Pages

Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012

Cước chở hàng, taxi, xe ôm đua tăng giá theo xăng

(Dân trí) - Chỉ 1 ngày sau khi Bộ Tài chính quyết định cho phép xăng dầu tăng giá, ảnh hưởng của giá xăng dầu mới đã tác động ngay đến lĩnh vực vận tải.




Chiều 7/3, ai cũng bất ngờ trước quyết định tăng giá xăng dầu, giới vận tải là “hoảng” nhất

Quyết định tăng giá xăng dầu của Bộ Tài chính và quyết định không giảm phí sử dụng cao tốc TPHCM – Trung Lương của Bộ Giao thông Vận tải khiến ngành vận tải hàng hóa nói chung và TPHCM nói riêng bị ảnh hưởng ngay.

Rất nhiều doanh nghiệp vận tải tại TPHCM khai thác tuyến vận chuyển hàng hóa về miền Tây đang điêu đứng vì “một cổ hai tròng”. Áp lực chi phí tăng cao khiến họ phải tính đến chuyện tăng giá cước mới bù đắp nổi phần thiếu hụt dù biết quyết định tăng giá cước đột ngột sẽ khiến khách hàng phản ứng, tình hình kinh doanh của họ thêm khó khăn.
Theo ông Đặng Đức Tiệp, Giám đốc Công ty vận tải Đặng Tiến thì đơn vị của ông sẽ bắt đầu tăng giá cước ngay đối với các đơn hàng mới và những khách hàng không có hợp đồng để bù đắp chi phí. Còn đối với khách hàng có hợp đồng dài hạn thì ông phải đàm phán lại mức giá cước cho hợp lý.



Doanh nghiệp vận tải hàng hóa đang chịu nhiều áp lực vì chi phí tăng cao, khách hàng thì ép giá vì sản xuất khó khăn

Ông Lương Hoàng Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TPHCM cũng nhận định giá xăng dầu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành vận tải, giá cước vận tải hàng hóa bắt buộc phải tăng mới bù đắp được chi phí vì mức tăng giá xăng dầu đợt này quá cao. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải hết sức tính toán mức tăng hợp lý để không mất khách hàng. Vì trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất – thương mại cũng rất nhạy cảm với giá cước vận tải hàng hóa, nguyên vật liệu.
Theo các doanh nghiệp vận tải, do chi phí xăng dầu chiếm đến 40% – 50% giá thành vận tải nên khi giá xăng dầu tăng từ 5% - 10% như hiện nay thì giá cước vận tải có thể tăng từ 2% - 5%, các doanh nghiệp khai thác tuyến vận tải về miền Tây còn có thể tăng cao hơn vì thêm chi phí sử dụng đường cao tốc.
Đối với các hãng taxi tại TPHCM thì quyết định tăng giá xăng ngày 7/3 cũng gây khó khăn cho họ không kém gì doanh nghiệp vận tải hàng hóa. Theo ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TPHCM thì cách đây 1 tuần, các hãng taxi đã bàn bạc với nhau và thống nhất sẽ tăng giá cước taxi thêm 1.500 đồng/km vì nhiều yếu tố cấu thành giá tăng cao như nhân công, quản lý, tỷ giá, lãi suất ngân hàng… Tuy nhiên, khi các hãng chưa kịp đăng ký tăng giá thì nhận thêm hung tin: giá xăng tăng.



Giá xăng tăng khiến các hãng taxi phải hoãn việc đề nghị tăng giá cước để họp bàn thống nhất mức tăng cước… cao hơn

Trước tình hình đó, các hãng taxi đang dự định họp khẩn để bàn lại về mức tăng cước trong đợt này. Theo ông Hỷ thì chi phí nhiên liệu chiếm khoản 30% giá thành cước taxi nên nếu xăng tăng 10% thì cước taxi phải tăng ít nhất là 3%. Nếu cộng thêm mức tăng 1.500 đồng/km đã thống nhất trước đó thì giá cước taxi đợt này tăng ít nhất phải là 2.000 đồng/km, tức là hơn 10%.
Tuy vậy, để tăng cước thực sự thì các hãng taxi phải mất từ 10 ngày đến nửa tháng vì phải họp bàn thống nhất mức đề nghị tăng cước, đăng ký tăng cước, chỉnh lại đồng hồ cước cho tất cả các xe… Do vậy, trong tuần này thì taxi vẫn chưa thể tăng cước nên áp lực thua lỗ đang đè nặng lên các doanh nghiệp, chạy ngày nào, lỗ ngày đó.
Điều chỉnh cước nhanh nhất và dễ dàng nhất có lẽ là giới xe ôm. Thông thường mức cước xe ôm dao động từ 4.000 – 7.000 đồng/km (tùy vào khu vực, tùy quảng đường đi xa hay gần và khả năng trả giá của khách). Tuy nhiên, kể từ sáng ngày 8/3 thì mức cước đã lên khoảng 6.000 – 9.000 đồng/km.
Cụ thể, giá cước từ Bến xe Miền Đông đến các điểm quanh chợ Bến Thành (lộ trình khoảng 6km) trước đây có giá từ 30.000 – 40.000 đồng (tùy khách trả) nhưng từ sáng 8/3 thì phải 45.000 - 50.000 đồng các bác tài mới chịu chạy.
Bác Huấn, một xe ôm tại đây than: “Cũng chẳng phải chỉ vì xăng tăng giá mà từ đầu năm đến giờ nhiều thứ tăng quá. Từ xăng dầu cho đến gas gạo, mắm muối, đường sữa… cái gì cũng tăng thì tụi tui chịu sao nổi, cực chẳng đã mới phải tăng giá chở khách để sống qua ngày chứ có làm giàu được đâu chú”.


Tùng Nguyên

Không có nhận xét nào: