Pages

Thứ Ba, 2 tháng 8, 2011

Một thách thức mang tên Nguyễn Tấn Dũng

Về chính phủ Nguyễn Tấn Dũng 2

Mọi đường đi nước bước đều được sắp xếp đúng bài đúng bản, như một vở tuồng chèo ở tỉnh lẻ: Chủ tịch Quốc hội khoá cũ Nguyễn Phú Trọng giới thiệu với Quốc hội khoá mới ông Nguyễn Sinh Hùng cho chức vụ mình. Và người ứng viên duy nhất này đã đắc cử ngay với tỉ lệ 91,3%.

Ngay sau khi nhậm chức, Tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã „đọc tờ trình“ đề cử ông Trương Tấn Sang, Thường trực Ban bí thư, làm Chủ tịch nước. Dĩ nhiên, ông này đã đăng quang với 97,4% số phiếu.

Và cao điểm của màn đôn nhau tiến chức là: Tới phiên ông Trương Tấn Sang, ngay sau khi nhậm chức, Tân Chủ tịch nước cũng „đọc tờ trình“ đề cử đương kim Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng thêm một nhiệm kỳ mới và ông này cũng đã tái đắc cử cái rụp với 94% số phiếu.

Những ai nhớ rằng năm ngoái Nguyễn Tấn Dũng đã từng được báo chí trong nước lăng-xê là „Nhân vật của năm 2010“ và ông ta cũng được „báo chí nước ngoài đánh giá là chính trị gia xuất sắc nhất châu Á“, thì trình tự và kết quả bầu bán của nhân vật chóp bu CS này không có gì đáng ngạc nhiên cả. Nhưng đối với những người hiểu chuyện -như trong những nhóm „Dân Làm Báo“, „Anh Ba Sàm“, „X-Cafe“,… ở trong nước, hay là đối với ông Nguyễn Tôn Hiệt ở hải ngoại- thì những tiểu xảo đánh bóng lãnh tụ „Anh Ba Dũng“ chỉ toàn là đồ giả và đồ dỏm: „Báo chí trong nước“ là mấy tờ báo quốc doanh „lề phải“, còn „Báo chí nước ngoài“, xét lại cho kĩ, thì chẳng con ma nào khác hơn là một tờ báo tiếp thị lá cải của một công ti chế biến… rác rưởi và vệ sinh môi trường ở một tỉnh lẻ của nước Đức (RES-Resources, Ecology, Services GmbH). Tất cả là những mánh khoé giả cầy rẻ tiền. Hay nói theo tiếng Việt đương đại trong nước, thì đó chỉ là „Công nghệ biến heo bệnh, heo chết thành heo quay“.

Nếu việc Quốc hội Ba Đình dồn phiếu cho Nguyễn Tấn Dũng là chuyện có thể hiểu được (khi người ta biết rằng trong số 493 đại biểu của khoá 13 này, thì 450 là đảng viên trung kiên của đảng CSVN), thì việc ĐCS công kênh đưa Nguyễn Tấn Dũng ra thêm một nhiệm kì nữa, là một chuyện nằm ngoài khả năng trí tuệ của người dân bình thường, vì nếu là một nước tự do dân chủ, thì Nguyễn Tấn Dũng và nội các đã nhận được giấy hoá đơn từ người cử tri cho vô số những sai lầm và bất lực của họ trong nhiệm kì qua. Sau 5 năm trị vì của Nguyễn Tấn Dũng, nước ta đã tụt hậu nghiêm trong và đang lún sâu đến tận cổ.

Trong lãnh vực kinh tế xin đơn cử một vài điểm nhấn.

Vinashin: Tập đoàn quốc doanh, trực thuộc phủ Thủ tướng, thua lỗ tan hoang, tính đến tháng 10/2011 tổng số nợ không có khả năng trả lên đến hơn 6 tỉ USD.

Công ti Tài chính ALC II: Công ti Cho thuê Tài chính II thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cũng trực thuộc phủ Thủ tướng, cũng thua lỗ nát bét, tính đến cuối năm 2010 đã thất thoát 4.000 tỉ VNĐ.

Lạm phát ngoài vòng kiểm soát: Tính đến tháng 7 vừa qua đã leo lên mức 23% (!) so với trước đây một năm, sắp hạng thế giới chỉ khá hơn Angola, Mosambik và Venezuela. Lương công nhân viên tăng không đủ bù đắp mức tăng giá thực phẩm và thuốc men. Số hộ nghèo đói gia tăng, đưa đến các vấn đề xã hội nghiêm trọng.
Thâm thủng mậu dịch: Tổng số năm nay tính tới tháng 7 qua đã lên đến 6,64 tỉ USD rồi.

Nợ nước ngoài tăng cao: Vì muốn tăng trưởng cao, nhà nước đã tăng đầu tư của mình. Tiền đầu tư thì được đi vay và đổ một cách thoải mái vô những cái thùng khổng lồ không đáy, mang tên là „tập đoàn nhà nước“.

Bô-xít Tây Nguyên: Một „Dự án lớn của chính phủ“, đồng nghĩa với một thảm hoạ về môi sinh và một nguy cơ sinh tử về an ninh quốc phòng cho Việt Nam.

Cho TQ thuê rừng đầu nguồn: Quan lớn 10 tỉnh Việt Nam cho các doanh nghiệp Trung Quốc thuê hơn 3000 km2 rừng đầu nguồn, dài hạn trong 50 năm, với nguy cơ nhập cư lén lút và nguy cơ an ninh quốc phòng. Sau khi nhân dân tố giác, nhà nước ú ớ vài tiếng, nay cho chìm xuồng luôn.

Về mặt chính trị đối nội, rõ nhất là trong nhiệm kì của Nguyễn Tấn Dũng vừa qua, guồng máy cầm quyền CSVN đã phơi bày hết sức trơ trẽn những đặc tính của một thể chế độc tài đang đến tuổi về già:

Hủ hoá: Từ trên xuống dưới, cán bộ các cấp đồi truỵ về nhân cách, xấc láo trong thái độ, lạm dụng bộ máy quyền lực để tham nhũng, hối lộ, cướp tiền cướp đất của người dân thấp cổ bé miệng: “Con bạc triệu đô” Bùi Tiến Dũng của PMU 18, „Chủ tịch tỉnh cởi truồng“ Nguyễn Trường Tô của Hà Giang, Nguyễn Việt Tiến, Huỳnh Ngọc Sỹ,… chỉ là đỉnh nhỏ của núi băng hủ hoá khổng lồ.

Côn đồ hoá: Trong lối hành xử với dân, cảnh sát và công an –mà khẩu hiệu là „Chỉ biết còn đảng, còn mình“, thường tỏ ra vô cùng hống hách, lộng quyền, ỷ thế, khinh khi người dân và pháp luật –cả 2 đối tượng mà nhiệm vụ chính của họ là phải bảo vệ. Các vụ đánh dân đến chết đã xảy ra lan tràn ở khắp mọi miền đất nước: Bắc Giang (6/2010), Hậu Giang (8/2010), Đồng Nai (9/2010), Long Xuyên (12/2010), Hà Nội (3/2011), Sóc Trăng (4/29011),… Các vụ đánh dân một cách ác ôn côn đồ đến nỗi phải nhập viện xảy ra như cơm bữa, đôi khi chỉ vì người dân kì kèo đóng tiền phạt vạ oan ức. Gần đây nhất, một thiếu uý công an ở Huế đã đánh đập vô cùng dã man một bé trai 11 tuổi đến phải nhập viện. Bác sĩ bệnh viện cho biết „cháu bé bị tổn thương từ đầu đến chân, trong đó ở vành tai trái, mông và mặt sau hai đùi chân bị bầm tím“.

Xói mòn nhân sự: Đây là thảm trạng chung về nhân sự lãnh đạo tại Bắc Hàn, Cuba hay Việt Nam. Những người tài giỏi trong nước thật ra không bao giờ thiếu, nhưng muốn được tuyển dụng vào các chức vụ lãnh đạo cao thì phải dựa vào yếu tố vô cùng quan trọng là con ông cháu cha, quen biết lớn hay mua quan bán chức. Vì thế chất lượng cán bộ, quan chức cao cấp không bao giờ được bảo đảm. Nông Đức Tuấn, con trai Nông Đức Mạnh, là một trường hợp cất nhắc và ô dù điển hình. Dù học hành và hoạt động không có gì xuất sắc, nhưng tháng 8/2010 „thái tử đỏ“ này đã nhận chức bí thư tỉnh uỷ Bắc Giang và tháng 1/2011 đã được bầu làm Uỷ viên chính thức của Ban chấp hành trung ương đảng.

Về mặt chính trị đối ngoại trong nhiệm kì của Nguyễn Tấn Dũng – nhất là trong những tháng cuối cùng-, nóng bỏng nhất là vấn đề Biển Đông, khi mà Trung Quốc nghênh ngang ra mặt đòi chủ quyền toàn bộ Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam và thực hiện tham vọng độc chiếm gần hết Biển Đông qua yêu sách phi lí và phi pháp „đường lưỡi bò“ của họ.

Trễ nhất là vào ngày 26-5-2011, khi 3 chiếc tàu Hải giám của Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 2 thuộc Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam (Petrovietnam) khi tàu này đang khảo sát địa hình trong lô 146-148, cách mũi Ðại Lãnh thuộc tỉnh Phú Yên 116 hải lí đông, thì toàn bộ chính sách đối ngoại lâu nay của chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đối với Trung Quốc cũng đã bị „cắt cáp“ luôn. Sự kiện Bình Minh 2, Viking 2 và một lô các hội nghị, hội thảo chộn rộn sau đó trong vùng ĐNÁ phơi bày 3 đặc điểm của chính sách ngoại giao này: ngây thơ, ươn hèn và vô định hướng.

Trong sự giao tế giữa các nhân và cá nhân, thì việc dựa „16 chữ vàng“ và „4 tốt“ rồi bị lật lọng, người ta gọi là ngây thơ. Nhưng trong chính sách đối ngoại với một nước láng giềng lớn lâu nay không thèm che đậy tham vọng bá quyền của mình trong khu vực, một nước láng giềng vô cùng thô lỗ và hung hăng tại Tân Cương, Tây Tạng,… một nước láng giềng đã từng xâm chiếm và đô hộ nước ta nhiếu lần trong suốt 2000 lịch sử qua, mà gần nhất là cuộc xăm lăng biên giới phía Bắc năm 1979 và 2 trận hải chiến chiếm Hoàng Sa 1974 và Trường Sa 1988, thì việc nhắm mắt nhắm mũi dựa „16 chữ vàng“ và „4 tốt“ rồi bị lật lọng, người ta gọi là ngu dốt và vô trách nhiệm với đất nước. Chính vì hớ hênh như vậy, nên ngày nay, khi đụng chuyện thì mới rõ ra rằng hải quân Việt Nam không được đề phòng và trang bị tốt, không đủ sức chiến đấu để bảo vệ tổ quốc: tàu bè lạc hậu, xuống cấp (2). 6 chiếc tàu ngầm Kilo đặt mua của Nga vẫn chưa đóng, chiếc đầu tiên sớm nhất dự kiến sẽ giao 2013, chiếc cuối cùng 2018 (!). 4 chiếc tàu tuần tra lớp Svetlyak cũng đặt của Nga dự kiến sớm nhất đến 2012 mới giao, trong khi đó tàu hải giám Trung Quốc đang khuấy rộn sóng Biển Đông.

Không những ngây thơ cụ, trong chính sách đối ngoại với Bắc Kinh, chính quyền Hà Nội còn tỏ ra ươn hèn, nhịn nhục khó hiểu. Việc này thấy rõ nhất khi người ta so sánh phản ứng của chính quyền Việt Nam và chính quyền Philippines trước sự gây hấn thô bạo của Trung Quốc (3). Khác với „phản ứng mạnh mẽ, quyết liệt và nhất quán“ (Nguyễn Hưng Quốc) của Philippines, thì nhà cầm quyền và truyền thông chính thức của Việt Nam đã tạo ra một cảm tưởng ú ớ, nghẹn họng, nói mà không dám nói to, thì thò thì thụt, tuyên bố rồi lại đính chính, đưa bài lên mạng rồi lại ra lệnh kéo xuống. Nội dung các tiếp xúc chính thức cấp cao với Trung Quốc để tìm giải pháp cho vấn đề lớn đang làm bức xúc xã hội này thì bị nhà cầm quyền im ỉm, giấu giếm, như nội dung của cuộc gặp gỡ của Hồ Xuân Sơn, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam với Đới Bỉnh Quốc, Uỷ viên Quốc vụ viện Trung Quốc vừa qua. Tuy khi tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp hay „tàu lạ“ bắt bớ, đánh đập ngư dân của mình trên Biên Đông thì đứng im mà ngó, nhưng khi những người Việt yêu nước biểu tình ôn hoà tại Sài Gòn và Hà Nội, thì huy động nào là công an chìm, công an nổi để bắt bớ, đánh đập dã man, đạp giày thô bạo vào mặt thanh niên biểu tình. Thật đúng là: Hèn với giặc, ác với dân!

Đặc điểm cuối cùng của chính sách ngoại giao của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông là vô định hướng. Nghe các lời phát biểu của Phùng Bá Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng và Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam tại các Hội nghị an ninh ASEAN vừa qua, người ta thật sự không rõ chủ trương của nhà nước Việt Nam trong vấn đề Biển Đông là muốn đối thoại đa phương, có tham gia quốc tế (có lợi cho Việt Nam) hay là song phương (như Trung Quốc nhất định đòi hỏi). Các chuyến viếng thăm gần đây của chiến hạm Mỹ cũng như các cuộc diễn tập hải quân chung Việt-Mỹ giữa tháng 7 qua tạo cảm tưởng rằng Việt Nam đang tìm một đường lối ngoại giao mới: có vẽ gờm gờm Trung Quốc nên muốn tìm hậu thuẫn nào đó của Mỹ để chống lưng cho mình. Nhưng có hay không -sự chuyển hướng ngoại giao này? Nếu có, thì con đường cũng sẽ rất dài, vì chế độ chính trị tại Việt Nam hoàn toàn khác với Philippines hay Nam Hàn. Còn nếu không, thì lấy gì để đối trọng lại trước anh khổng lồ hung bạo Trung Quốc?

Khi nói về nhiệm kì mới chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, tác giả Quốc Phương của đài BBC cho rằng đang có nhiều „thách thức chờ đợi tân Chính phủ Việt Nam“ (4).
Nhưng thật sự ra, chính Nguyễn Tấn Dũng là một thách thức, mà lại là một thách thức rất lớn -cho trí thông minh của người dân Việt Nam: Làm thế nào mà một nhân vật với những thành quả thê thảm như trên về mặt kinh tế, chính trị, ngoại giao, v.v. trong suốt 5 năm qua, mà còn được Quốc hội tín nhiệm thêm một nhiệm kì nữa -với số phiếu 94% !?

Nguyễn Bặc

Chú thích:

(1) Nguyễn Tôn Hiệt: “Báo chí nước ngoài” ca ngợi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng? Thật ra chỉ là một trò lừa bịp!

http://tienve.org/home/activities/viewThaoLuan.do?action=viewArtwork&artworkId=11922

(2) Mai Thanh Hải: Một nguyên nhân khiến hải quân Việt Nam lạc hậu: các chương trình đóng tàu bị chậm và… đội giá thành.
http://maithanhhaiddk.blogspot.com/2011/07/mot-nguyen-nhan-khien-hai-quan-viet-nam.html

(3) Nguyễn Hưng Quốc: Việt Nam và Philippines

http://www.voanews.com/vietnamese/blogs/quoc/viet-nam-va-philippines-06-24-11-124501594.html

(4) Quốc Phương, BBC: Thách thức chờ đợi tân Chính phủ Việt Nam

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/business/2011/07/110722_viet_government

Không có nhận xét nào: