Pages

Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

Lạm phát ở Việt Nam có thể đã tới đỉnh

HÀ NỘI (TH) - Lạm phát ở Việt Nam có thể đã lên tới đỉnh. Bây giờ, tới phiên những người làm chính sách kinh tế tài chính phải có các quyết định khó khăn, theo một bài phân tích của hãng thông tấn Reuters.

Một hàng bán rau ở chợ vỉa hè Hà Nội với khách hàng đa số là thu nhập thấp. Chỉ số lạm phát trong Tháng Tám 2011 ở Việt Nam là 23.20%. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

Thật là còn quá sớm để bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ nhưng nếu áp lực để làm như vậy sẽ tăng lạm phát nhanh chóng nếu lạm phát bắt đầu giảm xuống trong một hai tháng tới như một số chuyên viên kinh tế dự đoán.

Sự ổn định của nền kinh tế (khoảng 100 tỉ USD) của Việt Nam và sự hấp dẫn giới đầu tư ngoại quốc phụ thuộc vào điều kiện các nhà làm chính sách có giữ vững chủ trương hay không, theo giới chuyên gia kinh tế.
“Sự nguy hiểm lớn nhất cho nền kinh tế ở lúc này là sự khủng hoảng niềm tin đối với các chính sách tác động đến hối suất đồng bạc và những dấu hiệu mất giá trị của tài sản của hệ thống ngân hàng,” theo lời nhận định của Johanna Dee Chua, kinh tế gia trưởng khu vực Á Châu Thái Bình Dương của tập đoàn ngân hàng Citi.
Phần lớn các nước Á Châu đối diện với tình trạng giá cả gia tăng, nhưng nền kinh tế Việt Nam đặc biệt dễ bị nạn này nhất. Ðây là lần thứ hai mà Việt Nam đối diện với các đợt lạm phát cao hơn 20% nội trong vòng 3 năm qua, biểu lộ sự nguy hiểm tạo ra từ chính sách kinh tế lấy tăng trưởng làm chỉ đạo, bất kể hậu quả.
Chỉ số lạm phát trong Tháng Tám 2011 là 23.20%, tháng thứ 12 có lạm phát gia tăng cứ tháng sau cao hơn tháng trước.
Tuy nhiên, tháng này có mức độ gia tăng chậm hẳn lại làm cho một số kinh tế gia thấy đôi chút hy vọng là áp lực tăng giá cả hàng hóa đã lên tới đỉnh.
Cho dù lạm phát có thể giảm, tình hình vẫn còn mong manh giữa lúc nền kinh tế thế giới vẫn chưa ổn định và ở Việt Nam thì giá nông phẩm, lương tối thiểu sẽ bắt đầu tăng từ Tháng Mười cũng như các hậu quả của lần phá giá đồng bạc 8.5% (Tháng Hai) và tăng giá điện giá xăng sau đó còn đang kéo dài.
“Lạm phát cao vẫn là thử thách lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam trong 12 tháng tới.” Hải Phạm, một phân tích gia của ngân hàng ANZ nhật xét.
Nếu lạm phát không được kềm chế và đồng tiền vẫn bị áp lực phải hạ giá, nó sẽ xói mòn các nỗ lực ổn định nền kinh tế.
Cho đến giờ, người ta vẫn thấy nhà cầm quyền hô hò đặt ưu tiên chống lạm phát. Trần Hoàng Ngân, một trong những kinh tế gia có ảnh hưởng trong ủy ban cố vấn kinh tế của nhà nước nói rằng các biện pháp cần thiết của chính sách tiền tệ đều được sử dụng.
“Duy trì lãi suất cao và cắt hết tín dụng không còn là các lực chính để làm giảm lạm phát.” Ông Ngân nói như vậy trên tờ Người Lao Ðộng. “Vấn đề là điều hành và kềm chế giá cả hàng hóa.”
Các biện phát kiểm soát giá cả từng bị giới đầu tư ngoại quốc chống đối, nhưng nếu sự thay đổi chính sách diễn ra, có nghĩa là nới lỏng chính sách tín dụng cũng đồng thời đẻ ra rắc rối.
“Cái tốt nhất họ có thể làm giờ đây là phải nhất quán, rất nhất quán trong chính sách tiền tệ,” theo ý kiến của ông Phạm Thế Anh ở Ðại Học Kinh Tế Quốc Gia.
Ngân Hàng Nhà Nước thì có những quyết định nhiều khi không nhất quán. Họ gọi là chính sách “linh hoạt.”
Rất nhiều công ty cũng như giới ngân hàng kêu ca rằng họ khó có thể sống nổi khi mà lãi suất cho vay cao hơn 20%. Ông tân thống đốc bắn tiếng có thể sẽ hạ lãi suất một hay hai phần trăm vào Tháng Chín tới đây. Hiện cũng đang có những lời bàn tán về việc gia tăng cho vay ở khu vực sản xuất thực phẩm cũng như bớt chặt chẽ trong việc cung cấp tín dụng cho ngành địa ốc.
Một số người ở Việt Nam từng sống trong những tháng ngày chính sách tiền tệ bị thắt chặt nói rằng lãi suất quá cao phải hạ xuống thì mới chấm dứt được chu kỳ lạm phát. Nhưng một số người khác thì vẫn cho rằng hạ lãi suất cũng như “chơi với lửa.”
Theo ông Hải của ngân hàng ANZ, nếu Ngân Hàng Trung Ương Việt Nam giảm lãi suất vào Tháng Chín như thống đốc ngân hàng đề nghị mới đây, tín dụng gia tăng và tiền bạc lưu hành tăng sẽ dẫn đến lạm phát cao hơn. (TN)

Không có nhận xét nào: