Pages

Thứ Năm, 4 tháng 10, 2012

Sắp có quy định mới về quản lý Internet


Việt Nam đang xây dựng một quy định mới tăng cường quản lý sử dụng, khai thác mạng internet, trong đó dự kiến bắt buộc người sử dụng công khai thông tin cá nhân, cũng như yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài chia sẻ thông tin khách hàng với nhà quản lý, theo truyền thông trong nước.

Đây là hai trong số "những điểm mới" của một dự thảo có tên gọi “Nghị định quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và nội dung thông tin trên mạng” đang được Bộ Thông tin - Truyền thông soạn thảo, nhằm thay thế Nghị định 97/2008/NĐ-CP được ban hành từ trước.
Theo một đánh giá của Bộ này được truyền thông trong nước đưa tin các trang thông tin điện tử tổng hợp và dịch vụ mạng xã hội do có nhiều điểm tương đồng, sẽ được áp dụng chung một chính sách quản lý.

Tờ "Người đưa tin," phiên bản điện tử của báo Đời sống và Pháp luật hôm thứ Tư trích thuật nội dung ở điều 5 của bản dự thảo Nghị định, quy định:

"Nghiêm cấm dùng các thông tin cá nhân giả mạo để sử dụng các dịch vụ internet. Đồng thời với đó, các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, cung cấp dịch vụ mạng xã hội được yêu cầu phải quản lý thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ theo quy định về đăng ký, quản lý và sử dụng thông tin cá nhân của Bộ Công an."

Cũng theo dự thảo nghị định, "các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cung cấp thông tin công cộng (bằng tiếng Việt) qua biên giới cho người sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam phải có biện pháp bảo vệ các thông tin riêng của người sử dụng Việt Nam, đảm bảo quyền quyết định của người sử dụng VN đối với việc cho phép tổ chức, DN nước ngoài sử dụng thông tin về nhân thân của mình."

Một quan chức ngành chủ quản, ông Lưu Vũ Hải, cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử giải thích với báo chí trong nước rằng "điều khoản này được đưa ra là nhằm ngăn chặn tình trạng lạm dụng khai thác thông tin cá nhân lan tràn vào các mục đích khác."

Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật mới cũng đưa ra điều khoản yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài này "phải đảm bảo người sử dụng Việt Nam được quyền xóa bỏ hoàn toàn thông tin của mình trên cơ sở dữ liệu của tổ chức, doanh nghiệp."

'Rất khó thực thi'
"Thực sự là Việt Nam đã bị dư luận quốc tế và các tổ chức quốc tế kêu rất nhiều về việc kiểm duyệt, kiểm soát internet. Đây cũng là một bước thêm nữa mà thôi" - Tiến sỹ Nguyễn Quang A
Bình luận về việc bản Nghị định mới đang được dự thảo, một cựu lãnh đạo Hội Tin học Việt Nam cho rằng một số mục tiêu và nội dung mà dự thảo đặt ra có thể thiếu tính khả thi, khó thực hiện được xét trên nhiều bình diện từ nguồn lực của Việt Nam lần môi trường luật pháp quốc tế.

"Tôi nghĩ việc bắt buộc tất cả những người sử dụng mạng internet phải công khai danh tính ở trên mạng rất khó thực thi, cũng giống như chính phủ Việt Nam đã yêu cầu tất cả những người mua sim điện thoại di động đều phải đăng ký tên, địa chỉ, đủ các thứ này khác để cho họ dễ kiểm soát...," Tiến sỹ Bấm Nguyễn Quang A, nguyên chủ tịch Hội Tin học nói với BBC hôm thứ Năm. 

"Nhưng cho đến nay, người ta vẫn có thể mua được các sim điện thoại mà không cần phải đăng ký gì cả. Tôi nghĩ rằng, đó là một sự thực trong thời gian vừa qua đã có các quy định về internet cũng như vậy.

"Và (dự thảo) quy định này cũng là một trong các biện pháp để kiểm soát internet mà thực sự là Việt Nam đã bị dư luận quốc tế và các tổ chức quốc tế kêu rất nhiều về việc kiểm duyệt, kiểm soát internet. Đây cũng là một bước thêm nữa mà thôi."

Về khả năng có quy định yêu cầu nhà kinh doanh dịch vụ nước ngoài hợp tác với chính phủ Việt Nam trong quản lý người sử dụng mạng interent ở trong nước, trong đó có khả năng từ "đặt trụ sở", thậm chí "đặt máy chủ" ở Việt Nam cho tới chia sẻ thông tin cá nhân khách hàng, ông Quang A bình luận:

"Tôi nghĩ những yêu cầu như vậy là những yêu cầu phi lý và khó khả thi ở Việt Nam bởi vì nếu buộc các nhà cung cấp dịch vụ như thế phải làm như thế thì có nghĩa tước đoạt của những người sử dụng dịch vụ ở Việt Nam những dịch vụ như thế.

"Bởi vì các nhà cung cấp dịch vụ không vào Việt Nam, thì người Việt Nam ở đây vẫn có thể sử dụng được những dịch vụ như thế."

Người từng là Tổng giám đốc Công ty Máy tính Truyền thông Điều khiển 3C nói thêm rằng tuy nhiên Chính phủ có thể đưa ra yêu cầu như vậy với nhà cung cấp muốn mở doanh nghiệp tại Việt Nam, song với những nhà cung cấp lớn như Google, khác với trường hợp ở Trung Quốc, nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm khổng lồ trên mạng này có thể sẽ không nhượng bộ hoặc hợp tác vì quy mô thị trường Việt Nam "quá nhỏ" để họ "hy sinh" chính sách cam kết toàn cầu của mình.

"Đảm bảo trật tự

Hãng Yahoo
Yahoo từng được chính quyền VN yêu cầu "hợp tác"

Thực tế, theo tờ Người Đưa tin cho hay, một địa phương ở Việt Nam là Sở Thông tin - Truyền thông TP Hồ Chí Minh đã từng yêu cầu Yahoo thay đổi một số thông tin tiếng Việt nhưng gặp vướng mắc do doanh nghiệp này mặc dù có văn phòng tại VN nhưng lại hoạt động trên cơ sở luật pháp của một quốc gia khác.

Ở cấp độ doanh nghiệp, tờ Thanh niên Online dẫn ý kiến một doanh nghiệp thuộc ngành truyền thông trong nước cho hay không phải lúc nào quy định của chính quyền với nhà cung cấp nước ngoài cũng dễ thực thi:

"Một số điều khoản trong NĐ này sẽ khó thực hiện. Đại diện của VCCorp đề xuất cách áp dụng mà trang mạng xã hội Twitter hiện đang áp dụng, đó là yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ này lọc bỏ, không cho hiển thị các thông tin không phù hợp khi đưa dịch vụ vào Việt Nam," ông Nguyễn Thế Tân, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần truyền thông VN (VC Corp), được Thanh niên Online dẫn lời nói.

"Họ không mất thông tin đó mà vẫn có thể truy cập ở nước ngoài. Nếu cứ yêu cầu họ phải dỡ bỏ, chính các công ty này có thể bị công dân của họ khởi kiện,"

Hôm thứ Năm 12/04/2012, bình luận về thông tin nói rằng Chính phủ đang dự thảo nghị định, trong đó đưa ra những quy định mới như yêu cầu các công ty khai thác dịch vụ Internet nước ngoài phải mở trụ sở ở Việt Nam và người sử dụng các dịch vụ Internet và các mạng xã hội phải khai báo tên thật, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, tại thông báo của Bộ này, cho biết:

"Các tổ chức, cá nhân có quyền tự do sử dụng internet phù hợp với các quy định của pháp luật.

"Như tại các quốc gia khác, Việt Nam cũng cần có những quy định luật pháp để điều chỉnh các hoạt động xã hội, trong đó có việc sử dụng Internet, nhằm đảm bảo ổn định và trật tự xã hội, tránh để internet bị lợi dụng vào việc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, giảm thiểu các tác động tiêu cực ảnh hưởng tới cộng đồng.

"Hiện nay, dự thảo Nghị định này vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện, nhằm xây dựng những quy định phù hợp với luật pháp Việt Nam cũng như các cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực này," thông báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam nói.

(BBC)

Không có nhận xét nào: