Pages

Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2013

Việt Nam: ‘Được mùa’ văn bản luật sớm ‘chết’

Võ Thái Ngày 16/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã phải hủy bỏ ưu đãi cộng điểm thi đại học cho bà mẹ Việt Nam anh hùng mà bộ này đã ban hành trước đó 12 ngày.


Nhiều thí sinh ở vùng nông thôn, khó khăn nhưng không được cộng điểm, trong khi đó lại ra văn bản luật cộng điểm cho bà mẹ Việt Nam Anh hung - người không thể đi thi. (Võ Thái) (Credit: ABC)

Quy định ưu đãi điểm cho bà mẹ Việt Nam anh hùng là một trong hàng chục văn bản luật được các cơ quan nhà nước Việt Nam ban hành trong hai năm qua thể hiện sự vô lý, thiếu thực tế và không thực hiện được.



Ưu tiên cho thí sinh 80 tuổi

Theo Thông tư 24/2013/TT-BGDĐT ban hành ngày 4/7/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định bà mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945, người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng tám năm 1945 sẽ được cộng hai điểm ưu tiên khi thi vào các trường đại học, cao đẳng.
Bác sĩ Trần Quang Do, đang làm việc tại một bệnh viện ở TP.HCM nói ở Việt Nam chuyện ưu tiên cho những người có công với chế độ không có gì lạ. Tuy nhiên việc ưu tiên cộng thêm điểm thi vào đại học cho những đối tượng nếu không trở thành người thiên cổ thì cũng trên 80 tuổi là việc không thực tế và chẳng có ý nghĩa. Ra quy định máy móc kiểu này chỉ gây cười cho người khác. Các đối tượng này cần những ưu đãi khác hơn chứ không phải điểm để được đi học.
Trước phản ứng của dư luận, ông Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo), người đề xuất thông tư trên giải thích: Việc ưu đãi trên là để cụ thể hóa pháp lệnh về ưu đãi người có công và nghị định cộng điểm cho người có công. Và đây cũng là đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam.
Tuy nhiên, cuối cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã phải ra văn bản luật bãi bỏ sự ưu tiên không còn hợp lý này trước phản ứng của người dân.

‘Được mùa’ quy định sớm ‘chết’

Riêng Bộ Giáo dục và Đào tạo từ đầu năm đến nay đã kịp ban hành ba quy định gây sốc. Trước đó, bộ này đã ra thông tư yêu cầu người nắm bằng chứng vi phạm quy chế thi không được phát tán dưới bất kỳ cách nào. Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn 2998 gửi tới chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, theo đó chỉ đạo các cơ quan báo chí phải trao đổi kỹ với người có trách nhiệm trước khi cho đăng tải các thông tin nhạy cảm liên quan đến thi cử.
Vào tháng 8/2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cho ban hành Thông tư 33, quy định thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ bình thường chỉ được bán trong vòng 8 giờ kể từ khi giết mổ. Quy định này bị phản đối vì tính khả thi nên đã được nơi ban hành sau đó đã phải ký quyết định ngưng.
Đầu năm 2013, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã ra quy định người chết không được để trong quan tài có kính, quan chức không được có quá 7 vòng hoa… Trước việc can thiệp quá sâu vào văn hóa, tình cảm riêng tư của từng cá nhân, gia đình quy định này sau đó cũng phải bị thay đổi.
Không chỉ các bộ, ngành mà những văn bản luật không thực tiễn còn có ở cơ quan chính phủ. Nghị định 52/2012/NĐ-CP của chính phủ quy định sẽ xử phạt đến 5 triệu đồng nếu sử dụng điện thoại tại cây xăng. Tuy nhiên, việc áp dụng luật này là không thể và gần một năm nghị định này được ban hành vẫn chưa có ai bị xử phạt và người ta vẫn tiếp tục vi phạm.
Theo thống kê của trang Facebook Quehuong Keugoi, trong hai năm 2012 và 2013 đã có 96 nghị định, thông tư, quyết định, văn bản, phát ngôn có tính quy phạp pháp luật thiếu thực tế, khó triển khai hoặc đã phải rút lại.
Chỉ trong năm 2012, Bộ Tư pháp đã thẩm tra và phát hiện có 10.039 văn bản luật của các bộ, ngành, địa phương có dấu hiệu không đảm bảo tính hợp pháp. Trong đó có 1.394 văn bản quy phạm pháp luật chưa đảm bảo tính hợp pháp.

Do đâu có quy định ‘trên trời’

Luật sư Phạm Thanh Bình, đoàn luật sư thành phố Hà Nội, giải thích về những văn bản luật không khả thi: Do sự thiếu hiểu biết, kiến thức thực tế, chỉ ngồi trong phòng máy lạnh của người soạn thảo, người ký ban hành. Xây dựng, ban hành văn bản luật chạy theo chỉ tiêu và có khi còn xuất phát từ lợi ích cục bộ, không quan tâm đến tính phổ quát và khả năng thực hiện.
Trong khi đó luật gia Vũ Xuân Tiền, Hội luật gia Hà Nội, cho rằng một trong những nguyên nhân khiến các văn bản luật sớm ‘chết’ do việc lấy ý kiến không được thực hiện nghiêm túc. Ban soạn thảo không hoặc ít chú ý đến thực tiễn, tác động của văn bản luật khi áp dụng vào cuộc sống. Nhiều người soạn văn bản luật đặt mình vào vị trí áp đặt ý chí chủ quan ở vai trò kiểm tra, giám sát hoạt động của công dân mà không thực sự lắng nghe dân.
Hệ quả của những quy định pháp luật thiếu thực tế này dẫn đến người dân mất niềm tin vào hệ thống luật pháp, giảm uy tín của các cơ quan công quyền và ‘nhờn luật’ của người dân. Tuy nhiên, vẫn chưa có quan chức nào soạn thảo, đặt bút ký ban hành văn bản pháp quy sai, phải sửa đổi, rút lại chịu kỷ luật./ABC

Không có nhận xét nào: