Pages

Thứ Ba, 16 tháng 8, 2011

Luật sư của bà Trần Ngọc Sương đề nghị đình chỉ điều tra

Sáng 11-8, VKSND huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ) tống đạt cáo trạng tiếp tục truy tố nguyên GĐ Nông trường Sông Hậu Trần Ngọc Sương và 4 người cấp dưới tội “lập quỹ trái phép”. Trước khi ký biên bản nhận cáo trạng, bà Sương “không đồng ý với toàn bộ nội dung của cáo trạng”. Ngày 12/8, Luật sư của bà Sương, Luật sư Nguyễn Trường Thành có đơn kính gửi lãnh đạo VKSND và TAND huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ và Tối cao, đề nghị “đình chỉ điều tra chuyển vụ việc xử lý hành chính như nhiều vụ việc khác ở Cần Thơ đã được giải quyết bảo đảm sự công bằng của pháp luật”. Nguyên văn như sau: 

clip_image002
Ảnh bà Trần Ngọc Sương ngày 11/8 với cáo trạng vừa nhận. Ảnh: Sáu Nghệ

Sau khi nghiên cứu nội dung bản cáo trạng, các tài liệu liên quan đến vụ việc; Căn cứ Điều 58 Bộ luật tố tụng hình sự, Luật sư có bản kiến nghị này đề nghị xem xét lại toàn bộ nội dung bản cáo trạng số 28/KSĐT.KSXXSTHS-KT-CV ngày 28/07/2011 của VKSND huyện Cờ Đỏ. Các lý do đề nghị xem xét.

I/ VỀ THẨM QUYỀN BAN HÀNH CÁO TRẠNG

VKSND huyện Cờ Đỏ không đủ thẩm quyền để ban hành cáo trạng số 28/KSĐT.KSXXSTHS-KT-CV ngày 28/07/2011. Bởi lẽ:

Thứ nhất: Tại khoản 4 Điều 110 Bộ luật tố hình sự quy định:
“Cơ quan điều tra cấp tỉnh, cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu điều tra những vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp tỉnh, hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra cấp dưới nhưng xét thấy cần trực tiếp điều tra”.
Vụ án Nông trường Sông Hậu do cơ quan điều tra cấp tỉnh (Thành phố trực thuộc Trung ương) tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam và kết luận điều tra vụ án. Tức đã xác định thẩm quyền điều tra thuộc cơ quan điều tra cấp tỉnh mà Bộ luật tố tụng hình sự quy định, không phải vụ án thuộc thẩm quyền điều tra cấp huyện mà cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Cần Thơ xét thấy cần trực tiếp điều tra. Do đó theo quy định của điều luật này, vụ án do cơ quan điều tra cấp tỉnh điều tra phải thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp tỉnh (Cụ thể trong vụ án Nông trường Sông Hậu vụ án do cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Cần Thơ điều tra đương nhiên thuộc thẩm quyền xét xử của TAND TP Cần Thơ).

Thứ 2: Căn cứ vào hồ sơ vụ án cho thấy, quá trình điều tra vụ án của cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Cần Thơ đều có sự kiểm sát điều tra của VKSND TP Cần Thơ tuân thủ đúng Điều 112 Bộ luật tố tụng hình sự về “Kiểm sát khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra”. VKSND huyện Cờ Đỏ là đơn vị thực hành quyền công tố kiểm sát điều tra của cơ quan điều tra cấp huyện, không có thẩm quyền kiểm sát điều tra hoạt động điều tra của cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Cần Thơ, đương nhiên không đủ thẩm quyền để ban hành cáo trạng truy tố trước TAND huyện Cờ Đỏ.

Thứ 3: Tại Điều 116 Bộ luật tố tụng hình sự đã quy định rõ về việc chuyển vụ án để điều tra theo thẩm quyền như sau:

“Trường hợp vụ án không thuộc thẩm quyền điều tra của mình cơ quan điều tra phải đề nghị VKS cùng cấp ra quyết định chuyển vụ án cho cơ quan điều tra có thẩm quyền tiếp tục điều tra”. Tại hồ sơ vụ án không có đề nghị của cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Cần Thơ đề nghị chuyển vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Công an huyện Cờ Đỏ - VKSND TP Cần Thơ trong quá trình kiểm sát điều tra cũng không có quyết định chuyển vụ án cho cơ quan điều tra Công an huyện Cờ Đỏ. Tức vẫn xác định vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố theo quy định tại Điều 110 Bộ luật tố tụng hình sự tức thuộc thẩm quyền xét xử của TAND TP Cần Thơ.

Do vậy, tại bản kết luận điều tra số 08/KLĐT/PC46 ngày 21/02/2011 của cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Cần Thơ đã kết luận và đề nghị rõ “Chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án và các bị can có lý lịch nêu trên đến VKSND TP Cần Thơ đề nghị đưa bị can ra truy tố trước pháp luật”.

Như vậy, ngay từ khi khởi tố vụ án đến khi kết thúc điều tra đều đã xác định rõ thẩm quyền điều tra thuộc cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Cần Thơ, kiểm sát điều tra thuộc VKSND TP Cần Thơ. Do vậy VKSND TP Cần Thơ ban hành cáo trạng để TAND TP Cần Thơ xét xử sơ thẩm mới đúng theo các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự đã viện dẫn nêu trên.

II/ VỀ NỘI DUNG BẢN CÁO TRẠNG CỦA VKSND HUYỆN CỜ ĐỎ

Do không kiểm sát điều tra theo quy định tại Điều 112 Bộ luật tố tụng hình sự nên bản cáo trạng số 28/KSĐT.KSXXSTHS-KT-CV ngày 28/07/2011 không đúng thực tế, nhiều điểm oan sai đối với bà Trần Ngọc Sương. Cụ thể:

Thứ nhất: Việc cáo trạng kết luận lập quỹ trái phép 10.135.277.366 đồng là không có cơ sở, cụ thể:

1/ Tại bản cáo trạng ghi nhận “Tổng cộng số tiền vay bên ngoài là 2.238.500.000 đ nhập vào quỹ trái phép” mà không đề cập đến số tiền vay bên ngoài 2.238.500.000 đ đã thanh toán xong cho các người cho vay. Như vậy, đây là khoản tiền thuộc quan hệ pháp luật dân sự điều chỉnh, không gây thiệt hại gì cho Nông trường nên không cấu thành tội “Lập quỹ trái phép”.

2/ Khoản tiền thu bán bạch đàn 2.066.019.112 đ có nguồn gốc từ khi ông Năm Hoằng còn làm Giám đốc do cán bộ công nhân viên Nông trường trồng trên bờ bao (sản xuất phụ), toàn bộ sản phẩm chính đã được nộp vào nguồn vốn Nông trường. Theo cáo trạng ghi nhận là 12.087.732.206 đ còn lại sản phẩm phụ tận dụng của cây bạch đàn đưa vào quỹ đời sống của Nông trường là 2.066.019.112 đ. Như vậy việc trồng, thu bán bạch đàn mặc dù không phải là sản phẩm chính trong chức năng kinh doanh của Nông trường nhưng thực tế đã mang lại nguồn thu phần lớn cho tiền vốn hoạt động của Nông trường. Một phần phục vụ cho đời sống cán bộ công nhân viên, không thể coi là nguồn tiền lập quỹ trái phép như cáo trạng kết luận.

Thứ 2: Cáo trạng kết luận vụ việc lập quỹ trái phép tại Nông trường Sông Hậu gây thiệt hại 5.052.998.559 đ, trong đó bà Trần Ngọc Sương chi và sử dụng cá nhân 4.186.935.381 đ là không có cơ sở pháp lý vững chắc. Bởi các căn cứ sau:

1/ Khoản tiền 2.277.713.216 đ chi phí đi công tác, kết luận điều tra số 08/KLĐT/PC46 của cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố đã thừa nhận “Cơ quan cảnh sát điều tra không tiến hành xác minh làm rõ được số tiền này do bị can có chi hay chiếm đoạt cá nhân”.
Đương nhiên phần tiền này không thể kết luận là gây thiệt hại để truy tố bị can, bởi lẽ quy định của Bộ luật tố tụng hình sự đã xác định rõ “Nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc cơ quan tiến hành tố tụng”. Phần tiền 2.277.713.216 đ cơ quan điều tra không xem đây là thiệt của vụ án mà chỉ buộc bà Trần Ngọc Sương chịu trách nhiệm dân sự, VKS huyện Cờ Đỏ truy tố khoản tiền này là trái pháp luật và kết luận điều tra của cơ quan cảnh sát điều tra.

2/ Khoản tiền 246.460.732 đ là tiền trả căn nhà 22 đường Đinh Tiên Hoàng buộc trách nhiệm cho bà Trần Ngọc Sương là không đúng, bởi lẽ theo kết luận điều tra và cáo trạng đều đã kết luận “Đây là khoản tiền công đoàn cho bà Trần Ngọc Sương bởi những đóng góp của bà cho Nông trường và thực tế tại Nông trường có chủ trương hỗ trợ về nhà ở cho cán bộ công nhân viên, toàn bộ Nông trường đều được hưởng không riêng gì bà Trần Ngọc Sương”. Mặt khác việc hỗ trợ của công đoàn phù hợp với Quyết định số 118/TTg ngày 27/02/1996 của Thủ tướng Chính phủ về “Hỗ trợ người có công cách mạng cải thiện nhà ở”, cụ thể bà Ba Sương là Anh hùng lao động được Nhà nước hỗ trợ về nhà ở theo quy định tại Điều 1, Điều 2 của Quyết định.
“Nếu mua nhà thuộc sở hữu Nhà nước” thì được hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần tiền sử dụng đất đối với nhà ở một tầng và nhà ở nhiều tầng có một hộ ở, căn nhà 22 Đinh Tiên Hoàng là nhà do UBND TP Cần Thơ bán cho bà Ba Sương thuộc loại nhà cấp 4, 1 tầng theo quy định số 118/TTg thì bà Sương được hỗ trợ toàn bộ tiền sử dụng đất. Căn nhà 22 Đinh Tiên Hoàng có giá trị 246.460.732 đ trong đó giá trị nhà chỉ chưa đến 30.000.000 đ, còn lại là giá trị đất. Lẽ ra theo quy định tại Quyết định 118/TTg khi bán nhà cho bà Ba Sương UBND TP Cần Thơ phải miễn toàn bộ tiền đất cho bà nhưng UBND thành phố không thực hiện, công đoàn Nông trường Sông Hậu hỗ trợ cho bà Sương là đúng pháp luật hợp đạo lý, truy tố bà Sương phần tiền này là trái pháp luật, trái đạo lý.

3/ Đối với khoản tiền 254.418.000 đ cũng như khoản tiền chi lương kiêm nhiệm cho Trần Ngọc Hoằng và 72.000.000 đ cho Nguyễn Quý Lâm (khi 2 người này đã chết) thực chất 2 khoản tiền này theo lời khai của tất cả các cá nhân liên quan đến Nông trường đều xác định đây là khoản tiền trợ cấp khó khăn cho thân nhân của ông Trần Ngọc Hoằng (con nuôi vị thành niên) và vợ ông Lâm (người tàn tật) sau khi họ qua đời. Bản án giám đốc thẩm đã nhận định rõ “Đối với các khoản chi có tính cách hỗ trợ liên quan đến cương vị công tác như khoản chi hàng tháng không lớn kéo dài nhiều năm, một số người nhận tiền đã chết cần xem xét để xử lý phù hợp thấu tình, đạt lý…”. Nên việc truy tố khoản tiền này cũng sai.

4/ Khoản tiền lấp âm quỹ 729.690.671 đ truy tố lập quỹ trái phép gây thiệt hại là không có căn cứ, bởi theo cáo trạng của VKS huyện Cờ Đỏ đã ghi nhận “Quá trình hoạt động của Nông trường có những khoản tạm ứng nợ vay và các khoản nợ cá nhân, tổ chức nhận không có chứng từ hoàn ứng để quyết toán”. Nên đã sử dụng số tiền từ quỹ trái phép chuyển sang quỹ Nông trường để hoàn ứng, quyết toán sổ sách. Như vậy bản chất của số tiền 729.690.671 đ là sự hoán chuyển tiền trong nội bộ Công ty, không gây thiệt hại. Kháng nghị giám đốc thẩm của VKS tối cao và bản án giám đốc thẩm của Tòa án tối cao cũng đã nhận định và yêu cầu xem xét lại số tiền này.

5/ Khoản tiền biếu tặng, báo đài, các cá nhân, Ban ngành Trung ương, địa phương tổng cộng 678.290.840 đ là khoản tiền chi phí có thật trong gần 10 năm, đối với một đơn vị 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động, mỗi năm có hàng trăm đoàn đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm chi phí tiếp khách, quà tặng theo chế độ tài chính không thể đáp ứng được, nên có chi phí vượt mức quy định cũng là lẽ đương nhiên. Trong điều kiện Nông trường Sông Hậu là đơn vị “Sản xuất kinh doanh độc lập tự chịu trách nhiệm về tài chính – hoạt động chủ yếu dựa trên vốn vay” (ngân sách cấp không đáng kể) nên có sử dụng nguồn tiền làm thêm từ trồng bạch đàn, ao cá, tiền lãi từ mua bán đất đai để tiếp khách, làm quà tặng không sử dụng nguồn vốn của Nông trường là hợp lệ. Việc truy tố khoản tiền này là oan cho bà Trần Ngọc Sương.

6/ Trước khi chuẩn bị nghỉ hưu bà Trần Ngọc Sương đã hoàn lại cho Nông Trường tổng số tiền 1.650.000.000 đ, việc hoàn trả trước thời điểm khởi tố vụ án. Do vậy về nguyên tắc phần tiền này phải được loại trừ cả về trách nhiệm hình sự cũng như dân sự đối với bà mới bảo đảm sự công bằng. Cáo trạng VKSND huyện Cờ Đỏ không đề cập đến số tiền này là không bảo đảm tính khách quan.

7/ Điều đáng nói thêm là: Do không kiểm sát điều tra vụ án nên bản cáo trạng của VKSND huyện Cờ Đỏ sử dụng từ ngữ thiếu chuẩn xác. Cụ thể, ở tất cả các doanh nghiệp kể cả Doanh nghiệp Nhà nước như Nông trường Sông Hậu không có quỹ nào là quỹ “Ngân sách” cũng không có nguồn vốn nào tại Nông trường Sông Hậu gọi là “Nguồn vốn ngân sách của Nông trường”, ngân sách là tiền Nhà nước được quản lý bằng Luật ngân sách

Cần lưu ý rằng tại bản kết luận điều tra số 08/KLĐT/PC46 ngày 21/02/2011 cơ quan cảnh sát điều tra không có bất cứ kết luận nào về việc bà Trần Ngọc Sương lấy tiền từ “Ngân sách” cũng như nộp tiền vào nguồn vốn ngân sách của Nông Trường. Vậy căn cứ vào đâu để VKSND huyện Cờ Đỏ kết luận trong cáo trạng (trang 3) kết luận bà Trần Ngọc Sương chỉ đạo nộp tiền vào nguồn vốn ngân sách của Nông trường và chỉ đạo lấy tiền từ ngân sách.

Tóm lại: Tổng cộng 5 khoản tiền nêu trên (1+2+3+4+5) là 5.186.571.000 đ (Tính số tròn) cộng với khoản tiền 4.093.592.392 đ VKSND huyện Cờ Đỏ đã loại trừ trách nhiệm, thì tổng số tiền không có căn cứ kết luận bị thiệt hại 9.279.000.000 đ (tính số tròn).

Tổng số lập quỹ trái phép theo cáo trạng VKS huyện Cờ Đỏ đó là 10.048.000.000 đ tính số tròn.
Như vậy khoản chênh lệch còn lại:
10.048.000.000 đ – 9.279.000.000 đ = 769.000.000 đ.
Nếu xem 769.000.000 đ là thiệt hại thực tế của vụ án thì khoản tiền 1.650.000.000 đ bà Trần Ngọc Sương đã hoàn trả Nông trường trước khi nghỉ hưu đã đủ bà đắp khoản thiệt hại nêu trên.

Do vậy, Luật sư trân trọng đề nghị:

1/ Trả toàn bộ hồ sơ vụ án cho cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố để trưng cầu giám định tài chính lại, cân đối toàn bộ khoản thu chi cũng như bù trừ. Từ đó loại trừ trách nhiệm hình sự cho bà Trần Ngọc Sương các khoản thu chi hợp pháp và hợp lệ mà Luật sư đã phân tích ở trên.

2/ Trên cơ sở đánh giá toàn diện khách quan vụ án, đặc biệt xem xét đến công lao của bà Trần Ngọc Sương đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong gần 30 năm xây dựng và phát triển Nông trường được tuyên dương 2 lần Anh hùng. Cá nhân bà cũng là Anh hùng lao động, xem xét đến tuổi tác, sức khỏe của bà, hoàn cảnh khốn khó của bà hiện nay (không chồng, không con, không nhà cửa, đất đai). Xem xét đến tính chất của vụ án (không phải án tham nhũng), số tiền không có nguồn gốc từ ngân sách hay vốn của Nông trường mà phần lớn từ sản xuất phụ mới có.

Đồng thời trên cơ sở xem xét đến hiệu ứng xã hội của vụ án sự quan tâm đặc biệt của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi ông còn sống, sự quan tâm của cán bộ lãnh đạo lão thành cách mạng, của nhiều cán bộ cao cấp đương nhiệm, của mặt trận Tổ quốc, của quần chúng nhân dân. Để không xử lý bằng biện pháp hình sự đối với bà Trần Ngọc Sương, đình chỉ điều tra chuyển vụ việc xử lý hành chính như nhiều vụ việc khác ở Cần Thơ đã được giải quyết bảo đảm sự công bằng của pháp luật.

Luật sư Nguyễn Trường Thành

Không có nhận xét nào: