Pages

Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2011

Vì sao họ không đến?

Nhà Báo Nguyễn Thượng Long (danlambao) - Những người mà “Lửa” yêu nước trong lòng đã tắt, nếu họ vào đảng, thì đảng không thể mạnh thêm, nếu họ đắc cử vào Quốc Hội thì cũng chỉ để giơ tay và vỗ tay, nếu họ mưu sinh trong nghề cầm phấn thì cũng lại “Còn ghế còn tiền”, nếu họ cầm dùi cui, cầm súng thì chắc chắn cũng lại “Chỉ biết còn đảng còn mình” và chỉ “Trung với đảng”. Nếu họ có lạc bước vào “làng” dân chủ thì cũng sẽ chỉ là thứ “Dân Chủ Đô La”...


“Xin dành cho những ai chưa một lần đến vườn hoa Lê Nin để biểu lộ lòng yêu nước của mình”



BA NHAM NHỞ MANG TÊN GIÁO DỤC ĐÀO TẠO:


Khi cuộc biểu tình lần thứ 4 chủ nhật 19-6-2011 để phản đối Trung Quốc đã có những hành động vi phạm lãnh hải của Việt Nam sắp nổ ra, HT một học sinh cũ của tôi, nay đang là sinh viên năm cuối của một trường đại học danh tiếng của Hà nội, tìm gặp tôi dưới chân cột cờ Hà Nội với câu hỏi:

“Thưa thầy! Vì sao các thầy cô giáo và học sinh phổ thông lại không đến với các sinh hoạt chính trị như thế này?”.

Tôi bảo: Câu hỏi của em cũng là câu hỏi của nhiều người. Đúng là vậy, những chủ nhật vừa qua, nói là sinh viên & học sinh xuống đường, thì thực ra chỉ có một số sinh viên các trường Cao Đẳng và Đại Học của Hà Nội là tham gia mà thôi. Học sinh các lớp cuối cấp của bậc phổ thông trung học cùng thầy cô giáo của họ gần như là thiếu vắng. Nói là gần như, vì cũng có 1 – 2 giáo viên PTTH không rõ của trường nào đã có mặt ở vườn hoa Lê Nin sáng 5 – 6 – 2011. Tôi chỉ phát hiện ra họ trong những nick name đã comment ào ạt vào bài viết “Nhật Ký Biểu Tình” của tôi khi bài này xuất hiện trên mạng ngay ngày hôm sau 6 – 6 – 2011.

Vì họ không đến với cuộc biểu tình này mà chúng ta nói họ là những người không có lòng yêu nước! Nói thế là không đúng. Đã là người thầy giáo thì mọi hình ảnh, lời nói, hành động của người thầy trước học trò luôn theo định hướng để hình thành nhân cách cho học trò. Trong những phẩm chất của nhân cách thì “yêu nước” phải là phẩm chất số 1. Không có chuyện người được gọi là có nhân cách mà lại không yêu đất nước đã sinh ra mình. Trong 5 điều Hồ Chí Minh dậy Thiếu Niên và Nhi Đồng, dù không thấy nói gì đến tình yêu ông bà, cha mẹ, thì “Yêu Nước” vẫn được ông đặt lên hàng đầu đấy chứ. Vậy tại sao sau bao nhiêu thập kỷ có 5 điều dậy này rồi mà hôm nay người học trò cũ của tôi vẫn đặt ra một câu hỏi như vậy?

Theo tôi GD ĐT Việt Nam hiện nay đã sở hữu trong tay một bộ 3 nham nhở nhất trong những nham nhở của ngành mình: GIAN DỐI TRONG THI CỬ - VỊ THÀNH TICH TRONG THI ĐUA - SA SÚT LÒNG YÊU NƯỚC.

Trong 3 cái nham nhở nhất kể trên thì 2 nham nhở đầu đã được ông Nguyễn Thiện Nhân khống chế bằng “vòng kim cô 2 không” rồi, hiệu quả của nó thế nào? Thôi thì hậu xét. Giờ đây ngành GD chẳng lẽ lại phải có 1 nói không nữa là “Nói không với sự sa sút lòng yêu nước!”.

Trong khi chưa thấy ngành cao quý nói gì về chuyện này thì nhà thơ – đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, người tham dự rất sớm cuộc biểu tình yêu nước cùng SV – HS những ngày qua đã lo lắng đưa ra lời cảnh báo về hội chứng vô cảm thể “Mù Thiêng”. Theo ông đó là hiện tượng một số người không còn khả năng rung động, xúc động trước những gì có thể làm mọi người thấy rưng rưng và rơi lệ.

Người Việt Nam nào mà không xúc động khi chứng kiến hình ảnh một người cúi xuống hôn lên mặt đất dưới chân mình, khi người đó vừa bước qua biên giới, sau nhiều chục năm bôn ba xứ người, thì hôm nay lại có quá nhiều người Việt Nam, quá nhiều thành viên của ngành GD ĐT lại vô cảm trước một Phạm Thanh Nghiên, một phụ nữ nặng không đầy 35Kg, cận thị nặng, cô đơn, lặng lẽ ngồi toạ kháng trước nhà mình dưới khẩu hiệu “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam”, rất nhiều người không hề thấy xúc động trước hình ảnh một nam sinh viên dáng mảnh khảnh, hai cánh tay giơ cao nhiều giờ liền một biểu ngữ phản đối Trung Quốc trước cửa Lãnh Sự Quán TQ tại thành phố Sài Gòn ngày 5 – 6 vừa qua. Sinh viên đó đứng như một tượng đài bằng xương bằng thịt, một biểu tượng của lòng yêu nước đến vô bờ của lớp trẻ, làm xúc động biết bao người chứng kiến, vậy mà lại có người coi hình ảnh đó chỉ là một game show lai rai!

Nhiều người nhìn hình ảnh Cù Huy Hà Vũ hiên ngang đi giữa những người “Chỉ biết còn đảng còn mình”, nhìn hình ảnh cháu bé 5 – 6 tuổi lũn cũn đi trong tay là biểu ngữ phản đối Trung Quốc, nhìn hình ảnh các vị nhân sĩ, các trí thức, văn nghệ sĩ…với những mái tóc bạc phơ dẫn đầu những đoàn biểu tình vừa qua bằng thái độ vô tình của những người ngoài cuộc, khác máu tanh lòng!

Tôi biết, rất nhiều người trong đó có người phụ nữ Việt Nam 80 tuổi, mẹ Lê Hiền Đức, một Teresa của dân oan Việt Nam, bà đã lặng lẽ khóc bên tôi khi tôi cho bà xem những bức ảnh sinh viên Sài Gòn bị bẻ cổ, bị vặn sườn, đặc biệt là hình ảnh viên đại uý Minh, đội phó an ninh Quận Hoàn Kiếm Hà Nội đạp thẳng gót giầy vào mặt anh Nguyễn Trí Đức lúc anh Đức đang bị 4 công an khiêng như khiêng lợn trước cửa xe bus bắt người trong buổi sáng 17/7/2011 trước vườn hoa Lê Nin, nhưng tôi cũng thấy không ít người nhếch mép rồi tuôn ra những lời vô tình. Những hình ảnh dưới đây nếu lọt vào mắt họ, có lẽ cũng chẳng nói được điều gì (!?)






Tứ mã hội phanh thây





Thiết cước đả diện nhân


Hội chứng “Mù Thiêng”, hiện tượng mà nhiều người coi: Cuộc sống này, thế gian này không còn điều gì là thiêng liêng nữa! Quan điểm đó, đúng là đang lan tràn trong xã hội nói chung, trong ngành GD ĐT& ngành công an nói riêng, là một hiện thực không thể bác bỏ, thì cũng không thể nói: Chương trình GD ĐT của ta không có nội dung đề cao lòng yêu nước, yêu con người. Những năm qua, nhiều tỉ USD tiền vay ODA mà con cháu sẽ oằn lưng để trả nợ đã được đầu tư cho siêu dự án thay sách giáo khoa, chẳng lẽ những cuốn sách mới đó lại chẳng nói gì đến những dạng tình cảm này ?

LÒNG YÊU NƯỚC & CHƯƠNG TRÌNH GIẢNG DẬY


Không một giáo viên nào lên lớp lại có quyền không có giáo án. Bên cạnh những nội dung thuộc về giáo dục trí dục, giáo án nào cũng phải nói tới những nội dung giáo dưỡng về tư tưởng. Trong những nội dung giáo dưỡng tư tưởng tất nhiên không thể thiếu giáo dục lòng yêu nước. Một bài giảng có thể bị chê là yếu về nội dung trí dục, không đáng sợ bằng bài giảng bị chê là yếu về tính tư tưởng. Thế nhưng, tính tư tưởng đã từng được hiểu một cách hết sức thô sơ, ngô nghê như: Sau một bài dậy, học trò phải thấy đảng là đỉnh cao trí tuệ, là mùa xuân bất diệt, CNXH luôn luôn là tốt đẹp là trường tồn, CNTB là xấu, là giẫy chết (!?). Một đề toán mà lại cho ra một đáp số mà số quân ta lại chết nhiều hơn số quân địch thì người ra đề coi chừng đấy (!?). Chính người viết bài này, hơn 40 năm trước khi giảng bài “Kinh tế Nhật Bản những năm cuối thập kỷ 1960” đã suýt mất nghề vì dại dột giảng trước học trò:

“Chỉ cần hơn 2 thập kỷ sau chiến tranh 2, bằng nghị lực, sự thông minh và một bản lĩnh phi thường, người Nhật Bản đã tạo nên trên đất nước mặt trời mọc của mình một hiện tượng thần kỳ về kinh tế ”. (NTL 1969)

Với bài giảng đó, tôi đã bị trưởng đoàn thực tập xếp loại yếu về giáo dục tư tưởng (!?) vì qua bài giảng đó, học trò của tôi chẳng căm thù phát xít Nhật, lại cứ xuýt xoa trước sự phục hồi kinh tế thần kỳ của người Nhật và ao ước người Việt Nam mình cũng sớm được như thế (!?). Đã có thời, để chắc ăn, sau một bài giảng là đến màn thầy trò đứng lên hùng hổ hô khẩu hiệu đả đảo thực dân, phong kiến, đế quốc và quân ta muôn năm & như thế là họ coi là giáo dục tư tưởng (!?).

Những bài giảng Địa Lý về “Lãnh Thổ - Biển - Đảo Việt Nam”, những bài giảng Lịch Sử về “Mẹ Âu Cơ”, về “Hùng Vương”, về “Hai Bà Trưng”, về những cuộc đại phá quân Nam Hán, đại phá Tống – Nguyên - Minh - Thanh, những bài GDCD về “Nhân Phẩm”, về “Lòng Tự Trọng”, những bài Ngữ Văn, những áng văn bất hủ để giáo dục lòng yêu nước như: “Bình Ngô Đại Cáo”, “Hịch Tướng Sĩ Văn”, “Bài thơ thần bên bờ sông Như Nguyệt”, “Hải Ngoại Huyết Thư”, “Bản Án chế độ thực dân Pháp”, “Văn Tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, “Thư cho con của Tướng Quân Trần Độ”… đã từng có vị trí xứng đáng trong sách giáo khoa của GD ĐT Việt Nam nhiều thập kỷ nay rồi, nay đang nằm trong tay những con người coi giáo dục cũng là thị trường, là thương trường! và DẬY – HỌC là BÁN - MUA, nên tâm hồn họ là: “Còn ghế còn tiền”, trái tim họ là những giá băng, cùng với phương pháp giáo dục là hô khẩu hiệu và đọc - chép nghị quyết thì kết quả sẽ thế nào nhỉ?

Dạ thưa! Những bài giảng, những kiệt tác văn chương đó có thể cũng đã tạo ra biết bao điểm 9, điểm 10 trong những báo cáo định kỳ của Lớp, của Trường, của Sở, biết bao giờ dậy xuất sắc, biết bao sáng kiến kinh nghiệm của thầy cô, biết bao danh hiệu giáo viên giỏi các cấp, đem lại biết bao thu nhập do học thêm tự nguyện và cả do cưỡng bức học thêm, nhưng …than ôi! Ngọn lửa yêu nước đọng lại trong lòng người dậy và người học vẫn chỉ là lửa “Ảo”, lửa “Lân Tinh”, thường thấy ở chốn tha ma mộ địa. Những thứ lửa này đã nhanh chóng lụi tắt trong những vật vã mưu sinh giữa muôn mặt đời thường. Những người đã tắt “Lửa Lòng” như thế thì làm sao họ còn chỗ cho những rưng rưng khi nghĩ về biển đảo của tổ quốc lúc phải đối diện với sự mất còn, để họ tự tìm đến vườn hoa Lê Nin những ngày này!

Những con người như thế, đương nhiên họ không chấp nhận những:

Đỗ Việt Khoa tuẫn nạn vì GD ĐT, Phạm Thanh Nghiên lao lý vì toạ kháng: HS – TS là của Việt Nam, Vũ Hùng, Nguyễn Xuân Nghĩa, Trần Đức Thạch, Phạm Văn Trội, Trần Đại Sơn, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Văn Túc… lao lý vì treo biểu ngữ có nội dung vì tất cả mọi người, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Lê Thăng Long, Trần Anh Kim, Nguyễn Tiến Trung, Cù Huy Hà Vũ lao lý vì tranh đấu cho những quyền con người, Vi Đức Hồi lao lý vì dám “Đối Mặt”, Nguyễn Anh Tuấn thấy chuyện bất bằng không tha, Từ Anh Tú sinh viên bị đuổi học vì đọc mạng, Nguyễn Trí Đức bị công an đạp vào mặt & những sinh viên Sài Gòn bị bẻ cổ, vặn sườn vì đi biểu tình, Nguyễn Văn Phương sinh viên đọc Tuyên Cáo trước Nhà Hát Lớn… cùng các vị nhân sĩ, trí thức khả kính, các bậc lão thành cách mạng, các nhà văn, nhà thơ, học giả nổi tiếng đã từng dẫn đầu các đoàn biểu tình. Các vị không có chỗ đứng trong tâm tưởng những con người rất nghèo lòng yêu nước nhưng lại quá dồi dào lòng vị kỷ này. Họ là sản phẩm được dán nhãn mác “Made in GD ĐT Viet Nam ” & tội lỗi lớn nhất của ngành GD ĐT đương đại là đã cho ra biết bao thế hệ là những người VN không còn niềm tin vào những điều cao đẹp, nhưng lại quá thừa sự vô cảm trước nguy cơ mất nước. Tôi không nói số người này là tất cả, nhưng tôi dám khẳng định số người này là không nhỏ. Họ là ai vậy? Xin thưa : Họ đang ở quanh ta, đó chính là chồng ta, vợ ta, sếp ta, con ta, người thân của chúng ta, bạn bè cùng cơ quan chúng ta, hàng xóm chúng ta…và cũng có thể lắm chính là ta, lúc mà “Lửa Lòng” ta đã nguội lạnh.

Xin ai đó đừng vội lớn tiếng rằng: Người viết bài này đã phủ định sạch trơn! Hãy thử cùng nhau làm 2 trắc nghiệm: Tỉ lệ những người xuống đường trong những ngày qua so với số dân cả nước & Tỉ lệ những người tham gia đàn áp biểu tình so với số người xuống đường biểu tình là bao nhiêu? Lời giải cho các trắc nghiệm này sẽ là những con số biết nói, bởi nó mang những thông điệp về cuộc đời này. Những con số đó là số thực & không thể bác bỏ được.

Những người mà “Lửa” yêu nước trong lòng đã tắt, nếu họ vào đảng, thì đảng không thể mạnh thêm, nếu họ đắc cử vào Quốc Hội thì cũng chỉ để giơ tay và vỗ tay, nếu họ mưu sinh trong nghề cầm phấn thì cũng lại “Còn ghế còn tiền”, nếu họ cầm dùi cui, cầm súng thì chắc chắn cũng lại “Chỉ biết còn đảng còn mình” và chỉ “Trung với đảng”. Nếu họ có lạc bước vào “làng” dân chủ thì cũng sẽ chỉ là thứ “Dân Chủ Đô La”, “Dân Chủ Cuội” khá hơn thì cũng chỉ cỡ “Dân Chủ Cải Lương”, tệ hại hơn nữa sẽ là thứ “Chim Mồi” của công an, được công an bảo kê để nhử bắt đồng đội của mình. Người ta đã có quá nhiều chứng cớ để nói rằng, nếu không có thứ “Chim Mồi Sặc Sỡ” đó, công an không dễ mà khống chế được làn sóng Dân Chủ tự phát nẩy nở ở Việt Nam & cũng nhờ sự giúp sức của “Chim Mồi Sặc Sỡ” đó mà Công an dư sức đặt cái gọi là “Phong Trào Dân Chủ” tại quốc nội phải đối diện với sự cáo chung khó tránh khỏi. Có lẽ Thanh Tùng rất đúng khi viết:

“Ta nhìn sâu vào mắt nhau mà thấy lòng đau xót”.

Ngành GD – ĐT đương đại đã, đang và sẽ còn mang lại cho đất nước những con người như thế !...thì ai cũng hiểu được: Vì sao giáo viên và học sinh phổ thông không đến vườn hoa Lê Nin vào những ngày này & vì sao mà các sếp lớn, sếp bé, kể cả các sếp GD ĐT đã chối bỏ nền GD trong nước để cho con cháu họ lũ lượt ra nước ngoài, nương nhờ nền GD của bọn tư bản xấu xa và giẫy chết (!?)

(Còn nữa)

Hà Đông 2 – 8 2011Ngày bị khống chế & cách ly khỏi phiên toà phúc thẩm Tiến Sỹ Luật Sư Cù Huy Hà Vũ.

Nhà Báo Nguyễn Thượng Long (danlambao)

Không có nhận xét nào: