Pages

Thứ Hai, 5 tháng 12, 2011

Tiết lộ những thông tin quan trọng về tổ chức Quân đội Trung Quốc

- Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc là đội quân đông đảo nhất thế giới. Việc nghiên cứu lực lượng này gặp rất nhiều khó khăn bởi cơ cấu của nó hoàn toàn bí mật với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, bằng nhiều phương thức khác nhau giới quân sự vẫn tiếp cận được những thông tin quan trọng về cơ cấu tổng thể quân chủng, qua đó đánh giá được mạnh yếu của đội quân này.

Cơ quan lãnh đạo của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc là Ủy ban Quân sự Trung ương (Quân ủy) trực thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc. Trên thực tế, còn có một Quân ủy TW nữa nhưng đây là tên gọi tắt của tổ chức đảng cao nhất trong Quân đội Trung Quốc (giống như Đảng ủy quân sự TW của Việt Nam cũng gọi tắt là Quân ủy TW). Chủ tịch Quân ủy Trung ương là ông Hồ Cẩm Đào, hai Phó chủ tịch là Thượng tướng Quách Bá Hùng và Thượng tướng Từ Tài Hậu. 8 ủy viên còn lại trong Quân ủy T.Ư đều mang quân hàm Thượng tướng.

Ủy ban Quân sự T.Ư nắm quyền lãnh đạo toàn bộ 4 quân chủng của Quân đội Trung Quốc (gồm: Lực lượng hạt nhân chiến lược – Trung Quốc gọi là lực lượng pháo binh thứ 2 hay Nhị pháo; Hải quân, Lục quân, Không quân) và 7 đại quân khu. Quân đội Trung Quốc hiện có 1 Bộ tổng tham mưu và 3 Tổng cục là: Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần và Tổng cục Trang bị.
Về mặt lãnh thổ, lực lượng vũ trang của Trung Quốc được chia làm 7 Đại quân khu gồm: Thẩm Dương, Bắc Kinh, Lan Châu, Tế Nam, Nam Kinh, Quảng Châu và Thành Đô. Sự điều động quân sự với lực lượng lớn hơn một tiểu đoàn giữa các Đại quân khu phải nhận được sự cho phép của Quân ủy T.Ư.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc là cơ quan chỉ đạo công tác xây dựng quân đội thường xuyên. Tổng cục Chính trị là cơ quan chịu trách nhiệm về công tác đảng, công tác chính trị và tuyên truyền. Đảng Cộng sản trong Quân đội Trung Quốc được tổ chức ở tất cả các khâu và xuyên suốt từ thấp đến cao. Quân đội Trung Quốc cũng thực hiện chế độ Chính ủy, Chính trị viên (giống như ở Việt Nam hiện nay).
Trung Quốc thực hiện chế độ tuyển quân bắt buộc với tuổi nhập ngũ là 18. Thời hạn phục vụ trong quân đội của binh sĩ nghĩa vụ Trung Quốc kéo dài 2 năm. Quân đội Trung Quốc cũng thực hiện chế độ phục vụ hợp đồng (ở Việt Nam là công nhân viên chức quốc phòng) với thời hạn từ 3 – 30 năm.
Từ năm 1985 đến nay, quân số thường trực của Quân đội Trung Quốc liên tục giảm mạnh từ 4,238 triệu xuống còn 2,3 triệu quân. Nam giới trong độ tuổi từ 18 – 35 nếu không đi làm nghĩa vụ sẽ được ghi danh vào lực lượng dự bị với quân số lên tới 36,5 triệu, trong đó có 800.000 quân dự bị thực thụ.
Ngoài ra, Quân đội Trung Quốc còn một lực lượng có nhiệm vụ thực hiện các nhiệm vụ trong nước (bảo vệ biên giới, tài nguyên, các công trình, cơ sở hạ tầng kinh tế và quốc gia quan trọng, các nhà tù và duy trì ổn định nội địa…). Trung Quốc gọi lực lượng này là Cảnh sát vũ trang. Tuy nhiên, lực lượng này đã bị cắt giảm mạnh khi chỉ còn 660.000 quân (năm 2006, lực lượng này lên tới 1,5 triệu quân).
Trung Quốc liên tục tăng nhanh ngân sách quốc phòng nhằm tăng cường khả năng chiến đấu trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao. Tốc độ tăng chi phí quốc phòng của Trung Quốc thường xuyên gấp 1,5 – 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP, tương đương khoảng 14 – 18%/năm.
Năm 2001, chi phí quốc phòng của Trung Quốc chỉ là 17,4 tỷ USD, nhưng đến năm 2009, con số này đã tăng vọt lên 70,2 tỷ USD. Trong khí đó, nhiều chuyên gia quân sự nhận định rằng con số thực tế còn cao hơn từ 1,5 – 3 lần so với các số liệu công khai kể trên.
Trong quá trình cải cách, Quân đội Trung Quốc được phép tiến hành các hoạt động thương mại như: Kinh doanh các câu lạc bộ đêm, buôn bán bất động sản và vận hành các công ty khai mỏ. Theo đánh giá của phương Tây, Quân đội Trung Quốc hiện có khoảng 15.000 công ty các loại với tổng thu nhập hàng năm lên tới 18 tỷ USD.
Những điểm mạnh của Quân đội Trung Quốc được cho là nằm ở: nguồn lực con người gần như vô tận, lực lượng hạt nhân chiến lược, tên lửa đạn đạo các loại và địa hình phức tạp có thể tạo chiều sâu chiến lược. Ngoài ra, Quân đội Trung Quốc sẵn sàng chịu tổn thất lớn về mặt con người để đạt được mục tiêu tác chiến.
Điểm yếu của Quân đội Trung Quốc là sự lỗi thời, lạc hậu. Trong những năm gần đây, Trung Quốc liên tục đưa vào trang bị các loại vũ khí hiện đại như máy bay chiến đấu, tàu ngầm, pháo, tên lửa… nhưng trên thực tế phần lớn vũ khí còn lại của họ đều đã lạc hậu. Hơn 70% xe tăng, 80% máy bay chiến đấu của Trung Quốc được sản xuất dựa trên nguyên mẫu của Liên Xô từ những năm 50 – 60 của thế kỷ trước và không thể đáp ứng yêu cầu tác chiến hiện đại.
Bên cạnh đó, khả năng bảo đảm hậu cần, chỉ huy thông tin liên lạc, khả năng tình báo trinh sát và tác chiến điện tử của Trung Quốc vẫn rất yếu kém.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc mua rất nhiều các mẫu trang bị vũ khí hiện đại của nước ngoài như Nga, Pháp, Italia…Họ còn tiến hành tự sản xuất các mẫu này mà không có giấy phép bằng cách tổng hợp các loại công nghệ của Nga và các nước phương Tây.
Trong bài viết tiếp theo, tác giả sẽ cùng quý vị độc giả đi sâu vào tìm hiểu tổ chức lực lượng, quân số cụ thể của các quân, binh chủng và tổng quan trang bị vũ khí của Quân đội Trung Quốc.
Hình ảnh về quân đội Trung Quốc:
Chủ tịch Quân ủy TW Trung Quốc Hồ Cẩm Đào
Chủ tịch Quân ủy T.Ư Trung Quốc Hồ Cẩm Đào
Bảo Minh (Tổng hợp)

Không có nhận xét nào: