Pages

Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2011

Nên cám ơn phe diều hâu Trung Quốc

Tác Giả: Trần Hải
Xem ra, với chuyến viếng thăm Miến Điện kéo dài hai ngày (30.11– 1.12.2011) của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sau suýt soát nửa thế kỷ tuyệt giao, nước Mỹ bắt đầu khiến những công lao mà Trung Quốc đầu tư vào xứ này trong hơn hai thập niên qua trôi hết ra sông ra biển, trở thành công cốc.

Sau khi Miến nói “Không” với Trung Quốc về đập thủy điện, biến chuyển chính trị mang tính lịch sử trên cho thấy những toan tính sâu xa mà người Trung Quốc đã từng áp dụng trong lịch sử của mình đang bị Mỹ qua mặt.


Trung Quốc muốn thao túng khu vực và cả thế giới bằng các mối liên kết ngang, thông qua các cuộc đàm phám song phương, đúng chiến lược “liên hoành” của Tô Tần trong thời Chiến Quốc. Tuy nhiên kế “liên hoành” này đang bị phá vỡ với chiến lược “liên hoành” cộng với “hợp tung” của Mỹ, một đối sách đa diện mà chúng ta tạm gọi là “liên hợp tung hoành”.
Để có một kết quả như thế, có lẽ người Việt chúng ta phải cám ơn đám phe võ biền diều hâu Trung Quốc đang át giọng trong nghị trình chính sách Trung Quốc, cứ đòi nuốt chửng Biển Đông.
Hợp tung và liên hoành
Tên gọi “Chiến Quốc” xuất phát từ cuốn Chiến Quốc sách, nói về cuộc phân tranh kéo dài từ khoảng thế kỷ 5 BC cho tới khi được Tần Thủy Hoàng tóm thu về một mối vào năm 221BC. Đó là sự xung đột giữa “Chiến Quốc thất hùng” gồm là Hàn, Ngụy, Sở, Tần, Tề, Triệu và Yên,
Bảy nước này hình thành từ sự suy yếu của nhà Chu và cuối cùng chiến thắng đã thuộc về nước Tần và Tần Thủy Hoàng đã lập nên đế chế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Theo các sử gia thì tên “China” mà phương Tây dùng để gọi hôm na Trung Quốc có lẽ xuất phát từ phiên âm chữ Tần (Qin).
Nhưng Tần đã chiến thắng như thế nào?
Vào cuối thời Chiến Quốc nước Tần vụt mạnh lên trở thành “siêu cường”, đặt sáu nước còn lại trước một trong hai chọn lựa.
Thứ nhất là “hợp tung”, ngụ ý “hợp chúng nhược dĩ công nhất cường”, nghĩa là hợp nhiều nước nhỏ đánh một nước lớn, nhằm chống bị nước lớn thôn tính. Tô Tần đề ra thuyết này để hợp sáu nước thành một liên minh để chống lại mộng bá chủ của Tần.
Theo chiến lược này thì sáu nước liên kết lại để chống Tần. Tần muốn “xử” với một trong 6 nước cũng có nghĩa là phải “xử” với cả 6 nước. Nghĩa là nếu Tần muốn thương thảo các vấn đề tranh chấp nào với một nước thì nói chuyện với nguyên khối gồm sáu nước.
Đây là con đường “đàm phán đa phương” mà hiện Trung Quốc tuyệt đối tránh né.
Tô Tần thành công, trở thành tể tướng của sáu nước Tề, Sở, Triệu, Ngụy, Hàn và Yên.
Nhưng bạn của Tô Tần là Trương Nghi sang Tần lập kế “liên hoành” để phá. Theo chiến lược này thì Tần “đi đêm” với từng nước để cầu thân, hứa hẹn lợi lộc, từ đó bước từng bước phá tan liên minh “hợp tung”.
Chiến lược này gọi là “liên hoành”, tức tạo mối liên kết dọc, trong đó Tần “đối thoại song phương” với từng nước, kết thành 6 mối quan hệ liên minh. Theo sự hứa hẹn của Tần, các nước nhỏ yên tâm trong quan hệ liên minh với nước lớn là Tần để chống lại sự cạnh tranh của 5 nước nhỏ láng giềng. Họ chỉ biết có mình và Tần, mặc kệ năm nước còn lại, Tần muốn làm gì thì làm.
Thực chất thì đây là kế sách bẻ đũa từng chiếc, giống như chiến lược mà Trung Quốc theo đuổi là chỉ “đối thoại song phương” và “không can thiệp công việc nội bộ” của nước khác.
Vì tham cái lợi trước mắt do Tần hứa hẹn nên các nước nhỏ đã không tính đến hậu quả lâu dài, bội ước với nhau, dẫn đến liên minh hợp tung bị phá vỡ. Thí dụ việc Tần lừa nước Sở.
Thay mặt vua Tần, Trương Nghi mật ước với Sở là nếu bỏ liên minh với Tề, Tần sẽ cắt đất 600 dặm đất Thượng Ư cho Sở. Sở tuyệt giao với Tề và ngay lúc đó Tần bí mật giao ước quan hệ liên minh với Tề. Khi Sở đòi đất thì Tần trở mặt và Sở tức giận mang quân đánh Tần. Tuy nhiên Tần và Tề cùng liên minh để đánh Sở và Sở thua to.
Bằng thủ đoạn này, Tần đã lần lượt nuốt chửng từng nước, tóm thâu thiên hạ về một mối.
Trẻ con hơn nước Tần?
Lẽ ra Trung Quốc có thể thắng to với kế “liên hoành” vì ASEAN là một liên minh lỏng lẻo, các thành viên thường dễ bị chiêu dụ vì các mối lợi thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên Trung Quốc đã tỏ ra “trẻ con” hơn vua Tần thời trước, hành xử như là thứ “ngựa con háu đá” hay “dê con buồn sừng”, chưa gì đã làm như thể Trung Quốc vung tay là nước Mỹ và cả thế giới phải chết ngộp, chính vì thế nên các quốc gia lân bang cảm thấy “sợ” Trung Quốc hơn là loá mắt trước các mối lợi khi đi đêm với Trung Quốc.
So ra thì giới lãnh đạo nước Tần già dặn về chính trị hơn giới lãnh đạo Trung Quốc hiện tại rất nhiều.
Tần muốn tóm thu thiên hạ và hiện Trung Quốc cũng muốn tóm thu thiên hạ. Tần muốn “liên hoành” với từng nước, xây dựng nên 6 mối quan hệ liên minh với 6 nước. Trung Quốc luôn nhấn mạnh đến chính sách “đàm phán song phương”, khăng khăng bài bác “đàm phán đa phương” hay “quốc tế hoá vấn đề”. Nhưng có sự khác biệt trong cách hành xử.
Để xây dựng quan hệ liên minh “liên hoành”, ngày xưa vua Tần cử nhà ngoại giao Trương Nghi đi làm thuyết khách, mang những mối lợi trước mắt để chiêu dụ láng giềng. Bây giờ Trung Quốc vừa làm như thế nhưng lại vừa lớn giọng đòi hỏi, thậm chí sử dụng cả tàu chiến để răn đe nhằm đòi hỏi quyền “tóm thâu thiên hạ” trên Biển Đông thông qua “chủ quyền đường lưỡi bò”.
Danh sách các hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông ngày càng dài ra. Việc Trung Quốc điều tàu ngư chính xuống tuần tra tại vùng Hoàng Sa, trực tiếp đe dọa các tàu đánh cá Việt Nam. Việc Trung Quốc hung hăng đe doạ tàu thăm dò dầu lửa của Việt Nam và Philippines sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, viện cớ “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc. Không chỉ là tranh giành Biển Đông, Trung Quốc còn biểu lộ tham vọng kiểm soát Ấn Độ Dương, tranh giành chủ quyền với Nhật tại biển Hoa Đông, gây sự với Nam Hàn v.v…
Thái độ này chỉ có thể làm các láng giềng thêm lo lắng và không chỉ là ASEAN mà cả Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Úc cũng lo ngại. Hậu quả là sự hình thành của liên minh chống Trung Quốc mà chúng ta có thể gọi là “hợp tung” vì là sự liên kết ngang của ASEAN và Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Úc, cũng có thể gọi là “liên hoành” trong đó Mỹ đóng vai trò đối trọng với Trung Quốc: Mỹ vừa liên kết với từng nước, vừa liên kết với cả khối, như thể một quan hệ “liên hợp tung hoành”.
Mới đây thôi, ngày 7.10.2011 ba cường quốc Ấn Độ, Mỹ và Nhật đã có nỗ lực liên kết để đối phó với một hội nghị cấp cao ba bên để bàn về “những vấn đề khu vực và toàn cầu mà ba nước cùng quan tâm”. Tại đây ba bên đã bàn những bước cụ thể để thiết lập “một cơ chế đối thoại về an ninh” nhằm đối phó một cách hữu hiệu với thái độ gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông và khu vực châu Á- Thái Bình Dương.
Theo giới phân tích chiến lược thì ý đồ của Mỹ là hình thành một “vòng cung dân chủ” để cân bằng thế lực đang lên của Bắc Kinh, bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật, và Úc.
Đây chính là kế vừa liên hoành, vừa hợp tung. Mỹ là đầu tàu, có sức mạnh lấn át, nhưng Mỹ xây dựng một quan hệ hàng ngang để bao vây và cô lập Trung Quốc.
Miến cũng chán Trung Quốc
Trung Quốc là nước hám ăn nên đã “theo” Trung Quốc thì phải “cúng” cái gì đó. Như Việt Nam phải “cúng” Tây Nguyên, vô vàn dự án chỉ có lợi cho Trung Quốc trên khắp nước, phải mở cửa để giải quyết nạn thất nghiệp và nhân mãn tại Trung Quốc.
Chính điều này đã góp phần thổi bùng ngọi lửa chống Trung Quốc tại Việt Nam hiện tại.
Trung Quốc theo đuổi những chiến lược lợi ích lâu dài tại Miến Điện nhưng lại không bỏ qua các mối lợi trước mắt. Bỏ tiền viện trợ cho Miến, trở thành bạn hàng lớn thứ hai đồng thời là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của nước này nhưng Trung Quốc đã làm thổi bùng tinh thần bài Trung vì những mối lợi trước mắt.
Trong hơn hai thập niên bị quốc tế cô lập, Miến chỉ biết dựa vào Trung Quốc. Tình “hữu nghị” khắng khít đến độ nguyên ngoại trưởng Trung Quốc Trần Nghị từng viết một bài thơ trong đó có câu: “Trung ở đầu sông, Miến ở cuối sông. Chúng ta cùng uống nguồn nước bạn bè hữu nghị thắm thiết”.
Trung Quốc phải bỏ tiền và bỏ công vỗ về như vậy vì Miến đóng vai trò chiến lược đối với chiến lược kinh tế và phát triển của mình.
Thứ nhất, Miến nằm sát với những tuyến đường hàng hải trọng yếu của Ấn Độ Dương và Đông Nam Á, Miến đặc biệt quan trọng với sự phát triển các tỉnh Tây Nam Trung Quốc với số dân khoảng 200 triệu người.
Thứ hai, Miến cũng được nhìn nhận là móc xích quan trọng trong mục tiêu sở hữu một đường ống dẫn năng lượng an toàn từ Trung Đông và châu Phi về Trung Quốc
Thứ ba, về tương lai, Trung Quốc thường nhắc đến dự án biến Miến là cầu nối nhằm khôi phục lại con đường tơ lụa Tây Nam đầy huyền thoại, kéo dài từ Vân Nam và Tứ Xuyên đến Miến và từ đó hướng Tây đi tiếp đến Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Âu.
Để thực hiện những mục tiêu trên, trong những thập niên qua Trung Quốc đã bỏ tiền xây dựng các đường ống dẫn dầu và xa lộ tại Miến để có thể sử dụng một cảng ở Ấn Độ Dương. Với đường ống dẫn dầu dài 2,000 km nối liền Miến- Vân Nam – Trùng Khánh, Trung Quốc gần như có thể chắc chắn kiếm được lối thoát đến Ấn Độ Dương cho các tỉnh Tây Nam bị cô lập của Trung Quốc.
Từ lâu Trung Quốc đã dược phép thiết lập căn cứ radar trên quần đảo Coco Island trong Vịnh Bangal, và hòn đảo này đã trở thành con mắt của Trung Quốc để dòm ngó Ấn Độ Dương. Trong tương lai, Miến có thể trở thành các căn cứ tiếp liệu cho hải quân Trung Quốc, có nhiệm vụ bảo vệ đường vận chuyển dầu từ Trung Đông trở về đây.
Tuy nhiên Trung Quốc cũng muốn “ăn” cái gì đó của Miến, thí dụ dự án thuỷ điện Myitsone. Đập thủy điện trị giá 3.6 tỉ Mỹ kim này sẽ chắn ngang sông Irrawaddy tại bang Kachin. Theo kế hoạch, Trung Quốc này sẽ mua lại 90% sản lượng điện sau khi hoàn thành nên tất cả đều là Trung Quốc từ A tới Z: tiền đầu tư do Trung Quốc bỏ ra, việc thi công do các công ty Trung Quốc thực hiện.
Dự án này chỉ mang lợi lộc cho Trung Quốc và với Miến Điện chỉ là những tác hại môi sinh lâu dài. Theo giới khoa học thì đập này sẽ khiến một vùng ở hạ nguồn của Myanmar rộng bằng cả Singapore bị ngập lụt, đó là hàng chục làng mạc và ít nhất 10,000 người dân phải di dời, đồng thời hủy hoại một trong những khu đa dạng sinh thái nhất của thế giới.
Dự án này đã gây ra một làn sóng chống đối mạnh mẽ, trong đó có lãnh tụ dân chủ đối lập Aung San Suu Kyi. Hàng loạt vụ biểu tình đã nổ ra để phản đối và cuối tháng 9 năm nay Tổng thống Myanmar Thein Sein đã tuyên bố đình chỉ dự án.
Trước quyết định này, Trung Quốc đã tức tối, giận giữ, lên tiếng kêu gọi Miến phải “bảo vệ quyền lợi cho các đầu tư Trung Quốc”. Đã vậy còn đề nghị “tăng cường đối thoại” để giải quyết mọi khúc mắc.
Giáo sư Monique Skidmore – chuyên gia Miến Điện học của Đại học Quốc gia Úc — cho biết đây là lần đầu tiên Miến dám đi ngược lại quyền lợi của Trung Quốc. Bởi lẽ ngoài quan hệ thương mại, Trung Quốc còn nắm lá bùa chính trị: nếu cần, sẽ không tiếp tục dùng quyền phủ quyết của mình ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để giúp Miến tránh được các biện pháp trừng phạt vì vấn đề nhân quyền.
Đó là điểm cốt lõi trong quan hệ “liên hoành” Trung –Miến, thế nhưng Mỹ đã nhảy vào. Trong cuộc hội kiến ngày 1.12, Ngoại trưởng Clinton đã truyền thông điệp của Tổng thống Barack Obama đến Tổng thống Thein Sein. Trong thông điệp ông Obama đã đề cập đến một “giai đoạn mới” trong quan hệ và đề nghị có những “kết quả thấy được” từ nỗ lực cải cách chính trị trước khi Mỹ quyết định tiếp. Ông cũng cho hay là “xem xét việc có thể hỗ trợ và thúc đẩy những nỗ lực của chính phủ Miến trong việc chuyển tiếp sang dân chủ và thúc đẩy bảo vệ nhân quyền”.

Các giới chức Mỹ nhận định rằng thông điệp này nhằm ra tín hiệu rằng ông Obama sẵn sàng đặt cả uy tín cá nhân vào Myanmar. Và trong các cuộc hội đàm Mỹ – Miến, các giới chức Miến nhấn mạnh rằng đất nước của họ đã tụt hậu quá xa so với các nước khu vực vì chính sách cấm vận của Mỹ và châu Âu, nay thì đến lúc phải thay đổi.
Mỹ chắc chắn sẽ mở rộng vòng tay với Miến và vấn đề chỉ là thời gian. Một Miến Điện thân thiện với phương Tây sẽ hỗ trợ Mỹ trong nỗ lực cạnh tranh với Trung Quốc để giành ảnh hưởng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tiến sĩ Sean Turnell chuyên gia về Miến thuộc Đại học Macquarie ở Sydney nhận định: “Xét về chiến lược, không ai muốn Miến trở thành một cái mỏ của Trung Quốc. Miến có thể là một trong những yếu tố giúp ông Obama khẳng định Mỹ đã trở lại châu Á và không để Trung Quốc kiểm soát toàn bộ khu vực”.
Theo nhiều chuyên gia phân tích, thậm chí trong hoàn cảnh xấu nhất, với mối quan hệ với Miến, Mỹ có thể chặn tuyến đường biển của Trung Quốc và eo biển Malacca. Khi đó, mọi hoạt động thông thương của Trung Quốc với bên ngoài sẽ bị hạn chế, theo đó, cản trở kinh tế tăng trưởng.
Thay lời kết
Như vậy, dù còn nhiều chông gai nhưng một khi hai đối thủ lâu đời là Mỹ và Miến xích lại gần nhau thì Trung Quốc sẽ trở thành kẻ bị hớ, bị phỗng tay trên. Điều này cho thâý dù thâm độc, các giới lãnh đạo Trung Quốc đã bị hớ khá nhiều trên bàn cờ quốc tế. Họ bị hớ khi bỏ tiền mua công khố phiếu để trở thành ông chủ nợ của Mỹ: chủ nợ nhưng mang thân phận con nợ vì Mỹ phá giá đồng tiền là Trung Quốc thua. Trung Quốc hớ khi mất toi trên hai chục năm đổ tiền vào Miến.
Chung quy chỉ là do Trung Quốc đã bị loá mắt khi đánh giá mình quá cao trong phép màu kinh tế và do đó đã thể hiện thái độ cao bồi và võ biền.
Là người Việt, chúng ta có thể tức giận và phẫn nộ trước thái độ bá quyền, thái độ hung hăng của Trung Quốc, nhưng dẫu sao chúng ta cũng nên biết ơn thái độ diều hâu đó vì có vậy thế giới mới nhận ra bộ mặt thật của họ. Nếu Trung Quốc chỉ hành động thâm hiểm như nhà Tần vào thời Chiến quốc, nước Việt của chúng ta sẽ bị đẩy vào một tình thế còn nguy ngập hơn. Với giới lãnh đạo ngu xuẩn và mê muội hiện tại, nước Việt chúng ra rất có nguy cơ bị lừa và bị nuốt chửng như là nước Sở của thời Chiến quốc!

Không có nhận xét nào: