Pages

Thứ Hai, 5 tháng 12, 2011

Tổng Cục Thủy Sản VN ra chỉ thị ngăn cản độc chiêu Trung Quốc: Cấm Nuôi, Thu Gom, Mua Bán Đỉa, Ốc Bươu Vàng Toàn Quốc

VietBao

“Cấm cửa” đỉa, ốc bươu vàng… Cấm nuôi, cấm thu gom, cấm mua bán đỉa, ốc bươu vàng, theo bản tin trên báo Người Lao Động.
Đó là chính sách mới của nhà nước VN để ngăn chận độc chiêu Trung Quốc đưa thương lái sang VN gài bẫy, phá hoại nông sản VN.
Bản tin phân tích rằng, tác hại của việc nuôi đỉa và ốc bươu vàng đối với mùa màng, môi trường là vô cùng lớn và rất khó phục hồi khi đã lây lan rộng.
Đặc biệt, báo Người Lao Động ghi nhận hiện tượng nhiều vựa thu mua cá đồng đã chuyển sang vựa thu mua ốc bươu vàng tại nhiều huyện tỉnh Hậu Giang.
Ngày 2-12, Tổng cục Thủy sản đã có văn bản gửi các sở NN-PTNT, Chi cục Thủy sản các địa phương yêu cầu cấm nhập khẩu đỉa từ Campuchia về Việt Nam, đồng thời cấm việc thu gom, nuôi đỉa trên phạm vi cả nước để xuất đi nước ngoài. Cũng tại văn bản này, Tổng cục Thủy sản yêu cầu các địa phương cấm nuôi, thu gom và buôn bán ốc bươu vàng.

Đỉa nuôi: Hậu họa khôn lường
Ông Nguyễn Huy Điền, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, cho biết hiện Tổng cục Thủy sản chưa nắm được bao nhiêu địa phương có người nuôi đỉa và đang giao các Chi cục Thủy sản thống kê, nắm rõ tình hình để báo cáo, đề xuất biện pháp xử lý. “Các địa phương phải triệt để cấm nuôi và thu gom đỉa, ốc bươu vàng. nếu không sẽ nguy hại đến mùa màng, các loài khác và môi trường rất lớn, gần như không thể khắc phục” – ông Điền lo ngại.
Theo Hội Động vật học Việt Nam, đỉa là loài rất dễ sinh sôi nảy nở trong mọi điều kiện, trong khi tiêu diệt đỉa lại vô cùng khó khăn. Hội Động vật học Việt Nam khuyến cáo nếu người dân đua nhau nuôi đỉa để bán nhưng khi thương lái không thu mua nữa và không kiểm soát được, một lượng lớn đỉa tràn ra môi trường tự nhiên sẽ gây hậu họa khôn lường.
Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), PGS-TS Lê Xuân Cảnh, cho rằng nếu người dân nuôi đỉa tràn lan không kiểm soát sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cân bằng môi trường sinh thái.
TS Bùi Quang Tề, nguyên viện trưởng Viện Nuôi trồng thủy sản 1, nhận xét đỉa là một vật chủ trung gian gây bệnh tiêm mao trùng, một bệnh khá nguy hiểm cho động vật và con người. Đỉa sống rất dai, có thể nằm yên trong bùn, trứng của nó vừa là hữu tính và vô tính nên lượng sản sinh rất lớn. Đáng ngại hơn, theo ông Tề, nếu có đầy đủ dinh dưỡng thì đỉa sẽ sinh sản nhưng khi đói quá chúng cũng tự sinh sản để bảo tồn. “Tốc độ sinh sản và phát triển của đỉa rất nhanh. đỉa phát triển tự nhiên thì không sao nhưng nếu nuôi nhiều và không kiểm soát được, chúng sẽ phát triển ồ ạt và tấn công tất cả các loài động vật khác dưới nước” – ông Tề lo ngại.
Tai hại ốc bươu vàng
Những tháng vừa qua, nhiều nông dân ở ĐBSCL đã đổ xô đi mua ốc bươu vàng để xuất sang Trung Quốc. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến việc nuôi ốc bươu vàng tràn lan, gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp.
Theo ông Đặng Ngọc Giao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, khi hay tin người dân đổ xô đi gom ốc bươu vàng số lượng lớn, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo cho Chi cục Thủy sản tỉnh điều tra các vựa thu mua trên địa bàn. Theo đó, nhiều thương lái thu mua cá đồng ở Hậu Giang đã chuyển sang thu mua ốc bươu vàng tại các huyện: Vị Thủy, Long Mỹ, Phụng Hiệp. Tại huyện Long Mỹ, có vựa thu mua ốc đến 10 tấn/ngày, tập trung tại thị trấn Long Mỹ và xã Long Phú. Các vựa chở số lượng lớn ốc này lên Rạch Giá, Tiền Giang, TP.SG… cấp đông, sau đó chuyển sang Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái.
Tại An Giang, Đồng Tháp, dù chưa xuất hiện tình trạng thương lái mua ốc bươu vàng nhưng ngành nông nghiệp đã khuyến cáo người dân không được nuôi loài này vì chúng ăn thực vật, hại mùa màng.
Ông Nguyễn Huy Điền cho biết ốc bươu vàng là một trong những đối tượng dịch hại nguy hiểm hàng đầu và luôn tiềm ẩn trên ruộng lúa. Loài này luôn sẵn sàng bùng phát gây hại nặng nếu gặp điều kiện thuận lợi cho chúng sinh sản, phát triển (thức ăn phù hợp) và phát tán (mực nước trên ruộng và trên các kênh mương, sông ngòi cao). Ốc bươu vàng gây hại bằng cách cắn đứt mạ từ khi sạ đến khoảng 20 ngày sau, thường là ruộng sạ bị hại nặng hơn ruộng cấy. Loài này sống và gây hại chủ yếu trong nước. tuy nhiên, ốc bươu vàng cũng có thể sống trên cạn trong điều kiện bất lợi (khô hạn); khi có điều kiện thuận lợi (ruộng có nước), chúng trồi lên cắn phá trở lại. Đặc biệt, ốc bươu vàng có thể gây hại suốt ngày đêm.
Báo Người Lao Động cho biết cả đỉa và ốc bươu vàng đều sinh trưởng nhanh, khó tiêu diệt.
Theo các nhà khoa học, ốc bươu vàng ăn tạp, lớn nhanh và sinh sôi khủng khiếp. Một con cái đẻ trung bình 2 lần/ tháng, mỗi lần từ 200-500 trứng và tỉ lệ nở đạt 70%, vòng đời tới 4 – 6 năm.
Đối với đỉa, PGS-TS Lê Xuân Cảnh khuyến cáo muốn tiêu hủy cần phải ngâm cồn rồi đốt thì chúng mới chết hẳn. Các phương pháp như chặt chỉ càng khiến loài này sinh sản nhanh hơn.
Báo Người Lao Động còn ghi lời từ TS Bùi Quang Tề, cho biết để tiêu diệt đỉa, phải bắt trực tiếp hoặc dùng hóa chất. Tuy nhiên, dùng hóa chất đưa xuống môi trường thủy sinh sẽ ảnh hưởng đến các loài động vật khác dưới nước. Do vậy, cách tốt nhất là bắt đỉa, sau đó đào hố chôn, rồi rắc vôi sống lên.

Không có nhận xét nào: