Pages

Thứ Năm, 1 tháng 3, 2012

Chống tham ô, lãng phí, quan liêu là dân chủ

Tống Văn Công

Để thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 phải làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh: “CHỐNG THAM Ô, LÃNG PHÍ, QUAN LIÊU LÀ DÂN CHỦ”!
I- LẤY ĐÁ GHÈ CHÂN AI ?
Năm 1996, Nghị quyết Đại hội VIII nhận định: “Nạn tham nhũng đang là một nguy cơ trực tiếp đe dọa đến sự sống còn của hệ thống chính trị”. Năm 2012, Nghị quyết Trung. ương 4 nhận định: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa, địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc”. Nghị quyết nhấn mạnh: “Nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu đầy tâm huyết đã đặt câu hỏi: “Vì sao công tác xây dựng Đảng được Trung ương rất coi trọng, đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị rất đúng, rất hay, nhiều cuộc vận động sâu rộng, nhưng kết quả không đạt yêu cầu? Tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, tệ tham nhũng, lãng phí, hư hỏng trong một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, kể cả ở cấp cao, chưa được đẩy lùi mà thậm chí có chiều hướng nghiêm trọng hơn làm xói mòn niềm tin đối với Đảng?”.


Sau bài nói của Tổng Bí thư, các nhà lý luận đã nhiệt thành phân tích, mổ xẻ, góp ý kiến nhằm thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4. Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Công an, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng “Có thể nói, Liên Xô trước tan rã là một xã hội mất dân chủ, không chấp nhận nói ngược”; và “Các nét lớn trong phương thức lãnh đạo của Đảng với Nhà nước giữa Việt Nam và Liên Xô cũ có nhiều điểm tương đồng”. Do đó ông cho rằng: “Đúng là nếu ngay sau khi Liên Xô sụp đổ, ta chỉnh đốn Đảng ngay trên cơ sở bài học Liên Xô thì có lẽ tình hình đã không trầm trọng như hiện nay”. Tướng Lê Văn Cương và nhiều người khác cho rằng sự tha hóa trong Đảng là do quyền lực không được giám sát. Có ý kiến cho rằng điều khó khăn nhất là để chỉnh đốn Đảng là “không ai lấy đá tự ghè vào chân mình”. Tôi không đồng ý với ý kiến này vì nó đồng nhất Đảng với kẻ thoái hóa. Kẻ thoái hóa chỉ là ung nhọt trên cơ thể Đảng! Tất cả đảng viên chân chính đều đồng lòng tìm mọi cách dù đau đớn nhất để loại bỏ nó khỏi cơ thể Đảng.
Chỉnh đốn xây dựng Đảng thành công chính là khôi phục tượng đài: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng” (Hồ Chí Minh, Sửa đổi lối làm việc, viết năm 1947). Chủ tịch Hồ Chí Minh chẳng những đã rất sớm dự báo nguy cơ tha hóa của Đảng mà còn đề ra giải pháp căn bản để ngăn chặn, bài trừ nguy cơ đó. Người nói “Chống tham ô, lãng phí quan liêu là dân chủ” (Toàn tập, Nhà xuất bản Sự thật, 1986, tập 6, trang 271). Người lại nói “Muốn chống tham ô, lãng phí, chống quan liêu thì phải dân chủ” (Toàn tập, tập 6, Nhà xuất bản Sự thật, 1986, trang 285). Tình trạng tham ô, lãng phí, quan liệu tràn lan hiện nay chính là vì xao lãng bài học dân chủ của Hồ Chí Minh như nguyên Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc nhận xét: “Mệnh đề chung của mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Từ dân chủ mới được đưa vào mệnh đề này mươi năm nay thôi” (Tuần Việt Nam, 2-9- 2010). Do đó, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4, chúng tôi cho rằng phải thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh: Dân chủ!
II- THỰC HIỆN DÂN CHỦ TRONG ĐẢNG
Xin nêu ra mấy điểm quan trọng nhất từ bài học sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô mà chúng ta cần nghiên cứu để khắc phục ngay. Những khuyết tật này có thể nhìn thấy trong sự kiện Tiên Lãng, Hải Phòng vừa qua cũng như ở nhiều vụ việc khác.
1- Đảng bao biện công việc của Nhà nước là tình trạng kéo dài suốt 70 năm của Đảng Cộng sản Liên Xô. Nhiều văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã nêu tình trạng này và coi đó là một khuyết điểm cần phải sửa. Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về các văn kiện Đại hội XI trong phần xây dựng Đảng có đoạn: “Khắc phục tình trạng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng lãnh đạo của Đảng với các cơ quan Nhà nước”. Chúng ta dễ dàng nhìn thấy trong thực tế Đảng và Nhà nước như thống nhất làm một, cho nên mọi người quen nói: “Đảng, Nhà nước ta…”. Nhiều trường hợp Đảng quyết định từ chủ trương đến cách vận hành, Nhà nước chỉ theo đó mà thực hiện. Sự thống nhất như vậy không đem lại sức mạnh cho cả Đảng và Nhà nước mà tạo ra kẽ hở, khoảng trống và sự chồng chéo quyền lực. Sự “bao biện làm thay” này đã mở đường cho giặc tham nhũng, quan liêu, độc đoán tấn công vào Đảng, biến Đảng từ một tổ chức đấu tranh cho dân chủ trở thành một Đảng độc đoán, trong chế độ đảng trị.
Chúng ta phải khắc phục tình trạng này theo Di chúc của Hồ Chủ tịch: “Đảng ta là Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực sự cần kiệm liêm chính chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân. Làm đúng như văn kiện Đại hội XI: “Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vân động tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên”. Chúng ta có thể nghiên cứu vận dụng kinh nghiệm về mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước của các Đảng cầm quyền ở các nước phát triển.
2- Văn kiện Đại Hội XI viết: “Nhiều cấp ủy, tổ chức Đảng chưa làm tốt công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng, chất lựợng và hiệu quả kiểm tra, giám sát chưa cao” (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, trang 175). Đây cũng là một bài học đắt giá về những vi phạm nguyên tắc xây dựng Đảng của Đảng Cộng sản Liên Xô mà “vấn đề căn bản là cơ quan giám sát không thể giám sát cơ quan lãnh đạo và các cơ quan lãnh đạo cùng cấp”. Tình trạng này dẫn đến hậu quả là nhiều đoàn kiểm tra, giám sát qua nhiều đợt hoạt động dài ngày vẫn không phát hiện hoặc kết luận được những vụ tham nhũng lớn! Tướng Lê Văn Cương cho rằng để nâng cao vị thế của công tác kiểm tra giám sát nên sửa đổi để Đại hội Đảng bầu Ủy ban Kiểm tra thay vì Ban Chấp hành Trung ương. Vấn đề này, trong thư gửi đại biểu Đại hội XI ngày 23-11-2010 tôi đã viết: “Để khắc phục tình trạng nguy hiểm này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nên do Đại hội bầu ra, khắc phục được nhược điểm hiện nay là không kiểm tra giám sát được lãnh đạo cùng cấp và quyền chỉ đạo thanh tra độc lập, quyền kiểm tra cả Bộ Chính trị”.
Trong khi chờ đợi sự quyết định của Đại hội Đảng lần thứ XII, thiết nghĩ chúng ta có thể tạm thay đổi bằng cách Ban Kiểm tra từ Trung ương đến các cấp dưới trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng và các Ban Chấp hành Đảng bộ, không chịu sự chỉ đạo của Bộ chính trị và các ủy Đảng cùng cấp.
3- Tự do tư tưởng, tự do phát biểu ý kiến. Trong Đảng ta có quy định các đảng viên nói và làm theo Nghị quyết. Điều ấy đúng, đã tạo nên sự nhất trí, sức mạnh hành động của toàn Đảng. Tuy nhiên, trong lịch sử của Đảng cũng cho thấy nhiều cá nhân đảng viên có ý kiến khác với nghị quyết, nhưng thực tế chứng minh là đúng đắn, đó là ý kiến khoán trong nông nghiệp của đồng chí Kim Ngọc, ý kiến không nên cải tạo công thương nghiệp và nông nghiệp ở Miền Nam của đồng chí Nguyễn văn Linh… Chính Lênin khi nói về tự do phát biểu ý kiến, cũng cho rằng để phát huy dân chủ trong Đảng, cần có sự “bảo vệ quyền lợi cho bất kỳ thiểu số nào” (có cụm từ là cho “được bảo lưu” ý kiến). Hiện nay quyền tự do tư tưởng, tự do phát biểu đã được rông rãi hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên, việc xử lý rộng hay hẹp còn do trình độ và quan điểm (có khi là do thân quen, vị thế) của cấp ủy địa phương, chứ chưa phải là quan điểm chung của Đảng.
III – “TRĂM ĐIỀU PHẢI CÓ THẦN LINH PHÁP QUYỀN”
Nghị quyết Trung ương 4 đề ra 4 nhóm giải pháp để chỉnh đốn, xây dựng Đảng là rất đúng đắn. Tuy nhiên, những kẻ tham nhũng, ức hiếp quần chúng, theo Hồ Chí Minh là “giặc nội xâm”, là những kẻ phạm pháp, chúng phải bị trừng trị theo pháp luật. Hồ Chí Minh nói: “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì” (Toàn tập, tập 5, Nhà xuất bản Sự thật, trang 245).
Ngay từ năm 1919, trong bản yêu sách gửi Hội nghị Versailles, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã đòi cho nhân dân ta được sống trong pháp luật, để chống lại sự tùy tiện áp chế của thực dân Pháp. Năm 1922, người diễn nội dung đó ra thơ lục bát trong Việt Nam yêu cầu ca: “Bảy xin Hiến pháp ban hành; Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Sau Cách mạng tháng Tám, Hồ Chủ tịch ban hành ngay Sắc lệnh tổ chức tòa án độc lập với hệ thống chính quyền với yêu cầu “Pháp luật là phép của dân, dùng để ngăn cản những hành động có hại cho dân, bảo vệ lợi ích của đại đa số nhân dân.”. Người chủ trì soạn thảo Hiến pháp, trong đó có quyền tư pháp độc lập. Luật gia Vũ Đình Hòe gọi tư tưởng pháp quyền Hồ Chí Minh là pháp quyền nhân nghĩa. Đó là nhân nghĩa đối với nhân dân, nhưng nghiêm trị đối với kẻ xâm phạm lợi ích của nhân dân. Chúng ta đều biết chuyện Hồ Chủ tịch đau lòng thức trắng cả đêm, nhưng cuối cùng đã thuận theo bản án tử hình của Tòa hình sự đối với nguyên Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu, một đảng viên đã có rất nhiều đóng góp cho cách mạng.
Nhìn lại hệ thống tòa án của chúng ta, mặc dù Đảng đã đề ra việc khận trương cải cách tư pháp, nhưng sự tiến triển rất chậm chạp. Cách đây 15 năm, trong số báo Lao động ra ngày 16-11-1993, Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc cho rằng:”Phải cấp bách cải cách tư pháp để chấm dứt nạn thư tay gửi tòa án, gây ra tệ nạn những “bản án bỏ túi. ” Nhưng tệ nạn thư tay gửi tòa án chẳng những không dứt, mà còn ngang nhiên hơn là có những công văn của các cấp ủy Đảng chỉ đạo việc khởi tố và xét xử các vụ án. Mấy năm qua dư luận bất bình đối với các vụ tòa án tỉnh Cần Thơ xử Bà Ba Sương theo chỉ đạo của Thành ủy Cần Thơ hòng cưỡng chiếm đất đai; tòa án tỉnh Hà Giang mua dâm trẻ em, đã tha bổng bọn quan chức cưỡng ép mua dâm và buộc tội các học sinh vị thành niên bị cưỡng bức bán dâm. Mới đây, là các tòa án huyện Tiên Lãng, tòa án thành phố Hải Phòng xét xử sai trái vụ kiên thu hồi đầm nuôi tôm cá của Đoàn Văn Vươn… Tất cả bộc lộ sự yếu kém của hệ thống tư pháp, không đủ sức đảm đương trọng trách “thần linh pháp quyền”, thực hiện một cuộc sống “thượng tôn pháp luật”.
Cương lĩnh của Đảng ghi rõ: “Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là một bộ phận của hệ thống ấy. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Để tình trạng hành xử không theo luật pháp như trên là làm trái với Cương lĩnh, vô hình trung làm suy yếu và mất uy tín Đảng. Nhà nước pháp quyền là nhà nước vận hành trong khuôn khổ của pháp luật, hoặc có thể nói là Nhà nước đặt ở dưới pháp luật.
Trong khi chờ sửa đổi Hiến pháp, để kịp khắc phục tình trạng trên, nên chăng có quy định ngay: hệ thống tư pháp độc lập với hệ thống hành pháp như sắc lệnh của Hồ Chí Minh năm 1945. Cũng tức là hệ thống tòa án không chịu sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng cùng cấp. Phụ trách Tòa án nhân dân tối cao và tòa án các cấp nên chăng là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ cấp ủy các địa phương để không bị quá yếu thế như hiện nay. (Có thể là do Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra các cấp phụ trách).
III- “DÂN CHỦ LÀ ĐỂ CHO NHÂN DÂN ĐƯỢC MỞ MỒM RA NÓI”
Trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giành độc lập trước kia và chống giặc “nội xâm”, tham nhũng, quan liêu, làm trong sạch hệ thống chính trị, bảo vệ quyền lợi nhân dân, báo chí cách mạng đóng vai trò rất to lớn.
Những năm đầu đổi mới tất cả các báo từ trung ương đến địa phương đã có phong trào đấu tranh chống tiêu cực hết sức rầm rộ, đạt hiệu quả cao, góp phần vun đắp niềm tin của nhân dân đối với chế độ. Năm 1986, báo Lao động có loạt bài (54 tin, bài in thành tập sách Cây cao su kêu cứu) chống tham nhũng, trù dập công nhân ở Tổng cục Cao su Việt Nam mà đối tượng là Tổng cục trưởng, Ủy viên Trung ương Đảng. Ông này phản ứng rất dữ dội, yêu cầu Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động phải ra lệnh báo Lao Động im tiếng, không được tiếp tục đăng bài. Chủ tịch Phạm Thế Duyệt không chấp nhận áp lực phi lý đó, ông đề nghị báo Lao động cứ tiếp tục đấu tranh từ những sự thật không thể chối cãi. Lần đầu tiên, cuộc đấu tranh chống tham nhũng của một tờ báo được Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Thông báo số 18, kết luận báo Lao động đã viết đúng sự thật và thi hành kỷ luật, cho nghỉ hưu Tổng cục trưởng Tổng cục Cao su. Đó là sự quan tâm và ủng hộ báo chí chống tham nhũng, quan liêu mà làng báo Việt Nam hiện nay vẫn mong đợi.
Mới đây, trong vụ Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, báo chí cả nước (trừ Hải Phòng) đã có đóng góp rất lớn làm rõ hành động phi pháp của một hệ thống tiêu cực thoái hóa ở Tiên Lãng và Hải Phòng. Tình hình trên cho thấy trình độ nghiệp vụ và ý thức chính trị của cán bộ, phóng viên báo chí chúng ta ở cả nước đã trưởng thành, không cần phải nhất nhất được cầm tay chỉ việc.
Xin có một so sánh: Năm 1986, báo Cao su Việt Nam, không chấp nhận sự chỉ đạo của Tổng cục Cao su Việt Nam, không chịu bẻ cong ngòi bút, mà quyết cùng với báo Lao động phanh phui ra sự thật. Nhưng 25 năm sau, năm 2011, tất cả các báo và Đài phát thanh truyền hình của Hải Phòng đã bẻ cong ngòi bút, nói theo sự chỉ đạo sai trái của lãnh đạo Thành ủy. Điều đó đặt ra cho Đảng Cộng sản Việt Nam vấn đề rất đáng quan tâm: Cần phải có chế độ quản lý như thế nào để báo chí cả nước trong bất cứ tình huống nào cũng không chịu bẻ queo ngòi bút, luôn luôn thượng tôn sự thật, chân lý và luật pháp? Chỉ có như thế thì báo chí mới góp phần đắc lực cho việc chỉnh đốn, xây dựng Đảng, giúp Đảng loại trừ những phần tử thoái hóa biến chất.
Ngay từ khi bắt đầu hoạt động cứu nước, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã hết sức coi trọng và đòi hỏi quyền tự do báo chí cho nhân dân Việt Nam ngay trong bản yêu sách gửi Hội nghị Versailles. Các bài viết của Người từ đó cho tới ngày cách mạng thành công, đều có đề cập đến tình hình báo chí ở Việt Nam. Trong Đây công lý của thực dân Pháp ở Đông Dương năm 1926 có đoạn: “Mãi cho tới bây giờ chưa có một người Việt Nam nào được phép xuất bản một tờ báo. Tôi gọi báo là một tờ báo về chính trị, về kinh tế, hay văn học như đã thấy ở châu Âu và các nước châu Á khác chứ không phải một tờ báo do chính quyền thành lập” (Hồ Chủ tịch với báo chí, Hội Nhà báo TP HCM xuất bản năm1980, trang 9). Trong báo cáo Tình hình chính trị ở Đông Dương từ 1936-1938, Nguyễn Ái Quốc ghi nhận có 12 tờ báo “tán thành và đòi ân xá chính trị phạm”. Đặc biệt, ông ca ngợi tờ báo Dân chúng của Đảng, ra báo không cần xin phép nhà cầm quyền, đi đầu giành quyền tự do báo chí ở Đông Dương. Sau Cách mạng tháng Tám, ông chỉ đạo đưa quyền tự do báo chí vào Hiến pháp. Ngày 21-3-1946, Phó Chủ tịch Huỳnh Thúc Kháng ban hành sắc lệnh tự do báo chí, đưa tư tưởng Hồ Chí Minh thành hiện thực: “Dân chủ là để cho người dân được mở mồm ra nói”. Qua hơn nửa thế kỷ đấu tranh cách mạng, tiếng nói của nhân dân ta ngày nay đã có cùng một tầm trí tuệ và cùng một ý chí: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.”
Đảng cần tạo điều kiện ngày càng tốt hơn để: “Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý” mà chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn (Toàn tập, tập 57, Nhà xuất bản Sự thật, 1987, trang 482). Đáp lại, nếu báo chí, có sức mạnh như “quyền lực thứ tư” thì sẽ góp phần đắc lực giúp Đảng soi mình, tự chỉnh đốn.
T. V. C.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Không có nhận xét nào: