“…Đánh đổ một chế độ độc tài chỉ là điều kiện cần, không phải là điều kiện đủ. Thứ hai, muốn quốc gia vươn lên thì cần phải xây dựng một tổ chức chính trị có kiến thức và có khả năng quản lý quốc gia…”
Khi cuộc cách mạng “Mùa Xuân Ả Rập” thành công tại Tunisia và Ai Cập, đã có người đặt câu hỏi cho Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên và bản thân ông Nguyễn Gia Kiểng rằng: “Tại sao các nước đó không cần đến một tổ chức chính trị cũng như một dự án chính trị mà vẫn thành công trong việc lật đổ một chế độ độc tài?”. Câu hỏi này đã làm cho chúng tôi một thoáng bối rối. Tuy nhiên chúng tôi đã khẳng định lập trường và quan điểm của mình rằng, cuộc cách mạng này là không trọn vẹn và sẽ sớm mang lại thất vọng cho người dân. Và rồi thực tế đã trả lời, chưa đầy một năm sau ngày tổng thống Morsi đắc cử tại Ai Cập, người dân và quân đội đã làm một cuộc “chính biến” lật đổ tổng thống hợp pháp, người được bầu lên trong một cuộc bầu cử dân chủ.
Rõ ràng là tổng thống Morsi có tính “hợp pháp” vì ông đã thắng cử trong một cuộc bầu chọn dân chủ. Lý do ông thắng cử là nhờ ông ta có một tổ chức chính trị có bề dày lịch sử là “Đảng Hồi Giáo Anh Em” hậu thuẫn chứ không phải nhờ công lao lật đổ chế độ độc tài Mubarak. Đúng như nhiều người nhận định là cuộc “Cách mạng hoa nhài” ở Ai Cập là do giới thanh niên, trí thức tổ chức và kêu gọi thông qua các mạng xã hội và internet. Những thanh niên này đã tham gia tích cực vào các cuộc biểu tình tại Cairo cho đến khi nhà độc tài Mubarak bị lật đổ. Tuy nhiên vì không có tổ chức chính trị và một cương lĩnh chính trị nên họ đã bị đảng “Hồi Giáo Anh Em” “đánh cắp” mất chiến thắng.
Vì sao ông Morsi thất bại? Tương lai Ai Cập sẽ đi về đâu? Đây không chỉ là câu hỏi mà người dân Ai Cập và thế giới quan tâm mà ngay cả người Việt chúng ta cũng nên tìm hiểu kỹ lưỡng vì cũng có thể trong một tương lai gần Việt Nam cũng rơi vào hoàn cảnh như vậy.
Việc quân đội Ai Cập can thiệp và phế truất tổng thống hợp pháp Morsi là một hành động không dân chủ, tuy nhiên đây là việc đương nhiên phải đến sau các cuộc biểu tình của hàng triệu người dân phản đối ông Morsi. Một lần nữa quân đội Ai Cập đã đứng về phía người dân. Người chịu trách nhiệm lớn nhất vì sự đỗ vỡ này chắc chắn là tổng thống bị phế truất Morsi. Là những người hoạt động chính trị có tổ chức chúng tôi nhận thấy rằng ông Morsi đã thất bại, ngoài lý do mà ai cũng thấy được do sự bất tài về kinh tế, hứa hẹn quá nhiều nhưng không làm được bao nhiêu khiến những người từng ủng hộ ông cũng thất vọng về ông ta. Quan trọng hơn, đằng sau sự thất bại về kinh tế là một loạt sai lầm về “văn hóa chính trị” mà chúng tôi đã không ngừng nói đến suốt nhiều năm qua.
Một trong ba lập trường căn bản của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là “Dân Chủ Đa Nguyên”. Trong Dự Án Chính Trị Thành Công Thế Kỷ 21 chúng tôi đã vạch ra 5 đặc tính của dân chủ đa nguyên, mà đặc tính thứ tư là tôn trọng các thành phần thiểu số (trích): “Dân chủ đa nguyên kính trọng các thiểu số và luôn luôn mưu tìm thỏa hiệp. Trong một thể chế dân chủ đa nguyên, nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số không được sử dụng một cách tự động và máy móc mà chỉ được dùng tới sau khi đã tận dụng mọi cố gắng để tìm đồng thuận. Dân chủ đa nguyên chống lại mọi hình thức chuyên chính, kể cả chuyên chính của đa số”.
Ông Morsi đắc cử tổng thống với 51% phiếu bầu, đây là một chiến thắng mong manh, khi lực lượng dân chủ tiến bộ không có mặt trong cuộc bầu cử vòng hai mà chỉ có ông ta và một người thuộc chế độ cũ. Người dân bầu ông vì không còn sự lựa chọn khác, thế nhưng thay vì thỏa hiệp với các lực lượng chính trị để tìm sự đồng thuận cho quốc gia thì ông ta đã đưa người của tổ chức “Hồi Giáo Anh Em” vào nắm mọi vị trí quan trọng trong bộ máy chính phủ. Một nhà nước độc tài Hồi giáo manh nha xuất hiện. Điều này đã khiến người dân Ai Cập nổi giận.
Trong tài liệu học tập "Dẫn Nhập Văn Hóa Tổ Chức" ông Nguyễn Gia Kiểng cho rằng, có ba yếu tố nền tảng của sự chính đáng: Chính đáng thu hút, chính đáng tự nhiên và chính đáng dân chủ. Một sự chính đáng vững chắc phải ít nhiều tổng hợp cả ba yếu tố trên. Morsi được chọn qua bầu cử tự do, ông ta có sự chính đáng dân chủ và cứ tưởng như thế là đủ. Hơn nữa, chính đáng dân chủ lại phải luôn luôn kết hợp với uy tín, nếu không nó chỉ là hợp pháp chứ chưa phải là sự chính đáng thực sự. Morsi trong 6 tháng cuối cùng chỉ còn tính hợp pháp.
Sai lầm chính trị lớn nữa của ông Morsi là ông đã không hiểu rằng “Hòa Giải Dân Tộc” là một nhu cầu thường trực và là một triết lý chính trị. Dự Án Chính Trị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên viết: “Quốc gia nào, dân tộc nào cũng luôn luôn phải hòa giải với nhau vì các mối xung đột quyền lợi và căng thẳng luôn luôn xảy ra. Hòa giải đã trở thành triết lý điều hành quốc gia. Hòa giải là bắt buộc của mọi dân tộc dù ở trình độ nào và có lịch sử nào. Nhưng dân tộc Việt Nam là một trong những dân tộc cần hòa giải hơn cả”. Ai Cập cũng rất cần hòa giải dân tộc không kém gì Việt Nam nhưng ông Morsi không hiểu điều này, ông ta cư xử như là một đảng viên “Đảng Hồi Giáo Anh Em” (mà ông ta lại không phải là lãnh tụ) hơn là một tổng thống của mọi người Ai Cập (trong đó 15% là người Thiên Chúa Giáo, nắm ít nhất 1/3 trọng lượng kinh tế và văn hóa).
Sai lầm sau cùng và cũng là sai lầm lớn nhất của ông Morsi là ông ta thiếu “văn hóa chính trị”. Nhu cầu chính trị của Ai Cập là giã từ Hồi Giáo một cách hòa nhã như Châu Âu đã giã từ Thiên Chúa Giáo. Morsi lại muốn phục hồi vai trò chính trị của Hồi Giáo. Ông ta thiếu kiến thức chính trị một cách kinh ngạc! Việc áp đặt các giá trị của Hồi giáo lên đời sống chính trị Ai Cập sau khi ông đắc cử đã đi ngược lại nguyện vọng của những người đã tham gia vào cuộc “cách mạng hoa nhài”.
Tân chính phủ tại Ai Cập có nhiều việc phải làm trước mắt để đất nước tránh rơi vào hỗn loạn, trong đó việc hòa giải với Đảng Anh Em Hồi Giáo cần được thực hiện nhanh chóng. Cả hai bên đều phải đặt quyền lợi đất nước lên trên hết. Bản thân ông Morsi và lãnh đạo đảng Hồi Giáo Anh Em cũng vậy. Mọi sự cực đoan và cố chấp sẽ dẫn đất nước đến chia rẽ và hỗn loạn. Có lẽ cũng cần có thời gian để đảng Hồi Giáo Anh Em và những người ủng hộ họ hiểu rằng dân chủ là nhu cầu và mong muốn thực sự của đa số người dân Ai Cập. Cho dù trước mắt, tình hình Ai Cập vẫn còn nhiều trắc trở và lộn xộn nhưng với quyết tâm được sống như những con người văn minh, người dân Ai Cập sẽ biết phải làm gì để bảo vệ thành quả của “Mùa xuân Ả Rập”. Hơn nữa, tự do và dân chủ là thứ, khi đã biết, rất khó lòng từ bỏ.
Những gì đang xảy ra tại Ai Cập là bài học rất quan trọng cho phong trào dân chủ Việt Nam trong tương lai. Một lần nữa nó nhấn mạnh rằng: Đánh đổ một chế độ độc tài chỉ là điều kiện cần, không phải là điều kiện đủ. Thứ hai, muốn quốc gia vươn lên thì cần phải xây dựng một tổ chức chính trị có kiến thức và có khả năng quản lý quốc gia. Việt Nam đã trả giá rất đắt vì không quan tâm đúng mức đến những đòi hỏi này. Bao nhiêu xương máu của người dân đã đổ ra để chống phong kiến, thực dân, “Mỹ ngụy”, và cả cộng sản để rồi chúng ta có một Việt Nam như ngày nay. Ngay cả hiện tại, nhiều người cũng chỉ muốn đánh đổ chế độ đang cầm quyền mà không hề quan tâm đến việc xây dựng một lực lượng chính trị lương thiện và có khả năng lãnh đạo để đưa đất nước đi lên. Thậm chí có người cho rằng cứ đánh đổ cộng sản là tự nhiên ắt có dân chủ.
Trước sau gì thì làn sóng dân chủ cũng sẽ tràn tới Việt Nam, và để cuộc cách mạng dân chủ được thành công trọn vẹn thì những người Việt Nam yêu nước phải có sự chuẩn bị. Chúng tôi đồng ý với ông Nguyễn Gia Kiểng rằng có hai thứ không thể thiếu đó là: Xây dựng một tổ chức chính trị dân chủ và một dự án dân chủ.Giai đoạn chuyển tiếp có thể rất dài và những thiệt hại rất lớn nếu một giải pháp thay thế, bao gồm một lực lượng chính trị và một dự án chính trị, không xuất hiện nhanh chóng.
Việt Hoàng
(Thông luận)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét