Pages

Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2012

Giàu lên ở một xã hội 'bất bình thường'

Ảnh chụp ở Hà Nội
Khoảng cách giàu nghèo ở Việt Nam ngày
 càng gia tăng
Gần đây Việt Nam càng thường xuyên chứng kiến hiện tượng những người giàu có không ngại "khoe" của cải.
Một ví dụ nổi bật là lễ cưới cho con cái của một số "đại gia" như sự kiện ở huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh.

Được gọi là "siêu đám cưới", buổi tiệc vô cùng tốn kém, với mô tả của báo Tuổi Trẻ là "đường về thị trấn Sơn Tây đã tắc nghẽn giao thông khi người dân đổ ra hai bên quốc lộ 8A xem dàn siêu xe rước dâu".
Nữ doanh nhân tổ chức lễ cưới này cho con trai cũng không ngại lên báo bày tỏ cảm giác tự hào.
Cách tiêu tiền của không ít gia đình cho thấy bước chuyển đổi của nền kinh tế, với sự xuất hiện của ngày càng nhiều những người giàu có.

Nhưng nó cũng bộc lộ những mâu thuẫn trong xã hội Việt Nam hiện nay.
BBC có buổi phỏng vấn nhà văn Nguyên Ngọc, nổi tiếng với các tác phẩm về Tây Nguyên và là người quan tâm các vấn đề nổi cộm tại Việt Nam.
Nguyên Ngọc: Cái đó chứng tỏ rằng nền tảng văn hoá, trình độ văn hoá, tầm mức văn hoá của những người như thế còn thấp.
Tôi thấy người ta có tiền sử dụng cũng chỉ là bình thường. Nhưng có điều, sống thì phải nhìn tương quan trong xã hội.
Những năm qua cũng có những người giàu lên, đời sống có khá lên. Nhưng nói chung, dân vẫn còn khổ lắm.
Những vùng như Hà Tĩnh, vùng Hương Sơn tôi biết đời sống của nhân dân còn nghèo, còn thấp. Cho nên mình sống trong xã hội phải tính đến đời sống còn rất khó khăn.
Tôi thấy như thế là không nên và cũng không hay. Những việc tiêu pha xa xỉ như thế không có ý nghĩa gì cả.
Những người giàu có thể đóng góp đồng tiền vào những lợi ích xã hội ví dụ như giáo dục, vào y tế. Nhưng họ lại đem tiền tiêu vào những việc như vậy, gây phản cảm.
"Những người giàu có thể đóng góp đồng tiền vào những lợi ích xã hội ví dụ như giáo dục, vào y tế. Nhưng họ lại đem tiền tiêu vào những việc như vậy, gây phản cảm."
Cái đó chứng tỏ rằng nền tảng, trình độ văn hoá của những người như thế còn thấp. Đây là điều đáng buồn.
BBC:Hình như chưa bao giờ lại có làn sóng người giàu tiêu tiền một cách công khai đến vậy. Nhà văn nhận xét thế nào về xu hướng này?
Nếu người ta làm ra đồng tiền một cách chân chính, bằng năng lực thật sự của mình thì người ta sẽ quý đồng tiền.
Các nước khác cũng vậy, có những người rất giàu. Người ta là tỷ phú đôla nhưng mà người ta nhìn đồng tiền làm bằng công sức của họ, bằng trí tuệ của họ và cố gắng của họ.
Phải nói, ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều người được gọi là “đại gia”, những người giàu lên một cách kỳ lạ, có thể nói là không phải nhờ những cố gắng thật sự trong một xã hội bình thường. Do đó, họ không quý những đồng tiền đó, sử dụng nó rất vô lý.
Tôi đang ở miền Trung, và tại Đà Nẵng chẳng hạn, có những biệt thự, những nhà ở được xây lên giá đắt vô cùng.
Tôi cũng sang bên Mỹ và ở đó một cái nhà một triệu đôla là ghê gớm lắm. Vậy mà ở đây, một căn nhà tính ra thì có khi năm, bảy đến gần chục triệu đôla. Dân Hà Nội vào mua rất nhiều. Trong khi Hà Nội không phải là một trong vùng phát triển kinh tế, khiến tôi suy nghĩ tại sao dân Hà Nội nhiều tiền đến như thế.
Điều đó không bình thường trong xã hội của mình, chứng tỏ rằng đồng tiền luân chuyển, sinh ra trong xã hội ở Việt Nam hiện nay có điều gì không bình thường. Người ta làm giàu bằng những con đường không minh bạch, không rõ ràng.
Gần đây, tôi có đọc trên một tờ báo về một đại gia được xếp vào loại có tiếng ở Đông Nam Á và nói rất rõ ràng rằng, người đó bắt đầu bằng rừng, gỗ ở Tây Nguyên. Sau đó, ông ta chuyển sang nhà cửa, đất đai.
Nhà văn Nguyên Ngọc
Nhà văn Nguyên Ngọc tự hỏi vì sao nhiều người giàu lên bất thường
Và bây giờ, tờ báo công khai nói, ông ta hết chở gỗ ở Tây Nguyên nhưng hàng ngày vẫn chở kìn kìn gỗ từ bên Lào về.
Như vậy, người đó làm giàu bằng phá rừng. Tuy nhiên, tờ báo nào đó vẫn ca ngợi và như thế thì rất nguy hiểm, đồng thời làm giàu như thế thì rất huênh hoang.
BBC:Đúng là nhiều người băn khoăn về cách kiếm tiền của một số người thu nhập cao hiện nay. Đằng sau đó phải chăng còn là vấn đề quản lý?
Tôi nghĩ có lẽ không có nước nào quản lý đồng tiền như ở Việt Nam hiện nay. Ở xã hội bình thường, đồng tiền đi là có dấu vết, ở đâu và từ đâu đến. Không ở đâu mà người ta tiêu tiền mặt mà tiêu hàng tỷ như ở Việt Nam cả.
Quản lý đồng tiền như vậy thì không thể nào biết được nguồn gốc đồng tiền của họ từ đâu ra, và nó di chuyển như thế nào không ai biết cả.
Vì sao không thể thực hiện quản lý đồng tiền một cách bình thường như trong xã hội bình thường? Tại sao nhà nước không làm việc này và có lý do gì để không thực hiện?
Người ta vẫn giữ bí mật đồng tiền của những người giàu có. Đây là điều đáng đặt câu hỏi vì sao. Vì sao lại sợ biết được dấu vết hay nguồn gốc của đồng tiền?
Quản lý tài chính như thế này thì không có cách gì chống tham nhũng được. Cứ nói mãi chống tham nhũng nhưng chống tham nhũng thì phải có cơ chế, có cách kiểm soát đồng tiền. Thả lỏng như thế thì làm sao mà chống tham nhũng được. Tôi không tin việc kêu gọi đạo đức để chống tham nhũng.
BBC:Như thế thì đằng sau những câu chuyện này là đạo đức trong xã hội?
Tình hình đạo đức sa sút hiện nay trong xã hội đã được nhắc đến nhiều rồi. Tôi không tin bằng những sự kêu gọi đạo đức lại có thể thay đổi tình hình này.
Phải có cơ chế, luật lệ kiểm soát đồng tiền mới có thể chống tham nhũng, đưa xã hội trở lại bình thường, lành mạnh.
BBC:Cũng có ý kiến cho rằng xã hội Việt Nam chưa thể chấp nhận sự giàu có, sự tiến bộ của một số người mà có thu nhập cao như hiện nay?
Trong xã hội có những người tài giỏi, có thu nhập cao thì chấp nhận bình thường.
Nhưng, đồng tiền người ta có thu nhập cao đó bằng cái gì thì tôi cho rằng ở các nước văn minh, điều này rất rõ ràng, đó là bằng chính sức lực, tài năng, trí tuệ.
"Người bình thường ở Việt Nam cũng biết rằng có người giàu và người nghèo là chuyện bình thường ở xã hội. Nếu người giàu bằng tài năng chính đáng của họ thì không ai ganh tỵ với điều đó."
Ở Việt Nam hiện nay vẫn không có những luật lệ, cơ chế để thực hiện hết sức bình thường như ở các nước văn minh.
Thành ra những đồng tiền không rõ ràng gì cả. Chính vì vậy người ta có thể tiêu tiền một cách xa xỉ như thế. Trong xã hội nào cũng thế, có người rất giàu, có những người không đủ tài năng như thế, không có được nhiều tiền như thế cũng là bình thường và công bằng. Nhưng làm thế nào để cho mọi sự minh bạch.
Người dân bình thường cũng không ganh tỵ về việc người giàu vì có tài và họ không có tài không thể giàu bằng người ta. Nhưng nếu giàu một cách bất minh, giàu mà tôi không thể biết có thực sự bằng tài năng của mình thì điều đó không được.
Tôi cho rằng, người bình thường ở Việt Nam cũng biết rằng có người giàu và người nghèo là chuyện bình thường ở xã hội. Nếu người giàu bằng tài năng chính đáng của họ thì không ai ganh tỵ với điều đó.
Người ta bất bình về việc có người có tiền không biết từ đâu ra và xa xỉ một cách kỳ lạ như thế. Trong khi đó không chứng minh được là do tài năng mà họ làm ra. Người ta không bằng lòng, bất bình chính vì điểm này chứ không phải vì thấy họ có nhiều tiền.

Không có nhận xét nào: