Pages

Thứ Tư, 3 tháng 8, 2011

Đòn Thù


Tưởng Năng Tiến - Trong phần giới thiệu bài “Viết cho anh Anh Cù Huy Hà Vũ trước ngày ra toà” (của Lê Diễn Đức) Phạm Toàn đã đoán trước, từ phiên toà sơ thẩm: “Bản án sẽ tuyên nặng, vì sẽ là một đòn thù.” Ông nhà giáo, kiêm nhà báo, nói (đại) vậy mà ... trúng phóc. Đúng là một cú đòn thù. Và người biết điều này rõ nhất, không ai khác hơn là chính Cù Huy Hà Vũ:


“Ông bị Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả thù vì các đơn kiện của ông đối với việc thủ tướng Dũng đồng ý cho phép khai thác bauxite và ký quyết định cấm không cho người dân khiếu kiện tập thể.”


Đòn thù này khiến tôi nhớ đến một trận đòn khác, xẩy ra trong một trại tù ở miền Bắc VN, trước 1975:

“Khi tù đi làm, khi tù về trại, Thất đứng bên này cổng, đối diện với ông Quân. Thất cũng đếm. Thất nhắc nhở tù bỏ nón, bỏ guốc. Đi dép thì được. Đi guốc qua mặt quản giáo là không được. Là không tôn kính cán bộ. Là vô lễ.”

“Nhưng Lê Bá Di đi guốc. Lê Bá Di thì không thể có dép. Người Quảng Trị, tù cũng đã mười năm, gia đình không thể theo đuổi từ trong ấy lên mãi VQ, QN mà tiếp tế được, Lê Bá Di hoàn toàn sống bằng trại. Bữa ăn sang nhất của Di là ba lạng thịt trâu kho chuội choại ngày Tết. Một năm có một lần. Không thuốc đánh răng, không khăn mặt (Di lấy quần áo rách làm khăn mặt) không tiền lưu ký, không bít-tất, không dép... Lê Bá Di đẽo lấy guốc đi. Và cứ đi guốc qua cổng.”“Thất gọi nhắc nhở. Lê Bá Di cứ đi. Không biết Di không nghe tiếng, hay biết nhưng cứ làm theo ý mình. Thất chạy tới túm vai Di quát mắng và chỉ xuống đôi guốc, sừng sộ. Di cúi xuống nhặt guốc và bỗng nhiên, hắn và tất cả không ngờ: Di quật guốc vào mặt Thất. Hẳn là chỗ guốc ấy có cái dinh lòi ra. Thất vuốt mặt. Mặt đầy máu. Tay đầy máu.”“Thất im lặng. Ông Quân im lặng. Bọn hắn im lặng đi qua. Hắn không ngờ Di lại hành động như vậy...”

“Di lành. Di khổ. Di ít nói. Bỗng nhiên Di khùng. Nhưng Di lại bị hành hạ theo cách khác. Buổi chiều đi làm về, hắn đã lấy nước uống và đang đi sang bên toán mộc chơi, thăm Giang, người bạn tù cùng giam ở 75, thì sau lưng hắn có tiếng rầm rầm. Tiếng thét. Tiếng kêu ú ớ. Hắn quay lại. Thùng nước đổ chỏng chơ. Một dám đông đang đá, đạp, đấm.”

“Lê Bá Di nằm lăn dưới đất. Ba Đen, Phi Cốc, Triều Phỉ, Lập Ba Tai... những tù tập trung hình sự cao lớn, bấy lâu ngứa ngáy chân tay đang đánh đòn hội chợ. Toàn những miếng hiểm. Toàn những miếng vào bụng, vào sườn, vào ngực. ợ. ợ. Cứ mỗi đòn Di nhận, Di lại ưỡn lên. Ưỡn, nhưng không kêu. Chỉ ợ ợ. Đòn cuối cùng là một cú đánh bằng gót của Ba Đen nện thẳng xuống mỏ ác. Tứ chi Di rúm lại. ợ. ợ.”


“Thoắt một cái, tất cả đã biến hết. Trận đòn rất nhanh. Như chưa hề xảy ra. Chỉ một mình Di. Quần áo xám, số đỏ, lấm láp nằm co trên đất. Mắt nhắm nghiền thiêm thiếp. Một lúc sau, Di mở mắt, chớp chớp. Không nhăn nhó, không kêu rên một lời, Di gượng ngồi dậy. Nhặt cái gô lăn lóc, đứng lên phủi quần áo. Đi dến chỗ thùng sắt chắt tí nước cặn còn sót lại, cầm gô vào buồng đặt lên sàn như không có chuyện gì xảy ra.”“Hắn đi về phía toán mộc và thấy ông Quân đang lặng lẽ hút thuốc sâu kèn ở cổng trại. Ông có biết không? Hẳn là ông biết. Ầm ầm như thế làm sao không biết. Cũng như cả trại biết Thất đã xuỳ bọn đàn em dạy Lê Bá Di một bài học. Và cũng là dạy tất cả cánh phạm bài học.” (Bùi Ngọc Tấn. Chuyện Kể Năm 2000, tập I. CLB Tuổi Xanh, Hoa Kỳ: 2000, 67-69).

Luật bất thành văn trong trại tù, ở Quảng Ninh, là “không được đi guốc qua mặt quản giáo. Làm như thế là “không tôn kính cán bộ. Là vô lễ.” Ông Lê Bá Di vì bất chấp luật lệ này nên đã bị lãnh đòn.

Luật bất thành văn của nước CHXHCN Việt Nam là không được “đụng chạm” đến qúi vị lãnh đạo. Làm như thế (chắc) cũng là ... vô lễ! Ông Cù Huy Hà Vũ đã bất chấp luật lệ này nên (cũng) bị lãnh đòn.

Ông Nguyễn Tấn dũng đã “xùy” bọn đàn em ra “dậy” cho Cù Huy Hà Vũ một bài học. Và cũng là để dậy cho đám đông quần chúng biết thế nào là lễ độ.

Ông Lê Bá Di bị lãnh đòn trong một trại tù heo hút, vào hồi cuối thế kỷ trước. Ông Cù Huy Hà Vũ thì lãnh đòn tại Hà Nội, ngay giữa lòng “thủ đô lương tâm của nhân loại,” ở đầu thế kỷ này, vào Thời Đại Thông Tin.

Tôi có lần ông nghe ông Vũ Thư Hiên kể lại rằng “những cán bộ công an có công tâm phải thốt lên là ở Việt Nam mỗi công dân là một tù nhân dự khuyết,” và cứ tưởng là ông ấy nói đùa. Sau vụ án Cù Huy Hà Vũ, với cách hành xử (rất quản giáo) của quí vị lãnh đạo ở xứ sở này thì mới biết rằng họ coi người dân chả khác gì đám phạm (tương lai) chứ không phải chuyện chơi.

Tưởng Năng Tiến tuongnangtien.wordpress.com

Không có nhận xét nào: