Pages

Thứ Ba, 9 tháng 8, 2011

Diễn biến hòa bình và chống diễn biến hòa bình: điểm nhìn từ công tác tổ chức

Đặc điểm tổng quát của các chế độ có những đặc điểm đặc thù như Việt Nam là: tổ chức, lực lượng vũ trang (quân đội và công an), và tuyên truyền. Ba đặc điểm này được gọi tắt là 3P (Personel, People army & Propaganda). Đấy là những đặc điểm cơ bản để xác định một chế độ có phải là chế độ mang tính đặc thù riêng biệt.

Khác với những quan điểm về diễn biến hòa bình khác, tôi xác định diễn biến hòa bình đối với Việt Nam là quá trình với mục tiêu 70% thành phần Chính phủ là những người được đào tạo hay thực tập ở Mỹ và các nước phương Tây. Từ kết quả Đại hội Đảng vừa qua có thể thấy Đại hội Đảng bước đầu đã đi đúng vào quỹ đạo của diễn biến hòa bình như một quá trình tất yếu, không có con đường lựa chọn nào khác mà tôi đã từng bàn luận. Vậy câu hỏi đặt ra là phải chăng không có một quá trình nào khác chống lại quá trình diễn biến hòa bình đấy? Quan sát vấn đề nhân sự có thể thấy cuộc đấu tranh giữa diễn biến hòa bình và chống lại diễn biến hòa bình đang xảy ra. Một đặc điểm lớn có thể thấy là thành phần xuất thân từ lực lượng công an đang chiếm lĩnh những vị trí quan trọng trong bộ máy của chế độ. Gần như toàn bộ lĩnh vực nội chính (Công an - VKSNDTC - TANDTC) hiện nay do những người xuất thân từ lực lượng công an lãnh đạo. Điểm này rất khác so với thời kỳ sau chiến tranh, khi lực lượng xuất thân từ quân đội hay lực lượng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, chiếm lĩnh những vị trí của bộ máy công quyền, mà kết quả của nó không thể không có liên quan tới cuộc khủng hoảng kinh tế ở thập niên 1980. Do xuất thân từ lực lượng công an, nhân sự chỉ có thể bố trí vào các vị trí thuộc lĩnh vực nội chính hay Đảng. Những vị trí còn lại là mục tiêu của những người được đào tạo từ Mỹ hay các nước phương Tây trong cạnh tranh với những người không được đào tạo bài bản ở nước ngoài. Liệu thành phần nhân sự xuất thân từ lực lượng công an có để lại hệ lụy gì không, liệu có dẫn tới cuộc khủng hoảng nào không như cuộc khủng hoảng hồi thập niên 1980? Có một điểm có thể thấy thành phần xuất thân từ lực lượng công an yếu kém về chuyên môn. Ví dụ tuyệt nhiên không bao giờ thấy ông Chánh án TANDTC phát biểu gì về những vấn đề mang tính lý luận và thực tiễn luật pháp của Việt Nam, chẳng hạn như vụ ông CHHV kiện Thủ tướng, tuyệt nhiên không thấy bất kỳ bình luận nào từ TANDTC. So với các Chánh án tiền nhiệm, Chánh án TANDTC hiện nay không cho thấy có khả năng chuyên môn bằng các vị tiền nhiệm. Không có khả năng phát biểu chính kiến về những vấn đề chuyên môn có thể thấy là nhược điểm phổ quát của các nhân sự xuất thân từ lực lượng công an. Dầu sao khi xác định mục tiêu 70%, các nhà hoạch định chiến lược diễn biến hòa bình đã dành 30% cho những lực lượng còn lại. Do vậy mục tiêu sắp tới vẫn là làm sao chiếm lĩnh được 70% thành phần của Chính phủ. Có lẽ chiến lược của diễn biến hòa bình sẽ là lùi một bước, tiến hai bước. Cứ để thành phần xuất thân từ lực lượng công an chiếm lĩnh các vị trí của bộ máy công quyền. Không sớm thì muộn, do chuyên môn yếu kém, sẽ dẫn tới những khủng hoảng chính trị-xã hội-kinh tế, và khi đấy lực lượng được đào tạo bài bản sẽ có một cuộc phản công lại. Tôi không biết kịch bản như vậy có xảy ra không. Nhưng thời gian sẽ có câu trả lời.

Nguồn Blog Đông A.

Không có nhận xét nào: