Hoa Kỳ muốn dùng kế hoạch Tác chiến Không-Biển nhằm làm suy yếu Chiến lược Chống Tiếp cận, Chống Xâm nhập Khu vực của Trung Quốc, theo nội dung bản báo cáo mới ra của Viện Nghiên cứu Chính sách Trung Quốc (China Policy Institute).
Trong Báo cáo số 4, ra năm 2014 của Viện, đặt ở Đại học Anh Nottingham, tác giả Harry J. Kazianis đánh giá từ đầu những năm 2000, Trung Quốc đã nổi lên như một cường quốc khu vực với chiến lược Chống tiếp cận/ Chống xâm nhập khu vực (Anti-Access/Area Denial , viết tắt là A2/AD). BBC Tiếng Việt xin giới thiệu dưới đây một số nét chính của báo cáo này:
Chiến lược A2/AD được chính quyền Bắc Kinh thúc đẩy phát triển nhằm làm chậm, hạn chế hoặc ngăn chặn kẻ thù công nghệ tiên tiến thực hiện các hoạt động đe dọa quân sự.
A2/AD được phát triển dựa trên sự kết hợp các yếu tố quân sự khác nhau như tàu ngầm diesel siêu yên tĩnh, hơn 80.000 thủy lôi, nhiều loại hình chiến tranh mạng, vũ khí chống vệ tinh và tấn công số đông của tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình.
Trong đó, quy mô lớn của các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình được đánh giá là điểm mạnh nhất của A2/AD, có thể phá hủy các sân bay, máy bay trên mặt đất và các tàu hải quân. Bên cạnh đó, các cuộc chiến tranh mạng cũng sẽ giúp Trung Quốc thống trị thông tin nhằm thu thập, khai thác và truyền tải thông tin tốt hơn, đồng thời ngăn chặn đối phương đạt được những khả năng này.
Các nhà phân tích cho rằng ý đồ của A2/AD nhắm đến lực lượng quân sự Mỹ và các đồng minh trong các hoạt động quân sự trên Biển Hoa Đông và Biển Đông, các vấn đề liên quan đến Đài Loan , và các hoạt động tại khu vực trong và xung quanh chuỗi đảo đầu tiên.
Trung Quốc dường như đã rút kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng Đài Loan năm 1995-1996 khi Mỹ nhanh chóng triển khai sức mạnh không quân từ các hàng không mẫu hạm, hay cuộc khủng hoảng đảo Hải Nam năm 2001 khi một máy bay trinh sát EP-3 của Mỹ hoạt động trên không phận phía đông nam đảo Hải Nam Trung Quốc.
Trung Quốc đang phát triển toàn bộ các cơ sở trung tâm mới của A2/AD – được biết đến như ‘A2/AD 2.0’ với mục tiêu là duy trì khả năng hiện tại trong khi biến khu vực từ đường bờ biển của nước này ra đến chuỗi đảo đầu tiên trở thành vùng ‘cấm’ với Mỹ và các lực lượng đồng minh.
Trung Quốc có thể cũng đang tìm cách mở rộng khả năng chống tiếp cận bằng mọi cách đối với chuỗi đảo thứ hai.
Tác chiến không-biển của Hoa Kỳ (ASB)
Các nhà hoạch định Mỹ đã tìm cách đảm bảo ba khái niệm cơ bản xuyên suốt trong những thập niên tới.
Thứ nhất là nhằm duy trì ưu thế quân sự tuyệt đối trên tất cả các lĩnh vực của chiến tranh (đất liền, trên biển, trên không, không gian và mạng).
Tiếp đến là nhằm duy trì khả năng tập trung lực lượng và thâm nhập nhanh vào khu vực chiến sự.
Mục tiêu thứ ba là vẫn phải đảm bảo duy trì các lợi ích toàn cầu cho các thế hệ mai sau.
A2/AD của Trung Quốc rõ ràng đang thách thức ba mục tiêu này của Mỹ.
Để đối phó với A2/AD của Trung Quốc và duy trì ưu thế quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương cũng như trên toàn cầu, Mỹ đưa ra chiến lược Tác chiến không-biển (Air-Sea Battle hay ASB) trong năm 2010.
Vào cuối mùa thu năm 2011, văn phòng tác chiến không-biển được tuyên bố thành lập.
Theo chính phủ Mỹ, mục đích của ASB là cải thiện sự hợp nhất của các quân chủng trên không, trên bộ, dưới biển, trong không gian và mạng thông tin để cung cấp các khả năng cần thiết cho quân đội.
Mục tiêu cần đạt được là nhằm ngăn chặn và thậm chí có thể đánh bại kẻ thù sử dụng khả năng chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực.
ASB tập trung đảm bảo rằng các lực lượng tham gia sẽ có khả năng để bảo vệ lợi ích của Mỹ trong tương lai.
Tháng 5/2013, văn phòng ASB cũng công bố tài liệu được gọi là ‘bản tóm tắt’ ASB, theo đó, ASB là một khái niệm giới hạn mục tiêu mô tả những gì cần thiết cho lực lượng tham gia để định hình đầy đủ A2/AD nhưng không phải là một kế hoạch hoạt động hay chiến lược nhằm vào một khu vực hoặc đối thủ cụ thể.
Thay vào đó, ASB giúp phân tích các mối đe dọa và là tập hợp các khái niệm phân loại các hoạt động (CONOPS) miêu tả làm thế nào để đối phó với chiến lược A2/AD và phát triển một lực lượng tập hợp với các khả năng cần thiết nhằm đối phó thành công với những chiến lược như vậy.
Dù Washington không thừa nhận nhắm vào Bắc Kinh, nhưng ASB được đánh giá là một chiến lược của Mỹ nhằm đối phó hiệu quả với chiến lược A2/AD của Trung Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét