Pages

Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2012

DI SẢN CỦA NGƯỜI TIỀN NHIỆM VÀ MỤC ĐÍCH CHẤN HƯNG ĐẢNG CỦA ÔNG NGUYỄN PHÚ TRỌNG (Bài của đảng viên Nguyễn Quang Lập)


NQL: Bác Dân Choa không có blog. Bác chỉ lập blog ở FB để tán gái, chủ yếu là gái của fan bọ Lập. Nhưng fan bọ Lập đa phần thuộc thế hệ tiền mãn kinh, không sợ khó chẳng sợ khổ chỉ sợ khô, nên dạo này bác hơi bị chán. Tán gái không được bác mới tán các đề tài chính trị xã hội, thật ngạc nhiên cây bút tán gái mờ nhạt bỗng trở thành cây bút chính luận hơi bị được.
 Di sản của người tiền nhiệm Nông Đức Mạnh để lại cho ông Nguyễn Phú Trọng thật khá nặng nề. Cũng phải nhận xét rằng từ trước đến nay chưa có một người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam mờ nhạt như ông Mạnh. Thời bấy giờ ứng cử viên nặng ký cho chức Tổng bí thư còn có ông Nguyễn Văn An. Ông An là một người có năng lực, có quyền biến và kinh qua nhiều chức vụ cao trong đảng và đặc biệt là nhiều năm làm trưởng ban tổ chức trung ương.
Nếu ông An làm Tổng bí thư thì nhiều người e ngại quyền lực của ông An quá lớn. Vì vậy ông Nông Đức Mạnh được đưa lên nắm chức vụ này như một giải pháp dung hòa. Tuy không có năng lực và bản lĩnh của một chính khách , nhưng tính tình ôn hòa nên được lưa chọn đứng đầu đảng qua hai nhiệm kỳ. Đáng tiếc là những lúc quốc gia hay đảng cần có chính kiến thực sự của vị Tổng bí thư thì ông lại vắng bóng. Người ta chỉ thấy ông xuất hiện khi đi úy lạo người cao tuổi, họp hành với Ủy ban Dân tộc hay hội thảo về gương đạo đức Hồ Chí Minh. Còn khi sự vụ lớn của đất nước như sập cầu Cần Thơ, vụ tham nhũng MPU 18, vụ Vinasin…hay chỉ đạo điều hành kinh tế , hoặc bàn về quốc kế an sinh cho đất nước thì không thấy đâu. Dưới thời của ông Nông Đức Mạnh quyền lực của ban chấp hành trung ương đảng chuyển dần sang phía chính quyền hay nói cách khác là sang chính phủ.
Chính phủ cổ vũ cho việc đảng chỉ lãnh đạo về đường lối, đảng không nên thay mặt nhà nước làm mọi việc. Những người lãnh đạo trong chính phủ cũng là những cán bộ chủ chốt của đảng. Như vậy nhà nước( chính quyền) sẽ thể hiện ý chí của đảng qua công việc của mình. Cả một thời gian dài trước đó các ban ngành của trung ương đảng song hành với bộ máy của chính phủ. Vô hình chung đảng có một bộ máy hành chính khổng lồ gần như chính phủ. Vận hành bộ máy này cũng cần một nguồn kinh phí khổng lồ. Nhưng hiệu quả của công tác đảng đối với đường lối kinh tế mới thì ngày càng mờ nhạt. Vì lẽ đó việc chuyển dần công việc lãnh đạo sang nhà nước ( chính phủ) là một điều không thể tránh khỏi.
Ban chấp hành TƯ đảng mà đứng đầu là ông Mạnh có vẻ tán thành quan điểm này. Vì vậy nhiều ban ngành của Ban chấp hành trung được đảng bị tinh giảm, hoặc giải thể, hoặc chuyển sang cơ quan của chính phủ.
Bốn trụ cột chính của Ban chấp hành trung ương đảng là Ban tuyên giáo, Ban tổ chức trung ương, Ban kiểm tra và Ban kinh tế.
Nếu như trước kia Ban tổ chức trung ương đảng là một công cụ đặc hiệu của Tổng bí thư trong việc phân công bố trí cán bộ đảng thì thời nay nó không còn thế mạnh như xưa nữa. Ban tổ chức trung ương phải chia sẻ quyền lực của mình với bộ Nội vụ của chính phủ. Thủ tướng có quyền lựa chọn cán bộ đầu ngành, chuyển sang bộ nội vụ để làm quy trình bổ nhiệm. Ban tổ chức trung ương được lấy ý kiến bổ sung về lý lịch chứ không có quyền lực chọn để bổ nhiệm. Xu thế một thủ trưởng và quyền quyết định chọn người đứng đầu thắng thế nên phía chính phủ có nhiều cơ hội hơn.
Vai trò của Ban tổ chức trung ương đảng đã bị yếu đi rất nhiều.
Một ban khác của trung ương đảng còn duy trì được chức năng của mình đó là Ban kiểm tra . Nhưng Ban này không có chức năng đề đạt cán bộ hay bổ nhiệm cán bộ mà nó chỉ xem xét kỉ luật. Có nghĩa là giải quyết hậu quả của con người hay công việc khi mọi việc đã xảy ra rồi. Công việc của Ban trong sinh hoạt đảng mang tính thụ động. Người ta chỉ thấy Ban hoạt động mỗi khi có bầu cử nhiệm kỳ đảng hay khi cán bộ đảng viên vi phạm kỉ luật mà thôi.

Ban tuyên giáo trung ương vẫn tỏ rõ là một cơ quan uy quyền, hoạt động tích cực nhất của đảng. Ban chi phối và định hướng cho mặt trận tư tưởng trên nhiều lĩnh vực. Nhưng đường lối nặng về sách lược phòng, chống lệch lạc quan điểm cũ của đảng. Còn đề xuất ra cái mới, định hướng cho tương lai điểm đến của đảng thì không có. Cho đến nay cơ quan này vẫn còn „ nợ“ trung ương đảng một sản phẩm lớn. Đó là chưa cho ra đời được một học thuyết phù hợp với tinh thần thời đại. Hơn 20 năm mà vẫn lay hoay bàn con đường định hướng CNXH và càng bàn thì lý thuyết càng xa rời thực tế.

Đảng muốn thuận tiện hoạt động và ít phụ thuộc vào chính phủ thì đảng phải có một nguồn tài chính riêng. Nguồn tài chính này phải đồi dào, không bị các cơ quan chuyên môn kiểm tra dòm ngó hay kiểm toán. Thông thường nó được huy động riêng rẽ qua Ban kinh tế trung ương và hệ thống cơ sở. Nhưng Ban kinh tế trung ương đã bị giải thể chuyển sang chính phủ. Như vậy mọi phong trào sinh hoạt, mọi hoạt động độc lập của trung ương đảng đều phụ thuộc vào ngân sách của chính phủ, của nhà nước.
Đây là một điểm yếu nhất của Ban chấp hành trung ương trong thời kỳ qua.

Tuy hệ thống đảng từ trước đến nay đã được cơ cấu gắn chặt với bộ máy nhà nước từ trên trung ương xuống tận địa phương. Nhưng do cơ chế quản lý thay đổi nhiều nên tiếng nói của đảng ở các cấp chính quyền cũng có nhiều thay đổi.
Ở cấp địa phương như phường xã thì vai trò của bí thư đảng ủy mờ nhạt. Mọi điều hành công việc ở cấp này đều do chủ tịch phường/ xã và bộ máy chính quyền định đoạt.
Ở cấp huyện thì tình hình cũng không khá hơn mấy. Huyện ủy thụ động hưởng ứng hoạt động của chủ tịch huyện và bộ máy chính quyền. Vì chính quyền có thế mạnh về điều hành kinh tế.
Riêng ở cấp tỉnh thì vai trò Bí thư và ban thường vụ trước sau vẫn còn có thế mạnh. Đảng vẫn trực tiếp can thiệp vào mọi hoạt động của tỉnh. Nhưng vai trò nổi trội của cá nhân bí thư tỉnh ủy thì không còn như trước. Ở nhiều tỉnh người ta đánh giá cao vị trí lãnh đạo của chủ tịch, vì chủ tịch là người trực tiếp ký quyết định và điều hành kinh tế cho địa phương.

Dưới thời của thủ tướng Phạm Văn Khải và đặc biệt là từ khi ông Nguyễn Tấn Dũng lên làm thủ tướng thì quyền lực của chính phủ được gia tăng vô biên. Vai trò của Thủ tướng bao trùm lên tất cả mọi chính sách của đất nước.
Thủ tướng trực tiếp nắm công cụ bạo lực của đất nước, đó là lực lượng quân đội và công an. Thủ tuớng ấn định quan hệ quốc tế, vì Thủ tướng đặc trách chỉ đạo Bộ ngoại giao. Thủ tướng cũng người có quyền phân bổ ngân sách nuôi bộ máy nhà nước và đoàn thể ( trong đó có đảng) vì Thủ tướng trực tiếp điều hành kinh tế- tài chính. Cuối cùng thì Thủ tướng cũng là người có tiếng nói quyết định khi bổ nhiệm cán bộ, vì bộ Nội vụ dưới quyền điều hành của Thủ tướng. Như vậy Ban chấp hành trung ương đảng gần như biến thành bộ máy tham mưu cho chính phủ về nguồn cán bộ còn Quốc hội là nơi chính phủ tham vấn thêm khi bổ nhiệm thành viên lãnh đạo bộ ngành chứ không còn là những nơi định đoạt các vị trí trọng trách trong bộ máy nhà nước.
Khi hình bóng của Thủ tướng sáng tỏa bao nhiêu thì vai trò của Tổng bí thư sẽ thấp thoáng ở đường lối lý thuyết. Vị thế của hai nguyên thủ khác như chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội hoàn toàn mang tính nghi lễ cho hợp hiến chứ không có tiếng nói quyền lực.

Hình mẫu con người quản lý nhà nước cũng thay đổi nhanh chóng theo sự phát triển kinh tế. Nếu như trước đây người đảng viên đứng trong bộ máy nhà nước thì khi họ làm việc họ còn phải nhìn trước ngó sau và nhất là lưu ý đến trách nhiệm của người đảng viên. Chức vụ chưa hẳn nhất thiết kèm theo quyền lực, bởi vì quyền lực chính nằm ở tập thể lãnh đạo. Chức vụ đi kèm theo danh dự phục vụ đảng và đất nước.

Còn bây giờ thì rất khác. Cơ chế một thủ trưởng đã tạo cho cá nhân có nhiều quyền lực. Người muốn có chức vụ thì đầu tiên phải là người đứng trong hàng ngũ đảng cộng sản, đó là điều kiện bắt buộc. Khi có chức vụ thì lúc đó mới có quyền lực cá nhân và quyền lực cá nhân sẽ đi kèm với lợi nhuận kinh tế. Sức mạnh của kinh tế sẽ củng cố lại vị thế của quyền lực.
Còn quan điểm phục vụ và cống hiến như trước đây thì lại bị xem nhẹ hoặc là lãng quên.
Các cá nhân lãnh đạo đều khéo léo sử dụng tập thể đảng ủy như một ban tham mưu để thông qua ý chí của mình. Khi công việc hanh thông thì xem thành tích đó là của cá nhân. Nhưng nếu thất bại thì lại nhanh chóng đẩy lỗi trách nhiệm cho cả tập thể. Vì quyết định có thông qua thường vụ đảng, được tập thể đồng ý. Như thế nghiễm nhiên cá nhân thoát án kỉ luật. Chẳng nhẽ lại kỉ luật cả một tập thể đảng? Tổ chức đảng làm sao mà sai được (!)
Nếu hệ thống chính trị ổn định và kinh tế càng phát triển thì cán bộ đảng viên có chức quyền trong bộ máy nhà nước càng có nhiều cơ hội lớn hơn. Vì thế mục tiêu đầu tiên và lâu dài họ cần phải bảo vệ lợi ích đó. Muốn bảo vệ được lợi ích cá nhân thì đầu tiên họ phải ra sức bảo vệ hệ thống chính trị, bảo vệ vị trí độc tôn lãnh đạo toàn diện của đảng và sau đó phải bảo vệ được thành quả cá nhân của mình. Bảo vệ „thành quả cách mạng „ lâu dài của cá nhân mình, của tầng lớp mình không ai có thể hơn là con cháu mình, bạn bè mình, người cùng hội cùng thuyền của mình. Số này rất trung thành, sẽ bảo vệ hệ thống chính trị và quyền lợi tầng lớp đến cùng. Như vậy trong rất nhiều cán bộ cao cấp quản lý nhà nước đã nảy sinh ra một tầng lớp cán bộ mới, tầng lớp mà người ta thường gọi là con ông cháu cha. Nếu xã hội có thắc mắc thì nó được giải thích theo cụm từ ngữ thích hợp đó là hiện tượng „ truyền thống cách mạng gia đình“. Hiệu ứng này lan tỏa mạnh trong các cấp lãnh đạo ở trung ương cũng như phổ biến ở nhiều địa phương.

Hơn nữa công tác cán bộ của đảng và nhà nước sinh ra một cơ chế bảo vệ nguồn. Cán bộ cấp dưới do ban ngành cấp trên bổ nhiệm và quản lý. Khi cán bộ đảng viên trong guồng máy nhà nước vi phạm khuyết điểm họ chỉ chịu trách nhiệm với cấp trên chứ đơn vị công tác không có quyền kỉ luật hay bãi miễn họ. Đây là một cơ chế tai hại. Vì thế nhiều cán bộ đảng viên yếu kém, vướng mắc khuyết điểm vẫn tiếp tục đảm nhiệm công việc hoặc được luân chuyển vị trí công tác mà không lo bị đào thải khỏi bộ máy công quyền.

Ông Nguyễn Phú Trọng là một người làm công tác đảng lâu năm và kinh qua nhiều chức vụ quan trọng .Ông hiểu rất rõ những đặc điểm như đã nêu trên.Ông từng trực diện với thay đổi lớn về mặt tổ chức của trung ương đảng và sự sa sút đạo đức của cán bộ đảng trong bộ máy chính quyền. Nó đã thành tính hệ thống qua nhiều nhiệm kỳ. Để tạo sức mạnh mới cho đảng và lập lại kỉ cương đạo đức trong đảng là một công việc khó, vượt cả khả năng của ông. Nhưng vị Tổng bí thư cũng cố gắng chèo lái đảng trước thách thức của thời cuộc.
Điều hạn chế nhất của ông là thiếu sự quyết đoán của một thủ lĩnh. Vì xưa nay đến giờ người ta đánh giá ông như một công chức cần mẫn, liêm khiết và hiền lành. Ông không phải là người thủ lĩnh làm cuộc cách mạng đổi mới tư tưởng trong đảng, vì bản chất của ông là một người cộng sản giáo điều. Ông trung thành với chủ nghĩa Marx- Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Ông không hề có ý định xa rời nguyên tắc đó.
Ông cho rằng hình mẫu chủ nghĩa xã hội vẫn là một hình mẫu lý tưởng cho xã hội Việt Nam. Đường lối lãnh đạo của đảng đối với đất nước Việt Nam không sai. Những hiện tượng tiêu cực xảy ra ở đất nước bây giờ là do công tác cán bộ, do lệch lạch về học thuyết Marx- Lenin, do chủ nghĩa cá nhân hoành hành, do vai trò lãnh đạo trực tiếp của đảng bị giảm sút vì thế ông nghiêng về quan điểm củng cố lại vị thế tập trung quyền lực cho đảng. Đảng phải có thực quyền, đảng phải điều khiển được công quyền và chủ động về mặt tài chính.
Ông giữ vững nguyên tắc, đảng không nhất thiết phải đổi mới đường lối, đảng chỉ cần giáo dục cán bộ của mình liêm khiết thì đảng sẽ thành công trong thời đại mới.
Vì thế ông không cổ vũ sinh hoạt cởi mở dân chủ trong xã hội hoặc trong đảng. Ông cũng nhấn mạnh quan điểm không thể có hình thức Tam quyền phân lập ở Việt Nam. Ngay khi ông lên làm Tổng bí thư, người dân trông chờ vào ông và Ban chấp hành về quan điểm chế độ sở hữu đất đai. Nhưng ông đã tỏ rõ chính kiến, không có sự thay đổi lớn, vẫn theo cơ chế cũ.
Theo quan điểm của ông thì những gì mà ông gọi là „ hiểm họa đe dọa sự tồn vong của Đảng“ không xuất phát từ đường lối của hệ thống chính trị mà là do sự suy yếu nội bộ đảng trong vai trò cầm quyền. Theo ông thì đảng cộng sản vẫn giữ vai trò độc tôn, vẫn lãnh đạo toàn diện và thể hiện sức mạnh quyền lực của mình như trước, trên mọi lĩnh vực, ở mọi cấp địa phương.

Muốn thực hiện được điều đó cần phải có một sách lược phù hợp. Ông và người cộng sự đắc lực của mình, ông Hồ Mậu Ngoạt, suy nghĩ làm cách nào để tiến hành công cuộc chấn hưng đảng mà ít vấp phải sự phản ứng ngay từ trong nội bộ.
Bước đầu hãy tiếp cận với phạm trù tư cách đảng viên trong điều lệ đảng…từ đó mới đụng chạm đến các vấn đề vĩ mô.
Vì thế nghị quyết 4 về chỉnh đốn đảng của Ban chấp hành trung ương khóa 11 đã ra đời.

Không có nhận xét nào: