Pages

Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2011

Điệp Vụ Ngàn Lẻ Một Đêm Ba Tư?

Cuộc chiến nhắm vào chương trình nguyên tử của Iran đã bắt đầu


By Yossi Melman – PBD dịch

Những vụ phát nổ, vi khuẩn điện toán tàn phá và các loại ‘tai nạn’ khác – có người đang tấn công chương trình nguyên tử của Iran: các cơ quan tình báo Tây Phương, các nhóm đối lập trong nước, hoặc cả hai.



Cuộc chiến đang âm thầm diễn ra tuy không có ai tuyên chiến và cũng không có ai xác nhận. Đây là cuộc chiến bí mật nhắm vào dự án nguyên tử của Iran. Cuộc chiến này không phải chỉ mới bắt đầu tuần này hay tháng trước, mà đã âm thầm diễn ra từ nhiều năm nay. Người ta chỉ nghe được mơ hồ đâu đây tiếng vọng của chiến tranh.


Vào Tháng Sáu 2010, báo chí tường thuật là hệ thống điện toán điều khiển các ống ly tâm tinh lọc uranium tại Natanz đã bị nhiễm một vi khuẩn điện toán. Một loại sâu điện toán tác hại sinh sôi lan tràn, có tên là Stuxnet, đã xâm nhập các bộ điều khiển này, do hãng Siemens chế tạo.

Cách đây hai tuần đã xảy ra một vụ nổ lớn tại một căn cứ quân sự của Vệ Binh Cách Mạng nằm cách Tehran 40 cây số về phía tây. Vụ nổ này có thể nghe được tại thủ đô Iran. Vài chục người bị tử thương, gồm cả trưởng phòng dự án hỏa tiễn của Iran, Tướng Hassan Tehrani Moqaddam. Tuần này lại xảy ra một vụ nổ dữ dội khác tại Isfahan, thành phố lớn thứ ba của Iran, mà tại đây có một xưởng chế biến uranium ở ngoại ô. Không rõ vụ nổ này gây ra các thiệt hại gì.

Những vụ này đều có liên quan đến ba yếu tố chính trong chương trình nguyên tử của Iran. Yếu tố thứ nhất là chế biến uranium (sau khi lấy chất này từ mỏ), yếu tố thứ nhì là tinh lọc, và thứ ba là phương tiện phóng tới đích.

Kèm với những vụ khác nữa, kể cả những vụ ám sát nhiều khoa học gia nguyên tử của Iran, thì các biến cố này đã làm cho chế độ của các giáo sĩ tại nước này phải lo ngại, gây ra phản ứng từ bẽ mặt cho đến tức giận. Phản ứng công khai thông thường theo khuôn có sẵn là: trước hết là chối phăng tất cả mọi chuyện, rồi sau đó lò dò mà lắp bắp thú nhận rằng “có chuyện đã xảy ra,” và cuối cùng tuyên bố đó là một “tai nạn”. Hiện tượng này cho thấy là chế độ không biết phải nói như thế nào, và tiếng nói của họ cũng không đồng nhất. Tình trạng này cũng phản ảnh được mức độ tranh cãi dữ dội trong hàng ngũ chóp bu của chế độ. Giới lãnh đạo chia rẽ, và phản ứng xuất phát từ nhiều bộ khác nhau, các tổ chức kình chống nhau và các nguồn truyền thông báo chí cạnh tranh nhau.

Loại phá hoại được thực hiện tại Iran cần có khả năng tinh vi, tài nguyên tài chánh và kỹ thuật, điệp viên và tin tức tình báo chính xác. Chẳng hạn như phải có người biết được Tướng Moqaddam sẽ có mặt tại căn cứ vào ngày hôm đó để giám sát cuộc thử nghiệm, xem ra là để thử một động cơ hỏa tiễn mới.

Muốn cho vi khuẩn xâm nhập các máy điện toán thì cần phải xâm nhập được hệ thống điện toán: Một người nào đó có trong tay một flash drive phải có thể cắm bộ phận này vào hệ thống. Điều mà mọi người đều mặc nhiên hiểu ngầm là các cơ quan tình báo ngoại quốc đang bắt đầu, điều khiển và thực hiện các chiến dịch bí mật này.

Phía Iran, và các cơ quan báo chí quốc tế, tin rằng các chiến dịch này là do bàn tay của cơ quan tình báo Mossad của Israel gây ra và có thể cũng có một cơ quan tình báo Tây Phương hợp tác, chẳng hạn như CIA hoặc MI6 của Anh Quốc.

Chiến dịch của Mossad nhằm ám sát các thành viên của tổ chức Tháng Chín Đen vốn là thủ phạm vụ tàn sát Thế Vận Hội Munich năm 1972 được đặt tên là “Cơn Thịnh Nộ của Thượng Đế”. Hồi tuần này, khi được hỏi là có phải Thượng Đế đã thực hiện các chiến dịch mới đây tại Iran hay không thì cựu giám đốc cơ quan tình báo Mossad, Meir Dagan, mỉm cười mà đáp là phải. Nhiều người biết Dagan hoàn toàn ủng hộ các chiến dịch bí mật như ông ta đã nói rõ với tờ báo Yedioth Ahronoth hồi trong tuần. Ông ta tin rằng sẽ phải cần ít nhất hai năm nữa thì Iran mới có thể chế tạo một vũ khí nguyên tử có thể dùng được. Kết quả nhận định này có thể được dựa trên các chiến dịch bí mật trước đây và dựa vào niềm tin của Dagan là các hành động trong tương lai thực sự có thể gây gián đoạn mức tiến triển của Iran.

Một viên chức cao cấp của Hoa Kỳ còn đi xa hơn thế. Phụ tá đặc biệt của Tổng Thống Barack Obama kiêm phối hợp viên về các vấn đề kiểm soát vũ khí và vũ khí hủy diệt hàng loạt, lan tràn vũ khí nguyên tử và khủng bố, Gary Samore, đã nói hồi Tháng Năm 2011 là: “Tôi vui mừng khi nghe tin họ đang gặp trục trặc về các máy ly tâm, và Hoa Kỳ cùng các đồng minh đang nỗ lực làm tất cả những gì chúng tôi có thể làm được để họ vướng phải các tình trạng phức tạp hơn nữa.” Chúng ta có cần lời nào nói rõ được hơn nữa là chính con người đứng đàng sau “bàn tay của Thượng Đế” hay không?

Ngay cả dù Mossad hay CIA không dính dáng gì đến những vụ này thì chỉ nội việc đồn đoán là họ có dính dáng cũng có lợi cho các cơ quan tình báo Tây Phương là vì như thế càng làm cho họ có tiếng là “vạn năng” hơn nữa và càng làm cho giới lãnh đạo của Iran phải sợ hãi. Trường hợp này được gọi là tâm lý chiến.

Nhưng cũng phải nói rằng dù có các nỗ lực lớn lao của các cơ quan tình báo Tây Phương đi nữa, kể cả chuyện phối hợp chiến dịch mà có lẽ là chưa từng thấy trước đây, thì các chiến dịch này ắt cũng khó mà có thể thành công nếu không có tay trong hậu thuẫn, tức là của những người hoặc tổ chức sẵn sàng trợ giúp để phá hoại chế độ của các giáo sĩ. Nên nhớ rằng Iran gồm có nhiều sắc tộc thiểu số, và hầu như tất cả các sắc tộc này đều có lý do căm ghét chế độ ở đây; một số còn có cả dân quân bí mật có vũ trang.

Giả thuyết có tay trong hậu thuẫn nghe cũng có lý vì, ngoài các mục tiêu quân sự, các địa điểm khác – gồm cả các cơ sở dầu hỏa, đường ống dẫn khí đốt thiên nhiên, hỏa xa và các căn cứ quân sự – cũng đã bị nhiều thiệt hại trong năm qua. Năm ngoái đã thấy tăng nhiều, ít nhất là tăng 10 phần trăm, những vụ “hư hỏng” và “tai nạn” tại các địa điểm hạ tầng cơ sở chiến lược của Iran. Một số là do bảo trì không đúng mức, vì một phần bị quốc tế áp dụng các biện pháp trừng phạt, nhưng số vụ xảy ra như vậy cũng có thể cho thấy là có dính dáng đến “bàn tay của Thượng Đế” trong đó. Nếu thế thì có thể là các nhóm đối lập bên trong Iran (khác với các nhóm đối lập lưu vong) nay vững mạnh hơn và có tổ chức chặt chẽ hơn chứ không như mọi người tưởng.

Hầu như chắc chắn là Tehran sắp mất kiên nhẫn. Bằng chứng là hành động du thủ du thực của đám sinh viên đã “chiến thắng” mà tràn vào tòa đại sứ Anh Quốc trong tuần. Đây không phải là trường hợp đột nhiên nổi cơn thịnh nộ mà chính là hành động cảnh cáo của một chế độ khi nhận ra là có ai đó đã tuyên chiến với họ mà không để lại dấu vết hay dấu tay nào cả.

Không chóng thì chầy, chế độ của các giáo sĩ này sẽ quyết định phản ứng và sẽ ra lệnh cho guồng máy mật vụ của họ và các đơn vị hoạt động trả đũa. Nếu và khi có hành động như vậy, Iran sẽ áp dụng các biện pháp che giấu hành động của họ. Tuy nhiên, kinh nghiệm trước đây cho thấy là dù cơ quan mật vụ của Iran có thận trọng và tinh vi đi nữa thì họ vẫn thường không tẩy xóa được dấu tay của mình.

Source: Haaretz

Không có nhận xét nào: