Kể từ giữa tháng 4 cho đến cuối tháng 6 năm nay, vàng đã mất giá đến 17% và vào ngày 27/6 gíá vàng đã chạm mức 1.186 USD/ounce, mức thấp nhất trong vòng 30 tháng qua.
Nhiều người tranh thủ lúc vàng đang mất giá đã mua để cất giữ |
Ngân hàng Thụy Sĩ UBS – một ngân hàng rất uy tín trong lĩnh vực kinh doanh vàng trên toàn thế giới – dự kiến năm 2013 giá vàng sẽ giảm đến 23%. Trong xu hướng này, UBS cũng đã điều chỉnh dự báo của họ về giá vàng trong hai năm 2014 và 2015, theo đó giá vàng năm 2014 chỉ còn 1.325 USD/ounce và đến năm 2015 giá vàng có thể chạm đáy 1.200 USD/ounce. (Một ounce vàng tương đương 31,1 gram, trong khi một lượng (lạng) vàng tương đương 37,5 gram).
Vàng lao dốc?
Như vậy, những tiên đoán của các chuyên gia kinh tế vào đầu năm 2013 rằng một sự hồi phục của nền kinh tế thế giới sẽ đưa đến sự sụp đổ giá vàng nay đã dần trở nên hiện thực, nhất là sau khi Ben Bernanke, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ, tuyên bố cắt giảm 85 tỉ USD mỗi tháng trong kế hoạch mua công trái của Chính phủ Mỹ, một động thái cho thấy chính sách tiền tệ sẽ bớt nới lỏng hơn, đồng thời cho biết có thể tăng nhẹ lãi suất đồng USD khi tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ xuống dưới 7%.
Đang có những tín hiệu cho thấy thị trường chứng khoán Mỹ mạnh mẽ hơn, trong khi lãi suất công trái Mỹ đang tăng.
Nhưng liệu giá vàng sẽ chỉ rơi xuống mức 1.200 USD/ounce trong năm 2015 như UBS dự báo? Kinh nghiệm thị trường cho thấy rằng kỳ vọng về sự xuống giá của một loại sản phẩm được đầu cơ luôn tạo ra một áp lực tâm lý cộng hưởng bầy đàn lây lan rất nhanh trên thị trường, khiến cho áp lực đẩy giá xuống sẽ trở nên mạnh hơn và phi lý hơn.
Nếu điều đó xảy ra, không loại trừ kịch bản giá vàng thế giới có thể tiến gần sát với giá thành sản xuất của nó, tức khoảng 1.000 USD/ounce. Đâu đó đã có những lời khuyên được truyền tai trong giới kinh doanh vàng quốc tế rằng mọi người nên sớm tỉnh giấc mơ vàng.
Người chậm chân có thể lâm vào hoàn cảnh trớ trêu “kẻ ăn ốc, người đổ vỏ” và phá sản như chơi. Donald Selkin, người giúp quản lý 3 tỉ USD tài sản với tư cách chiến lược gia thị trường của National Securities Corp. tại New York trong tuần qua đã trả lời Bloomberg News rằng:
“Người ta đã nhận thức rằng vàng đã không còn được cần đến như một nơi trú ẩn an toàn nữa. Lạm phát đã chấm dứt, mọi người đang nhìn về thị trường chứng khoán và đang ngây ngất. Và họ tự hỏi: Mình cần vàng để làm gì đây?”.
Thị trường vàng Việt Nam: thực và ảo
Nhưng tại thị trường vàng Việt Nam, mọi người vẫn đang chậm chân một cách khó hiểu. Vào cuối tháng 6 vừa qua, khi giá vàng thế giới đang trên đà giảm mạnh, người dân tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vẫn chen chân mua vàng bất chấp mức giá chênh lệch trên 6 triệu đồng mỗi lượng so với giá vàng thế giới (tương đương 24%), khi nghe tin tỷ giá đồng bạc Việt Nam được chính thức điều chỉnh giảm 1% so với đồng đôla Mỹ.
Sự tuột dốc của giá vàng thế giới đang làm lộ rõ những nhược điểm của thị trường vàng Việt Nam, những nhược điểm gây thiệt đơn thiệt kép cho cả người tiêu dùng lẫn nền kinh tế.
Trên tiến trình phát triển kinh tế và khi thu nhập của người dân thành thị tăng lên nhanh chóng, nhu cầu vàng trong nước gia tăng liên tục và trở nên ảo. Gọi là ảo vì người ta không cần vàng để phục vụ nhu cầu có thực như trang sức hay nguyên liệu trong công nghiệp mà chủ yếu làm nơi trú ẩn giá trị.
Nhưng để thỏa mãn nhu cầu ảo này, nước ta đã bỏ ra gần 30 tỉ USD để nhập khẩu hàng trăm tấn vàng trong hai thập niên qua, biến Việt Nam thành nước có tỷ lệ dự trữ vàng trong dân so với GDP thuộc vào hàng cao nhất thế giới (29%).
Không phải là không có lý do mà nhiều chuyên gia kinh tế đã cảnh báo từ lâu về các tác hại của tình trạng vàng hóa nền kinh tế Việt Nam khiến nguồn vốn tiết kiệm được của toàn nền kinh tế đã và đang bị “đông cứng” dần.
Khi nguồn vốn khả dụng trong nước cần thiết cho đầu tư phát triển ngày càng suy yếu theo tốc độ vàng hóa ngày càng tăng, nền kinh tế ngày càng tùy thuộc nhiều hơn vào ngoại lực, nợ nước ngoài gia tăng.
Và một khi ngoại lực suy giảm do ảnh hưởng chung của suy thoái toàn cầu, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế nước ta buộc phải chững lại. Những năm vừa qua đã kiểm chứng thực tế này. Hơn nữa, khi nhu cầu ảo về vàng trong nước tăng lên mạnh, giá vàng trong nước cũng tăng lên theo kiểu bong bóng.
Điều này khiến cho mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới có xu hướng dãn rộng ra. Hiện tượng này gây thiệt thòi không nhỏ cho người tiêu dùng Việt Nam và càng làm cho nghiệp vụ kinh doanh vàng miếng tại Việt Nam trở nên quá béo bở.
Huy động vàng: bài học đắt giá
Một nước đang phát triển, cần vốn đầu tư lại có xu hướng vàng hóa nguồn tiết kiệm trong dân của mình là một nghịch lý khó thể chấp nhận. Nhưng đề xuất huy động nguồn vốn vàng trong dân vào hệ thống ngân hàng và kinh doanh nó như một đồng bạc thứ hai, không những không phải là giải pháp đúng mà còn khiến cho vấn đề trở nên phức tạp hơn, gây rủi ro lớn cho các ngân hàng.
Có một khác biệt giữa huy động tiền đồng và huy động vàng mà ít ai quan tâm, một khác biệt mang tính nguyên tắc, vốn là cơ sở cho sự an toàn về thanh khoản của toàn hệ thống ngân hàng thương mại.
Đó là Ngân hàng Trung ương khi thực hiện vai trò người cho vay ở giai đoạn cuối nhằm hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng thương mại những khi cấp bách, chỉ có thể phát hành tiền giấy chứ không thể phát hành vàng.
Trong thời gian qua, các ngân hàng thương mại huy động vàng trong dân (ước lượng lên đến 160 tấn) rồi bán ra và dùng nguồn vốn đó vào những mục đích kinh doanh khác nhau nhưng đều chịu lỗ lã nặng nề do giá vàng quốc tế biến động khó lường.
Hậu quả là các ngân hàng thương mại đều lâm vào tình trạng khiếm hụt thanh khoản vàng, không đủ vàng để hoàn trả cho người gởi vàng theo cam kết ban đầu và không thể tự lo cân đối trạng thái vàng do những quy định hạn chế gần đây.
Do vậy, chỉ riêng trong vài tháng đầu năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã phải nhập khẩu và bán ra trên thị trường nội địa gần 40 tấn vàng, chủ yếu nhằm giúp các ngân hàng thương mại cân đối trạng thái vàng. Công tác “cứu trợ khẩn cấp” này khiến phải tiêu tốn hàng tỉ USD ngoại tệ dự trữ quốc gia.
Đây chắc hẳn là một bài học kinh nghiệm đắt giá cho việc huy động tiền gởi vàng. Chi phí phải trả cho việc bảo đảm uy tín cho các ngân hàng là quá lớn so với chi phí in ấn tiền đồng. Đó cũng sẽ là một bài học cần rút ra cho việc huy động tiền gởi ngoại tệ.
Cần sớm chấm dứt hiện tượng vàng hóa
Tình trạng vàng hóa hiện nay nguy hiểm hơn cách đây nhiều năm. Trước đây, vàng còn được sử dụng như một phương tiện thanh toán cho những loại hàng hóa có giá trị cao, như nhà đất, xe cộ. Khi thực hiện chức năng thanh toán, ít ra vàng còn có chút hữu dụng cho sự vận hành và phát triển của nền kinh tế.
Ngày nay, khi đồng bạc đã đủ sức đảm đương trọn vẹn chức năng thanh toán, vàng chỉ là một nơi trú ẩn an toàn cho tài sản của những thành viên được ưu đãi hơn trong xã hội, làm nới rộng hơn khoảng cách giàu nghèo. Đối với đồng bạc, vàng không còn là một người bạn đồng hành mà trở thành một sát thủ.
Một chính sách về vàng đúng đắn phải đảo ngược thành công tiến trình vàng hóa, bằng cách tạo nên những động cơ kinh tế mạnh mẽ, hấp dẫn người dân sẵn sàng bán số vàng dự trữ lấy tiền đồng mang đầu tư hay chí ít là gởi ngân hàng. Mong ước là thế nhưng kết quả hoàn toàn ngược lại.
Cho dù có sự sắp xếp lại và hạn chế sản xuất vàng miếng, có việc chọn lựa thương hiệu vàng miếng chính thức duy nhất… nhưng tất cả những động thái đó vẫn không làm giảm sụt khối lượng dự trữ vàng miếng trong dân, không làm giảm sụt khối lượng vàng miếng nhập khẩu.
Nhu cầu vàng ảo vẫn được thỏa mãn và đặc biệt trong thời gian nhá nhem này, trước triển vọng siết chặt kinh doanh vàng miếng trong một tương lai gần, nhu cầu ảo lại càng gia tăng, nhất là khi kỳ vọng giá vàng tăng vẫn là kỳ vọng chung của cả giới kinh doanh vàng lẫn người tiêu dùng và nhà đầu cơ vàng trong nước.
Sự lao dốc của giá vàng thế giới hiện nay có thể làm bong bóng giá vàng trong nước tan vỡ và điều đó có thể là cơ hội lớn để nền kinh tế nước ta chấm dứt nhu cầu ảo về vàng. Khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới sẽ thu hẹp lại theo quy luật thị trường. Nhiều khả năng chúng ta cũng sẽ chứng kiến một điều đảo ngược khác, tích cực hơn.
Để bình ổn giá vàng trong nước, Ngân hàng Nhà nước sẽ đứng ra mua lại số vàng trong dân để củng cố dự trữ ngoại hối quốc gia. Đảo ngược được tiến trình vàng hóa của nền kinh tế sẽ là một điều đáng mơước, một sứ mệnh tuy khó khăn nhưng vẫn có thể khả thi với điều kiện mọi người chúng ta cùng tỉnh giấc mơ vàng, cùng nhau biến số tiết kiệm khổng lồ đang bị bất động thành nguồn lợi hữu dụng và hiệu quả không những cho bản thân mà còn cho nền kinh tế đất nước.
HUỲNH BỬU SƠN
(DNSGCT)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét