Bộ giao thông vận tải Việt Nam vừa thông báo đường bay thẳng Việt - Mỹ đầu tiên sẽ được khánh thành trong năm 2015.
Thông tin trên được Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đưa ra trong buổi tiếp chủ tịch khu vực Đông Nam Á của hãng Boeing, ông Skip Boyce , hôm 22/10, báo Thanh Niên đưa tin.
Cũng theo ông Trường, năm 2015 sẽ là thời điểm nhà ga mới của sân bay Nội Bài đi vào hoạt động giúp đáp ứng tốt hơn cho việc mở đường bay Việt - Mỹ.
Trong cuộc phỏng vấn với BBC ngày 22/10, Cục trưởng Cục hàng không Dân dụng nói nhà ga T2 và hệ thống sân đỗ của nhà ga này sẽ được đưa vào khai thác từ ngày 31/12.
"Điều này về cơ bản sẽ giải quyết được tình trạng tắc nghẽn về khu bay và nhà ga tại Nội Bài," ông Lại Xuân Thanh cho biết.
Trước đó, trong cuộc gặp hôm 9/10 với Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải Việt Nam, Phó đại sứ Hoa Kỳ Mark Lambert cho biết các cơ quan chức năng của Hoa Kỳ thời gian qua đã hợp tác với phía Việt Nam để đáp ứng Tiêu chuẩn Nhóm 1 về An toàn hàng không của Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ (FAA).
Trong cuộc họp ngày 22/10, ông Boyce thông báo Boeing đang phối hợp với Cục hàng không Việt Nam để soạn thảo biên bản ghi nhớ hợp tác dựa trên cơ sở buổi làm việc giữa phó đại sứ Hoa Kỳ và người đứng đầu Bộ giao thông Việt Nam.
Một dự án sân bay quan trọng khác phục vụ cho vùng kinh tế phía nam là sân bay quốc tế Long Thành cũng đang trong quá trình thực hiện.
Ông Lại Xuân Thanh nói với BBC rằng dự án, với tổng vốn đầu tư được ước tính là 18 tỷ đôla, là mang tính "chiến lược" và "phục vụ cho cửa ngõ hàng không quốc tế lớn nhất của Việt Nam".
Boeing lắp cửa tại Việt Nam
Trong một tin khác, Công ty Cổ phần Công nghiệp nặng Mitsubishi (MHI) của Nhật Bản ngày 22/10 đã tổ chức lễ khánh thành nhà máy lắp ráp cửa cho Boeing 777 tại khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội, báo điện tử VnExpress đưa tin.
Đây là bộ phận thứ 3 cho máy bay của Boeing được lắp tại Việt Nam, bên cạnh cánh tà và chốt cửa.
Một nhà máy chuyên sản xuất cánh tà cho Boeing 737 được đặt tại khu công nghiệp Thăng Long từ năm 2007 cho đến nay đã sản xuất khoảng 1.000 cánh tà, VnExpress cho biết thêm.
Báo này cũng dẫn lời Tổng giám đốc của MHI tại Việt Nam, ông Yoshiki Ito, giải thích nguyên nhân chuyển nhà máy lắp ráp cửa từ Nhật Bản sang Việt Nam là do "chi phí cho nhân công thấp hơn nhiều so với Nhật".
Tuy nhiên, ông này cũng nói Việt Nam vẫn chưa sản xuất được các linh kiện cho cửa máy bay, ví dụ như ốc vít, do điều này "đòi hỏi nhiều yếu tố, chứng chỉ trong ngành hành không".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét