Pages

Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

Thông điệp Phật Đản của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ

PARIS, ngày 23.4.2012 (PTTPGQT) - Viện Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vừa gửi đến Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế để phổ biến bức Thông điệp Phật Đản P.l. 2556 của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ.

Qua Thông điệp, Đức Tăng Thống nhấn mạnh đến ba yếu tính mà người Phật tử Việt Nam thực hiện tại Việt Nam suốt 2000 năm qua trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và tâm linh. Ngài nói “Hai nghìn lần hòa quyện đức tính Từ bi, Trí tuệ và Vô úy làm nền tảng dựng lập văn hiến Việt Nam. Nhờ lòng Từ bi cao cả mà không chán khổ sinh tử, không xa lánh chúng hữu tình, mang trách nhiệm lợi sinh, sống trong sự đền ơn đáp trả Tứ trọng ân : Ân Cha Mẹ, Ân Thầy Bạn, Ân Quốc gia xã hội, và Ân Tam bảo. Nhờ Trí tuệ bát nhã mà biết phân biệt thiện ác, chính tà, bước lên Con Đường Phật. Nhờ Vô úy mà không ngại gian nguy, đơn độc, đem nghiệp lực giác ngộ của mình xoay chuyển cộng nghiệp si mê, thống khổ, xấu xa của nhân thế”.

Dù Phật giáo là tôn giáo đến từ nước ngoài, nhưng Đức Tăng Thống nhận định rằng “đạo Phật đã hòa đồng cùng dân tộc trong đời sống truyền thống cũng như tín ngưỡng tâm linh, trở thành một tôn giáo của đất nước, đem tinh thần bình đẳng, tự do làm đê chắn các giai cấp chuyên chế. Có thể nói Phật giáo làm nền tảng cho xã hội sinh hoạt đồng bộ trên các lĩnh vực đạo đức, văn hóa, kinh tế, chính trị nhằm phát triển con người và quốc gia”.

Với quá trình của một tôn giáo hòa bình, khoan dung, từ ái gần ba nghìn năm qua, bức Thông điệp kêu gọi Phật giáo đồ trong và ngoài nước giữ vững niềm tin để bảo vệ Chánh pháp, “xem hoằng pháp như chuyện nhà, việc lợi sinh như chức nghiệp”, “Không có chánh pháp thì thế gian này còn tiếp tục sử dụng năng lực hữu hạn cung cấp cho những dục vọng vô cùng, nhằm đánh đổ đạo đức và thủ tiêu liêm sỉ”. Vì lẽ đó mà đã có 22 Tăng, Ni, Phật tử tự thiêu để bảo vệ Chánh pháp suốt 37 năm qua. Dù con số này chưa chính xác trong một đất nước mà nền thông tin bị bóp nghẹt một chiều.

Đức Tăng Thống nhắc nhở rằng “Phật tử là người có thọ mạng hai nghìn năm Phật giáo, một trữ lượng cứu khổ trừ nguy vô cùng tận. Và Phật Đản là ngày ý thức lại thọ mạng lâu dài này”.

Sau đây là toàn văn bức Thông Điệp Phật Đản P.l. 2556 của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ

:





GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT





VIỆN TĂNG THỐNG






Thanh Minh Thiền viện, 90 Trần Huy Liệu, Phường 15, Quận Phú Nhuận, Saigon
------------------------------------------------------------------------------------------------------
Phật lịch 2556 Số 06/TT/VTT





THÔNG ĐIỆP PHẬT ĐẢN P.L. 2556



của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ




Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch Chư Tôn đức Giáo phẩm, Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni,

Thưa toàn thể quý liệt vị Cư sĩ thiện tri thức, Nam Nữ Phật tử trong và ngoài nước,

Nhân danh Hội đồng Lưỡng Viện, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tôi hoan hỉ gửi lời chúc mừng đến toàn thể chư tôn đức và đồng bào Phật tử trong và ngoài nước nhân ngày Khánh đản của Đức Điều Ngự Như Lai.

Diễm phúc lớn của nhân sinh là được chào đón Ngày Phật Đản, vì kể từ ngày ấy, nhân loại biết được phương pháp diệt trừ vô minh, nguyên nhân của mọi khổ đau, để bước lên đường giác ngộ, giải thoát.

Người Phật tử Việt Nam đã hai nghìn lần Mừng Phật Đản kể từ khi đạo Phật du nhập nước ta. Hai nghìn lần hòa quyện đức tính Từ bi, Trí tuệ và Vô úy làm nền tảng dựng lập văn hiến Việt Nam. Nhờ lòng Từ bi cao cả mà không chán khổ sinh tử, không xa lánh chúng hữu tình, mang trách nhiệm lợi sinh, sống trong sự đền ơn đáp trả Tứ trọng ân : Ân Cha Mẹ, Ân Thầy Bạn, Ân Quốc gia xã hội, và Ân Tam bảo. Nhờ Trí tuệ bát nhã mà biết phân biệt thiện ác, chính tà, bước lên Con Đường Phật. Nhờ Vô úy mà không ngại gian nguy, đơn độc, đem nghiệp lực giác ngộ của mình xoay chuyển cộng nghiệp si mê, thống khổ, xấu xa của nhân thế.

Lịch sử Phật giáo Việt Nam là quá trình người Phật tử Việt thực hiện ba yếu tính từ bi, trí tuệ và vô úy. Không lấy cá nhân, tư kỷ làm gốc, mà lấy nhân quần, xã hội, mọi loài chúng sinh làm tiêu đích giải thoát, giác ngộ. Cho nên khi gặp phải các triều chính hay chế độ hư hèn, hủy báng chánh pháp, khi đối diện các thế lực xâm lược chủ quyền dân tộc hay xâm phạm tự do tư tưởng con người, thì người Phật tử Việt luôn đi đầu trong việc ngăn chặn đại nạn xẩy ra.

Du nhập từ nước ngoài, nhưng đạo Phật đã hòa đồng cùng dân tộc trong đời sống truyền thống cũng như tín ngưỡng tâm linh, trở thành một tôn giáo của đất nước, đem tinh thần bình đẳng, tự do làm đê chắn các giai cấp chuyên chế. Có thể nói Phật giáo làm nền tảng cho xã hội sinh hoạt đồng bộ trên các lĩnh vực đạo đức, văn hóa, kinh tế, chính trị nhằm phát triển con người và quốc gia.

Người Phật tử không thể tách lìa vận mệnh dân tộc, vận mệnh thế giới với vận mệnh chánh pháp. Không có chánh pháp thì thế gian này còn tiếp tục sử dụng năng lực hữu hạn cung cấp cho những dục vọng vô cùng, nhằm đánh đổ đạo đức và thủ tiêu liêm sỉ. Ba mươi bảy năm qua, tính theo con số biết được trong nền thông tin bưng bít một chiều, đã có hai mươi hai Tăng Ni, Phật tử tự thiêu không ngoài mục đích bảo vệ chánh pháp. Gợi lại hình ảnh đau thương này, tôi muốn nhắc nhở đến ngôi vị Bồ Tát trong lòng người con Phật để kiên trì với sự nghiệp đại thệ nguyện và đức hóa đại từ bi, đồng thời hiến dâng lên Đức Thế Tôn trong ngày Khánh đản những hy sinh và nỗ lực của Phật tử Việt Nam. Để từ đây, trong những năm tháng tới, người Phật tử biết mình phải làm gì trong việc xem hoằng pháp như chuyện nhà, việc lợi sinh như chức nghiệp. Nhờ vậy, mới mong cứu độ cho những xác thân không làm nô lệ cho thế sự, tinh thần thôi làm tôi mọi cho cuồng tín.

Phật tử là người có thọ mạng hai nghìn năm Phật giáo, một trữ lượng cứu khổ trừ nguy vô cùng tận. Và Phật Đản là ngày ý thức lại thọ mạng lâu dài này. Phật giáo Việt Nam có đóng góp gì hay không, chỉ những ai thực hiện được những gì Phật giáo thực hiện suốt Phật lịch 2556 năm mới có thể trả lời chân xác câu hỏi ấy.

Bằng cách đó, mà người Phật tử Việt Nam giữ gìn lòng tin tưởng của mình vào chánh pháp, vào trách nhiệm cứu khổ trừ nguy giữa thời đại nhiễu nhương, đen tối và bạo động hôm nay.

Tôi xin kêu gọi chư Liệt vị tôn túc cùng toàn thể Phật giáo đồ trong và ngoài nước hãy đón Phật vào lòng và trang nghiêm cử hành Đại lễ.


Thanh Minh Thiền viện - Saigon, Mùa Phật Đản 2556
Đệ Ngũ Tăng Thống,
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
(ấn ký)Sa môn THÍCH QUẢNG ĐỘ

Không có nhận xét nào: