Pages

Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Rời khỏi Okinawa, thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đứng trước các thử thách



Hình: Reuters
Chiến đấu cơ FA-18 của Mỹ, trên hàng không mẫu hạm George Washington đậu gần Okinawa, sắp cất cánh để tham gia cuộc tập trận với lực lượng phòng vệ Nhật Bản

Kế hoạch tái bố trí được duyệt lại và được sự đồng ý của Nhật Bản được coi như vừa là một sự thỏa hiệp vừa là một công tác còn đang tiến triển.

Kế hoạch này đòi hỏi việc di chuyển gần phân nửa số 19.000 binh sĩ thủy quân lục chiến Hoa Kỳ ra khỏi đảo Okinawa. Có tới 5.000 binh sĩ sẽ được tái bố trí đến đảo Guam trong vùng Thái Bình Dương, còn 5.000 binh sĩ sẽ được chuyển tới hoặc là Hawaii hoặc là luân phiên công tác ở Australia.


Chưa có thời biểu cụ thể nào được tiết lộ.

Chuyên gia phân tích chính trị và phó giáo sư Richara Baker tại Trung tâm Đông Tây ở Hawaii nói rằng thỏa thuận này được đưa ra sau những cuộc thương lượng phức tạp có liên quan đến các vấn đề kỹ thuật, tài chính và hạ tầng cơ sở. Giáo sư Baker nói:

“Và tôi không cho rằng có thể tránh được sự kiện họ có thể đi đến sự đồng thuận như thế này, do đó đấy là một tin mừng. Điều khó khăn là việc xử lý công khai vấn đề này cũng phải tế nhị và khéo léo y như các cuộc thương nghị.”

Điều vẫn chưa được giải quyết là phải làm gì với một căn cứ không quân của Thủy quân lục chiến nằm ngay giữa một cộng đồng đông đảo ở Okinawa.

Đa số các chuyên gia tin rằng một đề nghị chuyển đến một địa điểm xa hơn ở phía bắc hòn đảo là điều khó có thể xảy ra bởi vì có sự chống đối mãnh liệt ở địa phương. Nhưng kế hoạch sân bay mới vẫn chưa chính thức bị bãi bỏ.

Nhiều người dân Okinawa muốn thấy toàn bộ thủy quân lục chiến rời khỏi quần đảo. Điều đó cũng khó lòng xảy ra vào một thời kỳ mà những mối lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc có nghĩa là các nước khác trong vùng châu Á Thái Bình Dương muốn được an tâm về sự hiện diện của lực lượng quân đội Hoa Kỳ ngay trong khu vực.

Chính quyền Obama đã nói với các nước đồng minh rằng Hoa Kỳ đang có các cam kết quân sự mới và dài hạn trong khu vực.

Ông Baker, một nhà ngoại giao kỳ cựu của Hoa Kỳ đã về hưu, thừa nhận rằng việc tái bố trí quân đội từ Okinawa đến Guam và Hawaii có thể được coi như một biện pháp đi sai hướng về mặt địa dư:

“Những người chỉ trích sẽ có thể nói rằng sự kiện này đi ngược lại với ý đồ chuyển trọng tâm đến châu Á. Tôi nghĩ đó sẽ là một lời chỉ trích bất công xét về thực tế của các cuộc thương lượng và thực tế của vấn đề đã tồn đọng từ lâu, rất lâu ở Okinawa mà kế hoạch được thiết kế để giải quyết.”

Nhật Bản sẽ tài trợ một phần trong tổn phí lên tới 8,6 tỷ đôla cho việc đồn trú quân trên lãnh thổ Guam trong vùng Thái Bình Dương.

Đây sẽ là sự hiện diện quân sự lớn nhất trên đảo này kể từ sau chiến tranh Việt Nam khi các máy bay B-52 của Không lực Hoa Kỳ thực hiện những vụ oanh tạc hàng ngày từ đảo Guam.

Với dân số khoảng 180.000 người, Guam đã tiếp đón hơn 7.000 nhân viên quân đội, chủ yếu được cử tới Căn cứ Không quân Anderson, và một cơ sở ở phía tây của hòn đảo được gọi là “Big Navy.”

Thượng nghị sĩ Judi Guthertz, chủ tịch ủy ban lập pháp của Guam đặc trách về tổ chức quân đội, nói:

“Theo tôi, điều chủ yếu đối với đa số dân chúng ở Guam, là chỉ bảo đảm rằng các cơ sở hạ tầng của chúng ta được phát triển để có thể xử lý khối lượng mới và rằng mọi người tôn trọng lẫn nhau để chúng ta có thể duy trì bộ mặt mới và tính cách nhiệt đới độc đáo và nét đẹp của hòn đảo này. Và tôi nghĩ rằng các đối tác của chúng ta về phía quân đội biết rõ điều này.”

Thoạt đầu đã có các kế hoạch di chuyển số thủy quân lực chiến cao gấp đôi – tính chung là 9.000, đến đảo Guam.

Sự kiện đó làm giảm bớt phần nào những lo ngại về việc nâng cấp các cơ sở hạ tầng gây nhiều tốn kém.

Các nhà lập pháp và công chúng ở Guam vẫn còn rất nhiều mối lo ngại và nhiều thắc mắc chưa được giải đáp. Trong số những điều này là vị trí cho các sân bắn và một hải cảng nơi các hàng không mẫu hạm của Hải quân Hoa Kỳ ghé qua có thể đậu được.

Người dân Chamorros bản thổ đã phản đối bất cứ sân bắn nào lấn vào vùng đất cổ xưa trong khi địa điểm đậu tầu ban đầu ở cảng Apra đã gây bất bình trong giới bảo vệ môi sinh và khu vực du lịch bởi vì việc nạo vét sẽ làm tiêu hủy hay hư hại hơn 25 hecta san hô.

Thượng nghị sĩ của đảo Guam Gutherz ủng hộ việc di chuyển thêm thủy quân lục chiến đến đảo này nhưng đã vấp phải các câu hỏi khác từ phía các cử tri của bà. Bà nói:

"Những vấn đề còn lại là liệu quân đội có xây chỗ ở cho các binh sĩ thủy quân lục chiến hay không, hay là họ sẽ sử dụng nhà cửa sẵn có trong cộng đồng? Họ sẽ cần đến các loại dịch vụ như thế nào từ phía các công ty thuộc khu vực tư nhân của chúng tôi đang nóng lòng và có khả năng cung cấp lời đáp cho các yêu cầu và đề nghị của họ? Do đó, theo tôi, các lợi ích kinh tế sẽ có nhưng chưa biết chắc là dưới hình thức nào.”

Nhiều thượng nghị sĩ có nhiều thế lực của Hoa Kỳ đã lo ngại về tổn phí và tác động toàn bộ của kế hoạch đối với sách lược quân sự trong vùng của Mỹ.

Thông báo được đưa ra cùng một lúc hôm nay ở Tokyo và Washington đã giải đáp một số các mối quan ngại đó.

Sau thông cáo chung, các thượng nghị sĩ gồm chủ tịch Ủy ban Quân vụ Carl Levin, và Jim Web, cả hai đều thuộc đảng Dân chủ, cùng với cựu ứng cử viên Tổng thống John McCain, của đảng Cộng Hòa, đã công bố một thông cáo nói rằng họ “vẫn còn nhiều thắc mắc về các chi tiết cụ thể” và ý nghĩa của kế hoạch đối với vị thế sức mạnh trong vùng châu Á Thái Bình Dương.

Hoa Kỳ duy trì tổng cộng 35.000 nhân viên quân sự ở Nhật Bản và hơn 28.000 người ở Nam Triều Tiên.

Không có nhận xét nào: