Pages

Thứ Hai, 9 tháng 4, 2012

Mổ xẻ trí thức: trí thức đấu tranh, trí thức trùm chăn và trí thức ăn theo

Nguyễn Thiện Nhân
 
Trí thức ăn theo gồm những ai, nhiều hay ít, chiếm bao nhiêu phần trăm trong lực lượng trí thức? Có phải trí thức ăn theo là những người đê tiện? Làm sao để chuyển hóa ý thức và hành động của những người trí thức để tăng số lượng trí thức đấu tranh và giảm số lượng trí thức ăn theo?
I. Khái quát
Theo đà phát của xã hội loài người, nghĩa của từ ‘trí thức’ đã thay đổi nhiều so với nghĩa sơ khai của nó.
Trí thức là người có kiến thức cao hơn mặt bằng chung của xã hội vào từng thời kỳ, bao gồm kiến thức cơ bản và kiến thức chuyên môn về một (hoặc nhiều) lĩnh vực. Ở VN, thời kỳ thực dân pháp có thể hiểu trí thức là những người tốt nghiệp tú tài trở lên.
Thời kỳ đổi mới (sau 1986) đến nay, trí thức có thể hiểu là những người tốt nghiệp cao đẳng trở lên.

3 thế hệ trí thức: Nhà văn Nguyên Ngọc (giữa), Ts Nguyễn Xuân Diện, Sv Nguyễn Anh Tuấn
Tùy theo mục đích khác nhau mà có những cách phân loại trí thức khác nhau. Hoạt động của họ gồm: Khoa học (nghiêng về nghiên cứu), kỹ thuật công nghệ (nghiêng về chế tạo), văn hóa (Nhạc sĩ, nhà văn…), kinh tế (điển hình là doanh nhân), giáo dục (điển hình là giáo viên), pháp luật (điển hình là luật sư), y tế (điển hình là bác sĩ)…
Trí thức đóng vai trò quyết định trong sự phát triển của nền văn minh nhân loại, không những về mặt khoa học kỹ thuật mà còn cả về kinh tế, chính trị và văn hóa.
II. Phân loại
Có 3 loại trí thức: trí thức đấu tranh, trí thức trùm chăn, và trí thức ăn theo.
+ Trí thức đấu tranh luôn chống lại tiêu cực, dùng kiến thức của mình để đưa ra phản biện nhằm chỉ ra cái sai, cái nguy hiểm của những vấn đề thực tại. Trí thức đấu tranh là lực lượng tiên phong can gián vào lĩnh vực chính trị, hứng chịu và chấp nhận nguy hiểm nhằm mục đích định hướng/cải tạo xã hội tốt hơn.
Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Cụ Lê Hiền Đức và Gs Nguyễn Minh Thuyết là những tấm gương điển hình của trí thức đấu tranh, nay cả 3 đều đã tuổi cao niên nhưng vẫn chưa ngưng nghỉ.
Có những người đấu tranh rất mãnh liệt nhưng họ lại không phải trí thức do trình độ học vấn chưa đạt.
Mức độ đấu tranh của những trí thức loại này rất khác nhau. Tuy nhiên với số lượng trí thức đấu tranh ở VN hiện nay còn ít ỏi thì phải nói rằng “có là quý”!
Tiến sĩ trẻ xông pha cứu nước
+ Trí thức trùm chăn có hai thành phần: trùm chăn mở mắt và trùm chăn nhắm mắt. Cả hai thành phần đều không can gián vào chính trị. ‘Trùm chăn nhắm mắt’ là không quan tâm đến những tin tức thời sự chính trị, những người này hoặc là bàng quang trước đời sống của nhân dân lao động nghèo hoặc là cắm đầu lo mưu sinh, tranh đua làm ăn mà quên đi tổ quốc. ‘Trùm chăn mở mắt’ là những người có quan tâm theo dõi tình hình đất nước nhưng không can gián và tránh nói những vấn đề ‘nhạy cảm’ thuộc lĩnh vực chính trị.
Sự đấu tranh nếu có của trí thức trùm chăn chỉ là đấu tranh cục bộ, tức là đấu tranh với những vấn đề liên quan trực tiếp đến nghề nghiệp hay đời sống hàng ngày của họ. Họ không đấu tranh với đường lối, chính sách của chính quyền (giai cấp thống trị). Ví dụ: một giáo viên chống lại tiêu cực trong nhà trường nhưng chỉ giới hạn ở trường nơi họ đang giảng dạy, họ không lên tiếng về những vấn nạn hay vấn đề bức thiết của cả ngành giáo dục.
Khi tôi trò chuyện với một ông thầy giáo dạy cấp 3, ông cho rằng những người dấn thân đấu tranh cho dân chủ là ‘những thằng điên’, ông nói chế độ nào nó cũng có ngày tàn của nó, khi nó mục nát thì nó tự diệt chứ không cần đấu tranh, đã có luật nhân quả rồi. Không cần diệt, tự kẻ ác sẽ lãnh chịu quả báo. Ông quan niệm rằng con người chỉ cần sống lương thiện, có hiếu với cha mẹ, nếu tốt hơn thì làm từ thiện, sự đấu tranh chẳng có ích gì cả! Đó cũng là một kiểu lý luận của rất nhiều người thuộc nhóm trí thức trùm chăn. Tôi nghe mà lòng đau nhói.
+ Trí thức ăn theo là những trí thức phò tá chính quyền. Họ không chỉ tô son điểm phấn cho chế độ mà còn tạo nên chất sống duy trì sự tồn tại và phát triển của chế độ.
Trí thức ăn theo luôn đông đúc, từ ông bà giáo sư tiến sĩ đến những cô cậu tốt nghiệp cao đẳng, hiện diện khắp nơi; từ trung ương đến phường xã, thậm chí thôn ấp.
Trí thức ăn theo gồm những ai, nhiều hay ít, chiếm bao nhiêu phần trăm trong lực lượng trí thức? Có phải trí thức ăn theo là những người đê tiện? Làm sao để chuyển hóa ý thức và hành động của những người trí thức để tăng số lượng trí thức đấu tranh và giảm số lượng trí thức ăn theo?
Trong mỗi lĩnh vực hoạt động đều tồn tại 3 loại trí thức: đấu tranh, trùm chăn và ăn theo.
Theo tôi, năm 2012, số lượng 3 nhóm trí thức trong nước như sau:
Tổng số trí thức: 5 triệu trí thức (số thực tế có thể nằm trong khoảng 4,5 đến 5triệu)
+ Trí thức đấu tranh: Có 1% tương đương 50.000 người
+ Trí thức trùm chăn: Có 66,66% tương đương 3,33 triệu người
+ Trí thức ăn theo: Có 32.34% tương đương 1,62 triệu người
Trong số 3,5 triệu đảng viên Đảng CSVN hiện nay, 1/2 chưa phải là trí thức, 1/3 là trí thức ăn theo, 0.5% là trí thức đấu tranh, còn lại là trí thức trùm chăn.
Điều đáng nói là: “những đảng viên đa số là những người tốt, kể cả những đảng viên là trí thức ăn theo”, có thể họ chưa nhận thức đầy đủ về vấn đề thể chế, họ chưa nhận thấy giá trị của thể chế dân chủ đa đảng và chưa nhận thấy sự bất khả thi của CNCS, vì vậy họ theo đảng mà không đấu tranh cho sự cải cách.
Có thể có rất nhiều người chưa đồng ý quan điểm này của tôi, nhưng tôi giữ quan điểm này bởi lẽ tôi hiểu rõ hậu quả đáng sợ của sự độc quyền tuyên truyền được sinh ra bởi chế độ độc tài luôn đàn áp tự do ngôn luận, nó đáng sợ đến mức hơn phân nửa dân chúng ngộ nhận rằng báo chí nước mình có tự do! Hãy nhìn người dân Bắc Triều Tiên tôn sùng Kim Jong IL sẽ thấy, hàng chục triệu những con người mù mờ đáng thương, đa số họ là những người chất phát, nghèo khổ kém nhận thức, đã ngộ nhận, đã tưởng người lãnh tụ ấy là ân nhân vĩ đại, đó là kết quả của sự tuyên truyền độc quyền tại một đất nước mà tự do bị bóp nghẹt.
Chỉ có khoảng 5% đảng viên đảng CSVN là thuộc loại hèn hạ, họ là những trí thức ăn theo đê tiện nhất đang núp sau một nhân cách vĩ đại đã về nơi yên nghỉ từ hơn 40 năm trước. Bọn chúng đang chễm chệ ở những nơi cao và rất cao, như một bầy sâu lúc nhúc. Nhưng cũng có những tên đang ngồi gỡ lịch trong nhà tù vì tội tham nhũng.
Có lẽ có quả báo. Lẽ nào là bọn địa chủ, cường hào ác bá đầu thai lên đang tàn phá đất nước đáng thương này?
Một bộ phận đáng kể trí thức thuộc các chi bộ đảng, đoàn thể, MTTQ, công chức, lãnh đạo trong bộ máy chính quyền là trí thức ăn theo. Đây cũng là lực lượng chính cấu thành nên đội ngũ trí thức ăn theo hùng hậu.
Tại sao trí thức đấu tranh còn ít ỏi?
Giữa củ cà rot và cây gậy, anh chọn cái nào? Dễ hiểu khi có ít người dám bỏ đi carot để đối đầu với cây gậy!
Nhìn chung, trí thức là những người có điều kiện kiếm tiền cho bản thân, có mức thu nhập khá hơn mức trung bình của xã hội, nhiều trí thức có năng lực chuyên môn có mức thu nhập gấp hàng chục lần công nhân.
Ai trở thành trí thức cũng trải qua quá trình học hành, tốn tiền của cha mẹ. Khi tốt nghiệp lại chuẩn bị bước vào giai đoạn hôn nhân, thường là vậy, và họ lại tiếp tục lo lắng cho cuộc sống của vợ chồng, con cái.
Họ say mê kiếm tiền đề không uổng phí công học hành, báo hiếu cha mẹ, tranh đua kinh tế với bà con, bạn bè.
Trong chế độ độc tài, kẻ thống trị luôn muốn trí thức ‘ngủ yên’, nói cách khác họ không thích xuất hiện những trí thức đấu tranh. Vì vậy trí thức đấu tranh chịu thiệt thòi nhiều mặt: thu nhập, cơ hội thăng tiến, bị quấy nhiễu hoặc đối diện tù tội. Đặc biệt là người đấu tranh khiến vợ con, cha mẹ, anh em bị ảnh hưởng. Mặt khác, một số vấn đề chưa được xã hội phân rõ trắng đen, chưa định rõ phải làm thế nào cho đúng nên người đấu tranh chưa được xã hội trân trọng.
Chính vì vậy mà còn rất ít người hy sinh lợi ích cá nhân để đấu tranh cho lợi ích của dân tộc mình.
III. Sứ mệnh của trí thức đấu tranh
Trí thức đấu tranh là đầu tàu trong những bước ngoặc lịch sử. Họ là những người chỉnh sửa khuyết tật của loài người bằng phương thức đấu tranh. Họ là những người khởi xướng và cổ xúy cho cho lực lượng quần chúng nhân dân bị áp bức vùng lên. Họ là những người giữ thăng bằng cho quan hệ giữa người với người. Họ là những người khơi thông dân trí, họ là những ‘kiến trúc sư’ cho nền dân chủ và văn minh nhân loại.
Việt Nam đã từng đứng trước nguy cơ của chủ nghĩa thực dân và đế quốc. Nguy cơ đó đã được đẩy lùi. Ai dẫn đường chỉ lối cho dân tộc?
Chí sĩ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, chủ tịch Hồ Chí Minh là những ngọn cờ điển hình của lực lượng trí thức đấu tranh.
Bởi Hoàng Sa đang bị giặc Tàu chiếm đóng, bởi độc tài đang nắm quyền thống trị. Bởi độc lập chưa được hoàn toàn, bởi dân chủ chưa thành hiện thực. Dân tộc lại phải tiếp tục đấu tranh. Nếu ngày trước dân tộc xoay theo Phan Châu Trinh mạnh mẽ hơn thì có lẽ bây giờ Việt Nam đã khác. Nói điều đó không phải để tiếc nuối. Nói điều đó không phải để phủ nhân giá trị dân tộc đã đấu tranh hay săm soi xét lại. Nói để chỉ ra con đường đúng, con đường mà dân tộc phải tiếp tục đi, đi đến cái đích độc lập và dân chủ.
Tôi cho rằng hiện tại có khoảng 50.000 trí thức đấu tranh, chiếm 1% trong lực lượng trí thức, con số thật nhỏ nhoi so với số dân gần 90 triệu người.
Tuy nhiên đây là con số đáng mừng so với 25 năm trước! 25 năm trước chỉ có khoảng 10.000 thôi.
Và con số này sẽ bùng nổ trong thời gian tới, thập kỷ thứ 2 của thế kỷ này bởi khuyết tật hệ thống đang lộ rõ và bởi TQ đang leo thang gây hấn để độc chiếm biển đông. Ai nối gót cho Tàu cộng sớm muộn sẽ bị vạch mặt điểm tên, bị lịch sử nghiền nát.
Ngày trước thằng Tây mang vũ khí đặt chân lên VN, chúng hiện diện khắp nơi ai cũng thấy. Chúng tàn độc thế nào ai cũng biết. Nhân dân vì thế mà dễ nhận biết kẻ thù.
Ngày nay, Hoàng Sa xa quá, ở tận biển đông cách đất liền hàng nghìn cây số, dân chúng người biết người không, ít người nhìn thấy, giặc lại được xem là bạn vàng, là láng giềng tốt.Trắng đen lẫn lộn. Lòng dân bối rối, ít ai biết ai bạn ai thù.
Khi lực lượng trí thức đấu tranh lớn lên gấp 10 lần hiện nay thì không có gì che đậy được, bất chấp có tự do hay không, bất chấp sự chà đạp nhân quyền như thế nào, chính quyền có độc ác đến đâu cũng phải thay đổi.
Từ 50.000 tăng lên 500.000? Vậy 450.000 người ấy từ đâu ra? Xin thưa đó là từ lực lượng trí thức trùm chăn và trí thức ăn theo chuyển hóa mà thành.
Sự chuyển hóa này chủ yếu là do lực lượng trí thức đấu tranh hiện hữu tác động lên diễn biến của tình hình kinh tế, chính trị, xã hội đầy biến động.
Do những ngọn đuốc soi đường đấu tranh đưa lối, ý thức dân tộc sẽ dần xua tan sợ hãi.
Vẫn còn những ‘cây đại thụ’ ẩn mình nghe ngóng.
Mưu sự tại nhân.
Tất cả trông cậy vào lực lượng trí thức đấu tranh, tích gió thành bão, từ 1% của ngày hôm nay.
Theo: Blog GPDC.

Không có nhận xét nào: