Ted Laguatan
Đỗ Quyên dịch
Căn cứ luật hàng hải quốc tế khả dụng và các luật có liên quan, Trung Quốc biết là nếu họ đưa kiến nghị thư ra Tòa án Công lý Quốc tế của Liên Hợp Quốc hay Tòa án Quốc tế về Luật Biển để khẳng định yêu sách đáng ngờ của họ rằng họ sở hữu đủ thứ trên biển Hoa Nam tức biển Tây Philippines – thì cơ hội chiến thắng của họ cũng chắc chắn như khi ta thấy bông tuyết rơi trên sa mạc Sahara.
Cả hai tòa án đều có quyền tài phán phù hợp để giải quyết các vấn đề chủ quyền giữa các quốc gia trong vấn đề biên giới trên biển – ví dụ các vấn đề liên quan tới hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Ta hãy tưởng tượng xem điều gì chắc chắn sẽ xảy đến nếu Trung Quốc đưa vụ việc của họ ra Tòa án Công lý Quốc tế, và đại diện của Trung Quốc – ta hãy gọi ông ta là ông Lee (Lý) – đang đứng trước Tòa án mà người đứng đầu là vị quan tòa cao nhất. Hãy xem kịch bản sau:
Quan tòa: “Đề nghị quý vị cho Tòa biết cơ sở của yêu sách của quý vị, theo đó toàn bộ biển Nam Hoa tức biển Tây Philippines thuộc về nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa?”.
Ông Lý: “Xin cảm ơn ngài. Yêu sách của chúng tôi dựa trên sự thật lịch sử rằng toàn bộ khu vực này đã thuộc về chúng tôi từ thời Hán”.
Quan tòa: “Ông dự định sẽ chứng minh vụ việc của mình như thế nào?”.
Ông Lý: “Tôi sẽ đệ trình cho Tòa xem một bản đồ cổ của nhà Hán, gần 2000 năm tuổi, cho thấy các biên giới của vương quốc thời Hán triều”.
Quan tòa: “Để thảo luận, ta hãy giả định rằng Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và các nước xung quanh đã từng là các tỉnh lỵ hoặc là các phần thuộc triều Hán trong suốt thời gian tồn tại của nhà Hán, ngay cả khi bản đồ mà ông cầm có thể là một bản đồ hàng hải không thật sự xác định ra các biên giới địa lý của Hán triều. Bây giờ nghiên cứu của tôi về lịch sử Trung Quốc cho thấy là nhà Hán tồn tại từ năm 206 trước Công nguyên cho tới năm 220 thuộc Công nguyên. Có đúng như thế không?”.
Ông Lý: “Đúng vậy”.
Quan tòa: “Tôi giả định với ông Lý rằng ông quen Alexander Đại đế, vị vua trẻ tuổi của Macedonia, người đã chinh phục gần như cả thế giới cổ đại”.
Ông Lý: “Vâng, cứ cho là tôi quen ông ta”.
Quan tòa: “Vào thời điểm Alexander chết, năm 323 trước Công nguyên, vương quốc của ông ta bao gồm Hy Lạp, Syria, Ba Tư mà bây giờ là Iran, Ai Cập, và một phần Ấn Độ. Ông Lý, ông có biết Macedonia, quê hương của Alexandre, bây giờ là nước Cộng hòa Macedonia không?”.
Ông Lý: “Vâng, nếu ngài nói vậy”.
Quan tòa: “Tốt. Ông có vẻ hiểu lịch sử nước mình đấy. Tôi giả định là ông cũng biết đến Đế quốc La Mã, đã từng tồn tại suốt hơn 1000 năm”.
Ông Lý: “Cảm ơn ngài. Tôi có đọc sử”.
Quan tòa: “Vậy ông Lý, ông phải biết rằng ở đỉnh cao của nó, Đế quốc La Mã bao gồm phần lớn châu Âu và nhiều phần của châu Phi, châu Á”.
Ông Lý: “Tôi biết vậy, thưa ngài”.
Quan tòa: “Ông Lý, kể từ thời Alexander, thời Đế quốc La Mã và triều Hán – qua thời gian, trải qua bao nhiêu biến cố lịch sử, các nhà nước độc lập khác nhau đã nổi lên tại châu Âu, châu Phi và châu Á – và bây giờ họ đều có lãnh thổ của riêng mình. Đó là một thực tế mà tất cả chúng ta phải thừa nhận, phải vậy không?”.
Ông Lý: “Chúng ta không thể bác bỏ sự thực, thưa ngài”.
Quan tòa: “Ông Lý, một sự thật không thể phủ nhận nữa là đế chế của Alexander, đế quốc La Mã và vương quốc của nhà Hán giờ đều không tồn tại nữa – tôi nói vậy có đúng không?”.
Ông Lý: “Đúng, thưa ngài”.
Quan tòa: “Ông Lý, một cách thành thực nhất, ông có thật sự tin rằng nếu Cộng hòa Macedonia và chính quyền Italia đến trước Tòa án này và yêu cầu chúng tôi xác nhận rằng họ sở hữu tất cả các vùng lãnh thổ thuộc về các nước mà giờ đây đang độc lập, bởi vì các vùng lãnh thổ ấy từng một thời thuộc về đế chế của Alexander hay đế quốc La Mã – thì chúng tôi sẽ bị thuyết phục phải chấp nhận những kiến nghị đó không?”.
Ông Lý: “Tôi hiểu điều ngài đang đạt được, thưa ngài thẩm phán – nhưng phần lớn những gì chúng tôi đang đề cập đến là biển chứ không phải đất liền”.
Quan tòa: “Quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa không phải đất liền? Dù sao đi nữa, chẳng phải Trung Quốc cũng là một thành viên ký kết Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), mà quý vị phê chuẩn vào ngày 6/7/1996, và do đó đã đồng ý chịu sự ràng buộc của các điều khoản của nó hay sao? Mà một phần của Công ước quy định rằng bất kể cái gì nằm trong vùng 200 hải lý tính từ đường cơ sở của một nước thì đều thuộc về nước đó?”.
Ông Lý: “Trung Quốc đã đồng ý với các điều khoản đó vào thời điểm mà chúng tôi chưa ý thức được về hậu quả xa xôi của UNCLOS đối với lợi ích quốc gia của chúng tôi”.
Quan tòa: “Tôi không định nói chẻ hoe ra đâu, ông Lý. Ý ông là vào thời điểm đó, thế giới, kể cả Trung Quốc, đều chưa nhận thức được rằng những mỏ dầu và khí tự nhiên khổng lồ sẽ được phát hiện trong vùng chủ quyền của các nước láng giềng chứ gì. Bây giờ, vì đã ý thức được điều ấy, cho nên ngay cả khi Trung Quốc biết là mình đang xâm lược, đang vi phạm luật quốc tế, họ cũng sử dụng sức mạnh cưỡng chế của mình – sức mạnh quân sự hoặc gì đó khác – để cướp các mỏ vàng đen khổng lồ đó khỏi lãnh thổ của các nước láng giềng nhỏ bé hơn, yếu hơn, nghèo hơn, những nước cần các tài sản đó một cách tuyệt vọng để cải thiện tình hình của người dân nước họ”.
Vĩ thanh: Căn cứ tất cả các dữ kiện và luật pháp đang hiện hành, chắc chắn là tòa án Liên Hợp Quốc sẽ thấy kiến nghị thư của Trung Quốc là không có giá trị.
Bất chấp yêu cầu từ phía Philippines, các nước láng giềng và Mỹ, đòi phải đưa vấn đề chủ quyền biển Tây Philippines ra Liên Hợp Quốc, Trung Quốc nhất định từ chối. Thay vì làm thế thì họ liên tục tham gia các trò cân não, sử dụng các xảo thuật đáng sợ, để khẳng định rằng tất cả mọi thứ trên biển Tây Philippines là của họ và vấn đề này là không có gì phải tranh cãi.
Với việc làm ấy, con rồng khổng lồ khát dầu này tìm cách áp chế tinh thần quốc gia của các nước láng giềng, để cưỡng bức họ phải chấp nhận các thỏa thuận đàm phán song phương bất bình đẳng – mà không có sự tham gia của Liên Hợp Quốc hay Hoa Kỳ. Philippines, Việt Nam và các quốc gia láng giềng không được rơi vào cái bẫy đó. Họ phải đoàn kết và xây dựng nên một liên minh, và phải khẳng định – với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, với phương tiện quân sự nếu cần – rằng Trung Quốc phải tôn trọng quyền của họ, tôn trọng tài sản của họ.
Phần được hoan nghênh nhiều nhất trong bài diễn văn về tình hình quốc gia của Tổng thống Benigno Simeon Aquino là lời tuyên bố mạnh mẽ của ông, rằng cái gì thuộc về Philippines thì sẽ ở Philippines. Ai cũng hiểu ý ông: Philippines sẽ đứng vững, chống lại những trò bắt nạt, cân não của Trung Quốc hòng ăn cướp nhiên liệu và tài nguyên biển của chúng ta (tức Philippines – ND).
Thật là một sự khác biệt to lớn giữa một vị tổng thống đáng tin cậy, người đã lãnh đạo đất nước một cách có đạo đức, và chăm lo đến lợi ích của quốc gia, với một kẻ sẵn sàng bán tài sản của quốc gia nhằm mục đích tư lợi.
Ghi chú: Tác giả Ted Laguatan, thành viên đoàn Luật sư bang California, là một trong những luật sư giỏi nhất nước. Ông là một trong số 29 luật sư Mỹ được chính thức công nhận là Chuyên gia về Luật Nhập cư, liên tục hơn 20 năm qua.
Người dịch: Đỗ Quyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét