Pages

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

Rủi ro khi làm ăn với Trung Quốc : Tập đoàn GSK gặp gian truân

Xưởng bào chế dược phẩm GlaxoSmithKline tại Thượng Hải - REUTERS
Trọng Nghĩa
Vào đầu tháng Bẩy này, chính quyền Trung Quốc cho biết là đã mở điều tra về các thông tin theo đó trong những năm vừa qua, tập đoàn dược phẩm Anh Quốc GSK đã tung tiền hối lộ để tăng lượng sản phẩm bán trên thị trường Trung Quốc. Tập đoàn này bị cáo buộc đã chi ra đến 500 triệu đô la tiền hối lộ.

Bốn giám đốc điều hành người Trung Quốc của GSK đã bị bắt, còn Giám đốc tài chính của GSK tại Trung Quốc đã bị cấm rời khỏi đất nước. Giới phân tịch được AFP hôm nay trích dẫn đã cho rằng vụ GSK là lời nhắc nhở các công ty nước ngoài về sự nguy hiểm họ phải đối mặt khi họ tìm cách vươn lên trên thị trường Trung Quốc.
Ông Ben Cavender, chuyên gia phân tích tại văn phòng tư vấn China Market Research Group nhận định là tập đoàn GSK không tồi tệ hơn các tập đoàn khác, nhưng có điều là trong trường hợp GSK, những tiết lộ của một « cảnh báo viên » đã khiến cho không ai có thể nhắm mắt trên các hành vi của họ.
Thật vậy, các hành vi hối lộ của GSK tại Trung Quốc đã từng được nhật báo Mỹ Wall Street Journal gợi lên hồi đầu năm nay, trich dẫn một nguồn tin xin ẩn danh. Vào khi ấy GSK đã khăng khăng phủ nhận cáo buộc này.
Theo cảnh sát Trung Quốc, các nhân viên của GSK đã rót tiền cho các quan chức, các công ty dược phẩm khác, cũng như cho các bệnh viện và giới bác sĩ, đặc biệt là thông qua các công ty du lịch.
Chính phủ Trung Quốc đã cực lực lên án các hành vi tham nhũng trong giới kinh doanh, dưới bất kỳ hình thức nào. Theo phát ngôn viên của Bộ Thương mại Trung Quốc thì bất kỳ doanh nghiệp nào, dù đó là doanh nghiệp Trung Quốc hay nước ngoài, đều sẽ bị trừng phạt theo pháp luật nếu phạm tội.
Thế nhưng, do sự thiếu minh bạch của hệ thống y tế Trung Quốc và thu nhập ít ỏi của các bác sĩ, giới phân tích cho rằng GSK không phải tập đoàn duy nhất phải hối lộ. Nhật báo Mỹ The New York Times gần đây đã tiết lộ sự kiện nhiều công ty dược phẩm quốc tế khác cung đã sử dụng dịch vụ của công ty du lịch chủ chốt dính líu đến vụ GSK.
Cảnh sát Trung Quốc cũng đã thẩm vấn ba nhân viên của AstraZeneca, một viện bào chế lớn của Anh, và đã khám soát văn phòng tập đoàn UCB của Bỉ. Hai doanh nghiệp này đã xác nhận tin trên, nhưng không cho biết lý do tại sao họ đã trở thành đối tượng bị truy xét.
Tuy nhiên, vào đầu tháng Bảy, nhà chức trách Trung Quốc đã loan báo ý định điều tra 60 công ty dược phẩm có mặt tại Trung Quốc để kiểm soát giá cả mà các công ty này quy định.
Không riêng gì trong lãnh vực dược phẩm. Một cuộc điều tra khác của Ủy ban Nhà nước về Phát triển và Cải cách đang nhắm vào giới sản xuất sữa bột trẻ em, trong đó có cả hai tập đoàn Danone của Pháp và Nestlé của Thụy Sĩ. Họ bị tình nghi thông đồng với nhau để áp dặt giá bán.
Trường hợp tập đoàn GSK đã gợi lại những tai họa đã đổ ập xuống tập đoàn khoáng sản khổng lồ Anh-Úc Rio Tinto năm 2010, khi bốn nhân viên của họ đã bị giam giữ về tội nhận hối lộ của các nhà sản xuất thép Trung Quốc.
Từ khi bắt đầu cải cách kinh tế vào năm 1978 đến nay, Trung Quốc đã nhận được hơn 1.300 tỷ đồng đầu tư nước ngoài. Thế nhưng các công ty ngoại quốc thường xuyên phàn nàn rằng họ không được cạnh tranh bình đẳng với các đối thủ Trung Quốc. Phòng Thương mại Mỹ ở Trung Quốc nhận định : « Trung Quốc (...) đang dần dần trở lại chính sách thiên vị các doanh nghiệp Nhà nước và các đại công ty trong nước ».
Dẫu sao thì cho đến giờ, thị trường thuốc tây và sữa bột Trung Quốc vẫn là món bở đối với các hãng ngoại quốc. Lý do là vì sau vụ tai tiếng sữa bột Trung Quốc bị nhiễm melamine, đã giết hại sáu trẻ sơ sinh vào năm 2008, sữa nội địa bị tẩy chay trong lúc sữa ngoại được ưa chuộng hơn vì được coi là an toàn hơn.
Cũng như vậy, các loại thuốc ngoại nhập được coi là tốt hơn so với thuốc sản xuất tại Trung Quốc, đặc biệt sau nhiều vụ bê bối trong ngành dược phẩm. Vào năm 2007 chẳng hạn, người đứng đầu cơ quan quản lý dược phẩm của Trung Quốc đã bị xử tử hình về tội nhận hối lộ để đổi lưu hành nhanh chóng các sản phẩm.
Do vậy, giới quan sát cho rằng, bất chấp các rủi ro, các tập đoàn nước ngoài vẫn tìm cách chen chân vào Trung Quốc vì đó là một thị trường to lớn mà không ai có thể lơ là.

Không có nhận xét nào: