Pages

Thứ Bảy, 11 tháng 12, 2010

Công nhân Việt Nam bị bóc lột hàng đầu Châu Á

HÀ NỘI (TH) - Các công ty sản xuất hàng hóa đổ tới Việt Nam mở nhà máy sản xuất chỉ vì giá nhân công ở Việt Nam quá rẻ và chủ nhân mặc sức bóc lột sức lao động.


Khoảng 5,000 công nhân hãng sản xuất giầy Sao Vàng ở Hải Phòng đình công đòi tăng lương. (Hình: Tuổi Trẻ)



Theo bản tin báo Thanh Niên ngày Thứ Bảy, 11 tháng 12, 2010, Giám đốc Phòng Thương Mại Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) Matthias Duhn nhận định như vậy tại một hội thảo do Cục Xúc Tiến Thương Mại, Bộ Công Thương phối hợp tổ chức ngày 10 tháng 12.

Chỉ được trả “với gần $49 USD/tháng, lương của người lao động Việt Nam chỉ xếp trên Campuchia - với $47.36 USD/tháng,” ông này nói rõ.

Bản tin tờ Thanh Niên thuật lại các con số khảo sát lương bổng công nhân tại khu vực Á Châu được nêu ra tại cuộc hội thảo nói trên cho thấy “Indonesia $82 USD/tháng, Trung Quốc $117 USD/tháng, Thái Lan $156 USD/tháng, Philippines $167 USD/tháng, Malaysia $336 USD/tháng, Ðài Loan $540 USD/tháng, Hàn Quốc $830 USD/tháng, Singapore $1,146 USD/tháng và Nhật $1,810 USD/tháng.”

“Ông Matthias Duhn nhận định, giá lao động rẻ là một trong những nguyên nhân khiến giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp ở Việt Nam thấp. Vì thế, không thể dựa vào giá lao động rẻ để đạt tới chuỗi giá trị gia tăng cao được.” Tờ Thanh Niên nói.

Vì lương chết đói, hàng trăm vụ đình công xảy ra tại Việt Nam mỗi năm để đòi tăng lương. Không những lương thấp, công nhân tại Việt Nam còn bị ép buộc làm hơn số giờ lao động qui định mà không được trả tiền phụ trội. Bữa cơm trưa được cung cấp nhưng không đủ phẩm chất để tái tạo sức lao động. Nghỉ bệnh, thai sản bị có thể bị đuổi luôn.

Các vụ ngộ độc tập thể xảy ra rất thường tại các khu công nghệ tại Việt Nam vì thực phẩm ôi thiu, mất vệ sinh.

Luật lệ lao động của nước CHXHCNVN gồm nhiều tầng nấc tròng tréo khiến cho công nhân không thể đình công “đúng luật.” Bởi vậy, các cuộc đình công tại Việt Nam đều bị coi là “bất hợp pháp.” Hệ thống công đoàn đều là các tổ chức ngoại vi của Ðảng Cộng Sản không bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Ngày 29 tháng 11, 2010 vừa qua, ông Michael Porter, giáo sư Ðại Học Harvard, khuyến cáo trong cuộc hội thảo “Cạnh tranh và Chiến lược công ty ngày nay” ở Hà Nội rằng: “Bắt chước Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa giá rẻ là điều Việt Nam hoàn toàn không nên làm.”

Ðại diện Ngân Hàng Thế Giới ở Việt Nam trong cuộc họp cấp viện hôm Thứ Tư vừa qua cũng đã vạch ra cho thấy sai lầm trong chính sách kinh tế của nhà cầm quyền Hà Nội là chỉ dựa vào một lực lượng công nhân không chuyên môn giá rẻ và moi tài nguyên thiên nhiên ra bán.

Không có nhận xét nào: