Pages

Thứ Hai, 15 tháng 8, 2011

Trung Quốc và tư cách nước lớn

Song Chi/Người Việt

 Nguoiviet 
Tốc độ tăng trưởng kinh tế “thần kỳ” trong suốt 3, 4 thập niên vừa qua đã khiến Trung Quốc nhanh chóng vượt qua Ðức, Nhật Bản, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên toàn cầu. Một cường quốc mà sức ảnh hưởng cũng như mọi động thái, chính sách về quân sự, ngoại giao, ngày càng khiến cho cả thế giới phải quan tâm theo dõi.

Chính phủ Nhật thỏa hiệp với Trung Quốc, bị dân chúng biểu tình phản đối. Trung Quốc đang gặp sự đối kháng ở nhiều nước lân cận. (Hình: Toru Yamanaka/AFP/Getty Images)
Dường như quá ngây ngất trước thành công này, nhà cầm quyền Bắc Kinh ngày càng tỏ ra tự tin vào sự giàu mạnh của đất nước họ.
Trong cách ứng xử với các nước láng giềng nhỏ bé, Trung Quốc tỏ ra ngạo mạn, bắt nạt đã đành. Với Nhật Bản, Trung Quốc cũng chẳng coi ra gì khi nhiều lần ngang nhiên cho tàu vi phạm lãnh hải và có những phản ứng căng thẳng quá mức cần thiết khi xảy ra va chạm trên biển trong tháng 9 năm 2010 vừa qua. Ngay với Hoa Kỳ, quốc gia hiện vẫn đang giữ ngôi vị số một trên thế giới về kinh tế, quân sự, Trung Quốc cũng nhiều lần lên giọng chỉ trích, dạy khôn. Thậm chí dọa “cho một bài học” nếu Hoa Kỳ tiếp tục bán vũ khí cho Ðài Loan.
Trung Quốc là một nước lớn. Lớn về diện tích, dân số, văn hóa… Ðiều đó chẳng ai phủ nhận. Nhưng Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề của một quốc gia mà về nhiều mặt vẫn là “đang phát triển” chứ chưa phải “đã phát triển”. Trung Quốc lại có một mô hình thể chế độc tài, là nguồn gốc của mọi bất công, bất ổn trong xã hội, như các quốc gia độc tài từ xưa đến nay.
Bên cạnh đó, từ đường lối phát triển, chính sách đối nội, đối ngoại… của nhà cầm quyền Trung Quốc khiến người ta ngờ ngợ nhận ra nhiều sự bất ổn phía sau sức mạnh Trung Quốc.
Ðó là cái tâm lý chủ quan muốn vươn lên thành số một thế giới bất chấp sự bất cập giữa mong muốn và khả năng. Là sự khập khiễng giữa sức mạnh kinh tế và việc chưa có một nền móng vững chắc tạo nên sự hài hòa trong xã hội. Hay nói thẳng ra, trong sự phát triển như vũ bão hiện nay của mô hình Trung Quốc đang thiếu một thành tố cơ bản: Sự nhân bản, tính nhân văn.
Không có một quốc gia nào có nhiều thuận lợi như Trung Quốc trong việc trở thành một siêu cường: Lịch sử văn minh lâu đời, nền văn hóa dày dặn, diện tích lớn, dân số đông. Lại đang có đà phát triển cao trong lúc nhiều quốc gia khác ở Châu Âu, Nhật Bản và cả Hoa Kỳ đều đang gặp phải những khó khăn riêng về kinh tế.
Nhưng sự nóng vội, muốn đi tắt đón đầu trong nhiều lĩnh vực, chạy theo tăng trưởng bất chấp mọi thứ… của Bắc Kinh đã dẫn đến những hậu quả không hay. Một trong những ví dụ gần đây nhất là tai nạn đường sắt cao tốc tại thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, tháng 7 năm 2011 vừa qua.
Như mọi người vẫn thường nói, khi có một thảm họa/tai họa xảy ra, cách ứng xử của một nhà nước trước thảm họa/tai họa đó sẽ cho thấy nhà nước đó mạnh/yếu ra sao đồng thời bộc lộ nhiều vấn đề còn tồn tại nếu có, của cái xã hội đó, chế độ đó.
Những nhà nước độc tài thường tìm mọi cách che giấu, bưng bít thông tin, đổ lỗi vòng quanh, nhằm hạn chế mọi sự chê trách của công chúng. Trung Quốc cũng vậy. Từ vụ sữa trẻ em nhiễm độc, con số nạn nhân tử vong cao trong trận động đất ở Tứ Xuyên một phần do xây cất ẩu tả khiến các ngôi nhà, ngôi trường đổ sụp nhanh chóng… cho đến vụ tai nạn này. Cách xử lý vụng về, bưng bít thông tin của giới chức Trung Quốc khiến người dân nổi giận.
Tai nạn đường sắt cao tốc một lần nữa cho thấy đằng sau tốc độ tăng trưởng kinh tế chóng mặt của Trung Quốc là vấn nạn tham nhũng rút ruột công trình, lối làm ăn ẩu tả chạy theo tiến độ…
Sau khi tai họa xảy ra, giới chức Trung Quốc đã ra lệnh ngừng các dự án đường sắt mới và giảm tốc độ các tàu cao tốc đang hoạt động. Hãng chế tạo tàu cao tốc China CNR cũng đã tuyên bố sẽ thu hồi 54 tàu cao tốc vì các lý do an toàn. Nhưng điều đó cũng không làm người dân yên lòng hơn bởi sau đường sắt cao tốc sẽ lại đến một tai họa khác, không chỗ này thì chỗ khác.
Một nhà nước thực sự lớn, mạnh khi những người lãnh đạo cao nhất dám đứng ra chịu trách nhiệm trước nhân dân, dám công khai minh bạch mọi sự sai lầm và kiên quyết sửa chữa. Tàu cao tốc chỉ là một trong hàng ngàn ví dụ trên đất nước Trung Quốc khổng lồ mà những tai họa hầu hết đều do con người gây ra, bởi tham nhũng, thói vô trách nhiệm, thậm chí vô cảm đối với sinh mạng con người.
Cũng không có một quốc gia nào khác trên thế giới, là nước lớn, nhưng lại mang tiếng nhiều như Trung Quốc về mặt chất lượng sản phẩm, đạo đức trong kinh doanh. Không chỉ là “sư phụ” trong lĩnh vực làm hàng nhái, ăn cắp mẫu mã của thế giới và chế biến thành “Made in China”, Trung Quốc cũng “nổi tiếng” vì hàng giả, kém chất lượng, thực phẩm không an toàn…
Thế giới đã từng bàng hoàng về scandal sữa bột trẻ em Trung Quốc bị nhiễm chất melamine hồi năm 2008. Còn người dân tại các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Lào, Campuchia… thì lại càng có quá nhiều kinh nghiệm cay đắng về thực phẩm độc hại của Trung Quốc. Từ hoa quả có phun thuốc tăng trưởng, giá đỗ nhiễm độc, thịt lợn nhiễm clenbuterol, gạo giả, chè xanh có chứa nhiều chất có hại cho sức khỏe như dầu vừng, dầu hạnh nhân và các loại tinh dầu tổng hợp, các phụ gia thực phẩm độc hại có chứa DEHP gây ung thư, v.v.
Mới đây dư luận lại hãi hùng trước thông tin thuốc tăng lực Trung Quốc làm từ… xác thai nhi, bắt đầu từ phóng sự của SBS, một trong 3 đài truyền hình quốc gia lớn nhất Hàn Quốc. Trước đây dư luận cũng đã xôn xao một thời về thông tin ở Trung Quốc có những cửa hàng chế biến những món ăn từ… bào thai bỏ đi!
Thực hư thế nào thì chưa rõ nhưng chuyện ăn nhau thai ở Trung Quốc là có, bởi nền y học cổ truyền lâu đời của Trung Quốc cho rằng ăn nhau thai có thể chữa một số bệnh như thiếu máu chẳng hạn!
Không biết có phải vì văn hóa khác nhau nhưng chắc chắn nhiều quốc gia trên thế giới sẽ rợn mình kinh hãi trước những thông tin kiểu như vậy. Và hình ảnh một nước lớn với nền văn minh lâu đời mà họ vô cùng ngưỡng mộ là Trung Quốc chắc chắn sẽ giảm đi đáng kể.
Là nước lớn, không chỉ lớn về diện tích, dân số hay sức mạnh kinh tế, quân sự. Là nước lớn, còn phải lớn trong đường lối ngoại giao, cách ứng xử với các nước khác. Phải có trách nhiệm đối với những vấn đề chung của thế giới. Dường như Trung Quốc chưa chứng tỏ được điều này.
Ðối với những vấn đề chung của thế giới, Trung Quốc thường hay né tránh cho là không liên quan đến mình đã đành. Ngay cả trong những chuyện mà trách nhiệm cũng như tiếng nói của Trung Quốc rất quan trọng, như vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu tại “Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu” khai mạc tại Copenhagen năm 2009. Hay vụ “ngư lôi” của Bắc Hàn đánh đắm tàu chiến Nam Hàn vào tháng 3, 2010 làm 46 thủy thủ thiệt mạng chẳng hạn.
Trong nhiều trường hợp, để chứng tỏ mình là nước lớn, Trung Quốc lại căng thẳng quá mức khiến thế giới đi từ ngạc nhiên đến e ngại. Như phản ứng của Trung Quốc với Na Uy về giải Nobel Hòa Bình 2010 dành cho nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba. Hay với Nhật Bản trong vụ Nhật Bản bắt giữ thuyền trưởng tàu TQ sau khi một tàu cá của TQ đâm vào tàu tuần tra của nước này, dẫn đến mối quan hệ cực kỳ căng thẳng giữa hai nước.
Còn cách ứng xử của TQ với VN thì miễn bàn!
Là nước lớn, không chỉ lớn ở tầm vóc của cả một quốc gia, mà trong cách tổ chức xã hội, và trong từng con người đang sống trong cái xã hội ấy.
Vậy liệu Trung Quốc đã thực sự là một nước lớn chưa chứ chưa nói gì đến chuyện lãnh đạo thế giới, khiến cho thế giới phải nghe theo?

Không có nhận xét nào: