Pages

Thứ Tư, 3 tháng 8, 2011

“Cõng roi – Tự xử”, chuyện viễn tưởng của ngành công an

Bạn đã xem cuộc thi đấu điền kinh nào chưa?

Ta lấy ví dụ cụ thể là môn chạy vượt rào nhé. Thực tế là cái “rào” trong bộ môn này được dựng lên không phải để rào hay đón gì đâu. Nó dùng để buộc vận động viên phải vượt qua mà không đụng đến, nếu có đụng cũng không được để rớt.
Một ví dụ khác, khi ta qua cổng của một đơn vị hay cơ quan nào đó, thậm chí là khúc đường nào đó, có cái barie. Bạn phải dừng lại làm đủ, đúng thủ tục để cho cái barie đó “ngửng” lên, bạn mới có thể qua cổng, qua rào hợp lý.

Hai cái rào khác nhau nhưng “đối tượng” cùng giống là muốn qua hợp lệ và “an toàn, điều hòa ,hiệu quả” cho chính bạn và người giữ rào.

Rào biểu kiến thì là vậy, qua hợp lệ thì là vậy. Còn “rào” vô hình và “qua” bất hợp lệ thì sao?

Có thể những người “quá” khác nhau, nhưng “rào” giống nhau hoặc hành vi giống nhau và kết quả xử lý khác nhau…

Đọc Thủy Hử và cả xem phim chuyển tác, ta thấy một Lỗ Trí Thâm cõng cây roi chịu tội. Quả thật, sức nặng của cây roi thật khó đong đếm. Mọi điều xung quanh “cái roi” chỉ là ước lệ. Nhưng sức nặng của nó phải tôn lên gần với tuyệt đối. Ngay cả đến cây roi song được Chu Thần Cao Bá Quát viết bài ca cũng không là ngoại lệ.

Kết luận rút ra là: Nếu bạn bước qua rào chắn một cách bất hợp lệ, chính bàn chân bạn khều cái rào đó quất vào lưng bạn. Tùy mức độ nặng của rào và thái độ của bạn, vết quật của rào vào chính bạn có thể nặng hay nhẹ. Điều này được xem như một “nguyên tắc ứng xử” của con người.

Trong một xã hội mà pháp luật là thượng tôn, chuyện “vượt rào trái phép” và bị chính “rào xử” thì không có gì đáng bàn, “thượng chứng hạ bài” mà quyết, sao chúng ta lại phải bàn tán nhiều nhỉ?

Thời gian gần đây, có những chuyện “xé rào” của một lực lượng chuyên giữ rào. Loanh quanh lẩn quẩn rồi lại phải nói đến chuyện công an vi phạm pháp luật. Có muốn tránh không nhắc đến cũng không được nữa. Chẳng phải do “ám ảnh” hay “ác cảm” mà cứ hễ thấy công an vi phạm pháp luật là mình soi đâu. Bởi chuyện nó quá nhiều, tần suất xuất hiện ngày càng “dày” và “đặc”. Ngay cả đến những người thờ ơ nhất, qua chuyện nhất cũng phải thốt lên mà rằng: ”Loạn thật! Đến lực lượng bảo vệ luật pháp mà còn thế, thì xã hội ra sao???”

Khi công an hành xử phạm pháp thì bị xử lý trước pháp luật ra sao? Tôi hoàn toàn không đồng ý với câu trả lời: công an cũng là người, họ vi phạm pháp luật thì đã có luật pháp xử. Bởi, biết luật mà còn phạm luật thì tội khó dung tha.

Một điều đáng quan tâm nhất là khi công an vi phạm pháp luật thì tình tiết giảm nhẹ luôn phải được đặt sau cùng mới đúng chứ nhỉ? Bản thân họ là ai trước pháp luật, ta không cần chỉ ra lần nữa. Nhưng, họ có dám “cõng roi” ra trước công đường hay không?

Chắc chắn không!

Khi công an phạm pháp hay vi phạm đạo đức. Sự từng trải nghề nghiệp đã “giúp” họ thoát được một vài “thủ tục tố tụng”. Và chính họ-những kẻ phạm pháp thuộc ngành công an- lại mạch lạc nhất trong việc tạo ra tình tiết giảm nhẹ để “chạy”.

Nghề mà!

Có điều, chèo đò và biết bơi đôi lúc không ăn nhập đâu. Chuyện này sẽ đề cập sau.

Nhiều cán bộ, sĩ quan chiến sĩ hay nhân viên thuộc ngành công an, ngành bảo vệ pháp luật phạm tội gần đây, ngoài chuyện pháp luật bị coi nhẹ còn nói lên điều gì?

Trung tá Nguyễn Văn Ninh đánh gãy cổ ông Trịnh Xuân Tùng dẫn đến tử vong hồi tháng 3 (1). Bị bắt theo lệnh khởi tố? Đã được xử lý ngay chưa? Hay là lại cứ dây dưa…hóa bùn?

Vụ anh Nguyễn Công Nhựt “có đơn xin tự nguyện ở lại đồn công an” rồi “tự vẫn tại công an huyện Bến Cát – Bình Dương sau 5 ngày bị giam giữ trái pháp luật đến giờ “quả bóng trách nhiệm” vẫn còn lăn trên sân là sao??

Khái niệm tham nhũng có đề cập khá rõ ràng và nhiều người cùng hiểu:”Lợi dụng chức vụ quyền hạn…”.

Trong những trường hợp công an phạm pháp, trăm phần trăm đều dính đến “lợi dụng chức vụ, quyền hạn”.

Ôi, lực lượng bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật, những người phải hiểu biết về pháp lý nhất lại hành xử “thiếu iod” nhất.

Nguy tai!

Con dại cái mang. Đến giờ phút này chưa thấy “cái” mang gì cho thiên hạ thấy. Một lời xin lỗi công khai của những người đầu ngành vì cách hành xử của lực lượng thừa hành pháp luật do mình lãnh đạo cũng không. Tất cả chỉ là sự im lặng, và phương pháp kéo dài thời gian chờ đợi càng lúc càng khiến cho thiên hạ đồn đoán và khẳng định chuyện “cái mang” đối với ngành công an chỉ là chuyện không tưởng.

Thượng bất chính, hạ tắc loạn. Nhân quả nhãn tiền!

Tôi đã được giải thích rằng, lực lượng công an phải đối mặt với đủ loại người, đủ kiểu ứng xử, nên việc nổi nóng, thiếu kiềm chế, bực bội dẫn đến “hành vi quá tay” là chuyện phải xảy ra. Sao không nhìn những hy sinh đóng góp của lực lượng công an để thấy ngành này tươi đẹp?

Biết nói gì nhỉ?

Những người chọn ngành công an để theo đuổi ngoài lý tưởng hẳn còn tìm thấy “tiềm năng lợi ích nghề nghiệp” mà ngành này vốn sở hữu nữa. Vì vậy khi chọn lấy nghiệp làm “nghề phục vụ” thì đương nhiên “ý thức nghề nghiệp” hẳn phải cao. (Câu thành ngữ “Nghề chọn người” gần như ngoại lệ đối với trường hợp này).

Mới đây nhất, việc công an tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định kỷ luật cảnh cáo trung tá Nguyễn Ánh và hạ cấp hàm thiếu úy Trần Nguyễn Hồng Quang, thuộc công an phường Thủy Xuân, thành phố Huế vì có liên quan đến việc đánh em Ngô Đình Phát (11 tuổi) phải nhập viện khiến tôi suy nghĩ rất nhiều.

Rõ ràng là sự “dám” vi phạm pháp luật của lực lượng công an này cũng (có thể) có nguyên nhân là do “luôn được che chở” nếu “sự vụ” xảy ra.

Thực tế đã chứng tỏ, điều này không thể hồ đồ phát biểu được.

Trong buổi biểu tình chống Trung Quốc ngày 17/07/2011 đã có người quay lại cảnh một viên công an mặc thường phục đạp vào mặt người tham gia biểu tình trên xe buýt. Ngay sau đó đã có đơn đề nghị ông Nguyễn Đức Nhanh, giám đốc Công an thành phố Hà Nội xem xét lại hình ảnh đáng xấu hổ này (4). Và gần 2 tuần trôi qua, đáp lời sông núi vẫn là sự im lặng thường thấy.

Một lối hành xử ngược ngạo nhất mà dám nói đến chữ “thượng tôn” sao?

Và một điều không thể không bắt đầu dần khẳng định, sự bao che của bề trên đã làm lũng đoạn đạo đức khi hành xử với dân, kể cả với những người dân bày tỏ lòng yêu nước..

Hạ đã loạn thượng còn che thế này? Lấy đâu ra niềm tin ở nơi dân chúng nữa?

Đọc tiểu thuyết lịch sử chiến tranh của Tàu, có một cụm từ rất hay gặp, được dùng để mô tả hành vi của kẻ chiến thắng sau mỗi cuộc chiến là “: Vỗ yên dân chúng.”

Thời nay, cách sự hành xử ở xứ ta như thế liệu có được gán cho cụm từ :”Chọc cho dân chúng bất an” đã được chưa? Biết đâu có khi đã trễ mất rồi??

Hai mặt của vấn đề đã lột bỏ, lộ rõ.

Dẫu nói thêm nhiều lần, có những chuyện rất mới – nhưng bản chất cực cũ.

Không thể thay đổi cái gọi là bản chất, nên chăng đổi mới toàn diện mà thôi.

Mẹ Nấm

30-07-2011

Theo Blog Mẹ Nấm

1. http://www.cand.com.vn/vi-vn/phapluat/2010/12/145711.cand

2. http://nld.com.vn/20110617052312188p0c1019/vu-anh-nhut-bo-cong-an-chuyen-khieu-nai-ve-binh-duong.htm

3. http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2011/07/ha-cap-ham-thieu-uy-danh-tre-11-tuoi-nhap-vien/

4. http://xuandienhannom.blogspot.com/2011/07/thu-gui-ong-nguyen-uc-nhanh-g-cong-tp.html

Không có nhận xét nào: