Pages

Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2012

Khóc cho những cảnh đời khốn khổ !

Theo:baotoquoc

“Nhưng trên hết là chị đã được Thiên Chúa giải thoát…”. Đó là, câu nói mà có lẽ là của vị Linh mục trong một đoạn phim: “Giải cứu một phụ nữ bị xích 2 năm trong rừng của Ban truyền thông Giáo phận Kontum, tại Việt Nam, đã được đưa lên mạng YouTube; mà người viết bài này đã xem đi, xem lại để rồi cứ mỗi lần xem, là mỗi lần không thể nén lòng để không rơi nước mắt. Những giọt nước mắt cảm thương đến uất nghẹn, khóc cho những cảnh đời đau thương, đang sống một cuộc đời khốn khổ như thuở hồng hoang, ở ngay giữa thế giới văn minh của nhân loại, của đầu thế kỷ 21 này.
Người viết đã từng nhắc mãi về câu thơ của cụ Nguyễn Du: “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay!”. Và đó, chỉ có chính những người đã từng phải “qua cầu”, thì mới biết đến những nỗi “Đoạn trường!”.
Đoạn trường ấy, dẫu rằng mỗi chiếc cầu oan nghiệt mà mỗi con người đã phải vì nhiều hoàn cảnh khác nhau, nên đã phải bước qua, thì chỉ có chính họ mới thấu hết được những nỗi đau đớn đến mức “đoạn trường”. Đặc biệt, là đối với những thân phận của những người phụ nữ đã và đang phải gánh chịu, mà một trong vô số những cảnh đời bi thương ấy, là chính người phụ nữ của một sắc tộc nào đó tại Kontum, Việt Nam, trong đoạn phim này.

Chúng ta, nhất là đối với những người phụ nữ Việt Nam; mặc dù đang sống đời tỵ nạn cộng sản tại hải ngoại, nhưng chúng ta đều được sống trong những hoàn cảnh đầy đủ về phương tiện trong sinh hoạt hàng ngày. Mỗi lần bị đau đầu chút xíu, là chúng ta đã phải lo lắng rồi; vậy thì chúng ta hãy tưởng tượng đến hoàn cảnh của người phụ nữ đã từng bị xích xiềng trong suốt hai năm liền, trên người không có lấy một tấc vải che thân, không được tắm, gội trong suốt trong hai năm liền, phải chống chọi với những cơn mưa gió, lạnh lẽo và bệnh tật giữa chốn núi rừng như chúng ta đã thấy. Như thế, mà cho đến khi được giải thoát thì người phụ nữ này vẫn còn sống và đi lại được, thì chúng ta phải giải thích như thế nào, nếu không có sự bảo vệ của Ông Trời ?
Người viết vẫn còn nhớ về những năm tháng cũ, vào thời gian mà đảng Cộng sản Hà Nội đã từng hô hào “đánh Mỹ-Ngụy”; thì chính đảng cộng sản đã từng lợi dụng những tấm lòng chân thật của đồng bào của các sắc tộc ở các miền Thượng-Trung Du với những lời tuyên truyền nghe rất “tình người, gần gũi, thân thương” như những bài hát ca ngợi về những Buôn, Bản, Sóc. Mục đích là để cho họ phải lên nương, phát rẫy, làm ra hoa lợi, để “nuôi bộ đội cụ Hồ”; đồng thời cũng phải lao thân vào chỗ chết, như một Nông Văn Dèn (Dền) người sắc tộc Tày đã vào đảng cộng sản, đã cầm súng và đã chết khi chỉ mới tròn có 14 tuổi!
Thế nhưng, sau ngày 30/4/1975, thì những người dân của các sắc tộc này họ có “được sống tự do, cơm áo lành no…” như những lời ngụy ca trong một bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” hay không ? Vì thế, để cho mọi người được biết một cách rõ ràng, nên người viết xin trích lại những lời ngụy ca mà một thời đảng cộng sản Hà Nội đã dùng để lừa gạt những đồng bào của các sắc tộc, trong đó, có cả sắc tộc tại Kontum như sau đây:
“Đuốc lồ ô bập bùng lên ánh lửa, sóc Bom Bo rộn rã tiếng chày khua, bồng con ra võng để đong đưa, giã gạo ban đêm vì ngày bận làm mùa…
Cách mạng cần gạo nhiều để đánh Mỹ, sóc Bom Bo sẵn có cối chày đây, người Bom Bo sẵn có đôi bàn tay, với tình yêu nước và thù giặc ngày ngày.
Ê.. còn nhớ ngày xưa người dân Bom Bo cái bụng không no khố chăn chẳng lành.
Ê.. được sống tự do, cơm áo lành no, dân làng Bom Bo nhớ ơn giải phóng..
Nhớ nhớ ơn người chiến sĩ, ngày đêm không nghỉ, tìm diệt giặc Mỹ giải phóng cho dân mình…”.
Nhưng những sự thật quá phũ phàng này, đã không còn che giấu được nữa, những đồng bào của các sắc tộc đã bị đảng cộng sản Hà Nội, lợi dụng, lừa gạt, rồi bỏ rơi một cách hết sức tàn nhẫn; nhưng khi các vị Linh mục và các giáo dân thuộc giáo phận Kontum, muốn tìm cách để giúp đỡ đồng bào, thì bọn côn đồ lại đón đường để ra tay đánh đập Cha Louis Nguyễn Quang Hoa đến trọng thương, để ngăn chận không cho các giáo sĩ và giáo dân giáo phận Kontum đi đến các vùng quê nghèo để giúp đỡ những đồng bào khốn khổ. Khốn khổ đến mức độ đứa con trai nhỏ của người phụ nữ vừa được cứu, chỉ có độc nhất một chiếc áo thun rách nát, chứ không có quần để mặc suốt trong hai năm dài đối với một đứa bé chỉ mới lên năm tuổi; cũng như hoàn cảnh của họ như mọi người đã biết khi xem hết cả đoạn phim. Một đoạn phim đã khiến cho bản thân người viết đã úp mặt nhiều lần xuống chiếc bàn phím, và những dòng nước mắt đã cứ trào tuôn trên chiếc bàn phím này; vì thế, những dòng chữ cứ nhảy múa tứ tung, nên khó khăn lắm mới viết cho trọn một bài, để xem như một lời chia xẻ với tất cả đồng bào ruột thịt của mình đã và đang khốn khổ tại quê nhà. Và, ôi ! những lời hát của ai kia, đã cất cao, thánh thót theo từng cung bậc của từng nốt nhạc yêu thương trong đoạn phim đã đưa những con người có lòng với đồng bào, với Quê Hương đến gần lại với nhau hơn, để rồi sẽ cùng nhau dấn thân trên suốt con đường đấu tranh, mà dẫu cho có muôn vạn lần gian nguy, gai chông, bất trắc, nhưng vẫn quyết liệt vì một nước Việt Nam Tự Do Dân Chủ thực sự; cho mọi người dân Việt sẽ đều được hưởng trọn tất cả những thứ quyền căn bản, mà Ông Trời đã ban cho nhân loại từ thời Sáng Thế:
“Hôm nay là ngày Thiên Chúa dựng nên chúng con vui mừng sung sướng triền miên. Hôm nay ánh sáng bình mình chiếu rọi trên đầu những kẻ lòng thành.

Hôm nay đáng ghi muôn đời, hôm nay Chúa thương dân Người, hôm nay Chúa đem dân Người lên núi Sion.


Hôm nay nai vàng uống suối mật ong. Bến bờ hy vọng lúa vàng đâm bông. Hôm nay nho chín đồi cao, gió Nam trở về với đàn bồ câu.


Hôm nay bụi hồng bên suối trổ bông, khóm huệ trắng ngần xanh tốt lừng hương. Hương Nam thơm ngát đồi Li, Manna thấm nhuần sức mạnh Giavê”.

Xin hãy cùng nhau cất cao “những lời ca”… xin hãy cùng nhau tìm ra những phương pháp thật hữu hiệu hơn, để mong xóa tan đi những nỗi đau thương, những niềm thống khổ của đồng bào ruột thịt của chúng ta đang phải gánh chịu từng ngày tại cố hương yêu dấu.
Pháp quốc, 10/3/2012
Hàn Giang Trần Lệ Tuyền

Không có nhận xét nào: