GS. Tương Lai
“Thực trạng đã nặng lắm rồi, như căn bệnh ung thư. Thực ra, thực trạng này Đảng đã thường xuyên ngăn chặn nhưng làm không đến nơi đến chốn khiến căn bệnh ngày càng trở nên trầm trọng”.
Ai cũng biết vậy. Và để khắc phục chuyện sợ đắng, người ta tìm cách bọc đường viên thuốc. Thành ra, người sợ đắng chỉ nhấm nháp chất ngọt và nhè chất đắng ra. Vì thế mới có chuyện : “Thực trạng đã nặng lắm rồi, như căn bệnh ung thư. Thực ra, thực trạng này Đảng đã thường xuyên ngăn chặn nhưng làm không đến nơi đến chốn khiến căn bệnh ngày càng trở nên trầm trọng”* như một vị nguyên Tổng bí thư của Đảng vừa chỉ ra. Ung thư mà đã di căn thì thật nan giải!
Hai thế kỷ trước đây, Nguyễn Lộ Trạch, trong “Thời vụ sách” đã day dứt cảnh báo : “Hiện nay thời thế như cục ung thư lớn. Trị thì không có phương thuật. Không trị chăng? Thì không thể cam ngồi mà ngó”! “Dường như” lịch sử lặp lại, nhưng trên một vòng xoáy trôn ốc. Mà vì vậy, “phương thuật” cũng phải có một tầm vóc mới mang tính thời đại. Đó là thời đại của cách mạng thông tin với nền kinh tế trí thức và những biến động khó lường rất khó tiên liệu. Câu hỏi đặt ra là “phương thuật” hiệu nghiệm vào lúc này là gì đây?
Đòi hỏi “vai trò tiên phong “uống thuốc giải bệnh” phải là Bộ Chính trị, cần sinh hoạt dân chủ, thẳng thắn tự phê bình và phê bình những yếu kém, tồn tại để làm gương cho cấp dưới. Đã tắm phải biết gội đầu. Bộ Chính trị làm trước, báo cáo trước TƯ đã phê bình, tự phê bình đến đâu, TƯ có ý kiến, rồi đến lượt TƯ làm” * quả là chí lý. Muốn làm được điều này, đòi hỏi một sự can đảm, điều mà Frank Roosevelt, vị tổng thống tài ba của nước Mỹ từng khuyến cáo người lãnh đạo “Nỗi sợ hãi lớn nhất của con người chính là sự sợ hãi, đấy là điều nhất thiết phải vượt qua”. Mà để vượt qua được, cần phải có sự tiếp sức mạnh mẽ từ bên dưới.
Xưa nay điều này đã được chứng minh. Chỉ có điều, trong thời đại chúng ta đang sống, nó mang một chất lượng mới, sức mạnh mới. Vì rằng cuộc sống đang diễn ra không hề là một chuỗi các sự kiện có liên kết với nhau theo trình tự cái này sau cái kia, mà là một chuỗi những sự đụng độ, va đập làm biến đổi những sự kiện tiếp theo mà kiểu tư duy tuyến tính không thể nào lường được hết.
Thì đấy, bước vào thập kỷ thứ 2 của thế kỷ 21, thời gian đã đủ để cảm nhận sâu hơn về ý tưởng thế giới đã thay đổi, và kiểu tư duy tuyến tính không còn thích hợp vớí một thế giới phi tuyến tính. Hãy chỉ lướt qua những biến động dồn dập trên chính trường thế giới mở đầu bằng sự kiện 11tháng 9 đưa chiến tranh vào trung tâm nước Mỹ. “Khủng bố quốc tế” là một kiểu chiến tranh không có mặt trận và là xuyên quốc gia, một “siêu chiến tranh”,sản phẩm của cái thế kỷ đang lao đao với khủng hoảng kinh tế tài chính, đặc biệt ở các nước phương Tây. Rồi xung đột ở Trung Cận Đông với những diễn biến rất phức tạp từ sự kiện Lybia và các cuộc nổi dậy giận dữ của quần chúng phẫn nộ như một phản ứng dây chuyền đòi thay đổi chế độ tai đây. Phương Tây cấm vận Iran, rồi những thách thức hạt nhân từ Bắc Triều Tiên… Rồi những cơn cuồng nộ của tự nhiên cũng dồn dập hơn. Động đất, sóng thần tàn phá các nước Nam Á và Đông Nam Á, đặc biệt là thảm họa với Nhật Bản… Chỉ bấy nhiêu điều cũng đã cho chúng ta hiểu rõ về tính bất định và không dự đoán được của cái thế giới mà chúng ta đang sống.
Rõ ràng là có những thời điểm quyết định, hay các bước ngoặt lịch sử có tầm quan trọng lớn lao hơn các thời điểm khác, bởi vì những thay đổi chúng tạo ra là cực kỳ sâu rộng, nhiều chiều và khó tiên đoán, đó chính là điều cần nhận thức rõ đặng có được lòng can đảm để vượt qua. Bởi lẽ xã hội là một tổng thể được tạo thành bởi những hiện tượng liên kết, khiến cho mỗi hiện tượng tùy thuộc vào các hiện tượng khác và chỉ có thể như nó đang là thế ấy trong những mối liên hệ giữa chúng với nhau (André Lalande), cho nên, xã hội ta đang sống là một cấu trúc mà trong đó mỗi thành viên đều có mối quan hệ ràng buộc với nhau dưới những hình thức thô sơ nhất hoặc phức tạp nhất, có những vai trò khác nhau song có mối tương tác lẫn nhau, làm tiền đề cho nhau trong việc thực hiện sự phân công trách nhiệm trước cộng đồng mà họ có chung quyền lợi và cùng chung những giá trị. Trong thời đại của cách mạng thông tin, mạng lưới thông tin đan dày như mắt cửi, chuyện bưng bít thông tin là không thể. Cũng vì thế, cấu trúc theo chiều dọc đang phải tự biến đổi sang chiều ngang để tạo ra nhiều giá trị hơn. “Cần phải có sự tiếp sức mạnh mẽ từ bên dưới” đặt ra ở trên chính là vì vậy. “Bên dưới” chính là bệ phóng của những giải pháp phê bình và tự phê bình từ bên trên. Vả chăng, trong việc khắc phục sự “sợ hãi” của người cầm quyến thì trước hết là khắc phục cho được nỗi sợ dân!
Oái oăm là ở chỗ đó! Đã có những biểu hiện đây đó là người ta đang sợ dân, tập trung đối phó với dân còn nhanh nhạy, mạnh mẽ, thô bạo hơn đối phó với những hành động của “những người lạ” đang giết dân ngoài biển. Mà sở dĩ có điều đó vì đây chính là thách thức gay gắt nhất cần phải vượt qua về sự nắm giữ quyền lực cùng với sự tha hóa của con người gắn với sự sùng bái quyền lực. Điều này thì người ta đã đúc kết thành quy luật : “Quyền lực có xu hướng tham nhũng, quyền lực tuyệt đối thì tham nhũng cũng tuyệt đối” Vì thế mà Bác Hồ từng gọi cuộc đấu tranh này là “một cuộc chiến đấu khổng lồ” mà muốn thắng lợi “phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”**.
Vì vậy nếu không có sự tiếp sức từ bên dưới, tức là từ sức mạnh trong cuộc vận động tự thân của quần chúng đứng lên để thúc đẩy sự phê bình và tự phê bình của bên trên, thì như Bác Hồ đã cảnh báo : ““Khẩu hiệu cách mạng của Đảng mà hóa ra là bùa của thầy cúng!”** * .
______________* Vietnamnet ngày 27.2. .2012
** Hồ Chí Minh Toàn tập. Tâp 12, NXBCTQG.Hà Nội 1996, tr. 505
***Hồ Chí Minh Toàn Tập. Tập 5. NXBCTQG. Hà Nội 1995, tr.305
(bản gốc của tác giả)
Theo: Blog NLG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét