Pages

Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2013

Lý do blogger Điếu Cày tuyệt thực


Con trai blogger Điếu Cày, tức ông Nguyễn Văn Hải, nói ông tuyệt thực để đòi chính quyền giải quyết đơn khiếu nại về quyết định biệt giam.
Ông Nguyễn Văn Hải hiện đã tuyệt thực sang ngày thứ 29 và ở trong tình trạng 'rất yếu'.

Anh cho BBC hay ông Hải tuyệt thực là để phản đối việc Viện Kiểm sát Nhân dân Nghệ An không giải quyết đơn khiếu nại của ông. Lý do khiếu nại là ông Nguyễn Văn Hải bị 'quản lý trại giam ép ký vào một bản nhận tội và khi ông không ký thì bị quyết định biệt giam ba tháng".
Con trai ông Hải, anh Nguyễn Trí Dũng, vừa có cuộc tiếp xúc kéo dài chưa đầy 5 phút với cha mình hôm thứ Bảy 20/7 tại trại giam số 6, xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

"Quyết định như vậy là hoàn toàn trái pháp luật," anh Nguyễn Trí Dũng nói.
Theo anh, chỉ có thể biệt giam nếu tù nhân bị tâm thần, bị bệnh truyền nhiễm hay vi phạm kỷ luật nhiều lần; mà cả ba lý do đó ông Hải đều không phạm phải.
Con trai ông cho biết ông Hải sẽ chỉ ngừng tuyệt thực khi chính quyền giải quyết đơn khiếu nại của ông.

Chờ đợi lâu

Anh Nguyễn Trí Dũng nói với BBC từ Sài Gòn rằng sau một thời gian chờ đợi rất lâu anh và mẹ anh, bà Dương Thị Tân, mới đước phép vào trại thăm ông.
"Thế nhưng chỉ em được gặp cha, còn mẹ em bị tách riêng ra."
Anh Dũng mô tả cha mình rất yếu, không đứng dậy vẫy tay chào con như mọi lần, mà phải chống tay lên bàn mới ngẩng đầu lên nói chuyện được.
"Trí óc cha em vẫn rất minh mẫn, có điều sức yếu nên không nói dõng dạc được."
"Da cha em cũng rất xanh, ngả sang màu tím, chứng tỏ sức khỏe rất đáng lo ngại."
Hồi tháng 9/2012, ông Nguyễn Văn Hải bị xử 12 năm tù giam vì tội Tuyên truyền chống Nhà nước XHCN theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự.
Phiên phúc thẩm tháng 12/2012 giữ nguyên bản án này.
Trước đây, ông đã phải chịu án 30 tháng tù vì tội Trốn thuế và vẫn bị giam từ khi mãn hạn tháng 10/2010.
Chính phủ một số nước phương Tây và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế đã bày tỏ quan ngại trước bản án đối với ông Nguyễn Văn Hải cũng như những nhà hoạt động ở Việt Nam vốn chỉ bày tỏ quan điểm của mình một cách ôn hòa.

Không có nhận xét nào: