Athena, cộng tác viên Dân Luận
“Đây là một chiến lược đấu tranh. Nó thay thế cho chiến tranh và các hình thức bạo lực khác. Tôi nói đấu tranh bất bạo động là đấu tranh có vũ trang. Chỉ có điều loại đấu tranh này sử dụng các vũ khí tâm lý, vũ khí xã hội, vũ khí kinh tế và vũ khí chính trị. Và chính hình thức đấu tranh này cuối cùng lại có sức mạnh chống lại sự áp bức, bất công và độc tài mạnh mẽ hơn là đấu tranh bạo động” - Gene Sharp
“Tôi nghĩ [cuộc chiến tranh] Việt Nam đã thay đổi quan niệm của tôi về tầm quan trọng của chiến tranh bất bạo động, và đặc biệt là tầm quan trọng của việc đưa lý thuyết của Gene Sharp tới phần còn lại của thế giới. Bởi vì chúng ta cần phải có phương thức thay thế [cho chiến tranh]. Việt Nam thuyết phục tôi rằng chúng ta phải chấm dứt việc giết chóc con người.” – Đại táRobert “Bob” Helvey, cựu chiến binh Việt Nam, người đưa lý thuyết đấu tranh bất bạo động của Gene Sharp tới Miến Điện và Serbia.
“Gene Sharp – Làm sao để khởi động một cuộc cách mạng” (Gene Sharp – How to Start A Revolution) là bộ phim tài liệu của đạo diễn người Scotland Ruaridh Arrow làm về chiến lược đấu tranh bất bạo động và người đàn ông đứng đằng sau lý thuyết này – giáo sư ngành khoa học chính trị Gene Sharp. Ông chính là tác giả của cuốn cẩm nang nổi tiếng “Từ độc tài đến dân chủ” (From Dictatorship to Democracy) bao gồm 198 thủ thuật đấu tranh bất bạo động. Đây là cuốn sách đã góp phần làm nên thành công của các cuộc cách mạng lật đổ chế độ độc tài ở Miến Điện, Serbia, Ukraine, Ai Cập, Tunisia, Iran,… Năm 1983 ông lập ra viện Albert Eistein – một tổ chức phi lợi nhuận chuyên thúc đẩy sử dụng hình thức đấu tranh bất bạo động. Suốt nhiều năm, rất nhiều người dân sống dưới chế độ độc tài đã tìm đến đây mong nhận được sự giúp đỡ.
Từ vài chục năm về trước Gene Sharp nhận ra rằng các cuộc chiến tranh và giết chóc lẫn nhau là hoàn toàn không cần thiết và rất vô nghĩa. Nhận thức rõ điều này nên ông đã từ chối tham chiến cũng như cực lực phản đối thanh niên Hoa Kỳ nhập ngũ trong cuộc chiến tranh Triều Tiên. Những việc làm đó đã khiến ông phải ngồi tù suốt chín tháng.
Vào một lần khi đang nghiên cứu tại trường đại học Oxford, Gene Sharp bất ngờ có một khoảnh khắc mà ông gọi là “khoảnh khắc Eureka” bởi vào lúc đó ông phát hiện ra rằng sức mạnh của chế độ độc tài đến từ “sự phục tùng, sự hợp tác, sự ủng hộ, sự giúp đỡ của chính người dân và các tổ chức trong xã hội. Và tất cả những gì bạn cần làm là giảm bớt sự hỗ trợ đó, đó là tính hợp pháp, sự hợp tác và phục tùng. Nếu bạn có thể cắt đứt nguồn nguyên liệu đó, thì chế độ sẽ sụp đổ.”
Bài học thứ nhất: Lập một chiến lược
Năm 1989, Gene Sharp đến thăm Trung Quốc vào đúng thời điểm cuộc biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn đang ở cao trào. Chính cuộc biểu tình này đã giúp ông có được cái nhìn thấu đáo hơn về cách thức chuẩn bị và tầm quan trọng của việc lập ra kế hoạch và chiến lược cho một cuộc đấu tranh. Dù sinh viên Trung Quốc xuống đường rất đông ở Bắc Kinh và nhiều thành phố khác, Gene Sharp nhận ra rằng họ không hề có bất cứ sự chuẩn bị nào, họ không có một kế hoạch cụ thể sẽ ở quảng trường bao lâu cũng như lúc nào nên rời đi. Họ hành động một cách ngẫu hứng từ đầu tới cuối, để rồi cuối cùng bị dập tắt trong biển máu. Thiên An Môn đáng lẽ đã có thể thành công, nhưng cuối cùng lại là một vết nhơ không thể xóa mờ trong lịch sử Trung Quốc nói chung và “lý lịch” của Đặng Tiểu Bình nói riêng.
“Ý tưởng cho rằng cứ ngẫu hứng xuống đường làm cách mạng là sẽ thành công là một ý tưởng điên rồ. Ngược lại, nếu bạn không biết mình định làm gì, thì nhiều khả năng bạn sẽ gặp rắc rồi lớn.” Gene Sharp
Bài học thứ hai: Vượt qua sự “phân tử hóa”
Gene Sharp cho rằng việc lập kế hoạch là chưa đủ mà cần phải đoàn kết mọi người lại với nhau bởi từ trước đến nay chính quyền độc tài luôn tìm mọi cách cô lập từng cá nhân trong xã hội nhằm mục đích phân tách từng người ra với nhau để dễ bề điều khiển hơn. Lâu dần điều này khiến người dân sợ hãi lẫn nhau, sợ phải nói ra suy nghĩ của bản thân cũng như sợ hợp tác cùng nhau. Họ thậm chí không dám nói với hàng xóm, với người thân trong gia đình suy nghĩ thực sự của mình. Quá trình đó được gọi là sự “phân tử hóa”. Đó là điều mà những người làm cách mạng phải vượt qua được trước khi tính đến những chuyện tiếp theo.
Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của Otpor là tạo ra một biểu tượng đấu tranh để thống nhất lòng người. Srđa Popović, lãnh đạo của phong trào Otpor nói: “Rõ ràng chúng tôi [những người không ưa Milosovic] chiếm đa số. Nếu chúng tôi có thể nhận biết được tất cả những người chống lại Milosovic, bằng cách đưa tay lên chào người khác bằng nắm đấm, thì ông ta sẽ bị đánh đổ trong vòng vài năm.”
Bài học thứ ba: Xói mòn những cột chống của chế độ
Bob Helvey nói miêu tả: “Những trụ cột chống đỡ cho chính quyền tồn tại giống như những ngón tay của tôi đang đỡ cuốn sách này. Nếu tôi có thể tạo ra chiến lược để xói mòn các trụ cột này, ví dụ cảnh sát, quân đội, các tổ chức xã hội, tôn giáo v.v… thì khi chúng suy yếu và bắt đầu sụp đổ, thì chính quyền cũng sẽ sụp đổ theo. Lý tưởng nhất là những trụ cột đó KHÔNG BỊ PHÁ HỦY, mà chuyển sang hỗ trợ dân chủ.”
Muốn chuyển các trụ cột đó sang hỗ trợ dân chủ, cách mạng phải nhờ đến quần chúng nhân dân. Chế độ độc tài sống dựa vào quân đội, cảnh sát và các tổ chức tôn giáo. Nếu có thể cùng người dân thuyết phục những tổ chức trên đứng về phía người biểu tình thì đó là lúc chính quyền độc tài phải sụp đổ. Đừng quên rằng quân đội hay cảnh sát cũng từ nhân dân mà ra. Bản thân mỗi quân nhân hay nhân viên cảnh sát cũng đều có người thân và gia đình của họ. Chính vì vậy hãy từng bước khuyên nhủ lực lượng cảnh sát và quân đội gia nhập phong trào dân chủ.
“Chúng tôi nói với những cảnh sát là tất cả chúng ta đều là nạn nhân của hệ thống này. Không có lý do gì để có chiến tranh giữa các nạn nhận với nhau. Một bên là nạn nhân mặc áo quân phục màu xanh, bên kia là những nạn nhân mặc áo phông quần bò, nhưng không có lý do gì để hai bên phải xung đột. Và lời giải thích này đã thành công ở nhiều nơi trên thế giới. Bạn đi và kết nạp những trụ cột này vào phong trào của bạn. Bạn không ném đá vào cảnh sát!”, Srđa Popović chia sẻ.
Bài học số 4: Khước từ bạo lực
Vì tính chất của hình thức đấu tranh là “bất bạo động” nên hãy tìm mọi cách nói không với bạo lực. Gene Sharp cho rằng nếu những người phản kháng chọn hình thức bạo động để đấu tranh thì vô hình chung họ đã tự đặt mình vào thế bất lợi hơn bởi chính quyền độc tài quá thừa vũ khí quân sự và đặc biệt là vũ khí sát thương để chống lại họ. Thật sự chính quyền độc tài luôn mong những người đối lập sử dụng vũ lực để có cớ dẹp loạn nhưng nếu họ đấu tranh ôn hòa thì mọi chuyện sẽ hoàn toàn khác.
Theo kinh nghiệm của Srdja Popovic – nhà lãnh đạo phong trào đối lập Optor ở Serbia thì “việc kiểm soát cuộc biểu tình lớn vài chục ngàn người là rất khó. Chỉ cần một thằng điên nhặt đá ném là báo chí sẽ chộp lấy và đưa lên thành sự kiện lớn. Và thông điệp này sẽ làm lung lay phong trào của bạn”. Vậy nên trong các cuộc diễu hành họ luôn để “các cô gái, cựu chiến binh và người già đi lên hàng đầu và những người này luôn mang theo hoa, biểu ngữ cùng với những nụ cười để làm giảm nguy cơ tiến tới một cuộc bạo động”. Và trên thực tế, nhân dân Serbia đã thành công khi lật đổ được chế độ độc tài Slobodan Milosovic vào năm 2000.
Bài học số 5: Nhu thuật chính trị
Khi cuộc đấu tranh bất bạo động bị đàn áp, khi người dân bị chính quyền đánh đập hay tàn sát, thì nó tạo ra một tiến trình gọi là “nhu thuật chính trị”. Trong đó, sức mạnh đàn áp của đối phương lại được dùng để làm suy yếu chính nó. Người đấu tranh càng tỏ ra ôn hòa, kẻ đàn áp càng tỏ ra bạo lực, thì sự ủng hộ dành cho người đấu tranh càng lớn lên, và sự bất tuân xã hội đối với kẻ đàn áp càng tăng.
Vì thế người biểu tình cần phải nhắc nhở nhau thường xuyên: Không được trúng kế khiêu khích của kẻ đàn áp. Không được chống lại bằng vũ lực hay bày tỏ sự hận thù. Chỉ có sự cao thượng và nhân văn, chỉ có tình yêu mới đem lại chiến thắng trong cuộc đấu tranh kiểu mới này!
Lời kết
Trong suốt cuộc đời nghiên cứu về đấu tranh bất bạo động, Gene đã không ít lần phải hứng chịu các đòn tấn công tinh thần. Điển hình vào năm 2008 chính phủ Iran đã tuyên truyền một đoạn video cáo buộc ông làm việc cho CIA “có nhiệm vụ truyền bá tư tưởng của Mỹ đến các nước khác” nhưng Gene Sharp không hề từ bỏ việc nghiên cứu. Ông dành cả cuộc đời mình để tìm hiểu về tiềm năng và ý nghĩa của đấu tranh bất bạo động và cách làm suy yếu chế độ độc tài.
Ngay cả khi nhận được đề cử giải Nobel Hòa Bình vào năm 2009, Gene Sharp vẫn sống một cuộc sống rất bình dị trong căn nhà trồng hoa phong lan với tầng trệt là trụ sở văn phòng của viện Albert Eistein.
“Tôi nghĩ trong một thời gian dài, Gene Sharp sẽ trở thành cái tên quen thuộc. Sách của ông sẽ có mặt tại khắc các thư viện trên thế giới và được dịch ra nhiều thứ tiếng,” Jamila Raqib – trợ lý trung thành của Gene Sharp nói về người thầy và cũng là sếp của mình trong tập phim tài liệu đã giành giải “Phim tài liệu hay nhất” tại đại hội phim ảnh Boston vào năm 2011.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét