Ngày 17/7, Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra cảnh báo nghiêm trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc: cải cách sớm hoặc đối mặt với sụp đổ kinh hoàng.
Trong một báo cáo được phát hành hôm 17/7, IMF khẳng định Trung Quốc đang phải đối mặt với nguy cơ ngày càng lớn về việc tăng trưởng GDP sẽ còn tiếp tục sụt giảm trong những tháng cuối năm nay.
Theo đó, IMF chỉ ra rằng các nguồn tín dụng phi truyền thống hay còn gọi là hệ thống ngân hàng bóng tối đang khiến nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt với nhiều rủi ro, trong đó có bong bóng bất động sản và gánh nặng nợ công tăng cao của chính quyền địa phương.
“Kể từ khi cuộc khủng hoảng toàn cầu xảy ra, các biện pháp tài chính nhằm kích thích đầu tư và tín dụng đã được Trung Quốc sử dụng rất tích cực. Tuy nhiên, mô hình phát triển không bền vững này đã ngày càng tạo ra nhiều lỗ hổng nghiêm trọng cho nền kinh tế Trung Quốc. Dù Trung Quốc có đang sở hữu những “tấm đệm” quan trọng để chống đỡ các cú sốc kinh tế thì tỷ suất lợi nhuận an toàn vẫn đang sụt giảm mạnh”, IMF nhấn mạnh.
Thực tế, trong khi lượng dự trữ ngoại tệ khổng lồ của Bắc Kinh có thể giúp nền kinh tế thứ 2 thế giới chống đỡ với những sự thay đổi đột ngột thì nó không thể xoa dịu sự bất mãn trong lòng người dân trước tệ nạn tham nhũng, thực trạng ô nhiễm trầm trọng và khoảng cách giàu nghèo ngày càng mở rộng.
Trong nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc chủ yếu dựa vào đồng tiền và nhân công giá rẻ cùng lượng lớn chi tiêu chính phủ đầu tư cho cở sở hạ tầng để đạt được mức tăng trưởng “nóng” 2 con số. Chính Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng thừa nhận sự tăng trưởng trên là không bền vững và cần thiết phải chuyển hướng nền kinh tế sang tập trung vào người tiêu dùng. Hiện nhu cầu tiêu dùng trong nước đang chiếm 30% tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc. Trong khi đó, con số này tại Mỹ là 70%.
Tỷ lệ tiêu dùng trong nước của Trung Quốc quý II/2013 đang ở mức tương đương với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, chi tiêu cho các tài sản hữu hình như đường xá, sân bay và các tòa nhà thương mại lại tăng lên đáng kể. Điều đáng nói là nhu cầu sử dụng đối với những mặt hàng này ở Trung Quốc lại không hề tăng lên. Hệ quả là rất nhiều con đường bị bỏ dở “không biết sẽ đi về đâu”, cùng với đó là vô vàn tòa trung tâm thương mại bị bỏ hoang vì khủng hoảng thừa.
Theo CBS News, đa phần các khoản vay của chính quyền địa phương ở Trung Quốc để phục vụ cho thanh toán các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mới. “Sự gia tăng chóng mặt của các khoản nợ này sẽ làm tăng nguy cơ mất cân đối ngân sách của các chính quyền địa phương”, IMF cảnh báo. Đầu tháng này, tờ Tân Hoa Xã đưa tin Ordos (Ngạc Nhĩ Đa Tư)- thành phố nổi tiếng của những tòa nhà chọc trời và các chung cư “ma”- đã phải vay tiền từ các công ty tư nhân để trả lương cho các quan chức địa phương.
Rõ ràng, chính lãnh đạo Trung Quốc cũng nhận thức được việc cần thiết phải tiến hành cải cách để giúp nền kinh tế nước này “né” được nguy cơ sụp đổ. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu các nhà chức trách Bắc Kinh sẽ thực hiện chính sách cải cách ngay bây giờ hay vẫn còn mải mê lập những kế hoạch cho dài hạn. Đến khi đó, e rằng đã là quá muộn để cứu vãn nền kinh tế thứ 2 thế giới vốn đang tiềm ẩn quá nhiều bất ổn.
Theo hãng tin Bloomberg, trong những tuần gần đây, Bắc Kinh dường như đã chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản tăng trưởng kinh tế chậm hơn và sẽ không có chuyện chính phủ đưa ra các gói kích thích kinh tế giống như đã từng làm tại thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008. “Điều chỉnh cơ cấu kinh tế là một quá trình hết sức “đau đớn” và suy thoái là cần thiết để đạt được mục tiêu chuyển đổi cơ cấu”, ông Lâu Kế Vĩ, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc khẳng định.
Tở The Street hôm 17/7 dẫn kết quả nghiên cứu mới nhất của BofA Merrill Lynch cho thấy các nhà quản lý tiền tệ trên toàn cầu đang ngày càng tỏ ra quan ngại về tình hình kinh tế Trung Quốc và rất ít nhà đầu tư dám mạo hiểm đặt cược vào trái phiếu nước này. Theo đó, 65% người được hỏi khẳng định nền kinh tế Trung Quốc đang ngày càng suy yếu, trong khi đó 56% ý kiến cho rằng kinh tế nước này sẽ vấp phải kịch bản “hạ cánh cứng”, cao hơn so với mức 30% của tháng 5/2013. Trái ngược với sự bi quan về kinh tế Trung Quốc, các nhà đầu tư toàn cầu tỏ ra khá lạc quan trước triển vọng phát triển của kinh tế Mỹ và Nhật Bản (chiếm khoảng 52% người được hỏi). Trong khi đó, phần lớn những người tham gia cuộc điều tra (83% người được hỏi) bày tỏ sự ủng hộ đồng đô la Mỹ so với các tiền tệ khác- mức ủng hộ cao nhất từ trước đến nay trong các cuộc điều tra của BofA Merrill Lynch.
(Sống mới)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét