Pages

Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2013

'Triều đại Hun Sen' còn kéo dài?

Ông Hun Sen bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Thượng viện đầu 2012
Thủ tướng Hun Sen là một trong những nhà cai trị lâu nhất ở Đông Nam Á
Ít ai nghi ngờ viễn cảnh ông Hun Sen vẫn tiếp tục làm Thủ tướng Campuchia sau ngày bầu cử 28/7, tuy vậy phe đối lập cũng hy vọng có thêm ghế trong quốc hội.
Đây là cuộc bầu cử lần thứ năm tại Campuchia kể từ 1993.

Ông Sam Rainsy đã chấm dứt cuộc sống lưu vong sau khi Thủ tướng Hun Sen yêu cầu nhà vua xá tội cho ông.
Có tám đảng phái tham gia, nhưng thực chất đây là cuộc đua song mã giữa đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của ông Hun Sen và Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) của Sam Rainsy.

Nhưng ông đã bị loại khỏi danh sách đăng ký bầu cử và không thể vận động như một ứng cử viên trong cuộc bầu cử ngày 28/7.
Ưu thế
Ông Hun Sen, người từng đứng trong lực lượng Khmer Đỏ trước khi chạy sang Việt Nam sau cuộc thanh trừng nội bộ, đã cai trị Campuchia từ khi Khmer Đỏ bị lật đổ năm 1979.
Đảng CCP của ông đã xây dựng một bộ máy tranh cử và tiềm lực tài chính hùng hậu. Họ còn có lợi thế gồm truyền thông dễ bảo, và hệ thống bầu cử có nguy cơ bị chính phủ can thiệp.
Thủ tướng Hun Sen tuyên bố muốn cầm quyền cho đến ngày về hưu sau tuổi 70, và đã thăng chức cho ba con trai trong đảng và quân đội.
Người con út, Hun Many, 30 tuổi, đang ra tranh cử quốc hội lần đầu tiên, và đang đứng đầu phong trào sinh viên quốc gia.
Người con thứ hai, Tướng Hun Manith, làm phó lãnh đạo đơn vị tình báo quân đội.
Đặc biệt, người con cả, được Hun Sen thương mến nhất, Tướng Hun Manet, đang là phó chỉ huy lực lượng vệ sĩ cho cha và đứng đầu đơn vị chống khủng bố quốc gia.
“Họ cũng giống như lớp cũ, chỉ khác là học cao hơn,” theo lời Henri Locard, một sử gia Pháp ở Đại học Hoàng gia tại Phnom Penh.
Ông này nói: “Nếu mọi sự tiếp tục như hiện nay, bạn sẽ không bao giờ nhìn thấy sự chấm dứt của Hun Sen.”
Một nghị sĩ của đảng cầm quyền CPP, Sok Eysan, phủ nhận cáo buộc Hun Sen ưu ái các con.
“Đảng có chính sách thúc đẩy vai trò thanh niên, gồm một số học ở phương Tây và trong nước.”
“Chúng tôi quan tâm tất cả, thanh niên là thế hệ kế tiếp,” ông này nói.
Đối lập trông chờ
Ông Sam Rainsy được hồi hương nhưng không thể ra tranh cử
Đảng CNRP, do hai đảng đối lập sát nhập hồi năm ngoái, hy vọng giành được nhiều hơn 29 ghế mà họ có từ cuộc bầu cử 2008.
CNRP được cổ vũ nhờ việc lãnh đạo của họ, Sam Rainsy, được hồi hương mặc dù không thể ra tranh cử.
Dưới thời ông Hun Sen, Campuchia đã chuyển đổi từ quốc gia bị chiến tranh tàn phá thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á.
Nhưng tăng trưởng cũng đi kèm với căng thẳng xã hội tại một đất nước mà một phần ba dân số vẫn sống nhờ 65 xu Mỹ mỗi ngày.
Tại vùng nông thôn, vốn là nền tảng ủng hộ cho CPP, ngày càng có thêm giận dữ vì việc dành đất cho các công ty nước ngoài và đem lại lợi nhuận cho các đồng minh của ông Hun Sen.
Một nông dân 61 tuổi, Om Vanthoeun, nói với hãng tin Reuters rằng ông lo ngại việc lấy đất và điều mà ông xem là làn sóng nhập cư từ Việt Nam.
“Tôi chỉ muốn thay đổi, ngay cả em bé cũng muốn thay đổi,” ông này cho biết dự định sẽ bầu cho phe đối lập.
Một số người nói phe đối lập có thể có đủ ghế để buộc ông Hun Sen phải lập chính phủ liên minh.
Nhưng đa số phân tích gia tin rằng CPP sẽ vẫn giành đa số dù có thể ít hơn số lượng 90 ghế hiện thời tại Quốc hội 123 ghế.
“CPP gần như chắc chắn chiếm đủ đa số ghế ở quốc hội, bảo đảm sự liên tục chính sách và ổn định chính trị căn bản cho giới đầu tư nước ngoài,” Giulia Zino, phân tích gia của hãng tư vấn Control Risks ở Singapore, nói.

Không có nhận xét nào: