Pages

Thứ Hai, 5 tháng 12, 2011

Hiện tượng “Sùng bái Quân đội” ở Trung Quốc

Chủ tịch Quân ủy TW Trung Quốc Hồ Cẩm ĐàoLê Hồng HiệpThe Diplomat

Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ

Dưới quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ảnh hưởng của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (QĐGPND) đối với nền chính trị trong nước nhìn chung đã được kiểm soát kỹ lưỡng, và các tướng lĩnh Trung Quốc hiện nay có vẻ không hưởng được vị thế ưu ái hơn những thế kỷ trước, khi họ từng kiến tạo và nắm quyền đất nước, hoặc đóng vai trò chủ chốt trong việc giúp các hoàng đến mở mang bờ cõi, giữ gìn trật tự xã hội và đàn áp loạn quân.
Thật thế, từ năm 1949, vai trò của QĐGPND trong nền chính trị trong nước có vẻ tương đối giới hạn, ngoại trừ trong thời kỳ Cách mạng Văn hoá, khi nó được dùng để tạo đòn bẩy chính trị cho Mao Trạch Đông khi ông tranh chấp với những nhân vật lãnh đạo khác. Sau Đặng Tiểu Bình, một cựu chiến binh của cuộc Vạn lý Trường chinh, đã không một nhân vật lãnh đạo tối cao nào xuất thân từ quân đội. Tương tự, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện tại cũng không có ai nằm trong quân đội chính qui, trong khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lương Quang Liệt cũng không nằm trong Bộ Chính trị gồm 25 người.

Vậy điều gì nằm sau việc thiếu đại diện của QĐGPND trong hàng ngũ lãnh đạo tối cao của Trung Quốc? Và liệu tình trạng này sẽ giữ nguyên như thế?
Kể từ khi ĐCS nắm quyền, mối quan hệ quân-dân đã được định nghĩa rất rõ nhằm ngăn ngừa các tướng lĩnh lũng đoạn nền chính trị Trung Quốc. Điều này phản ánh câu tuyên bố nổi tiếng của Mao rằng “Đảng điều khiển nòng súng chứ nòng súng không bao giờ điều khiển Đảng.” Mao và những đồng chí của ông rõ ràng là đã học được từ vô số ví dụ trong lịch sử Trung Quốc rằng các tướng lĩnh quân đội có thể giúp giữ vững một triều đại nhưng hoặc lật đổ nó bằng mưu mô, tạo phản hoặc nổi loạn.
Đương nhiên, việc QĐGPND bị tách ra khỏi giới lãnh đạo tối cao không có nghĩa rằng QĐGPND không phải là một nhân vật quan trọng trong nhóm quyết định chính sách đối nội và đối ngoại của Trung Quốc – hoặc là sự ảnh hưởng của nó không lớn mạnh thêm. Ngược lại, thậm chí vào thời điểm khi Trung Quốc đang có được một nền hoà bình vững chãi nhất từ trước đến nay – và khi việc phát triển kinh tế chứ không là quốc phòng, đang là mối quan tâm chủ chốt trong nước – việc “Sùng bái Quân đội” vẫn tiếp diễn.
Những nguyên nhân thì rất rõ ràng. Chính QĐND là người giúp đưa ĐCS lên đỉnh quyền lực vào năm 1949, sau những cuộc chiến tranh lâu dài chống lại Nhật Bản và Quốc Dân Đảng. Kể từ đó, QĐGPND đã được giao trọng trách bảo vệ không những chủ quyền lãnh thổ quốc gia mà còn cả sự sống còn của chính quyền, như đã thấy rõ trong cuộc biểu tình Thiên An Môn năm 1989.
Và giờ đây, dù không thật sự có một đe doạ quân sự nào đến nền an ninh quốc gia, những vấn đề trong nước như giành lại Đài Loan và đối phó với những phong trào ly khai tại Tân Cương và Tây Tạng bắt buộc QĐGPND phải đóng mội vai trò tích cực hơn. Sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc từ cuối những năm 1970 càng tạo thêm tư thế cho vai trò của QDGPND khi nó cho phép ngành kỹ nghệ quốc phòng phát triển nhanh chóng.
Trong cuộc diễn tập quân sự ở miền bắc Trung Quốc năm 1981, Đặng đã chính thức kêu gọi xây dựng một “quân đội cách mạng chính qui hiện đại.” Những bình luận viên như King C. Chen đã cho rằng nguyên nhân việc Đặng quyết định gây ra cuộc chiến tranh biên giới với Việt Nam năm 1979 là để phô bày những yếu kém của QĐGPND nhằm kiếm được hậu thuẫn trong nước trong việc hiện đại hoá nó. Dù gì đi nữa, cũng chính nhờ tính cương quyết và tầm nhìn chiến lược của Đặng, quá trình hiện đại hoá QĐGPND đã tăng nhanh nhịp độ từ những năm cuối 1970.
Ba thập niên sau, những thành quả của QĐGPND bao gồm việc khởi hành chiếc tàu sân bay đầu tiên; chuyến bay thử nghiệm của chiến đấu cơ tàng hình J-20 đầu tiên; và chế tạo thành công tên lửa đạn đạo đối hạm tầm trung có tên là DF-21D. Vào tháng Giêng 2007, QDGPND cũng đã gây sốc thế giới khi thử nghiệm thành công tên lửa chống vệ tinh, cuộc thử nghiệm ngăn chặn vệ tinh thành công đầu tiên kể từ năm 1985.
Bên cạnh việc phát triển quân đội, ngành công nghiệp quân sự cũng đã phát triển đến mức những nhà sản xuất vũ khí Trung Quốc đang nổi lên như là một kẻ cạnh tranh toàn cầu. Ví dụ theo một báo cáo của Bloomberg, bốn tập đoàn quốc phòng lớn nhất Trung Quốc là Tập đoàn Kỹ nghệ Hàng không Trung Quốc, Tập đoàn Công nghiệp Bắc Trung Quốc (Norinco), Tập đoàn Đóng tàu Quốc gia Trung Quốc và Tập đoàn Khoa học Kỹ thuật Hàng không Trung Quốc đã có thu nhập tổng cộng đến 66 tỉ Mỹ kim trong năm 2008. Trong khi đó, theo Học viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stockholm, năm 2010 Trung Quốc đã trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ năm trên thế giới.
Sự phát triển đầy ấn tượng của QĐGPND đặc biệt trong thập niên qua là kết quả của một thương lượng giữa QĐGPND và giới lãnh đạo dưới quyền Đặng. Được biết là trong những năm 1980 và 1990, khi Đặng muốn giành riêng một phần lớn nguồn tài nguyên và năng lượng của quốc gia cho việc cải tổ kinh tế, ông đã yêu cầu QĐGPND chấp nhận thắt chặt ngân sách. Giờ đây, với nhịp độ tăng trưởng kinh tế phi thường của Trung Quốc, thời điểm để QĐGP phô trương cơ bắp đã đến.
Việc phát triển quân đội của Trung Quốc không thể xảy ra nếu không có sự tăng cường ngân sách vĩ đại – theo nguồn tin chính thức, ngân sách quân sự của quốc gia năm năm vào khoảng 600 tỉ nhân dân tệ (94 tỉ Mỹ kim), một con số mà nhiều nhà phân tích tin rằng đã được cắt bớt đáng kể. Và, khi hiện đại hoá đem lại những kết quả chắc chắn – cũng như khả năng hậu thuẫn chính sách đối ngoại cứng rắn hơn – QĐGPND là mối quan tâm ngày càng tăng của lòng tự hào dân tộc ở Trung Quốc.
Đường lưỡi bò mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên vùng biển Nam Hải là một ví dụ rõ ràng về nơi mà Trung Quốc có thể ngày càng ương bướng hơn dưới sự hỗ trợ của một quân đội hùng mạnh hơn. Cho dù các nhà quan sát xem những đòi hỏi trên là vô lý và không có cơ sở pháp lý, những nhà soạn thảo chính sách – và đặc biệt là QĐGPND – vẫn ủng hộ tuyên bố này trên danh nghĩa quyền lợi quốc gia. QĐGPND dường như thích thú trong việc giữ nguyên việc “sùng bái quân đội” qua những chính sách trên, rõ ràng họ tin rằng một khi những tranh chấp này tiếp tục, các tướng lĩnh sẽ có thể giữ nguyên ảnh hưởng và quyền ưu đãi của mình.
Tuy nhiên, mặc dù những chính sách mà QĐGPND đang theo đuổi như việc tranh chấp trên biển Nam Hải có thể được xem như phù hợp với quyền lợi quốc gia của Trung Quốc, có những trường hợp khi những quyền lợi quốc gia và quân đội dường như lại khác biệt. Ví dụ như trong cuộc xung đột tại Libya vừa qua, bất chấp việc Liên Hiệp Quốc đưa ra lệnh cấm vận vũ khí đối với Libya, ba doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc được cho là đã tìm cách bán vũ khí và đạn dược trị giá ít nhất là 200 triệu Mỹ kim cho chính phủ của Muammar Gaddafi.
Mặc dù các quan chức Trung Quốc nói rằng chính quyền không biết gì về những cuộc thương lượng này, vốn đã diễn ra tại Bắc Kinh, và mặc dù họ nhấn mạnh rằng không có một hợp đồng hoặc đợt giao hàng nào được thông qua, những người đứng đâu chính quyền Libya mới cho biết rằng họ xem sự kiện trên là một vết đen đối với Trung Quốc, một điều chắc chắn sẽ phức tạp hóa bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc đối với nước này trong tương lai.
Đúng là ảnh hưởng của QĐGPND đối với nền chính trị và chính sách đối ngoại của Trung Quốc không mạnh như của Lầu Năm Góc đối với chính phủ Hoa Kỳ. Nhưng sau nhiều năm nuôi dưỡng một tinh thần “sùng bái quân đội” trong nhân dân Trung Quốc, ảnh hưởng của QĐGPND chắc chắn sẽ tăng lên và trở thành một đặc điểm ngày càng rõ nét trong nền chính trị Trung Quốc – và cả trong chính sách đối ngoại của nó.
Lê Hồng Hiệp là giảng viên của Khoa Quan hệ Quốc tế, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và hiện là Ứng viên Tiến sĩ tại Đại Học New South Wales thuộc Học viện Quốc phòng Úc.

Không có nhận xét nào: