Pages

Thứ Hai, 12 tháng 3, 2012

Mạn bàn về cơ chế xin cho, tham nhũng, quyền và tiền

(Tamnhin.net) - Ngày 7/3, Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện nghị quyết TƯ 3 (khóa X) về phòng chống tham nhũng, lãng phí đã được diễn ra tại Hà Nội với sự có mặt của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Người dân tự hỏi bao giờ và khi nào chống được tham nhũng khi cơ chế, chính sách là “xin - cho”.



Thứ nhất Thủ tướng nói phải hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, tránh xin - cho, tạo sơ hở cho tiêu cực, nhất là trong thu chi ngân sách, đầu tư công, khắc phục bằng được những cơ chế có thể tạo ra đặc quyền, đặc lợi.

Như vậy là vấn đề chúng ta đã nhìn thấy kẽ hở và lỗ hổng của cơ chế và chính sách hiện nay ở chỗ vẫn tồn tại một luật pháp vô hình đó là cơ chế xin - cho từ đó nảy sinh tham nhũng.
 
Đúng như vậy khi người ta có quyền thì sẽ có tiền và ngược lại khi có nhiều tiền thì sẽ có nhiều quyền và luôn như vậy theo quy luật tư nhiên. Chỉ có khác nhau ở cách người ta kiếm tiền và kiếm quyền như thế nào? Đó là một phần không nhỏ tác động của cơ chế và chính sách. Điều này liệu đã hoàn toàn công bằng và dân chủ chưa? Trong kinh tế có công khai và minh bạch không? Và khi quyền và tiền đã làm mờ mắt của tất cả mọi người đang cố tìm kiếm nó một cách “bằng mọi giá” như hiện nay.
 
Nhìn lại những vụ án được điều tra, xét xử trong từng năm mà các cơ quan thực thi pháp luật phải "căng đầu" tìm chứng cứ về tham nhũng gia tăng, tiêu cực, tham nhũng trong việc bố chí tổ chức cán bộ vẫn còn nhìn thấy rõ như ban ngày như việc “chạy chức, chạy quyền” mua quan bán tước vẫn là chuyện thường niên gây bức xúc trong nhân dân và từ đó "văn hóa từ chức" cũng không thể làm được vì họ làm sao mà từ chức được khi việc đó đánh mất đi nguồn lợi lớn đó là quyền và tiền còn nằm trong tay họ.
 
Ta phải khẳng định là còn xa vời và lâu lắm, rất lâu việc chống tham nhũng trở nên hiệu quả nếu chúng ta chỉ có “hô hào”, "kêu gọi" tinh thần tự giác và tự phê khi cơ chế, chính sách và tư tưởng của con người cùng cộng hưởng khi không xóa bỏ cơ chế, xin – cho từ đó đã tạo ra đặc quyền, đặc lợi và luật pháp không nghiêm.
Thứ hai việc cần làm là để toàn dân nhìn thấy và thấu hiểu được theo tính quy luật tự nhiên đó là phải thực sự công bằng trong luật pháp và sòng phẳng trong kinh tế. Người dân cần nhìn thấy và hình thành quan điểm, tư tưởng, niềm tin thì tự họ sẽ phải phấn đấu, rèn luyện và cân nhắc trong việc kiếm tiền.
 
Thứ ba là vấn đề trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, hay vi phạm pháp luật, phải kiểm soát được tài sản trong xã hội của các tầng lớp “toàn dân” trong đó có cả cán bộ, đảng viên và cả doanh nhân. Khi cơ chế và luật pháp có sự công bằng và xác định được thu nhập và mức sống của nhân dân thì sẽ có được sự tự giác phấn đấu theo quy luật phát triển tự nhiên đó công bằng trong luật pháp và sòng phẳng trong kinh doanh.
 
Vấn đề quyền và trách nhiệm của công dân trong đó có cả cán bộ, đảng viên và nhân dân được thực thi nghiêm túc theo luật định. Thì không ai muốn “tham nhũng” cả mà sẽ tự tẩy chay được vấn đề chạy chức, chạy quyền. Vì nếu có mua được chức vị ấy, quyền lực ấy mà không có năng lực thì cũng không thể điều hành được. Khi đó không thể lấy lại được nguồn tài chính đã bỏ ra "gọi là đầu tư" ban đầu thì không ai có thể đầu tư mãi được. Lúc đấy mọi chuyện sẽ sáng tỏ thôi.
 
Tương tư như vậy nếu đánh giá đúng trách nhiệm của người đứng đầu về quyền lực và tài chính thì khi xử lý vi phạm anh ta phải chịu trách nhiệm cả về hình sự, hành chính và tài chính tức là quyền và trách nhiệm phải song hành thì người không có năng lực có mua được chức đó cũng khó mà tồn tại. Đồng thời người được phân công bổ nhiệm cũng phải cân nhắc, phấn đấu, rèn luyện và cũng phải có tư tưởng "dám làm dám chịu".
 
Khi đó đương nhiên khâu tổ chức cán bộ từ cấp cơ sở đến trung ương sẽ tự sàng lọc và sẽ có cơ hội cho người tài, người có tâm, có năng lực và sẽ tự làm trong sạch đội ngũ cán bộ của mọi cấp mọi ngành.
 
Việc hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về công tác cán bộ, trong đó phải công khai minh bạch trong khâu tuyển dụng cán bộ; công khai, dân chủ trong việc đánh giá, bố trí, sử dụng, đề bạt cán bộ, kể cả trong việc khen thưởng, kỷ luật để khắc phục, ngăn ngừa các tiêu cực trong việc chạy chức, chạy quyền.
 
Đảng và Nhà nước phải hoàn thiện chính sách rõ ràng và minh bạch về tiền lương, đất đai, nhà ở cho cán bộ, khắc phục bằng được những cơ chế có thể tạo ra đặc quyền đặc lợi.
 
Chúng ta cũng cần hiểu rằng trong mọi hình thái kinh tế xã hội vấn đề tư tưởng kiếm “quyền và tiền” đều luôn tồn tại và là động lực phấn đấu của mỗi con người. Nhưng điều chúng ta cần nói là với động lực ấy và đi theo đúng quy luật đúng định hướng với cơ chế chính sách rõ ràng và công bằng, dân chủ thì xã hội sẽ phát triển.
Còn nếu động cơ ấy được xuất phát từ tư tưởng không lành mạnh do nhiều vấn đề trong đó có cơ chế, chính sách, cộng với tư duy tự có của con người thì sẽ đẩy lùi sự phát triển của xã hội.
 
Vấn đề người dân cần được nhìn thấy và hiểu rõ rồi thực hiện là quyền và trách nhiệm của công dân được thực thi nghiêm chỉnh theo luật định. Luật pháp cũng phải được áp dụng công bằng và minh bạch để có được niềm tin và tư tưởng phấn đấu tốt từ nhân dân. Gia đình, nhà trường và xã hội cũng cần có phương pháp giáo dục con em cần phấn đấu, rèn luyện năng lực bản thân theo quy luật phát triển tự nhiên và không vi phạm pháp luật, tuyệt đối không kiếm "tiền và quyền" bằng mọi cách, mọi giá.
 
Mai Huy

Không có nhận xét nào: