Tù nhân lương tâm Đặng Xuân Diệu hiện phải thụ án 13 năm tù giam tại Trại số 5 Yên Định, Thanh Hóa và thông tin từ một tù nhân vừa mãn án cho biết anh Đặng Xuân Diệu phải chịu sự đối xử vô cùng khắc nghiệt vì không chịu nhận tội.
Gia đình và nhiều người quan tâm đang lên tiếng cho trường hợp của tù nhân lương tâm Đặng Xuân Diệu.
Một phút gặp mặt
Chừng 50 người gồm cả thân nhân và các thân hữu của tù nhân lương tâm Đặng Xuân Diệu vào ngày 22 tháng 10 đã đến tại Trại 5 Yên Định, Thanh Hóa để thăm anh này. Chỉ có ba người thân được vào trại mà thôi và cuộc gặp được anh Đặng Xuân Hà, anh trai của Đặng Xuân Diệu kể lại như sau:
Sáng nay đi thăm Diệu nhưng chỉ được nhìn thấy Diệu thôi. Họ đưa ra rồi hai bên nhìn nhau rồi họ đưa vào thôi. Bản thân tôi, một người chú tên Tân và chị Hòe là chị ruột của Diệu được thấy Diệu mà thôi. Diệu đưa tay chào và người nhà òa lên khóc, và công an cản ra. Thấy có lẽ không được một phút. Họ lập văn bản là đã cho gặp người nhà và hai anh em thấy nhau, còn mọi thủ tục để gặp tại Trại giam thì cũng làm mọi thủ tục như thường tức vào trình chứng minh thư, sổ thăm gặp rồi người ta mới giải quyết cho. Chúng tôi cũng hỏi tin tức về Diệu thì họ nói những tin tức từ bên ngoài cung cấp là sai, còn việc ăn của Diệu họ nói do Diệu không chịu ăn thôi. Họ nói thế nhưng cụ thể như thế nào mà họ không cho mình gặp Diệu thì việc không cho ăn hay Diệu không ăn thì điều đó vẫn chưa xác định được. Gia đình tiếp tục làm đơn để anh em gặp nhay trao đổi cụ thể. Hiện chúng tôi đang trên đường về, chúng tôi sẽ làm đơn gửi cho Ban Giám thị Trại 5 Thanh Hóa và những nơi khác nữa.”
Theo gia đình cho biết thì đây là lần thấy mặt anh Đặng Xuân Diệu đầu tiên kể từ khi anh này phải ra tòa và bị kết án 13 năm vào ngày 9 tháng giêng năm ngoái với tội danh bị buộc ‘âm mưu lật đổ chính quyền’ theo điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Và trước đó gia đình cũng chỉ được gặp mặt anh này một lần vào tháng 12 năm 2012 khi anh còn ở trại giam B4 của Bộ Công an tại Hà Nội, sau khi bị bắt vào ngày 30 tháng 7.
Thông tin về tình trạng biệt giam khắc nghiệt đối với tù nhân Đặng Xuân Diệu chỉ được bên ngoài biết đến sau khi một tù nhân bị giam ở một phòng áp vách mãn án là Trương Minh Tam ra ngoài cho biết.
Kêu cứu
Khi nhận được tin con phải chịu cảnh tù đày khắc nghiệp chỉ vì không chịu nhận tội, mẹ của tù nhân Đặng Xuân Diệu vào ngày 14 tháng 10 vừa qua viết đơn kêu cứu khẩn cấp gửi cho thủ tướng, chủ tịch nước, bộ trưởng Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan hữu quan. Thư nêu lên việc bắt giữ một cách bất minh người con yêu nước, hy sinh vì cộng đồng của bà. Đồng thời lời kêu cứu được đưa ra vì tình trạng an toàn sức khỏe và tính mạng hết sức nguy cấp theo như nhân chứng cho biết.
Mẹ của tù nhân Đặng Xuân Diệu yêu cầu được thăm gặp con của bà theo qui định của pháp luật mà những tù nhân khác được hưởng. Ngoài ra nếu sức khỏe con bà bị suy kiệt, nguy cấp phải được đưa đi chữa trị kịp thời.
Hội đồng Liên tôn Việt Nam cũng có Bản Lên tiếng cực lực phản đối nhà cầm quyền về chế độ nhà tù nhằm trừng phạt, trả thù các tù nhân lương tâm. Bên cạnh đó là những cách thức sử dụng để buộc tù nhân nhận tội.
Bản Lên tiếng cũng tố cáo cách thức bị cho là bao biện khi đổ lỗi cho cấp dưới ra tay đối với tù nhân. Bản Lên tiếng cũng cấp báo cho lương tri nhân loại về những trường hợp tù nhân lương tâm bị rơi vào những trường hợp vừa nêu.
Linh mục Phan Văn Lợi, một người cùng tham gia ký tên trong Bản Lên tiếng của Hội Đồng Liên tôn phát biểu về trường hợp tù nhân Đặng Xuân Diệu hiện nay:
“Trường hợp anh Đặng Xuân Diệu là một trường hợp đặc biệt: thứ nhất anh phải chịu một án tù bất công và nặng nề, anh là một trong hai người phải chịu án tù nặng nhất là 13 năm (trong số 14 thanh niên Công giáo và Tin Lành ở Vinh); khi vào trong nhà tù anh luôn tỏ thái độ bất khuất không bao giờ nhận tội; thứ hai là không cần kháng án, không cần phúc thẩm; thứ ba anh không mặc áo tù; thứ tư là luôn tranh đấu cho sự vô tội của mình và quyền lợi của các tù nhân. Và anh luôn dùng biện pháp tuyệt thực để bày tỏ ý kiến, lập trường của mình. Vì thế anh đã bị cán bộ trại giam hành hạ đủ điều ví dụ như không cho anh gặp thân nhân kể từ khi bị chuyển chính thức ra trại tù sau ngày bị xử án, hoặc không cho anh gửi thư từ và các đơn kiện gửi lên các cơ quan của Bộ Công an đều bị bỏ xó cả. Chính đó là trường hợp đặc biệt mà chúng tôi thấy cần phải lên tiếng để một lần nữa nói với thế giới rằng chế độ lao tù của cộng sản vừa bất công, vừa vô luật và khi đưa tù nhân vào trong tù, nhất là những tù nhân lương tâm thì hành họ bằng nhiều cách nhằm bắt buộc họ phải nhận tội hay để trả thù cho lòng yêu nước của họ.”
Hy vọng
Thông tin cho biết từ ngày 22 đến 26 tháng 10 này, trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách dân chủ, nhân quyền và lao động, ông Tom Malinowski, đến thăm Việt Nam. Ngoài những cuộc làm việc với các quan chức Việt Nam, tin nói ông Tom Malinowski còn đến một số trại giam nơi có giam giữ những tù nhân lương tâm như Trần Minh Nhật, Trần Hữu Đức…
Đây là những người thuộc nhóm 14 thanh niên Công giáo - Tin Lành bị đưa ra xét xử trong hai ngày 8 và 9 tháng giêng năm ngoái với tội danh ‘âm mưu lật đổ chính quyền’.
Anh Chu Mạnh Sơn, một cựu tù nhân lương tâm, bày tỏ hy vọng ông Tom Malinowski sẽ có dịp đến Trại 5 Yên Định, Thanh Hóa để tiếp xúc và biết về trường hợp của tù nhân Đặng Xuân Diệu tại đó.
Trong những ngày này, dư luận trong và ngoài nước chú ý đến việc blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, người chủ xướng Câu lạc Bộ Nhà báo Tự do và công khai lên tiếng chống Trung Quốc xâm chiếm Hoàng sa và Trường Sa của Việt Nam, bị kết án 12 năm về cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ bị đưa ra khỏi nhà giam trục xuất sang Hoa Kỳ. Đây là một trường hợp được cho biết có sự can thiệp từ phía Mỹ và nhiều nhà đấu tranh cho rằng Hà Nội mang ông này ra đổi chác với Washington để có được những điều mà họ mong muốn như sự nới lỏng lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam và tư cách thành viên của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, TPP, do Hoa Kỳ đứng đầu.
1 nhận xét:
Khi ra tòa và có bản án tuyên đọc thì việc nhận có tội hay không nhận có tội cũng đã hiện thực bằng năm tháng ở tù .Khi thi hành án tù ở ,được áp giải đến 1 trại tù cụ thể nào đó .Bổn phận và trách nhiệm của CA trại giam là gì nếu không phải là giúp tù nhân thực hiện đúng đắn nội quy sinh hoạt của trại giam ?Tại sao lại hành hạ đủ điều để buộc họ nhận tội khi tòa án đã nhân danh nước CHXHCN csVN tuyên án rồi.(dù không nhận tội theo cáo trạng).Vậy CA trại giam to hơn cả tòa án,to hơn cái nước mà đã nhân danh khi tuyên đọc quyết định bản án ?Già tui xin các giáo sư,tiến sĩ của đảng csVN trả lời hoặc giải thích được không ?
Đăng nhận xét