẽ bước đầu hình thành sức chiến đấu. Nga và Ấn Độ còn đang phụ trách việc đào tạo sĩ quan cho các tàu ngầm này.

Liên hợp tảo báo phân tích thái độ can thiệp của Mỹ là nhằm tăng cường trao đổi qua lại với ASEAN, Nhật Bản và Úc, còn việc ủng hộ ASEAN thì vẫn xoay quanh đồng minh truyền thống là Philippines, việc ủng hộ một số quốc gia khác như Việt Nam chủ yếu vẫn chỉ dừng lại trên bề mặt ngoại giao. Còn Nga thì nâng đỡ Việt Nam bằng hành động thực tế. Hiện nay, Nga ngoài mặt vẫn giữ thái độ tươi cười với Trung Quốc, trong ngoại giao thì "nói ý cay bằng lời ngọt”, trong hành động thì chỉ làm không tuyên bố.

Tờ báo này quả quyết theo diễn biến tình hình Biển Đông hiện nay, một khi xảy ra xung đột thì toàn bộ vũ khí sắc bén mà quân đội Việt Nam sử dụng là của Nga chứ không phải của Mỹ.

Mỹ lo bị đẩy khỏi Biển Đông và Đông Á

Trang mạng Liên hợp Buổi sáng (Singapore) nhắc lại tuyên bố của Đô đốc Mullen: "Mỹ sẽ không rời khỏi Biển Đông. Mấy chục năm lại đây, sự có mặt lâu dài của chúng tôi ở khu vực này là rất quan trọng đối với các đồng minh của chúng tôi và sẽ tiếp tục là như vậy”. Đúng như những gì Mullen nói Mỹ đã sớm có mặt ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Cách đây không lâu, khi đoàn đại biểu hai nước tiến hành hội đàm ở Hawaii, phía Mỹ còn ưu ái sắp xếp cho phía Trung Quốc thăm quan Đài tưởng niệm chiến hạm Arizona. Dụng ý của phía Mỹ không ngoài việc muốn chứng minh với các vị khách Trung Quốc rằng sự tồn tại của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương là có căn cứ lịch sử.

Không ai có thể phủ nhận được những cống hiến lịch sử của Mỹ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tới nay, lại càng không ai có thể coi nhẹ sự tồn tại của Mỹ ở khu vực này. Nhưng Trung Quốc cho rằng điều đó không có nghĩa là Mỹ có thể muốn làm gì cũng được. Trung Quốc chỉ hy vọng Mỹ tiếp tục phát huy vai trò giữ gìn hòa bình ổn định, bảo vệ chính nghĩa ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương như đã làm trong lịch sử.

Nỗi sợ hãi thực sự của Mỹ là việc Trung Quốc tìm cách buộc Mỹ rời khỏi Biển Đông và toàn bộ khu vực Đông Á. Xuất phát từ suy nghĩ này, Mỹ liền xuất hiện trong tranh chấp Biển Đông với vai trò của người thứ ba "công bằng”. Xem xét tình hình hiện nay, người ta có thể rút ra một số đánh giá sau: Thứ nhất, trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ Biển Đông, Mỹ thông thường không thể giao chiến với tư cách của một nước liên quan trực tiếp. Thứ hai, do thực lực của Trung Quốc tương đối lớn và Trung Quốc và Mỹ tồn tại sự cạnh tranh chiến lược, nên Mỹ thông thường nghiêng về phía nước nhỏ trong khu vực có tranh chấp với Trung Quốc. Thứ ba, trong bối cảnh không thể ra mặt với danh nghĩa một bên tranh chấp, biện pháp khả thi nhất để Mỹ dính líu vào cuộc đấu ở Biển Đông chính là mượn cớ quan tâm sâu sắc tới an ninh và tự do đi lại trong khu vực này. Thứ tư, do bản thân không dính líu tới tranh chấp chủ quyền Biển Đông, nên Mỹ chỉ có thể can dự vào vấn đề này trong tư cách là "kẻ hòa giải” - nhân vật thứ ba.

Bốn điểm nêu trên vừa là những điều kiện cơ bản mà Mỹ có cũng như vị thế cơ bản mà Mỹ đứng trong cuộc đấu Biển Đông, vừa là bố cục cơ bản mà cuộc cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ phải triển khai. Trong những điểm nêu trên, Trung Quốc đã nhận thấy sự khác nhau về vị thế của Bắc Kinh và Washington trong vấn đề Biển Đông, lấy đó làm xuất phát điểm đề ra phương án hành động của mình.

(Tiền phong)

Không có nhận xét nào: