Kami
Trong bài “Chuyện bỏ đảng chạy lấy người” của tôi cách đây ít ngày, trong đó có đoạn tôi viết rằng “Cũng bởi cái đảng CSVN hiện nay không còn chút gì là đảng cộng sản. Đảng CSVN giờ chỉ còn cái tên để lừa bịp, còn bây giờ đảng CSVN đang theo chủ nghĩa nào, đường lối nào, không ai biết. Kể cả chính những người lãnh đạo của đảng CSVN cũng vậy, nhưng họ cứ vờ vịt, à ơi để lừa những người nhẹ dạ.”. Điều này đã khiến không ít độc giả (có lẽ) là là các cụ, các bác cựu chiến binh đã tỏ ra bất bình, không đồng ý. Điều này thể hiện thông qua các phản hồi dưới nhiều hình thức (comments, e-mail) cho rằng tôi có góc nhìn lệch lạc, sai lệch về Đảng CSVN, một chính đảng đang giữ vai trò lãnh đạo công cuộc đổi mới của cách mạng Việt nam. Mà theo họ bằng chứng cụ thể là về sự phát triển kinh tế, xã hội có những bước phát triển vượt bậc, đời sống đã có những bước thay đổi lớn và cơ bản.
Điều các độc giả phản hồi cũng có lý của họ, nhưng theo tôi nghĩ có lẽ hình như họ quên lẽ tự nhiên, họ quên rằng sự phát triển tiến lên của xã hội là quy luật tất yếu. Nó cũng ví như chiếc lá ta bỏ xuống dòng nước chảy, dĩ nhiên nó (chiếc lá) phải trôi đi về phía trước theo dòng nước mà chẳng cần sự lãnh đạo tài tình nào, vì dòng chảy ví như là quy luật tự nó làm chiếc lá trôi đi. Điều quan trọng là ta bỏ chiếc lá xuống dòng chảy nào là quan trọng, vì có nhiều dòng chảy khác nhau. Có những dòng chảy phù hợp và không phù hợp, hay phù hợp ít hoặc nhiều so với quy luật phát triển mang xu hướng tiến bộ của xã hội loài người. Việc lựa chọn dòng chảy nào để quyết định bỏ chiếc lá xuống để nó trôi băng băng, không khúc mắc mới đòi hỏi sự sáng suốt, tài tình của người lãnh đạo nói riêng hay chính đảng của họ nói chung. Nhưng điều này sẽ được kiểm chứng để rút ra kết luận chính xác dễ dàng nếu có được sự so sánh (đối chứng) trong việc lựa chọn dòng chảy nào để bỏ chiếc lá xuống giữa ông A, ông B, ông C… của chính đảng X, chính đảng Y, chính đảng Z…
Nói tóm lại là nếu có sự cạnh tranh theo phương thức đa đảng trong chính trị sẽ thấy rõ ai đúng sai, ai tốt xấu ngay, ngược lại nếu còn độc đảng thì mãi vẫn là “Mất mùa đổ tại thiên tai – Được mùa thì bảo thiển tài đảng ta”, nghĩa là không có sự cạnh tranh thì không tạo ra mâu thuẫn, không có sự giải quyết mâu thuẫn thì không có động lực của sự phát triển của xã hội như luận điểm của Lê nin. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với quy luật tự nhiên của sự phát triển vạn vận trong thế giới con người.
Chúng ta đều biết, theo chủ nghĩa duy vật biện chứng của Marx, hình thái kinh tế – xã hội loài người đã trải qua các thời kỳ với các chế độ khác nhau được phát triển hoàn thiện dần trên cơ sở phát triển của xã hội nối tiếp nhau từ thấp đến cao, từ xã hội cộng sản nguyên thủy, xã hội chiếm hữu nô lệ, xã hội phong kiến, xã hội tư bản và cuối cùng là xã hội cộng sản chủ nghĩa, mà xã hội chủ nghĩa là giai đoạn quá độ trước khi bước vào chế độ xã hội cộng sản. Khi ấy thì con người làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu. Nghĩa là theo lý luận trên thì phương thức sản xuất cũ, lạc hậu sẽ bị đào thải bởi sự tiên tiến và hoàn thiện hơn của hình thái phương thức sản xuất mới, cũng theo đó thì cái chủ nghĩa xã hội mà đảng CSVN đang theo đuổi mấy chục năm qua sẽ phải ưu việt hơn cái chủ nghĩa tư bản. Vậy tại sao năm 1986 đảng CSVN phải đổi mới về kinh tế để quay lại phương thức sản xuất TBCN với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN? Đây là bước đi thụt lùi của đảng CSVN so với lý thuyết của chủ nghĩa duy vật biện chứng hay không?
Những ai được học tập giáo dục dưới chế độ hiện tại ở Việt nam cũng đều hiểu rõ sự lạc hậu và sự trì trệ chậm phát triển của chế độ phong kiến. Trong môn Lịch sử đảng CSVN, phần “Luận cương chính trị” của Đảng CS Đông dương (tiền thân của đảng CSVN hiện nay) đã ghi rõ mục tiêu của cách mạng vô sản là “đả Thực – bài Phong”, nghĩa là đánh đuổi thực dân đế quốc và tiêu trừ, xóa bỏ chế độ phong kiến. Với mục tiêu đó bằng nhiều sách lược, thủ đoạn chính trị từ vận động, tổ chức.. và kết hợp với các yếu tố lịch sử khác thuận lợi, cuối cùng đảng CSVN đã giành được chính quyền về tay mình thông qua cuộc Cách mạng tháng 8/1945.
Và đây cũng là thời điểm những người cộng sản đã tuyên bố cáo chung chế độ phong kiến đã tồn tại trong hàng nghìn năm lịch sử, thông qua việc thoái vị của Vua Bảo Đại, ông Vua cuối cùng của lịch sử chế độ phong kiến ở Việt nam. Rồi cũng từ đó lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt nam, một chính thể dân chủ, cộng hòa đã được thành lập trên đất nước Việt nam từ ngày 2/9/1945 và đặc biệt là cuộc bầu cử Quốc hội khóa I vào tháng 1 năm 1946 hoàn toàn dân chủ, tự do làm cơ sở ra đời bản Hiến pháp nước VNDCCH năm 1946. Như vậy mục tiêu “đả thực và bài phong” tưởng như đã hòan thành, chế độ phong kiến vĩnh viễn biến mất trong lịch sử chính trị Việt nam.
Thông qua sự giáo dục và tuyên truyền của đảng và nhà nước Việt nam kéo dài trong nhiều chục năm qua nên hầu hết người dân ai ai cũng cảm thấy và có suy nghĩ rằng nhờ đảng CSVN, cá nhân mình và nhiều thế hệ cha anh mình được may mắn sống trong chính thể cộng hòa dân chủ tươi đẹp, thoát khỏi xã hội phong kiến lạc hậu, độc đoán như mình đã được giáo dục. Và mọi người cũng yên trí cảm thấy tạm hài lòng với những gì mình đã có, đã được hưởng trong xã hội hiện tại tuy rằng nó còn có nhiều khó khăn và bất cập chưa được giải quyết vì đinh ninh rằng dù sao nó còn hơn vạn lần thời phong kiến.
Trở lại thắc mắc của một số độc giả, đề nghị tôi trả lời cho họ câu hỏi “Hiện bây giờ đảng CSVN nói chính xác đang ở hình thái kinh tế – xã hội nào?”, khi mà tôi cho rằng không ai biết, kể cả chính những người lãnh đạo của đảng CSVN cũng vậy. Để tìm được câu trả lời thỏa đáng, dễ hiểu và theo tôi nó mang tính thuyết phục cao thì chúng ta cùng tìm câu trả lời cho câu hỏi ” Vậy chế độ Phong kiến có những đặc trưng gì nổi bật nhất?”.
Trước hết cần hiểu định nghĩa về chế độ phong kiến: Về mặt thuật ngữ, chế độ phong kiến (phong tước, kiến địa) là một từ chuyển ngữ từ chữ féodalité (hoặc féodalisme), một chữ bắt nguồn từ chữ feod trong tiếng Latinh nghĩa là “lãnh địa cha truyền con nối”. Thể chế quân chủ trong thời đại phong kiến là chế độ quân chủ chuyên chế (khác với chế độ Quân chủ lập hiến). Theo đó, mọi quyền lực, mọi chi phối các hoạt động trong xã hội gần như tuyệt đối tập trung trong tay nhà Vua hay Hội đồng nhà Vua lãnh đạo. Chế độ quân chủ thường dùng hình thức phong kiến (hình thức phân phong đất đai) để truyền nối và chiếm hữu đất đai.
Chế độ phong kiến có 6 đặc điểm nổi bật như sau:
1. Quyền lực thuộc về một người (hoặc một nhóm người) luật pháp đại diện cho ý chí của giai cấp thống trị và bảo vệ lợi ích của giai cấp này. Giai cấp thống trị đứng trên Luật pháp, có một vùng cấm dành riêng cho họ.
2. Quyền định đoạt sở & hữu đất đai thuộc về một nhóm người, giai cấp địa chủ phong kiến nắm quyền sở hữu phần lớn ruộng đất (gồm cả sở hữu tư nhân và sở hữu nhà nước) và tiến hành bóc lột địa tô (dưới nhiều hình thức như tô lao dịch, tô sản phẩm, tô tiền hay những hình thức kết hợp) đối với nông dân không có hay có ít ruộng đất (dưới những hình thức và mức độ lệ thuộc khác nhau).
3. Trong chế độ phong kiến nhân dân bị phân chia thành nhiều giai cấp khác nhau, nhằm mục đích kìm hãm sự đoàn kết của cộng đồng dân tộc để thuận tiện cho việc cai trị, dùng giai cấp này để trị giai cấp kia.
4. Là chế độ “Cha truyền con nối”: Những chức tước quan trọng và bổng lộc do một (hoặc một nhóm người) có quyền tùy ý quyết định bổ nhiệm, ban phát theo ý họ ( hoặc do mua quan bán chức)chứ không xuất phát từ nguyện vọng của dân chúng.
5. Thần thánh hóa lãnh tụ: Chế độ phong kiến sinh ra một số sản phẩm tinh thần có vai trò chi phối cách hành xử của dân chúng. Vua chúa được coi là Thiên tử (con Trời), những cá nhân lỗi lạc hoặc những lượng siêu nhiên dễ bị biến thành thần thánh, được đặt lên bệ thờ, hoặc đưa vào lăng tẩm. Ý chí của giai cấp thống trị là ý Trời, người dân sẽ bị ghép vào tội khi quân khi xúc phạm, nói trái ý hoặc bầy tỏ ý kiến khác. Cái mà thời nay bị coi là chống đối chế độ, phê bình, phê phán lãnh đạo là tội tuyên truyền chống phá chỉ có một con đường là chết.
6. Nền tảng ý thức hệ trở thành công cụ sắc bén phục vụ cho nhà nước phong kiến tập quyền, trở thành cơ sở lí luận và tư tưởng của chế độ phong kiến. Sau này học thuyết của Nho giáo trở nên bảo thủ, ràng buộc tư tưởng tình cảm con người vào những khuôn khổ lỗi thời và kìm hãm sự phát triển xã hội. Hệ ý thức này bị biến thái trở thành “đạo” và đạo này là chính đạo, mọi thứ đạo hay tôn giáo khác đều là tà đạo và cần phải tiêu diệt.
Căn cứ vào 6 đặc điểm cơ bản và đặc trưng nhất của chế độ phong kiến để so sánh các sự kiện tương ứng đang diễn ra tại xã hội Việt nam hiện nay về chính trị, văn hóa, xã hội và tín ngưỡng thì sẽ tìm được câu trả lời thỏa đáng. Bởi nhận thấy chế độ phong kiến chuyên quyền và lạc hậu ấy nó giống y như thể chế chính trị xã hội Việt nam hiện nay do chính quyền của đảng CSVN lãnh đạo, chỉ khác nền kinh tế Việt nam thì đang ở thời kỳ tư bản hoang dã, khi mà quan hệ giữa người với người như chó sói. Còn nói đúng ra thì chế độ hiện tại ở xứ mình đang giống y như thời kỳ phong kiến, mà hình như còn có phần độc đoán, độc tài độc ác hơn, nhưng lại thiếu kỷ cương phép nước hơn.
Qua đó tôi tự hỏi mình ” Hóa ra dân tộc Việt nam ta dưới sự lãnh đạo của đảng CSVN, trải qua mấy chục năm chiến tranh tương tàn,đổ máu “nồi da xáo thịt”, chết chóc hàng triệu sinh linh để cái cuối cùng đạt được là: Đánh đổ chế độ phong kiến cũ một ông Vua để… xây dựng một xã hội phong kiến mới với một tập thể các ông Vua độc đoán, tàn ác hơn hay sao?”
Việt nam, Trung quốc, Cu ba và Bắc Triều tiên là cái sản phẩm còn sót lại của cái gọi là phe xã hội chủ nghĩa, với chủ nghĩa Marx – Lenine là gốc của nền tảng tư tưởng, với hy vọng xây dựng một xã hội cộng sản không tưởng. Nhưng Trung quốc, Việt nam và gần đây là Cu ba đã nhanh chân bỏ Chủ nghĩa Maxr – Lenine chạy lấy người, tuy vậy họ vẫn xưng xưng nói dối. Nếu mấy quốc gia trên họ không thay đổi thì cứ nhìn vào đất nước Bắc Triều tiên hiện nay thì khác gì chế độ phong kiến, nói đúng ra thì Việt nam chúng ta hiện nay có thể coi là một bản sao chép tồi của chính quyền Bắc Triều tiên
Còn cái danh xưng cộng sản của nhà cầm quyền Việt nam hiện nay chỉ là một cái thứ hữu danh, vô thực nhằm đánh lừa những người nhẹ dạ. Xin đừng ngộ nhận về hai chữ Cộng sản các bạn nhé !
Ngày 12 tháng 03 năm 2012
© Kami
————————
*Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA
Theo: RFA Blog’s
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét