Pages

Thứ Ba, 16 tháng 8, 2011

Cụ thể lòng yêu nước

2011-08-16
Hôm Chủ nhật 14 tháng 8 vừa rồi, lòng yêu nước thể hiện bằng hành động của người dân Việt – một lần nữa – tái diễn khá suôn sẻ tại Hà Nội.
AFP photo
Từ trái sang: Các ông Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Văn Khải, nhà văn Nguyên Ngọc tham gia đoàn biểu tình chống Trung Quốc ở trung tâm Hà Nội vào ngày 14 tháng 8 năm 2011.

 

Nhiều gương mặt mới


Công an tạm thời ngưng thực hiện “cú đạp lịch sử”, tạo điều kiện để - theo lời kể khá lạc quan của blogger Anhbasàm – “có rất nhiều gương mặt mới, rất nhiều khẩu hiệu mới, đặc biệt có cả tiếng Anh cho du khách ngoại quốc tha hồ mà chụp hình, gởi cho bạn bè, nhưng lại ít nhân viên an ninh, cảnh sát hơn, đó là nét mới trong cuộc biểu tình. Đúng 10 cuộc tại Hà Nội rồi! Hiện tượng chưa từng có trong lịch sử nước nhà”.
Blogger Nguyễn Trọng Tạo dù sau 8 ngày nằm viện vì “sốt li bì, mất nước, tiểu cầu giảm nửa” và đang hồi phục, cũng rán… “đi ăn bún rồi ghé ngang qua biểu tình”, mới thấy “rất nhiều người nổi tiếng tham gia biểu tình. Họ là giáo sư, tiến sĩ, nhà văn, nghệ sĩ, nhà kinh tế, nhà khoa học của đất nước…Thấy cả sinh viên Nguyễn Anh Tuấn (người từng gửi Đơn tự thú “tội” tàng trữ các tài liệu của TS Cù Huy Hà Vũ).

Theo lời nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo - nguyên văn -  “Những gương mặt khiến tôi thật sự ngẫm ngợi. Và những người tôi không quen biết, họ vẫn ngày ngày lo toan công việc, nhưng lòng yêu nước thì không bao giờ thiếu vắng. Tôi trở về nhà, tiếp tục truyền nước và trong đầu vẫn vang vang hai tiếng Việt Nam Việt Nam…”
Còn Saigon thì sao? Saigon, nói theo lời cư dân mạng tên X.O. được nhiều trang blog phổ biến, thì “Saigòn nắng nhẹ và…hết !”.

Theo lời kể của X.O. thì “chính quyền Sài gòn, cụ thể là quận 1 đã lo khá xa. Cũng như các sáng chủ nhật thường lệ, công an phường – cơ động được huy động đứng đầy ngay góc Hồ Con Rùa, góc Phạm Ngọc Thạch – Nguyễn Văn Chiêm, góc Hai Bà Trưng – Nguyễn Văn Chiêm, quân số tầm 2 tiểu đội cơ động…chắn chốt tụ điểm. Nói chung an ninh Sài gòn làm việc rất chỉnh chu, có tới mấy lớp gác, nếu lấy tâm là Lãnh sự quán tàu…Không thấy công an chìm làm căng với các bạn trẻ cầm máy ảnh như cách đây 1 tháng, hôm nay XO thấy mọi người chụp hình thoải mái ngay khu vực nhà thờ Đức Bà, họ chụp… cảnh, chân dung và…hết”. Và X.O. bày tỏ quan ngại rằng “…dân Sài gòn đã hoặc bị ép quên biểu tình rồi, chỉ còn ngóng tin tức từ thủ đô yêu dấu mà thôi”.
Trước tình hình như vậy, tác giả Thanh Nam, khi gởi cho blogger Quê Choa bài “Biểu tình trên phố “CÒM” ( tức computer), cho biết anh
“quyết định tạm biệt phố “CÒM” để hòa mình vào dòng người biểu tình yêu nước” sau khi chứng kiến hình ảnh những người biểu tình “bị dồn đẩy thô bạo lên xe buýt, bị khiêng như súc vật, bị chà đạp không thương tiếc…”. Tác giả giải thích:

"Để khám phá bản thân và có cơ hội chứng kiến những thời khắc lịch sử, không gì tốt hơn là trực tiếp tham gia vào quá trình vận động kiến tạo ra nó. Hãy đứng lên đi, sơn hà nguy biến, xin đừng vô cảm, đừng ngồi mãi ở đó mà băn khoăn với những câu hỏi: “Biểu tình lai rai thì đi đến đâu?“, “Đằng sau biểu tình là cái gì?” hay “Biểu tình chỉ mãi đi trên vỉa hè hay sao?” … Tôi tin rằng khi đã hoà mình vào dòng người biểu tình yêu nước chống quân Trung quốc xâm lược, các bạn sẽ chiêm nghiệm được những cảm xúc diệu kỳ và mỗi chúng ta sẽ tìm ra những câu trả lời xác đáng cho riêng mình."
Theo blogger Mẹ Nấm thì khi hòa vào dòng người thể hiện lòng yêu nước, mang theo băng rôn, biểu ngữ, hô to những khẩu hiệu chống TQ xâm lược, hát vang những bài ca ái quốc…, Mẹ Nấm cảm nhận một “cảm xúc thật khó tả”, thấy “ người Việt thật đẹp, thật rạng ngời”. Đó là lần blogger Mẹ Nấm trực tiếp tham gia biểu tình tại Hà Nội vừa rồi sau khi “lỡ hẹn” với những cuộc biểu tình ở Saigòn vì lý do Mẹ Nấm gọi là “lãng nhách” mà mọi người đã biết. Mẹ Nấm mô tả:
"Một cảm xúc thật khó tả. Có lẽ, cảm xúc mấy năm trước đây được gợi lại và hơn thế nữa, bên cạnh tôi là sự tham gia đông đảo các thành phần. Các bạn trẻ nhiệt tình hăng say đã đành, còn có các trí thức cấp tiến. Thật đáng quý và đáng trân trọng.Vậy thì, câu hỏi biểu tình để làm gì có nghĩa gì với tôi không? Liệu có ai đó đặt ra cho riêng tôi câu hỏi này hay cho toàn dân? Cho một số người đứng ra tổ chức hay cho giới trí thức nhân sỹ nói riêng..??

Khi hỏi, tức là người đặt ra câu hỏi còn băn khoăn với hành động biểu tình, với cách thể hiện lòng yêu nước của rất nhiều người. Với tôi, câu trả lời mà tôi cho là đúng nhất rằng: “hãy sống thật với cảm xúc của chính mình, bằng cách thể hiện luôn, hành động ngay những gì mà mình đang nghĩ, vừa nghĩ là phải nên hành động”.

Hạnh phúc khi biểu tình



P1210194-250.jpg
Biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội ngày 14-08-2011. Courtesy NguyenXuanDien.
Giữa lúc tình hình biểu tình hiện nay một mặt bị giới cầm quyền nói chung ngăn chận chặt chẽ, mặt khác xem chừng như chưa có nhiều khí thế, khiến có ý kiến “phán” rằng số người biểu tình lần sau ít hơn lần trước, thậm chí “biểu tình lai rai”, blogger Mẹ Nấm nhận xét về vấn đề này:
"Bỏ qua những “nô lệ trí thức” phát biểu. Thì những người nói ra như thế liệu có được đáng “chiêm ngưỡng” những hình ảnh đẹp về các cuộc biểu tình, có đáng được hưởng hiệu quả những cuộc biểu tình mang lại hay không? …Với những kẻ xuyên tạc thông điệp của những cuộc biểu tình thì chả đáng nói thêm nữa. Tôi đã đi biểu tình, đã tiếp xúc với những người cùng tham gia. Có những điều mà nói ra ai cũng hiểu, nhìn thấy ai cũng biết. “Sơn hà nguy biến, xin đừng VÔ CẢM”, một thầy giáo già đã mang câu này trong hành trình đi biểu tình. Bác ấy nói với tôi bác không phải ở Hà Nội, nhưng bác vẫn về đây để tham gia biểu tình, bởi trong số những người học trò của bác, nay đã có người làm trong Bộ Chính trị, và họ dường như chẳng quan tâm mấy đến sự an nguy của dân tộc mình".

Blogger Quê Choa, qua bài “Khi Nguyên Ngọc xuống đường”, nhận xét rằng nhà văn lão thành Nguyên Ngọc xuống đường vừa rồi là vì “đớn đau uất ức không chỉ vì nước lân bang, chính vì nhìn thấy đồng bào ông bị đánh chết giữa ban ngày, bị đạp vào mặt khi họ xuống đường chỉ để thể hiện lòng yêu nước” khiến ông phải thốt lên rằng “có gì như là dấu hiệu của sự tận cùng.”. Và blogger Quê Choa nhận xét tiếp:
"Ông xuống đường để cùng đồng bào cất cao tiếng thét của một người yêu nước trước những gì “ông bốn tốt” đã làm, cũng là muốn nói với đồng đội của ông, đồng chí của ông rằng sự nhân nhượng đã chấm dứt, giờ đây hãy biết đứng thẳng lên… Giờ đây nếu ngồi yên cao giọng lý lẽ quanh co lại càng chứng tỏ điều này: sự bạc nhược đớn hèn.
Tôi tin rằng khi đã hoà mình vào dòng người biểu tình yêu nước chống quân Trung quốc xâm lược, các bạn sẽ chiêm nghiệm được những cảm xúc diệu kỳ và mỗi chúng ta sẽ tìm ra những câu trả lời xác đáng cho riêng mình.
Thanh Nam, blog Quê Choa

Ông xuống đường để nhìn tận mặt những điệu cười khẩy của những ai gọi những người biểu tình là một lũ điên; để nói với những nhà văn cùng thời rằng đừng ngồi phòng lạnh uống rượu Tây rồi vỗ tay hoan hô dân chúng biểu tình, còn bảo xuống đường thì có các vàng cũng không dám. Đừng làm thế, bởi vì đó không phải thái độ của nhà văn, càng không phải chính kiến của nhà văn đích thực. Ông xuống đường để nói với các trí thức cùng thời rằng đừng thản nhiên gác liêm sỉ lên xó bếp để vinh thân, đừng cố công chạy chọt nhặt nhạnh đủ các loại danh hiệu để che đậy sự bất tài, hãy xuống đường cùng đồng bào, đừng ngồi nhà nói những lời cao đạo.
Nếu bạn đúng là trí thức, bạn sẽ thấy hạnh phúc vô cùng khi được sống cùng nhân dân, đi cùng nhân dân. Hạnh phúc đó hơn ngàn lần khi bạn có cả mớ hư danh. Mình không biết Nguyên Ngọc có nghĩ như vậy không khi ông xuống đường. Nhưng nhìn dáng ông thấp bé lẫn trong đám đông, hình như không ai biết ông, không ai quan tâm đến ông… mình biết chắc chắn ngày hôm 14 tháng 8, Nguyên Ngọc rất hạnh phúc, hạnh phúc của một người biết mình là ai, có ai bên mình. Chỉ có nhà văn đích thực, một trí thức đích thực mới cảm nhận được hạnh phúc đó mà thôi."

Yêu nước phải "được phép"

000_Hkg5218900-250.jpg
Biểu tình chống TQ tại Hà Nội hôm 14/8/2011. AFP photo
Blogger Gocomay lưu ý rằng không phải đợi tới đợt biểu tình trong 10 lần này, mà ngay từ năm 2007, “lòng dân muốn gởi thông điệp tới nhà cầm quyền TQ”, nhưng “buồn một nỗi những người đang lèo lái vận mạng quốc gia lại không nhìn thấy, hay cố tình không thừa nhận, lòng yêu nước của người dân”. Họ cáo giác người dân biểu tình khiến “ảnh hưởng tới tình hữu nghị giữa 2 đảng và 2 nhà nước”, và chuyện biểu tình đã “có nhà nước lo”.
Nhưng để cho nhà nước lo thì lãnh thổ, lãnh hải VN ngày càng bị TQ xâm lấn, ngư dân VN bị “tàu lạ” bắt bớ, đánh đập, làm tiền, gây thương vong, tàu thăm dò dầu khí VN bị TQ tấn công, rừng đầu nguồn VN rơi vào tay ngoại bang, Tây Nguyên bị đe dọa, những dự án lớn vào tay TQ khiến lao động của họ hiện diện khắp nơi trong nước ta…Và hiện có tin TQ tập trung quân sát biên giới VN chưa biết động thủ ra sao để thực hiện phương châm “16 chữ vàng và 4 tốt” và dễ dàng thực hiện cả điều mà tân Chủ tịch Quốc Hội VN vừa mới bảo đảm với Bắc Kinh một mối quan hệ Việt-Trung “hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đoàn kết để 2 dân tộc cùng tiến lên CNXH”.

Khi “Tản nạn về chính-tà và lòng yêu nước của người Việt”, blogger Gocomay nhận xét:
"Liên hệ tới chuyện căng thẳng giữa ta và Trung Quốc ngày hôm nay. Tình thế nguy nan cũng chả kém thời đầu thập niên 80 thế kỷ 13 là mấy. Đất nước cũng trải qua một thời gian dài không có binh đao. Các quan coi việc nước, việc quân, từ lớn chí bé, từ trên xuống dưới, đang tọa hưởng bổng lộc dồi dào trong thời buổi tranh tối tranh sáng, nên chả ai thích bất ổn đến với cái ghế mà mình đang toạ lạc cả.

Đó chính là lý do khiến nhà nước không muốn bất cứ người dân nào được phép thể hiện lòng yêu nước khi chưa được phép của chính quyền. Nắm được tâm lý yêu ghế đó của quan chức Việt, người phương Bắc bèn dùng trăm phương ngàn kế vừa đấm vừa xoa, cốt làm sao càng tạo được hố ngăn cách trong nội bộ người Việt ngày càng lớn càng tốt. Lúc ấy "bất chiến tự nhiên thành", chỉ cần gây áp lực, gây căng thẳng kết hợp với phỉnh phờ ve vãn mua chuộc mà thành công, thì cần gì phải xua quân qua biên ải bắn giết như quá khứ làm gì cho dư luận lên án."
Đúng là xã hội Việt Nam hiện nay ngày càng xảy ra nhiều hiện tượng cho thấy “cái ác” đang hoành hành ở khắp nơi và dường như đang thống trị toàn xã hội.
Ô. Phạm Hồng Sơn
Có lẽ tình hình tiếp tục không sáng sửa như vậy khiến nhà dân chủ Phạm Hồng Sơn bày tỏ “Nỗi e ngại nguy hiểm” được nhiều trang mạng nhật ký, kể cả Dân Làm Báo, phổ biến, như sau:
"Đúng là xã hội Việt Nam hiện nay ngày càng xảy ra nhiều hiện tượng cho thấy “cái ác” đang hoành hành ở khắp nơi và dường như đang thống trị toàn xã hội. Nhưng có lẽ điều nguy hiểm nhất hiện nay của xã hội Việt Nam không phải là sự lên ngôi của cái ác mà là sự e ngại, băn khoăn, tự tách rời, xa cách giữa người Việt Nam chúng ta – những người bị trị. Vì hàng nghìn năm qua, lịch sử loài người luôn nhắc rằng thủ đoạn chính của mọi kẻ áp bức bao giờ cũng là “chia rẽ”: “chia để trị” hay “chia để thôn tính”, dù là kẻ áp bức nội tộc hay ngoại bang."

Không có nhận xét nào: