Pages

Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2011

Cách hành xử của công an VN

2011-08-11
Tác phong và hành động của công an nhân dân VN tiếp tục gặp nhiều phản ứng của công luận, nhất là “cú đạp lịch sử” của công an, rồi vụ luật sư Trần Đình Triển bị “côn đồ” hành hung mới đây lại càng làm công luận căm phẫn.


AFP photo
Cảnh sát đứng dưới một biểu ngữ phản đối sự bất công treo tại một cửa hàng ở Hà Nội hôm 07/7/2011

Thô bạo

Trong thời gian qua, lối hành xử của giới mệnh danh là công an nhân dân nhắm vào nhân dân – nói theo lời blogger Mẹ Nấm – “có muốn tránh không nhắc đến cũng không được nữa”. Nhưng lực lượng có trọng trách phải bảo vệ nhân dân, bảo vệ pháp luật và trên nguyên tắc phải hiểu biết pháp lý đã có lối hành xử ra sao khiến cần phải nhắc tới? Blogger Mẹ Nấm nhận xét:
"Thời gian gần đây, có những chuyện “xé rào” của một lực lượng chuyên giữ rào. Loanh quanh lẩn quẩn rồi lại phải nói đến chuyện công an vi phạm pháp luật. Có muốn tránh không nhắc đến cũng không được nữa. Chẳng phải do “ám ảnh” hay "ác cảm" mà cứ hễ thấy công an vi phạm pháp luật là mình soi đâu. Bởi chuyện nó quá nhiều, tần suất xuất hiện ngày càng “dày” và “đặc”. Ngay cả đến những người thờ ơ nhất, qua chuyện nhất cũng phải thốt lên mà rằng: ”Loạn thật! Đến lực lượng bảo vệ luật pháp mà còn thế, thì xã hội ra sao???”
Nếu cần đi vào chi tiết một chút, thì ngay Chủ Nhật vừa rồi, cách mà công an bắt người ở trước Nhà Thờ Đức Bà ở Sàigòn, cho dù bất kỳ lý do gì, dẫu “ có muốn tránh không nhắc đến cũng không được”. Một trong những nạn nhân, là anh Ngô Quyền, bị công an nhân dân bắt về đồn công an, đã phải thốt lên rằng:
Tôi thấy cực kỳ buồn, họ nhân danh nhà nước, một nhà nước tồn tại dựa trên một đám du côn, làm cho người dân sợ hãi, thật là kinh khủng.
Anh Ngô Quyền
"Tôi cảm giác mình đang rơi vào một đám thảo khấu côn đồ. Tôi cảm thấy kinh hãi . Họ đưa tôi vào đồn công an phường Đa Kao quận Một. Trên đường đi thì họ bẻ tay tôi, không cho tôi sử dụng điện thoại để báo về cho người thân. Tôi nói thật là tôi không thể hiểu nổi. Một cái xã hội một nhà nước mà hành vi của họ tôi không thể nào hiểu nổi., nó côn đồ nó phi pháp, nó chẳng dựa trên nền tảng pháp luật hay đạo lý nào cả. Tôi thấy cực kỳ buồn, họ nhân danh nhà nước, một nhà nước tồn tại dựa trên một đám du côn, làm cho người dân sợ hãi, thật là kinh khủng."
Cùng bị bắt với anh Ngô Quỳnh là chị Lê Thị Kim Thu, cũng “cảm thấy kinh hãi” không kém vì lối hành xử cố hữu của công an nhân dân.

000_Was4079261.-250.jpg
Bà Trần Khải Thanh Thủy từng bị công an đánh vỡ đầu rồi bị kết án "cố tình gây thương tích". AFP
"Khám hết toàn bộ trong người em, tiền bạc, dã man nhất là họ lôi em qua cái phòng đề tên phó trưởng công an phường. Có hai người nữ kéo em qua phòng đó, họ lột đồ em, họ khám cả trong chỗ kín của mình. Chị thấy có chế độ nào đất nước nào khám người như vậy không? Hai người phụ nữ khám còn mấy chục người công an thì đứng ở bên ngoài. Người nữ công an khám em đang mang bầu quay ngược lại vu khống cho em là nếu bị hư thai thì em phải chịu trách nhiệm. Em mới nói đừng có xưng mày tao với tôi."
Khoảng đầu năm nay, hành động bất chấp luật pháp của công an nhân dân đã diễn ra với LS lê Thị Công Nhân tại bến xe Hai Bà Trưng ở Hà Nội, như chị mô tả:
"Họ ngày càng hành xử rất thô bạo đối với tôi, tồi tệ hơn là bắt giữ một tội phạm hình sự. Họ túm chặt vào người tôi, bấm vào người tôi, bẻ tay tôi, xong lôi tôi đi, giật tung cả áo khoát của tôi làm đứt cả khuy áo. Nói chung là họ túm cổ, lôi tôi đi xềnh xệch. Nhấc tôi lên luôn. Vì người tôi nhỏ trong khi họ vừa đông, vừa cao lớn như vậy thì quả thực tôi không còn cách nào chống cự họ được cả.
Họ không nói lời nào, xuất hiện chỉ mặc thường phục, không tên tuổi. Tôi hỏi các anh là ai thì họ không nói gì hết, cứ túm cổ và lôi tôi đi. Tôi không thể tưởng tượng nỗi những con người như vậy mà lại đại diện cho một nhà nước, cho nên nhà nước này quả thực rất mờ ám và hành xử rất côn đồ."
Rồi “Cú đạp lịch sử” đã diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật trong số người thể hiện hành vi yêu nước chống TQ xâm lược trước sự quy lụy Bắc Kinh của giới cầm quyền, khiến nạn nhân – anh Nguyễn Chí Đức – giận dữ lên tiếng trước công luận rằng “Họ đã ‘chơi’ đồng chí của họ” sau khi anh bị công an nhân dân: 4 người nắm tứ chi khiêng ngửa như khiêng 1 con vật để đại úy Minh đạp liên tục vào mặt anh. Tệ hại hơn, Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc CATP Hà Nội, chối bỏ hành động này.
Mới đây nhất, hồi đầu tuần này, LS Trần Đình Triển luôn bệnh vực những người có tâm huyết với vận nước bị 1 nhóm côn đồ tấn công ngay tại văn phòng luật của ông. Họ đòi ông không được nhúng tay vào 1 vụ án chống tham nhũng, và liên quan cả vụ TS Cù Huy Hà Vũ. LS Trần Đình Triển kể lại:
"Khi tôi vào thì họ vây quanh, dùng 2 gậy thục vào bụng. Một người cầm bút kiểu như vật sắt nhọn đòi đâm mù 2 mắt tôi."
Nhắc tới giới côn đồ, có lẽ người ta chưa quên vụ “ Máu đã chảy ở Bát Nhã” trước đây, khiến Thiền Sư Nhất Hạnh than rằng vụ Bát Nhã rắc rối  “…bởi vì trong vụ Bát Nhã và Phước Huệ, bọn côn đồ được thuê mướn và những nhà chức trách thuê mướn họ đã làm việc chung với nhau”. Thầy Nhất Hạnh kết luận rằng “ họ là hai mà họ cũng là một”.

Phạm pháp

Nói đến việc công an gây thương vong cho người dân, có lẽ công luận vẫn còn đậm nét những vụ ra tay tắc trách, phi pháp và vô cảm trong thời gian qua của giới được mệnh danh bảo vệ dân, chẳng hạn như:

000_Nic595625-250.jpg
Cô Trịnh Kim Tuyến cầm trên tay tấm ảnh ông Trịnh Xuân Tùng, cha ruột cô bị công an đánh gãy cổ rồi chết sau đó. AFP
- Cái chết tức tưởi đau thương của ông Trịnh Xuân Tùng do trung tá CA Nguyễn Văn Ninh gây ra ở khu vực phường Thịnh Liệt, Hà Nội.
- Thiếu tá CA Bùi Minh Thắng, Phó trưởng phòng CSGT Hậu Giang đánh công dân Đỗ Quốc Thái bằng dây thắt lưng phải nhập viện, công an Cửa Lò, Nghệ An đánh hội đồng anh Nguyễn Văn Hướng tét đầu. Thầy Truyền Đạo Lê Duy Bắc bị CA thị xã Cầu Diễn, Hà Nội đánh gãy tay.
- Công an Thuỳ Nguyên, Hải Phòng đánh gãy tay chị Ngô Thị Thu, công an phường Mỹ Bình, Long Xuyên đánh chết anh Đặng Văn Đen.
- Công an Phú Bình, Thái Nguyên, bóp cổ và đánh trọng thương anh Dương Đình Hiếu, công an Trảng Bom, Đồng Nai đánh chết công dân Trần Ngọc Đường.
- Công an huyện Châu Thành A, Hậu Giang đánh chết công dân Trần Duy Hải, anh Nguyễn Văn Khương chết về tay công an Tân Yên, Bắc Giang.
- Công an Thái Nguyên đánh chết anh Vũ Văn Hiền, công an Điện Bàn, Quảng Nam gây tử vong anh Võ Văn Khánh, công an Đà Nẵng đánh chết anh Võ Thành Năm.
- Công an quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đánh chết công dân Nguyễn Quốc Bảo, và cái chết oan ức đau thương gần đây là ông Trần Văn Dữ. Đó là chưa kể những trường hợp người dân bị công an bắn thủng tay, thủng đùi…
Trên đây chỉ là 1 ít trường hợp điển hình của rất nhiều trường hợp nạn nhân vào tay CA nhân dân mà công luận cáo giác là “từ chết tới bị thương”.

Thượng bất chính, hạ tắc loạn

Nhận xét về thực trạng này, nhà báo Nguyễn Minh Cần, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội, lên tiếng:
"Chưa bao giờ tôi thấy tình trạng CA lộng quyền đến như thế. Vì sao ? Vì nhà nước, những người lãnh đạo cho quyền CA được làm như thế thì họ mới có thể làm. Nhà nước bây giờ xử màu mè một vài vụ vì quá sợ những ảnh hưởng gây ra bất bình bùng nổ như ở Bắc Phi và Trung Đông.
Nhưng chính những hành động đàn áp của CA như vậy là do nhà nước, những người lãnh đạo bày cho họ, do những người lãnh đạo sử dụng các phần tử gọi là “quần chúng tự phát”, tức CA giấu mặt để đàn áp dân chúng.
Đó là cái gì? Là sự khuyến khích của nhà nước dẫn tới tình trạng CA hành hung người dân. Chưa bao giờ số người dân bị CA giết chết nhiều như vậy. Trong điều kiện như thế thì làm sao nói đến nhân quyền? Cho nên công luận thế giới nhìn nước VN mình thiếu thiện cảm. Khinh bỉ nhà nước này không biết gì luật pháp cả."
Chưa bao giờ tôi thấy tình trạng CA lộng quyền đến như thế. Vì sao? Vì nhà nước, những người lãnh đạo cho quyền CA được làm như thế thì họ mới có thể làm.
Nhà báo Nguyễn Minh Cần
Theo blogger Mẹ Nấm thì người ta thường nói rằng “con dại cái mang. Nhưng đến giờ phút này chưa thấy ‘cái’ mang gì cho thiên hạ thấy. Một lời xin lỗi công khai của những người đầu ngành vì cách hành xử của lực lượng thừa hành pháp luật do mình lãnh đạo cũng không. Tất cả chỉ là sự im lặng, và phương pháp kéo dài thời gian chờ đợi càng lúc càng khiến cho thiên hạ đồn đoán và khẳng định chuyện ‘cái mang’ đối với ngành công an chỉ là chuyện không tưởng. Thượng bất chính, hạ tắc loạn. Nhân quả nhãn tiền!”.

Không có nhận xét nào: