Pages

Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012

Xa Dân là Đảng tự tiêu

Bùi Văn Bồng

Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phân tích các nhóm giải pháp tổ chức thực hiện Nghị quyết có hiệu quả, có chất lượng. Trong đó nhấn mạnh cần phải: “… có giải pháp xây dựng cơ chế để nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội tham gia xây dựng Đảng. Có cơ chế phát huy dân chủ thực sự, thực hiện công khai, minh bạch; khuyến khích cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; thực hiện nghiêm túc việc chất vấn trong Đảng được quy định từ nhiệm kỳ khóa IX”.
Thực tế nhiều năm qua cho thấy hoạt động của các đoàn thể ở nhiều địa phương như Mặt trận, Thanh niên, Phụ nữ và một số đoàn thể chính trị khác đã đạt nhiều hiệu quả; có nhiều phong trào đem lại lợi ích “quốc kế dân sinh” nhưng cũng có nơi, hoạt động của các tổ chức đoàn thể còn mờ nhạt. Ở một số nơi, Hội Cựu chiến binh hăng hái tổ chức nhiều hoạt động, thể hiện rõ tinh thần đấu tranh nhưng khi phản ánh, đề đạt những thực trạng bức xúc thì… chẳng mấy ai chịu nghe.

Đó là chưa nói đến có trường hợp ý kiến dân đề xuất với Đảng nhưng cấp ủy không báo cáo lên trên; hay chỉ báo cáo chung chung, phiên phiến; hoặc các tổ chức đoàn thể nắm bắt không kịp, không đủ, nắm sai thông tin nên báo cáo không chu đáo; có khi còn vì động cơ khác mà giấu nhẹm thông tin, thiếu mạnh dạn, thiếu bản lĩnh đấu tranh, sợ mất lòng, ngại đụng chạm.
Để phát huy dân chủ trong công tác xây dựng Đảng, phải tăng cường mối quan hệ giữa các tầng lớp quần chúng với đảng viên và các tổ chức cơ sở Đảng. Một trong những hoạt động thiết thực là cán bộ, đảng viên phải sâu sát, đi vào thực tế đời sống, đặc biệt là thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp giữa Đảng với người dân ở từng địa phương, cơ sở. Do vậy, tăng cường đối thoại với nhân dân, lấy lại niềm tin trong nhân dân, động viên, khích lệ nhân dân xây dựng Đảng là rất cần thiết để đạt được sự thống nhất: “Ý Đảng, lòng dân”.
Đảng viên chất vấn lãnh đạo và cấp ủy, người dân chất vấn Đảng, đó là hoạt động phù hợp với quan điểm, đường lối quần chúng của Đảng ta. Khi đã làm tốt việc dân chủ từ trong Đảng ra quần chúng, thực sự lấy dân làm gốc thì “Quy chế dân chủ ở cơ sở” mới được thực thi nghiêm túc và có chất lượng. Thông qua chất vấn, đối thoại trực tiếp với nhân dân sẽ bật ra nhiều vấn đề trì trệ đang phát sinh, tồn tại trong cuộc sống và khiến người dân bức xúc.
Vừa qua, một số đảng bộ địa phương ở TPHCM, TP Đà Nẵng, tỉnh Trà Vinh, quận Bình Thủy (TP Cần Thơ), huyện Tân Hồng và huyện Lai Vung (Đồng Tháp)… đã tổ chức các cuộc đối thoại giữa Đảng với dân. Đồng chí lãnh đạo cao nhất của cấp ủy đã trực tiếp nghe dân phản ánh, trả lời những ý kiến đóng góp và những thắc mắc, kiến nghị của dân. Đối thoại Đảng với dân phải thực sự cầu thị nghe dân nói, phải có ý thức và phương pháp phê bình, tự phê bình, phải tạo ra được tâm lý tự nhiên, thoải mái, chân thành với ý thức xây dựng cho người dân. Rất cần tránh những biểu hiện che giấu khuyết điểm mà có những phản ứng, tỏ thái độ làm cho người dân không mạnh dạn phát biểu, sợ đụng chạm, sợ bị trù dập. Những nếp quen, thói cũ như chọn người đại diện phát biểu, dàn dựng nội dung, áp đặt tư tưởng, nói theo chỉ đạo trước, cần phải loại trừ thì lời dân nói mới thật lòng, mới sát thực tế. Có như thế mới đem lại hiệu quả thiết thực.
Niềm tin của dân chính là sự thể hiện rõ nét hiệu lực lãnh đạo của Đảng. Cho nên, nếu xa dân là tự tách mình ra khỏi hiện thực cuộc sống, không có những thông tin xác thực cần cho người lãnh đạo, mất lòng dân mà không biết nguyên nhân sâu xa từ những lý do gì. Niềm tin của nhân dân ta với Hồ Chủ tịch là niềm tin về lý tưởng mà chính Người đã đứng đầu rèn luyện toàn đảng và toàn dân noi theo. Khi người dân được hưởng quyền tự do dân chủ, nhận rõ sự phát huy ngày càng cao bản chất ưu việt của một Đảng cầm quyền, đem lại lợi ích thiết thực cho họ, thì niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng ngày càng được khẳng định vững chắc. Thực tế chứng minh rằng, nếu cán bộ đảng viên không chăm lo “tích thiện”, từ đạo đức, lối sống đến tư cách, tác phong không làm gương trước quần chúng, thì hậu quả là bị mất ngay niềm tin, tạo ra hố ngăn cách giữa dân với Đảng. Và như vậy, rất có hại cho cách mạng, trì kéo, kìm hãm sự phát triển của xã hội, báo động về nguy cơ mất chế độ chính trị-xã hội. Phải luôn luôn nhận cho rõ mối quan hệ tương hỗ: Nhờ dân mới có Đảng, và dân xây dựng Đảng để giao quyên flanhx đạo cho Đảng, rồi người dân lại phục tùng sự lãnh đạo của Đảng. Cho nên, mất lòng dân là Đảng tự đánh mất chính mình. Khi một đất nước có một chính Đảng cầm quyền và thực thi dân chủ một cách thường xuyên, thực sự đi đúng đường lối, chủ trương, chính sách, thực hiện đúng và sáng tạo với hiệu quả cao các nghị quyết đã đề ra, thì lòng tin của nhân dân đối với Đảng sẽ được dân đồng tâm xây đắp, không ngừng củng cố ngày càng bền vững.
Điều lệ Đảng đã quy định rõ nhiệm vụ của người đảng viên, nhiệm vụ của tổ chức Đảng các cấp là phải thường xuyên giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân: “Phải tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của quần chúng, chăm lo đời sống của quần chúng, đoàn kết với quần chúng, học tập quần chúng, tìm hiểu nguyện vọng và lắng nghe ý kiến của quần chúng, để phản ánh trung thực cho Đảng và kịp thời giải quyết một cách thích đáng. Phải ủng hộ sáng kiến, nghiên cứu áp dụng kinh nghiệm sáng tạo của quần chúng. Phải thường xuyên làm công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, phát triển ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng, kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, mệnh lệnh, độc đoán, chuyên quyền, xa rời thực tế, xa rời quần chúng”.
Cương lĩnh, Điều lệ, các Nghị quyết của Đảng, rồi biết bao thông tri, chỉ thị, các văn bản chuyên đề của Trung ương hướng dẫn về công tác Đảng đều nhấn mạnh yêu cầu giữ vững nguyên tác tập trung, dân chủ, yêu cầu phát huy vũ khí sắc bén đấu tranh phê bình, tự phê bình, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với dân, nhưng bệnh quan liêu, xa thực tế, xa dân, làm mất dân chủ vẫn tràn lan. Đó là sự tự thân của chính những cán bộ, đảng viên có chức có quyền đã làm cho Đảng bị yếu kém. So với Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ Nhất năm 1935 (Đảng Cộng sản Đông Dương lúc đó có hơn 600 đảng viên), nay Đảng ta đã có số lượng đảng viên đông gấp hơn 5.000 lần (hơn 3 triệu đảng viên). Đảng cần phải mạnh, chất lượng phải tương ứng với số lượng. Đông mà không mạnh, số lượng nhiều mà chất lượng kém là điều rất đáng lo ngại, và như thế cũng chẳng có gì đáng tự hào. Không ngẫu nhiên mà người ta đã phải đúc kết: “Nhìn thấy đảng viên nhan nhản mà Cộng sản được mấy người?”. Đó là nỗi lo lớn, đặt ra sự cần thiết, cấp bách phải chỉnh đốn Đảng. Sự mất chất Cộng sản trong khi vẫn mang danh đảng viên đã làm xói mòn niềm tin trong nhân dân đối với Đảng lãnh đạo.
Cho nên, khi đã đối thoại với dân, trước hết mỗi cán bộ, đảng viên phải “tâm tự vấn tâm”, đối thoại với chính mình, hỏi lại lòng mình. Như phát biểu của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Từng cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu, người chủ trì phải tự giác, gương mẫu làm trước (ngay sau Hội nghị này, không phải chờ gì cả) tự kiểm điểm, soi lại mình, đơn vị mình, gia đình mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì khiếm khuyết thì tự điều chỉnh, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình. Mọi đảng viên đều phải làm như vậy, chứ không phải chỉ đứng ngoài mà “phán”, hoặc “chờ xem”, coi như mình vô can”.
Tự thả lỏng cho mình, khắt khe với người khác cũng là sự ích kỷ quá đáng. Thiệt thòi và bất lợi cho người lãnh đạo là bị người dân sợ tiếp xúc, người dân xa lánh và nhất là không nghe được những lời nói thẳng, nói thật từ miệng người dân. Khi khoảng cách chưa bị triệt tiêu, sự xa lánh, né tránh còn đầy tâm tư, người dân còn phải “tỏ thái độ” thì không ai muốn nói, và càng không nói thật. Nếu như ý kiến đã phát biểu, lãnh đạo nghe hết, nhưng nghe rồi để đó, không làm, thì chẳng ai muốn nói. Khi người ta không tin, thì có gặng hỏi người ta cũng không nói. Bởi vì: “Nói ra làm gì, chẳng đi đến đâu, mất công lại thêm bị để ý, bị thù oán…” Cho nên, tổ chức đối thoại phải đi vào thực chất, phải có hiệu quả, nếu không thì coi như chỉ là thứ hình thức, mị dân, lừa dối dân. Cũng vì thế, văn hóa đối thoại là phải biết lắng nghe, phải chống bệnh bảo thủ, phải thực sự khiêm tốn, cầu thị và cái gì đã hứa thì phải làm.
Như Bác Hồ chỉ dạy người cán bộ, đảng viên là phải biết “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”, biết hy sinh quyền lợi riêng tư vì sự nghiệp chung, đặt lợi ích tập thể, lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân. Hiện nay, để chỉnh đốn Đảng thực sự có chất lượng và hiệu quả từ trong thực tế, việc tăng cường mối quan hệ, gắn bó máu thịt với nhân dân càng đặt ra nhu cầu thiết yếu. Như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” là văn kiện hết sức quan trọng của Đảng. Ngay sau khi ban hành, Nghị quyết đã được đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đón nhận với một tình cảm vui mừng, phấn khởi, tin tưởng và nhất trí cao; cho rằng, Nghị quyết đã chọn đúng và trúng vấn đề hết sức quan trọng, nhìn nhận, đánh giá đúng tình hình với tinh thần tự phê bình rất cao, đề ra giải pháp phù hợp, nếu thực hiện nghiêm túc sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt trong công tác xây dựng Đảng, góp phần làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng tha thiết của toàn Đảng, toàn dân.
Thực trạng giảm uy tín của Đảng lãnh đạo đối với nhân dân đã rõ, nhưng không thể không có lối ra. Trong bất kỳ khó khăn nào, khi có dân ủng hộ nhiệt tình, Đảng ta đều có thêm sức mạnh nội tại của lòng dân để vượt qua. Thế nên, cần nhắc lại đúc kết đã thành chân lý: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu / Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Vững tin ở sức mạnh toàn dân, biết coi trọng “dân là gốc”, thực sự biết dựa vào dân, việc gì dù gian khó đến mấy cũng hoàn thành. Chỉ có những kẻ đã mất chất Cộng sản, phản bội các nguyên tắc điều lệ Đảng, đi ngược lại lý tưởng, gây thù chuốc oán cho dân, bị dân khinh thường mới sợ phải đối thoại với nhân dân.
Tăng cường đối thoại giữa Đảng với dân chính là một trong những biện pháp quan trọng và cần thiết việc làm đem lại hiệu năng trực tiếp thực thi dân chủ rộng rãi và có hiệu quả ở ngay mỗi địa phương, cơ sở. Hoạt động này nhằm phát hiện kịp thời, giải quyết nhanh chóng những mặt còn tồn tại, những yếu kém, thực sự khắc phục những vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 về chỉnh đốn, tăng cường sức mạnh và vai trò lãnh đạo của Đảng, thiết thực đưa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 nhanh chóng đi vào đúng đắn và hợp lòng dân vào cuộc sống xã hội, lấy lại và củng cố thêm vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Bùi Văn Bồng
Theo: Blog NLG

Không có nhận xét nào: