Thân phụ nhà hoạt động dân chủ bị cầm tù Trần Huỳnh Duy Thức vừa gửi đơn kêu oan lần thứ 4 lên Chủ tịch nước Việt Nam.
Trong thư gửi tới BBC, ông Trần Văn Huỳnh viết đã bốn năm trôi qua kể từ ngày "con trai tôi bị bắt và giam cầm" vì tội Lật đổ theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
"Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa thấy hồi đáp hay động thái nào từ những người nhận. Ngược lại, trong vòng 10 tháng qua, Thức đã hai lần bị đưa vào biệt giam với lần gần đây nhất trong những điều kiện đối xử khắc nghiệt, đi ngược lại với pháp luật trong nước lẫn các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết."Ông Huỳnh cho biết trong năm 2011, ông đã có ba lần gửi đơn kêu oan lên Chủ tịch nước, lúc đó là ông Nguyễn Minh Triết. Bên cạnh đó ông cũng gửi đơn đề nghị giám đốc thẩm đến Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Quốc hội, Viện Trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao.
Ông Trần Huỳnh Duy Thức cùng một sỗ tù chính trị khác đang bị giam tại Trại giam Xuân Lộc, hay còn được gọi là Trại Z30A, của Bộ Công an.
Đơn kêu oan của ông Trần Văn Huỳnh, lần này gửi tới Chủ tịch Trương Tấn Sang, viết: "Từ tháng 8/2012 đến tháng 4/2013, Thức đã bị giam giữ riêng biệt trong một phòng nhỏ đóng kín cửa liên tục, chỉ trừ thời gian trại giam phát bữa ăn".
"Gần đây, trong liên tiếp 10 ngày từ 24/5 đến 2/6/2013, con tôi bị đưa vào biệt giam trong một buồng rất nhỏ chỉ 4m2, không có ánh sáng, rất dơ bẩn và tiềm ẩn nhiều mầm bệnh do nhiều năm không được lau dọn vệ sinh, mỗi ngày chỉ được 2 chén cơm trắng không có thức ăn và chỉ được 1 lít nước cho mọi nhu cầu ăn uống, sinh hoạt."
Gia đình ông Huỳnh cho rằng các điều kiện đối đãi như trên là "bất công, không nhân đạo, hạ thấp phẩm giá con người và vi phạm điều 5 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, điều 7 Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị cùng các quy định thuộc Quy chế Tổ chức trại giam (ban hành kèm Nghị định số 60-CP ngày 16-9-1993 của Chính phủ)".
Lá đơn cũng nói ngày 23/11/2012, một thông cáo của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Nhóm Công tác chống Giam giữ Tùy tiện (UNWGAD) đã kết luận rằng việc bỏ tù ông Trần Huỳnh Duy Thức và ba người khác trong cùng vụ án "là tùy tiện và vi phạm điều 9, 19 và 21 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam là một thành viên ký kết”.
Nhóm Công tác này đã "yêu cầu Việt Nam trao trả tự do cho 4 công dân trên và bồi thường cho họ".
Án oan sai
Đơn của ông Trần Văn Huỳnh "khẩn thiết kính mong Chủ tịch cứu xét lại vụ án, giải oan cho con tôi cùng các công dân Việt Nam đang chịu án oan sai khác đã có kết luận của Nhóm Công tác chống Giam giữ Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc (UNWGAD) để con tôi và những công dân có trách nhiệm với Tổ quốc khác sớm được đoàn tụ với gia đình và đóng góp sức mình cho sự phát triển bền vững và phồn vinh của đất nước".
"Con tôi bị đưa vào biệt giam trong một buồng rất nhỏ chỉ 4m2, không có ánh sáng, rất dơ bẩn và tiềm ẩn nhiều mầm bệnh do nhiều năm không được lau dọn vệ sinh, mỗi ngày chỉ được 2 chén cơm trắng không có thức ăn và chỉ được 1 lít nước cho mọi nhu cầu ăn uống, sinh hoạt."
Ông Trần Văn Huỳnh
Doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức ra tòa lần đầu hôm 20/01/2010, cùng các ông Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung và Lê Thăng Long trong vụ xét xử được cho là phản ánh thái độ không khoan nhượng của chính quyền Việt Nam trước các quan điểm chính trị đối kháng, nhất là trong thời gian trước khi diễn ra Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 11.
Các vị trên đều bị buộc tội Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự.
Ông Thức kiên quyết không nhận tội và lãnh bản án nặng nhất là 16 năm tù giam và 5 năm quản chế tại gia.
Tòa phúc thẩm hôm 11/05/2010 giữ nguyên bản án này.
Tới nay hai ông Lê Thăng Long và Lê Công Định đã được trả tự do, trong khi ông Thức và Nguyễn Tiến Trung vẫn còn đang thực hiện án tù.
Đi kèm với đơn, ông Trần Văn Huỳnh cũng gửi danh sách 10 người mà ông nói là "các công dân Việt Nam đang chịu án oan sai khác đã có kết luận của UNWGAD", trong đó có Linh mục Nguyễn Văn Lý và blogger Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày).
Tin cho hay ông Nguyễn Văn Hải đang tuyệt thực tới ngày thứ 27 trong tù.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét