Pages

Thứ Hai, 19 tháng 12, 2011

Kim Chính Nhật: Bạo Chúa Qua Đời và Cuộc Tranh Giành Quyền Lực Sau Đó


Image by AFP/Getty Images via @daylife


Paul Roderick Gregory – PBD dịch

Kim Chính Nhật đã qua đời hôm Thứ Bảy năm 69 tuổi. Y là lãnh tụ sau cùng của một nước theo chủ nghĩa Stalin được duy trì bằng cách sùng bái cá nhân như Stalin, đàn áp dã man và trả tiền hối lộ cho những người ủng hộ. Cũng như Stalin, Kim Chính Nhật đã loại trừ các thành phần suy nghĩ độc lập nào có thể là đối thủ ra khỏi giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Không có Gorbachev hay Đặng đang chờ sẵn bên cánh gà. Nhưng việc chuẩn bị cho người thừa kế là Kim Chính Vân, con trai thứ ba, vẫn chưa xong hẳn, và tình trạng này có thể tác hại đến các kế hoạch “nối ngôi”.
Kim Chính Nhật để lại một nền kinh tế tàn tạ và dân chúng đói khổ. Y củng cố chế độ để có thể sống còn sau khi bị các thất bại kinh tế kinh khủng nhất bằng cách áp dụng một chính sách đối ngoại khoác lác và đe dọa, một guồng máy quân sự khổng lồ nuốt đi quá nhiều tài nguyên, hối lộ chiến lược cho các thành phần then chốt trong đảng và quân đội bằng tiền bán vũ khí và ma túy, và đàn áp tuyệt đối người dân.

Cái chết của một lãnh tụ theo chủ nghĩa Stalin luôn luôn gây ra một loại tranh giành quyền lực nào đó ngay sau đó. Cái chết của Stalin vào năm 1953 đã đưa đến một cuộc tranh giành quyền lực dai dẳng trong nội bộ của giới thân cận với y mà phải mãi đến lúc Khrushchev bị lật đổ vào năm 1964 mới thực sự giải quyết xong xuôi. Cuộc tranh giành quyền lực sau cái chết của Mao có nhiều bạo lực hơn và ngắn hơn sau khi Tứ Nhân Bang bị phe của Đặng hạ bệ chỉ một tháng sau khi Mao qua đời.
Mặc dù cơ quan truyền thông Bắc Triều Tiên đã quyết định đưa “người thừa kế kính yêu” lên thay thế “lãnh tụ kính yêu,” nhưng cuộc tranh giành quyền lực chỉ mới bắt đầu. Trong khi cả Stalin lẫn Mao đều có biện pháp để chắc chắn giới hạn quyền lực chính trị của quân đội, nhưng quân đội lại là một phần kết hợp vào cơ cấu quyền lực của Bắc Triều Tiên. Điều đáng chú ý là “lãnh tụ kính yêu” đứng đầu cả đảng lẫn quân ủy nhà nước. Đây là cách y kiểm soát quân đội để duy trình quyền lực của y.
Cái chết của lãnh tụ theo chủ nghĩa Stalin này đã làm gián đoạn thế quân bình của các liên hiệp bấy lâu nay và các hệ thống trả tiền hối lộ. Giới lãnh đạo đảng và quân sự không quả quyết họ sẽ trung thành với ai. Nhưng có một điều chắc chắn là: “lãnh tụ kính yêu” áp dụng mọi biện pháp để chắc chắn là không có Gorbachev hay Đặng đang sẵn sàng để cải tổ kinh tế hay chính trị.
Có thể có các kết quả nào cho một Bắc Triều Tiên hậu lãnh tụ kính yêu?
Kết quả có cơ xảy ra nhất là chuyển giao được quyền lực cho người thừa kế đã chọn. Cha của Kim Chính Nhật đã soạn sẵn “cẩm nang nối ngôi” của triều đại cộng sản này, và công thức này đã có hiệu quả ở nơi khác, chẳng hạn như Syria. Nhưng, phe của “người thừa kế kính yêu” này cần phải có tiền để củng cố quyền lực của mình. Nếu Tây Phương có thể loại bỏ được các nguồn tài chánh buôn lậu từ ma túy, vũ khí, và các ngân hàng ở Macao thì có thể khiến cho Kim Chính Vân không lên “nối ngôi” được.
Một Mùa Xuân Ả Rập khó bùng phát ở đây, vì tình trạng suy tàn và vô phương cựa quậy của người dân Bắc Triều Tiên. Nhưng chúng ta biết rằng người dân Bắc Triều Tiên nay biết đến nhiều biến chuyển trên thế giới hơn trước nhiều. Những người tỵ nạn nay biết cả những bài hát ăn khách mới nhất và tên các minh tinh kịch dài nhiều tập trên truyền hình của Nam Triều Tiên. Tôi không mường tượng ra được một Mùa Xuân Ả Rập nhưng việc lãnh tụ kính yêu qua đời có thể làm bùng phát làn sóng người tìm cách vượt biên, chẳng hạn như làn sóng người tìm cách bỏ đi đã lật đổ chế độ Đông Đức.
Trung Cộng chưa bao giờ bị thử thách bằng làn sóng người tỵ nạn ào ạt. Chúng ta không biết họ sẽ phản ứng ra sao. Tiếc thay, Nam Triều Tiên (dĩ nhiên là cả Trung Cộng) có vẻ không muốn xảy ra tình trạng người tỵ nạn đổ xô chạy khỏi Bắc Triều Tiên để đưa đến việc thống nhất Triều Tiên. Trong trường hợp đó, Trung Cộng có thể can thiệp để đặt Bắc Triều Tiên dưới quyền bảo hộ của họ.
Chắc chắn là Bắc Triều Tiên sẽ rút vào lại trong vỏ cho đến khi giải quyết xong vấn đề thừa kế. Trong thời gian này thì không có lý gì mà đưa ra các đề xướng ngoại giao hoặc bất cứ đề xướng nào khác. Đây cũng là giai đoạn nguy hiểm. Một chế độ Kim Chính Vân bị đe dọa sẽ cố ý tìm kẻ thù ngoại quốc để đánh lạc hướng. Chuyện họ có thể giở trò quỷ quái hầu như không có giới hạn.
Khi một bạo chúa qua đời thì sẽ có các cơ hội thay đổi. Trong giai đoạn này, chúng ta nên nhớ đến người dân lành đáng thương bị đàn áp tại Bắc Triều Tiên và hy vọng sẽ có thay đổi nào đó khá hơn cho họ.
Source: http://www.forbes.com/sites/paulroderickgregory/2011/12/19/kim-jong-il-the-passing-of-a-tyrant-and-the-ensuing-power-struggle/

Không có nhận xét nào: